12/07/2020 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

493
Hạt giống và các loại đất (John Trần Khả)

Cha xứ mới về và đi dạo quanh khuôn viên nhà thờ thấy một chú bé đang một mình chơi ở  sân cỏ của nhà thờ.
Cha hỏi, “Nhà con ở gần đây hả?”
Cậu bé trả lời, “Dạ nhà con ở góc đường kia kìa. Họ cho con đến đây để sống với gia đình cô của con.”
“Ba con đâu?”
“Dạ ba con đang ở nhà tù.”
Cha hỏi, “Vậy thì mẹ con đâu?”
“Dạ mẹ con bỏ đi với một người đàn ông khác rồi.”
“Con có anh chị không?”
“Dạ có, chị con cũng đang ở trong tù.”
“Vậy còn anh con đâu?”
“Dạ anh con đang ở trường Đại Học Harvard.”

Cha thở nhẹ nói như an ủi, “Phải vậy chứ. Ít nhất thì gia đình con cũng còn có một người có tương lai tốt. Vậy anh con đang học ngành gì ở đại học Harvard?”

Cậu bé trả lời, “Dạ chẳng học gì hết. Người ta đang chọc anh con. Các bác sĩ tâm thần đang theo dõi tìm hiểu cái chứng khùng khùng điên của anh con ạ.”

Có người viết thư hỏi mục Dear Abby, “Thưa bà Abby, ngày 11 tháng Tư bà hỏi các độc giả của bà nhận định xem nước Mỹ đang làm những gì đúng. Chắc là bà đã nhận được rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi đó. Tôi hy vọng bà cho phép tôi đóng góp thêm một câu trả lời nữa. Ở quận Cam tiểu bang California của chúng tôi có khoảng 5 ngàn tổ chức tình nguyện giúp đỡ hầu như mọi thứ từ nghệ thuật đến các sở chăm sóc thú vật. Hàng ngàn người đóng góp thời giờ và tiền của để giúp đỡ những người khác và làm nhiều việc tốt cho xã hội. Và đây chỉ là một quận trong nước Mỹ. Nếu chúng ta đếm số người tình nguyện ở Mỹ đang giúp và làm những công việc tốt trong các tổ chức trên toàn đất nước thì tôi tin là con số có cả vài triệu người. Đó mới chỉ là một thí dụ về những cái chúng ta đang làm đúng và tốt ở Mỹ.
 
Lời tiên tri I-sa-i-a: “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn. Cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn Ta, và làm tròn sứ mạng Ta ủy thác.”

Thiên Chúa cho chúng ta sinh vào đời và Ngài muốn chúng ta phát triển sinh được nhiều hoa trái.

Gieo Hạt Giống

Chúa Giê-su nói về dụ ngôn người gieo hạt giống. Hạt giống được gieo xuống những loại đất khác nhau: Đất bên vệ đường; đất sỏi đá; đất có bụi gai; và đất tốt. Có vài cách để hiểu về việc làm của người gieo hạt giống này. Có người cho việc người đó làm là phí phạm và cẩu thả khi tung gieo hạt giống ở những nơi ít có hy vọng hay là không có cơ hội để hạt giống nẩy mầm sinh trưởng và lớn lên. Tuy nhiên việc gieo hạt giống là điểm quan trọng mà Chúa Giê-su muốn nói. Chúa muốn nói là Thiên Chúa rất quảng đại vể Lời của Ngài, và Ngài tung gieo khắp nơi và cho mọi người, ngay cả đối với những nơi không mấy hy vọng đâm rễ để lớn lên và đâm bông kết trái. Ngài làm như thế không phải là phí phạm, nhưng vì Ngài là Thiên Chúa quảng đại và đầy tình thương; Ngài cho mọi người có cơ hội đón nhận hạt giống. Lòng quảng đại và tình thương của Ngài vượt trên khả năng hiểu biết và khả năng thực hành của con người. Hầu hết chúng ta không muốn uổng công phí sức và phí thời gian đầu tư vào những việc không hy vọng thành công, nhưng đường lối của Thiên Chúa khác với đường lối của loài người. Thiên Chúa sẵn sàng đầu tư nơi mỗi người chúng ta bất kể lòng dạ chúng ta chai cứng đến đâu, bất kể chúng ta muốn hợp tác hay không, bất kể chúng ta có đón nhận hay không. Hành động quảng đại không ngờ này của Thiên Chúa khiến chúng ta phải suy nghĩ về thái độ của chúng ta đón nhận ơn Chúa ngay cả những khi chúng ta không có sự chuẩn bị, không muốn hay nghĩ là mình không xứng đáng. Dù thế, Thiên Chúa vẫn ban cho chúng ta. Chắc chắn rất nhiều lần Thiên Chúa gieo Lời của Ngài vào tâm trí chúng ta khi chúng ta nghe lời Chúa, lãnh nhận Thánh Thể, các Bí Tích, khi cầu nguyện và những lúc được ơn Chúa trong cuộc sống cho dù chúng ta không mở lòng đón nhận hay không trân trọng đón nhận. Những lần chúng ta từ chối không bắt chước sống quảng đại theo gương của Chúa trong cách cư xử với người khác và chia sẻ với họ về Lời Chúa đã được gieo vào tâm hồn chúng ta.

Dụ ngôn tiếp tục nói với chúng ta về mấy loại mảnh đất khác nhau. Điều này khiến chúng ta nghĩ chính mình cũng từng là những loại đất này ở mỗi thời điểm khác nhau trong đời sống và chúng ta cố gắng biến mình thành những mảnh đất tốt. Điểm đáng nhớ là khi dụ ngôn nói về hạt giống, chính Lời Chúa là hạt giống, chính Chúa Giê-su là Lời của Thiên Chúa hay Ngôi Lời Nhập Thể. Lời Chúa là quà Thiên Chúa ban qua nhiều cách: Thánh kinh, các bí tích, hiệp thông tinh thần trong cầu nguyện v. v.. Hiểu như thế, bây giờ chúng ta suy tư về các loại đất ruộng.

Đát Lối Đi

Loại đất thứ nhất là đất ở lối đi nơi mà hạt giống nằm trơ trơ trên mặt đường và bị chim trời ăn mất. Chúa Giê-su giải thích lối đi là người nghe lời Chúa mà không hiểu gì. Do đó lời Chúa không thể có ảnh hưởng hay chi phối gì đến quan điểm sống của họ và nó sẽ biến dạng nhanh chóng. Hình ảnh lối đi miêu tả thật hay loại người như thế. Có rất nhiều trở ngại khiến một người không thể đón nhận và hiểu lời Chúa. Đôi khi vì tính kiêu căng khiến họ không tin nhận Thiên Chúa có chương trình tốt hơn cho họ, hay Ngài có câu trả lời tốt hơn cho các vấn đề của họ. Đôi khi có thể là cảm nghiệm riêng trong quá trình cuộc sống ngãng trở họ. Lối đi là chỗ bị bàn chân của nhiều người đi lại dẵm lên khiến đất bị hao mòn và chai cứng. Đôi khi đời sống của một người có thể trở nên cứng cỏi và vô cảm bởi nhiều năm họ đã bị người khác dày xéo. Cảm nghiệm này có thể làm chai cứng lòng khiến họ không dám tin vào Thiên Chúa và người khác. Họ trở nên không tin và nhận điều ban cho họ hay là họ không muốn bị tổn thương ngay cả đối với Thiên Chúa. Với hạt giống Tin mừng thì dù mảnh đất có chai cứng nó vẫn có khả năng sinh tồn nếu một người biết vun xới và bảo vệ để nó khỏi bị dày xéo chà đạp. Trách nhiệm của các môn đệ là chăm sóc cho những người đang bị chai cứng bởi các hoàn cảnh sống và bởi những vô cảm của người khác. Bằng việc chăm sóc cho những người đang bị chà đạp dày xéo, chúng ta cho họ thấy chúng ta là những chứng tá tình thương xót của Thiên Chúa và gây được thiện cảm và sự tin tưởng của họ. Chính sự tin tưởng đó sẽ giúp họ mở lòng đón nhận lời Chúa. Đây là lời dạy bảo quan trọng hướng dẫn chúng ta trong sứ vụ loan báo Tin mừng. Đôi khi chúng ta cần vun xới giúp người khác biết học biết đón nhận trước khi chúng ta có thể chia sẻ lời Chúa với họ cách hiệu quả. Đôi khi chúng ta cũng cần kiểm xét cân nhắc những toan tính và thái độ tự đắc của mình hầu chúng ta có thể nhận ra những cách mà chúng ta chống cưỡng lại lời Chúa trong đời sống.

Đất Sỏi Đá

Loại đất thứ hai là đất có nhiều đá sỏi. Hạt giống có thể bén rễ nhanh nhưng không sống lâu ở đó được vì sức nóng làm khô héo rễ. Từ ngữ “rễ” được dùng trong Tân ước với nghĩa bóng ám chỉ về sự vững vàng nội tâm. Đất đá sỏi miêu tả người môn đệ hăng hái thích thú về những sinh hoạt tôn giáo nhưng không bền lòng dấn thân sống đức tin khi phải hy sinh bỏ đi những đam mê theo khuynh hướng tự nhiên. Như Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ trong bữa tiệc ly, “Tinh thần thì mau mắn nhưng xác thịt lại nặng nề và yếu đuối.” Khó khăn của những môn đệ này là thăng tiến trong tinh thần bền vững và can đảm. Các đức tính này đòi phải tập luyện và trưởng thành để hoàn thiện hơn trong đời sống Ki-tô giáo. Trước hết là cần nhìn nhận mình còn non nớt hời hợt trong đức tin. Mê đời hơn mê Chúa. Điều này có thể khiến ta phải đau đớn khiêm tốn nhìn nhận, nhưng nó là khởi điểm để thăng tiến bản thân. Điều này xẩy ra khi chúng ta gặp một người có tinh thần môn đệ lão làng chỉ cho chúng ta biết thế nào là sống trưởng thành trong Đức Ki-tô. Điều quan trọng là họ cảm nghiêm được sự khiêm tốn, nhận biết tình trạng nông cạn trong đức tin này để đón nhận sự hỗ trợ của những người khác hầu thúc dục họ muốn thăng tiến thay vì hổ thẹn và bỏ cuộc. Bao lâu chúng ta chỉ sống đức tin theo hấp dẫn bề ngoài, vui cảm, hay thích thú, chúng ta sẽ không đứng vững khi gặp thử thách khó khăn. Đất nhiều sỏi đá trong tâm hồn cần phải được loại bỏ để cho hạt giống có thể đâm rễ sâu và nội tâm chúng ta có thể nên vững vàng. Sỏi đá là những cái nằm lặn chìm dưới mặt nổi và chống lại không cho lời Chúa cắm rễ sâu trong cuộc sống. Những viên đá sỏi này có thể là sự dung túng tội lỗi, tính ích kỷ hay tự tìm mình, tính thích hưởng thụ, ham lợi háo danh, hay thích được khen thưởng. Chúng ta sẽ mãi là những môn đệ nông cạn hời hợt khi cho phép những thái độ và hành động này tiếp tục duy trì trong đời sống của mình.

Đất Bụi Gai

Tiếp theo đó Chúa Giê-su nói về hạt giống gieo trong bụi gai, và gai làm ngộp không cho hạt giống mọc lên. Bụi gai được coi là những lực lượng đối nghịch làm chết ngộp tinh thần, gồm cả những lo lắng trần thế và quyến dũ làm giầu, sống xa hoa, thích sang trọng. Để hiểu ý Chúa Giê-su muốn nói khi Ngài diễn tả đất gai góc, chúng ta nhớ đến giải thích của nhà thần học Paul Tillich khi ông tóm tắt đức tin như cảm nghiệm bị chiếm đoạt bởi điều ta quan tâm đến nhất. Cái nhìn của Tillich nhắc chúng ta rằng điều chúng ta quan tâm nhất sẽ quyết định cấp độ thứ tự quan trọng trong cuộc sống và lèo lái các quyết định của chúng ta. Nếu điều chúng ta quan tâm nhất là cái gì khác không phải là Thiên Chúa, thì thông điệp Tin Mừng, Lời Chúa, sẽ bị coi là mối đe dọa và dần dần không còn hiệu lực hay ảnh hưởng trên chúng ta bởi khi đó chúng ta tự chuẩn chước cho mình khỏi vai trò làm môn đệ. Lo lắng trần thế và ham làm giầu có thể bao gồm nhiều thứ khác như địa vị xã hội, thăng quan tiến chức, ham mê của cải, thích tiêu xài mua sắm, tìm khoái lạc v.v. Những thái độ này nói lên một người môn đệ mà quan tâm hàng đầu của họ là những cái thuộc đời này. Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng giá trị của Nước Thiên Chúa là vĩnh cửu, trong khi những cái thuộc đời này chỉ là tạm thời. Khi chúng ta biến những thứ ở đời này thành những cái chúng ta quan tâm đến nhất thì hạt giống Lời Chúa sẽ bị ngộp không lớn lên được trong đời sống của chúng ta. Đó là vì các giá trị Tin mừng thường không thích hợp với những giá trị trần tục. Trong Tám Mối Phúc, Chúa Giê-su ca tụng người có tinh thần nghèo, người có lòng thương xót, người hiền lành, người mưu cầu hòa bình, người có tâm hồn trong sạch, và những người khao khát sự công chính. Đây là những đức tính giúp con người thăng tiến ở đời này, nhưng chúng là những đức tính chứng thực cho các giá trị đời đời.

Đất Tốt

Sau hết, Chúa Giê-su dùng hình ảnh mảnh đất tốt đón nhận lời Chúa, hiểu và đem áp dụng vào đời sống đâm bông kết trái. Điểm chính của mảnh đất tốt không phải là nó đón nhận hạt giống, nhưng là nó sinh sản được nhiều hoa trái. Dấu duy nhất chứng tỏ đất tốt là số lượng hoa mầu thâu hoạch được. Đây chính là ý tưởng thách đố chúng ta trong sứ vụ người môn đệ bởi vì chúng ta thường nghĩ mình là mảnh đất tốt và cho là chúng ta luôn đón nhận Lời Chúa. Thách thức của chúng ta không phải là cái chúng ta đón nhận mà là chất lượng và số lượng thâu hoạch được cho nước của Thiên Chúa. Khi chúng ta hỏi chính mình, “Tôi có phải là người môn đệ thuộc loại đất tốt không?” Trước hết chúng ta nhìn vào đời sống và hỏi một câu hỏi khác, “Tôi sản xuất được gì và thu hoạch được bao nhiêu?” Câu trả lời sẽ cho chúng ta biết mình thuộc loại đất như thế nào. Tinh thần môn đệ không phải chỉ là sự cởi mở đối với lời Chúa hay là cách chúng ta để cho Lời Chúa lớn lên nơi mình. Tinh thần môn đệ chính hiệu là ở mức thu hoạch chúng ta sản xuất được cho Nước Chúa. Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta suy nghĩ đến những gì chúng ta sống và làm có ảnh hưởng tốt đến cuộc sống của người khác, những người chúng ta giúp và cảm kích họ thăng tiến trong đức tin, và cách chúng ta dùng ơn Chúa ban trong sứ vụ truyền bá gieo rắc Tin Mừng. Lời Chúa ảnh hưởng thế nào trong đời sống của chúng ta. Đất tốt tăng số lượng sản xuất gấp trăm cho Thiên Chúa từ những gì Thiên Chúa đã ban cho. Đây là giáo huấn đầy thách đố gói gọn thông điệp mà Chúa Giê-su muốn nói với những người đi theo Chúa.
   
Lm John Trần Khả

 
114.864864865135.135135135250