07/01/2023 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

215
Lễ Hiển Linh - LỄ VẬT DÂNG

Ba nhà đạo sĩ thăm dò tìm hỏi: “Vua dân Do thái mới sinh ra ở đâu?” Họ mang theo lễ vật vật vàng, nhũ hương và mộc dược để triều bái Người.

Vào một buổi chiều tối đông gía rét trong mùa Giáng Sinh, có cậu bé khoảng sáu hay bảy tuổi đứng ngoài hè nhìn qua cửa kiếng của tiệm bán quần áo và giầy dép đủ kiểu. Cậu bé chân không giầy và áo quần lem luốc nhiều chỗ rách vá.

Một người phụ nữ trẻ đi qua nhìn thấy cậu bé và đã đọc được tâm tư thèm muốn của cậu qua ánh mắt. Bà đã cầm tay dắt cậu bé vào tiệm. Bà mua cho cậu một đôi giầy mới và một bộ quần áo ấm. Sau đó bà dẫn cậu ra ngoài và nói, “Bây giờ bé có thể về nhà và mừng lễ Giáng Sinh thật vui nhé.”

Cậu bé nhìn bà và hỏi, “Bà có phải là Chúa Giêsu không?”

Bà trả lời, “Sao cưng nói thế! Tôi đâu có phải là Chúa Giêsu, tôi chỉ là một trong những người con của Chúa thôi.”

Cậu bé nhanh nhẩu đáp lại, “Tôi biết mà, ít nhất là bà cũng phải có họ hàng với Chúa.”

Người đi din

Vua dân Do thái không phải chỉ là một người có quyền lực chính trị mà thôi. Người Do thái tin chỉ có Thiên Chúa mới là vua của họ. Bất cứ quan chức nào khác đều chỉ là mang trách nhiệm thay mặt cho Thiên Chúa để thi hành mệnh lệnh của Người. Trong số những người đại diện cho Thiên Chúa, một số người làm tốt trách nhiệm đại diện của họ hơn một số người khác. Người dân mong vua của họ biết cư xử công bằng, chính trực, thương yêu, khôn ngoan và lo bảo vệ chăm sóc cho cuộc sống của họ. Ba nhà Đạo Sĩ đi tìm dung nhan của Thiên Chúa nơi người đại diện của Người ở Hê-rô-đê, nhưng họ đã không tìm thấy dung nhan ấy nơi Hê-rô-đê. Hê-rô-đê đại diện cho khuôn mẫu con người độc ác, tàn bạo, khôn lanh qủi quyệt. Ông qúa độc ác đến nỗi đã giết cả con riêng của mình. Chúa Giêsu, trái lại, đã tỏ lộ dung nhan của Thiên Chúa Cha trong Tin Mừng và như thế Người đã tỏ cho chúng ta thấy Người là Người Đại Diện hoàn hảo nhất của Thiên Chúa. Người đã được tôn là Vua Dân Do Thái khi chịu chết trên đồi Can-vê-ri-ô. Hê-rô-đê đã làm cho nhiều người phải khổ vì tính ích kỉ và tham vọng tham quyền tham chức vô độ của ông. Chúa Giêsu chịu đau khổ vì người khác và mở cửa tình thương và ơn tha thứ của Thiên Chúa qua cái chết và sự sống lại của Người. Mỗi người chúng ta qua bí tích Thanh Tẩy cũng đã nhận mệnh lệnh tiếp tục sứ vụ thuộc vương quyền của Chúa Giêsu. Điều đó có nghĩa là chúng ta là những đại diện chính thức cho Chúa đối với những người chúng ta giao tiếp. Người đại diện của Chúa cũng là ngươi môn đệ.

Người môn đệ

Ba nhà Đạo sĩ, hay chúng ta thường gọi là ba vua, đã đến và không phải như các mục đồng là gặp một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ nơi hang đá ngoài cánh đồng. Tin mừng kể rõ khi họ đi theo ngôi sao dẫn đường và đã “đến tận nơi hài nhi ở . . . họ vào nhà thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, và sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2:9-10). Do đó họ đã gặp một em nhỏ. Tiếng Hy-lạp phân biệt hai từ ngữ “paidon” là đứa bé từ ba đến bảy tuổi và từ ngữ “brephos” trẻ mới sinh. Như thế có thể hiểu là cuộc hành trình của họ đi tìm đến nơi để gặp Chúa không phải là một chuyến hành hương chỉ một hay hai tuần lễ, hoặc chỉ là một ngày Chúa Nhật cuối tuần, nhưng là kéo dài nhiều năm nhiều tháng. Họ đã bền lòng trải qua nhiều khó khăn thử thách, thăm dò tìm đường tìm lối. Họ đã gặp những người thiện tâm và những người tà tâm. Hành trình của họ là một hành đức tin quyết tâm dấn thân suốt cả đời. Nhiều năm họ tiến bước trên đường tìm Chúa cho đến khi gặp được Người. Họ không nản lòng trước những lầm lỡ; họ không bỏ cuộc khi không thấy ngay được những kết qủa họ mong muốn. Đây là thông điệp quan trọng cho mỗi người chúng ta. Đôi khi chúng ta dễ bị nản lòng trong cuộc hành trình đức tin vì không cảm thấy hiệu qủa trong việc cầu nguyện, hay không cảm thấy ngay được sự hiện diện và can thiệp của Chúa đối với điều chúng ta mong muốn. Thêm nữa, chúng ta đang sống trong một xã hội cạnh tranh cung cấp đáp ứng mau chóng cho các nhu cầu của chúng ta. Các cơ sở buôn bán, và các dịch vụ phải phục vụ nhanh, giao hàng phải chóng; muốn gì có ngay. Nhà hàng hay tiệm buôn nào phục vụ mau lẹ, càng nhanh chóng thì càng tốt và sẽ thu hút nhiều khách hàng. Sống trong nền văn hóa như thế, chúng ta dễ bị thiếu nhẫn nại và mất hứng thú khi nỗ lực của chúng ta không đem lại kết qủa ngay. Gương của các nhà chiêm tinh phấn khích và soi dẫn chúng ta kiểm điểm đời sống trong sứ vụ làm môn đệ hầu giúp chúng ta nhận ra những cái làm cản trở việc dấn thân của chúng ta đến với Chúa Kitô. Nếu những nhà Chiêm Tinh đã dùng nhiều năm nhiều tháng để học biết đường tìm đến với Chúa Giêsu thì chúng ta cũng có thể kiên tâm vững bền trong những lúc gặp khó khăn và những khi cảm thấy khô khan trong cầu nguyện. Tin mừng cho chúng nhiều gương của những người bền tâm kiên trì ước ao tìm gặp Chúa Giêsu. Như người ăn xin mù lòa đã phải đối diện với sự chống đối từ đám đông; Za-kiêu kiêu, Ma-đa-lê-na đã phải vượt qua những đòi hỏi văn hóa của những người chung quanh, và sự hổ thẹn của chính họ để có thể gặp Chúa. Ni-cô-đê-mô đã phải lặng lẽ bước đi trong bóng đêm đến gặp Chúa. Viên đội trưởng Roma đã phải khiêm tốn bày tỏ lòng tin trước Chúa Giêsu. Người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã phải chen lấn, bị  đám đông xô và đè ép rồi mới có thể đến qùi gần bên chân Chúa hầu chạm được vào gấu áo của Người.  Gương kiên vững trong niềm tin của các nhà Đạo Sĩ và của những người này được giới thiệu với chúng ta để chúng ta không nản lòng hay bị thất vọng trong cuộc hành trình làm môn đệ của Chúa. Họ tìm đến với Chúa không phải chỉ để thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm hay để được ân huệ. Họ tìm đến với Chúa để bái thờ và dâng lễ vật cho Người.

L vật dâng

Lễ vật của ba nhà Đạo Sĩ là những lời công bố tiêu biểu về Chúa Giêsu. Vàng là lễ vật thích hợp cho Đức Vua. Nhũ hương được dâng lên Thiên Chúa trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem bởi Linh Mục Thượng Phẩm. Mộc dược được dùng như dầu thơm để mai táng thân xác. Diện tính của Chúa Giêsu được tỏ ra trong những lễ vật này: Người là Đức Vua, là Thiên Chúa và là Người. Các lễ vật chúng ta dâng cho Chúa hàng ngày, hàng tuần và cả cuộc đời cũng là lời công bố của chúng ta Chúa Giêsu là ai. Với một số người, Chúa Giêsu là một phần nhỏ trong chương trình và sinh hoạt của cuộc sống. Vương quyền của Chúa chỉ giới hạn khoảng hơn kém một giờ đồng hồ họ đến với Người trong ngày Chúa Nhật, vài câu kinh họ đọc mỗi ngày hay vài lần một tuần. Sự Giới hạn hiểu biết đối với Chúa Giêsu ấy cũng sẽ được phơi bày ra từ lễ vật mà họ dâng cho Người trong đời sống của họ đối với Chúa. Với những người khác, Chúa Giêsu là Chúa của họ trong cuộc sống suốt 24 giờ mỗi ngày và cả 7 ngày trong tuần. Sự hiểu biết toàn diện của họ đối với Chúa Giêsu cũng sẽ được bày tỏ ra trong cuộc sống của họ đối với Chúa qua cách họ tham gia vào các sinh hoạt tông đồ, các công tác phục vụ bác ái, các việc từ thiện và các đoàn thể Công Giáo tiến hành trong Giáo Hội. Chúng ta có thói quen tặng qùa xứng hợp cho một người nào chúng ta quí mến vì chúng ta nghĩ người đó xứng đáng được như vậy, và họ có thể xử dụng món qùa chúng ta gởi tặng. Nhìn các nhà Chiêm Tinh dâng tặng những món qùa cao qúi bà bái thờ tỏ lòng thần phục Chúa Cứu Thế khiến chúng ta cũng cần kiểm điểm nhìn lại những món qùa chúng ta dâng tặng cho Chúa trong cuộc sống.

Ngôi sao được hiểu là dấu chỉ ánh sáng đức tin soi đường dẫn lối đưa chúng ta đến với Đức Kitô. Con đường đức tin dẫn mỗi người đến với Đức Kitô đều cá biệt nhưng vẫn có những nét chung. Một số người được dẫn đến với Chúa qua những sự cố và cảm nghiệm của họ về ơn cứu chuộc trong đời sống. Những người khác được dẫn đến với Chúa nhờ ảnh hưởng và gương sáng của những người sống đức tin can đảm. Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta qua nhiều cách khác nhau, nhưng không đủ nếu chúng ta chúng ta chưa để giờ tìm học biết Thiên Chúa qua Thánh Kinh và qua Chúa Giêsu. Thánh Kinh là nguồn mặc khải công của Thiên Chúa cho Giáo Hội và cho nhân loại. Dù do hoàn cảnh nào chúng ta khởi sự hành trình đức tin của mình, Thánh Kinh là bước quan trọng cần thiết trong tiến trình để chúng ta hoàn tất cuộc hành trình này hầu có thể chính xác hiểu và nhận biết Thiên Chúa là ai. Đó cũng là lý do tại sao các nhà Đạo Sĩ không thể hoàn tất cuộc hành trình của họ cho đến khi họ tìm tham khảo về Thánh Kinh. Lời Chúa trong Thánh Kinh soi sáng cho cảm nghiệm về đức tin nơi chúng ta và bày tỏ cho chúng ta rõ hơn về những việc Thiên Chúa làm trong đời sống của chúng ta. Khi đọc Thánh Kinh, chúng ta hiểu biết thêm và mắt chúng ta được mở ra để thấy sáng tỏ hơn về Thiên Chúa. Khi đọc Thánh Kinh chúng ta cũng để cho quyền lực của Lời Chúa đến với lòng chúng ta. “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (DT 4:12).  

Sau cùng chúng ta không thể không nghĩ đến sự khác biệt giữa các nhà Đạo Sĩ và Hê-rô-đê. Hê-rô-đê có sự hiểu biết về Thánh Kinh nhưng đã không đi tìm Chúa. Các nhà Đạo Sĩ là người ngoại mò mẫm đi tìm Chúa và không biết Thánh Kinh; tuy vậy họ đã sẵn lòng vượt đường xa để tìm gặp Vua Do Thái mới sinh ra, người mà họ mới chỉ nghe biết chút ít về Người. Hê-rô-đê coi Chúa Giêsu là một đe dọa cho cuộc sống của ông. Các nhà Đạo Sĩ lại thấy Chúa Giêsu như là nguồn của cuộc sống thâm thúy mới. Hê-rô-đê sống sung sướng trên nhung lụa nơi triều đình của ông ở Giê-ru-sa-lem. Các nhà Đạo Sĩ Tinh lang thang trong hành trình đức tin qua những ngày dài và nhiều đêm sương lạnh. Hê-rô-đê tiền rừng bạc bể dư thừa của cải nhưng không cho Chúa cái gì mà là âm mưu thủ tiêu Chúa. Các nhà Đạo Sĩ chỉ có những hành lý họ có thể mang theo người, nhưng họ đã dâng cho Chúa những gì họ có. Trong đời sống đức tin, Hê-rô-đê là biểu tượng cho những người muốn đặt Chúa Giêsu ngồi vào ghế của hành khách trong khi họ tự cầm lái đi tới mục đích họ muốn đến. Có câu nói, “Nếu Thiên Chúa đang là viên phi công phụ, thì đến lúc chúng ta phải đổi vị trí trong phòng lái.” Hê-rô-đê không hề muốn đổi vị trí cầm lái. Các nhà Đạo Sĩ, trái lại, đã mau mắn tìm đến thờ lạy Chúa là Vua của họ và để Chúa hướng dẫn. Hê-rô-đê đã không thay đổi bởi việc chào đời của Chúa Giêsu. Các nhà Đạo Sĩ đã được biến đổi trong cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Giêsu và đã thay đường đổi hướng đi theo con đường mới và trở nên những con người mới khi họ quay trở về quê hương xứ sở của họ.  

Lm. John Trn Kh

 
114.864864865135.135135135250