07/08/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

639
Chúa Nhật XIX thường niên năm C

Chúa nhật 19 Thường niên-C

Ngày 07-08-2016

 

Bố thí và tỉnh thức

Lc 12, 32-48

1.   Ngữ cảnh

Bài Tin Mừng hôm nay nối tiếp bài tuần trước. Trình tự được sắp xếp như sau:

-  Có người xin với Chúa làm “thẩm phán” để chia gia tài cho họ. Chúa dạy bài học: đừng lo thu tích của cải đời này mà đánh mất sự sống đời sau.

-  Cũng chủ đề về của cải, Chúa nói tiếp cần phải: tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, vì nếu Ngài chăm sóc cho chim trời, cây cỏ, lẽ nào không chăm sóc các con yêu quý của mình?

-  Hôm nay, Tin Mừng chia làm hai phần: Đức Giêsu mời gọi bố thí, và cảnh báo hãy chuẩn bị tâm hồn cho sẵn sàng, để ngày giờ Chúa đến không làm chúng ta ngỡ ngàng. Nhưng trước khi đi vào hai đề tài chính, Chúa trấn an các môn đệ và gọi bằng những ngôn từ thân thương đoàn chiên bé nhỏ. Dù bé nhỏ nhưng đừng sợ vì có Chúa ở cùng.

2.   Nội dung

Câu cuối cùng của lời mời gọi tin vào Thiên Chúa quan phòng, cũng là câu mở đầu cho bài Tin Mừng hôm nay:

Hỡi anh em là đoàn chiên bé nhỏ: Luca có cách hành văn song đối và ta thấy ở đây hình ảnh đối lập giữa đàn chiên bé nhỏ là các môn đệ, và những người “khôn ngoan thông thái”.

Các môn đệ nhỏ cả về số lượng (nhóm mười hai) cả về chỗ đứng trong xã hội (là những người chài lưới, bình dân), cả về tri thức (nhiều lúc Chúa nói mà các ông không hay, không hiểu, giải thích nhiều lần cũng chẳng thông và thậm chí là những người “không học hành gì”), quả là nhỏ bé! Nhưng Chúa lại ban cho những người “nhỏ bé” này biết một mầu nhiệm cao cả, đó là mặc khải về chính Chúa và mầu nhiệm Nước Trời, là mầu nhiệm cao cả mà những người khôn ngoan và thông thái mong ước mà không được biết (x. Lc 10,21). Chúa Cha vui lòng ban Nước Trời cho các ông, đó là một hồng ân cao cả mà những con người “nhỏ bé” được hưởng.

Ngay sau đó Chúa đổi đề tài và nói về việc bố thí, vậy phải bố thí như thế nào và tại sao?

                  Bán của cải mà bố thí

Bố thí hay làm phúc, là ban phát cách rộng rãi, không điều kiện, không cần trả ơn và chia sẻ không phân biệt, giúp tha nhân của cải vật chất hay tinh thần vì lòng bác ái. Nhưng bố thí để làm gì? Chúa không nói chúng ta sống khốn khổ bần cùng, không hợp với nhân phẩm, nhưng điều Ngài nhấn mạnh là sự chia sẻ. Người nào cũng có để cho đi.

Đòi hỏi của Chúa rất cao, không phải chỉ bố thí những gì dư thừa, mà ngay cái mình đang có và đang cần cũng bán đi để bố thí. Nghĩa là:

-         Bắt chước Thiên Chúa thực hiện những điều tốt lành cho người khác(x. Lv 19,9);

-         Nhờ việc này, người bố thí được Chúa thưởng công và tha thứ lỗi lầm (x. Tb 4,7);

-         Của lễ dâng lên Thiên Chúa (Hc 35, 2).

Hơn nữa bán của cải đời này để mua sắm kho tàng trên trời, để trở nên giàu có trước mặt Chúa, như người dùng tiền của gian dối mà mua bạn bè, điều này không phải là “hối lộ” theo nghĩa luân lý, nhưng là biết dùng của cải chóng qua để làm việc thiện, để giúp đỡ, để cho đi, và như vậy là ta đang làm giàu cho kho tàng của ta ở trên trời.

Của anh em ở đâu, lòng anh em ở đó. Đây là câu nói đúc kết từ kinh nghiệm thực tế. Người Việt Nam nói: đồng tiền đi liền khúc ruột. Có người mất ăn mất ngủ chỉ vì lúc  nào cũng để tâm trí vào chỗ để của cải và lo lắng giữ cho những của đó được an toàn. Chúa không muốn chúng ta mất công tốn sức vào những chuyện không bảo đảm hạnh phúc đời này cũng như đời sau. Hơn nữa, nếu ta đặt kho tàng của ta (mọi thứ chi phối cuộc đời ta) ở trên trời thì lòng trí ta cũng hướng về trời. Nếu để tâm đến việc tìm kiếm Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài, thì chắc chắn chúng ta đang để lòng trí chúng ta bên Chúa (trên trời).

Sau khi kêu gọi bố thí, Chúa nói tiếp:

             Hãy tỉnh thức và sẵn sàng

Tỉnh thức không phải là không ngủ, bằng chứng là các cô trinh nữ khi chờ chú rể đến, cả mười cô đều ngủ, nhưng có năm cô “ngủ” mà vẫn “thức”, đó là các cô đã chuẩn bị sẵn sàng dầu đèn, để bất cứ lúc nào cần là các cô lên đường. Vậy tỉnh thức là:

-       luôn ở trong tâm thế sẵn sàng đón chờ ngày Chúa quang lâm trở lại, chu toàn những trách nhiệm của mình, như người đầy tớ trung thành và khôn ngoan chờ chủ về trong đêm (x. Mc 13, 33-37);

-       cảnh giác trước những cạm bẫy, cám dỗ trong cuộc sống, thánh Phaolo cảnh báo là tỉnh thức và sống tiết độ (1 Tx 5,6). Tránh cho mình khỏi những lây nhiễm thói xấu của thế gian, cần tỉnh thức vì ma quỷ như sư tử luôn rảo quanh tìm mồi cắn xé (1 Pr  5, 8).

Hãy thắt lưng cho gọn:

-       đây là cách trang phục của người Dothái khi làm việc (thắt lưng hầu bàn, x. Lc 17,8).

-       người lữ hành cũng làm như vậy và người Dothái dùng kiểu trang phục này để cử hành lễ Vượt Qua (xh 12,11),

-       tỏ lòng mong đợi Đấng Messia.

Người trong tư thế làm việc, tư thế của lữ hành đang tiến về cùng đích tối hậu, đó là mục đích của người Kitô hữu, đó là tiến về Nước Trời, là đến cùng Đức Kitô. Mong đợi Đấng Messie là mong đợi Chúa đến lần thứ hai trong ngày chung thẩm.

Cầm đèn cho sáng: ai cũng có cây đèn trong tay (Chúa trao cho những nén bạc, những tài năng, cơ hội...), vấn đề là đèn đó có thắp sáng được không? Đèn để soi sáng hay chỉ để trang trí? Chúa nói đèn phải sáng. Đèn sáng là gì?

-         Là tâm thế sẵn sàng đón Chúa với đức tin vững vàng, đức cậy và lòng mến sắt son,

-         Là yêu thương và giúp đỡ người đồng loại,

-         Là ở với Chúa và để Chúa ở trong nhà mình...

Hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về: tác giả không miêu tả về tiệc cưới, chỉ muốn nói đó là thời điểm khuya khoắt, thời bất ngờ, không ai đoán trước được. Dù ngủ, dù đêm nhưng để đèn sáng là đèn có dầu và khi cần là thắp sáng được.

Ông  Phêrô hỏi xem Chúa kể dụ ngôn phải sẵn sàng như người đợi chờ chủ về đó nhằm đối tượng nào, cho riêng các môn đệ hay cho mọi người? Đây là câu hỏi chỉ có Lc kể, câu trả lời là cho mọi người (cc. 35-40) và cho riêng các môn đệ (cc. 42-48) là những người có trách nhiệm trông coi người khác.

Tóm lại; cần sẵn sàng trong mọi nơi, mọi lúc và mọi người đều phải làm điều đó.

3.   Suy niệm

-  Bố thí cách rộng rãi và vui vẻ: đó là lời khuyên dạy những người làm phúc cho người khác. Điều quan trọng không phải là cho gì mà là cho như thế nào. Cho cách rộng rãi là không tính có ngày sẽ được trả lại, hay người nhận phải mang ơn. Cho cách vui vẻ là không miễn cưỡng, không làm để được người đời khen ngợi hay vì ép buộc. Cho cách vui vẻ vì chúng ta đều là người lãnh nhận và chịu ơn Thiên Chúa. Lãnh nhận từ Chúa, tại sao ta lại không dám chia sẻ cho nhau?

-  Tỉnh thức: lời mời gọi này luôn lặp lại, đôi khi tưởng mình thức nhưng thực sự ta đang ngủ, ngủ trong chiến thắng của riêng mình mà quên vươn lên, ngủ trong sự kiêu hãnh của mình mà quên rằng tất cả các ân huệ Chúa ban, ngủ trong sự ích kỉ của mình và chẳng bao giờ quan tâm đến người khác, ngủ trong tội lụy và tưởng rằng đời người chỉ dừng lại ở những thú vui trần thế, ngủ trong sự chai cứng của tâm hôn, chẳng “kính sợ Chúa cũng chẳng kiêng nể người ta”...có nhiều thứ ru ngủ chúng ta. Xin Chúa cho mỗi người biết tỉnh thức, biết sống đẹp lòng Chúa và sống chan hòa, giúp đỡ nhau.

-  Sẵn sàng: ngồi chờ Chúa đến, chờ ngày tận thế mà chẳng làm gì là điều mà thánh Phaolo lên án, chúng ta sẵn sàng bằng cách luôn luôn làm bổn phận cách tròn đầy, thi hành bác ái cách hân hoan, yêu thương cách chân thành, cho đi cách quảng đại, nhận lãnh với tất cả lòng biết ơn....đó là chúng ta đang sẵn sàng chờ Chúa đến. Mong sao mỗi chúng ta mong chờ Chúa như lời Thánh Vịnh: Như nai rừng mong  mỏi, tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong, được gần Ngài, Lạy Chúa!

 

Nt. Catarina Thùy Dung

114.864864865135.135135135250