09/07/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

261
Người thân cận - Chúa nhật 15 TN (C)
 
Samarie, ngày…tháng…năm…

Anh Samarie kính mến,

Tên anh là gì, nghề nghiệp, chức vụ và gia cảnh ra sao ? Không ai biết chỉ biết anh là « người Samarie nhân hậu », tạm gọi anh là « Nhân Hậu », cái tên rất đẹp và được lấy từ tên của Thiên Chúa, bởi Ngài là « Đấng từ bi và nhân hậu » (Tv 103, 8).  

Anh là câu trả lời cho người thông luật, anh là « lòng thương xót », để như một model mà Đức Giêsu đưa ra cho bất cứ ai cũng phải coi đó là « người thân cận », người thân cận là người ta gặp với tình yêu, dù họ là ai thuộc dân tộc và tôn giáo nào. Câu hỏi không còn « ai là người thân cận của tôi » mà là « người thân cận của mọi người như thế nào ? ». Anh là mẫu gương để ai muốn định nghĩa về « người thân cận » sẽ có câu trả lời thỏa đáng.

Anh đã làm hơn người tư tế, đúng ra người tư tế là người phục vụ tại đền thờ thì phải thi hành bác ái với người đang gặp nạn, nhưng vì giữ luật quy định, anh đó không dám đụng vào người bị thương kẻo nhiễm uế và không làm việc tư tế được, nên thà hy sinh mạng người còn hơn lỗi luật thanh sạch, hoặc sợ bị tấn công như nạn nhân đây. Thì ra họ đã quan tâm đến sự an toàn và tiện nghi, hơn lòng thương xót với người bị nạn. Điều đáng buồn nhưng lại là sự thật ! Anh là câu trả lời cho việc lựa chọn điều gì cần phải làm trước, điều gì là chính yếu : giúp tha nhân trước khi thi hành tế tự theo nghi lễ.

Thầy Lêvi, đó là thành viên trong chi Lêvi, được giao cho làm các việc lặt vặt trong đền thờ liên quan đến phụng tự, có thể là “ông từ” ở nhà thờ làm việc giật chuông, đốt đèn, đóng-mở cửa và những việc khác. Cả hai người « tránh sang bên kia mà đi », nghĩa là họ chỉ ở bên cạnh người bị nạn, để tránh tiếp xúc. Còn anh, là người bị coi là Samarie ngoại giáo, người Dothai coi thường anh và dân tộc anh, dù là người cùng trong một quốc gia nhưng có sự phân biệt vì nguồn gốc tôn giáo của anh, gọi anh bằng « người Samarie » trở thành tên gọi mang tính chủng tộc và tôn giáo để chỉ những người cư ngụ trong miền đất giữa Galilê và Giuđê.

Sự đoạn tuyệt giữa dân tộc của anh và người Dothái có thể trở về thời lưu đầy, khi đế quốc Assua đưa người Dothái đi đày và chiếm đất vào năm 721 tCN đồng thời đưa dân ngoại vào sống tại đây, vùng đất của anh còn một số người ở lại, sống trà trộn với người ngoại, sau khi người Dothái hồi hương trở về, họ không cho các anh xây đền thờ với họ, bởi tay các anh đã bị « nhiễm uế », hơn nữa các anh còn bị coi như người « lạc giáo » (x. Er 4, 2-24 ; Nkm 2, 19…) , các anh chỉ chấp nhận Ngũ Thư, còn các sách Kinh Thánh khác các anh không coi là sách Thánh và lại còn xây đền thờ riêng trên núi Garizim. Vậy đó, lịch sử và tôn giáo phân rẽ các anh để rồi hôm nay các anh vẫn bị coi thường như kẻ lạc giáo, ngoại giáo, là con hoang, kẻ bỏ đạo…Tuy nhiên, anh lại có một điểm cần nhất đó là « lòng thương xót », lòng thương xót đó được lấy từ lòng thương của Thiên Chúa. Anh gần Chúa hơn các tư tế và Lêvi vì anh thực thi lòng thương xót, là bản tính của Thiên Chúa.  

Anh đi đâu mà qua quãng đường nguy hiểm đó ? Anh cũng là người lữ hành như những người khác và cũng có những chương trình riêng ? Khi thấy người bị nạn, cũng giống như thầy tư tế và Lêvi, nhưng anh không chỉ thấy và tránh sang một bên, mà anh làm cử chỉ thứ hai « lại gần », « băng bó », « cho lên lừa đưa về quán trọ »…anh đã quên công việc với những bận bịu của anh mà chỉ nghĩ đến người xấu số và tìm cách cứu chữa. Anh cũng rất quảng đại, gia tài của anh có hai quan tiền, anh đem ra đưa cho người chủ quán kèm những lời dặn dò nhằm chữa trị cho nạn nhân, đồng thời anh mang tất cả trách nhiệm về việc nợ nần sau đó nếu có. Từ Giêrusalem xuống Giêrikhô chỉ khoảng 27 km, nhưng là con đường không an toàn, thường xuyên có cướp tấn công, anh cũng mạo hiểm đi qua nơi này, nhưng cũng là cơ may cho anh để chứng tỏ cho người khác thấy « anh là người thân cận với người gặp nạn » để từ đó cho định nghĩa chính xác nhất về hạn từ này.

Đức Giêsu chọn anh làm kiểu mẫu cho những người được coi là « đạo đức », trong khi anh là dân « lạc đạo, ngoại giáo », không có kiến thức của nhà luật sĩ, cũng chẳng có tư cách của vị tư tế hay thầy Lêvi, nhưng anh lại có lòng nhân ái và như vậy của lễ của anh là cao trọng nhất « Ta không ưng nhận của lễ, nhưng ưng nhận tấm lòng. Anh đã thực thi đức mến, điều răn quan trọng và như vậy anh thật là người Israel chân chính !

Từ việc anh chỉ nghĩ đến nhu cầu thực tế của nạn nhân mà anh gặp trên đường đi, anh đã trở thành kiểu mẫu cho các nhà thông luật, cho các Lêvi, và cho tất cả như lời Đức Giêsu căn dặn cho ai muốn làm môn đệ « hãy đi và làm như vậy », nghĩa là làm như anh đã làm. Anh không giới hạn người thân cận trong số họ hàng, xóm giềng, bạn bè, nhưng anh đã có định nghĩa về việc này đó là bất cứ ai ở trong tình trạng quẫn bách, nghèo đói, đau khổ…cần được giúp đỡ đều là người thân cận mà tôi có nhiệm vụ thi hành đức ái.

Cảm ơn anh đã cho bài học về việc dấn thân trọn vẹn, không sợ mất giờ, mất tiền, mất danh dự, mất sự yên tĩnh, an toàn bản thân. Chỉ khi làm như anh mới thực sự yêu người thân cận. Như tên « cúng cơm » của anh là « Nhân Hậu » anh đã họa lại khuôn mặt của Thiên Chúa từ bi nhân hậu, anh là con của Ngài, là dân chính thức của Ngài vì anh học thuộc điều Ngài dạy và thi hành điều anh đã học.

Qua câu chuyện của anh, có lẽ điều mà mọi người cần học đó là đức mến phải phát xuất từ trong tâm, phải thiết thực và hữu hiệu.

Thân chào anh và hẹn gặp lại.
.

Nt. Catarina Thùy Dung, O.P.

 
114.864864865135.135135135250