16/01/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

364
Niềm vui trào dâng khi có Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong đời
 
NIỀM VUI TRÀO DÂNG
KHI CÓ CHÚA GIÊSU VÀ MẸ MARIA TRONG ĐỜI
 
Phêrô Phạm Văn Trung


Cây nho và rượu nho vào thời Chúa Giêsu

Vào thời La Mã, cách trồng nho hầu như không có cải tiến gì đáng kể so với các thời đại trước. Không nghi ngờ gì nữa, kích thước của các máy ép đã tăng dần lên kể từ thời hoàng tộc Israel, nhưng ở vùng đất Do Thái không có dấu vết nào của các cơ sở nấu rượu quan trọng, tương tự như khu phức hợp Byzantine được phát hiện tại Si'a ở miền nam Syria, hiện đã được khôi phục.

Cách sản xuất và phương thức bảo tồn rượu nho vẫn được giữ bí mật như trong các thời đại trước. Bình đựng được cho là loại thường dùng để đựng rượu nho là bình Amphora, có đế nhọn, dễ cắm chặt vào đất tơi xốp.
Tuy nhiên, các sách Tin Mừng nói về bầu da chứa rượu nho, chỉ rõ rằng tuổi của da và tuổi của chất rượu phải tương ứng với nhau để khỏi bị nứt ra do quá trình lên men “Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.” (Mt 9,17 và các câu tương ứng). Về mùi vị thì khỏi nói, ai cũng thích rượu cũ vốn được ủ nhiều năm “Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: "Rượu cũ ngon hơn.” (Lc 5,39).

Sở thích của những người Do Thái giàu có đối với rượu ngoại cũng đã được khẳng định. Từ một vài thế kỷ trước, ngoài những loại rượu đã được mang đến từ các quốc gia giáp phía đông Địa Trung Hải, rượu vang cũng được nhập khẩu từ Ý, và chắc chắn được đánh giá cao vì nồng độ cồn cao hơn của chúng. Các bình Amphorae vốn mang dấu ấn của các nhà sản xuất, có tên gọi Latinh, thực sự được tìm thấy ở Giêrusalem, trong một ngôi nhà từ thời Hêrôđê.

Trong những gia đình bình dân, rượu dùng để uống trong những bữa ăn mừng lễ, nhưng khách lữ hành có thể mang theo bên mình như người Samaritanô trong dụ ngôn: “Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.” (Lc 10,34), vì rượu có nhiều công dụng khác nhau. Nó có thể được sử dụng như một chất sát trùng - được đắp lên vết thương - và được đánh giá cao về chất lượng bồi bổ của nó. Mọi người đều biết lời khuyên khôn ngoan của Phaolô, dù không có tài liệu nào coi ngài là người sành rượu, dành cho môn đồ Timôthê: “Từ nay anh đừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu, vì anh đau dạ dày và ốm yếu luôn” (1Tm 5,23).[1]

Vì tính chất gây sảng khoái của rượu nho nên nó cũng được khuyến khích sử dụng để làm dịu cơn đau thể chất, như trường hợp người Samaritanô nhân lành kể trên. Rượu trộn với mộc dược cũng được dâng cho Chúa Giêsu vào thời điểm Ngài bị đóng đinh: “Chúng cho Ngài uống rượu pha mật đắng, nhưng Ngài chỉ nếm một chút mà không chịu uống” (Mt 27: 34). Ngay cả Máccô khi nói rằng Chúa Giêsu dù bị kết án tử hình đóng đinh vào thập giá nhưng Ngài từ chối dùng rượu trộn với mộc dược đó, ông muốn nhấn mạnh một điều là Chúa Giêsu quyết tâm đối mặt với cái chết không mất đi một chút năng lực nhận thức nào “Chúng trao rượu pha mộc dược cho Ngài, nhưng Ngài không uống” (Mc 15,23). Sách Talmud ở Babylon cho chúng ta biết rằng có những nhóm phụ nữ từ thiện ở Giêrusalem, đem rượu mạnh đến cho những người bị kết án tử hình uống, “để làm tâm trí của anh ta nên xáo trộn và do đó giảm thiểu sự đau khổ của anh ta vì nỗi sợ hãi về cái chết sắp xảy đến.”[2] Hay như trong sách Châm ngôn viết: “Hãy đem chất men cho kẻ đang hấp hối, và đem rượu cho người chịu đắng cay” (Châm ngôn 31: 6).

Tại tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu biến nước thành rượu

Chuyện gì xảy ra tại tiệc cưới Cana? Thánh sử Gioan cho biết tầm quan trọng của sự việc này, trong phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu như thế nào? Một tiệc cưới kéo dài bao lâu vào thời điểm đó? Chúa Giêsu đã biến bao nhiêu lít nước thành rượu?
Kinh thánh cho biết Chúa Giêsu biến nước thành rượu như thế nào.

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Chúa Giêsu. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Chúa Giêsu nói với Ngài: “Họ hết rượu rồi.” Chúa Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Ngài nói với gia nhân: “Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Ngài nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ. Chúa Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Ngài. Các môn đệ đã tin vào Ngài.” (Gioan 2: 1-10).
Một dấu hiệu tinh tế thông báo một điều lớn lao

Ngày thứ ba, có một Tiệc cưới tại Cana ở Galilê

Ba từ đầu tiên của đoạn Kinh thánh ngắn gọn này – “Ngày thứ ba” - chỉ được kể lại trong Tin Mừng của Gioan - tạo thành một trường hợp ám chỉ nổi bật trong Kinh thánh. Trên thực tế, với một sự tinh tế bẩm sinh quen thuộc của mình, Gioan lồng vào một dấu hiệu chỉ báo cho người đọc Kinh thánh biết: sắp sửa xảy ra một điều gì đó.

Thành ngữ “ngày thứ ba” là một cụm từ rất đặc biệt. Các nhà chú giải Kinh Thánh nói:

Trong truyền thống Cựu Ước, dấu chỉ thời gian này xác định ngày Thiên Chúa tỏ mình ra trên núi Xinai: Xh 19,11 “Và đến ngày kia phải sẵn sàng, vì ngày kia Thiên Chúa sẽ ngự xuống trên núi Xinai trước mắt toàn dân.” Dấu hiệu thời gian nhỏ bé này lại là một thông báo về một théophanie  - một cuộc thần hiện, một cuộc hiển linh  - nghĩa là sự hiện ra của Thiên Chúa, hay việc Thiên Chúa hiển linh.

Trong truyền thống Tân Ước, công thức “Ngày thứ ba” đề cập đến ngày Phục Sinh (1Co 15: 4; Mt 16: 21; 17:23; 20,19; Lc 9: 22; 18: 33; 24:7-46). Vì vậy, dấu chỉ Cana được trình bày như một sự kiện mặc khải vinh quang của Chúa Giêsu Kitô, vinh quang chỉ thuộc về Thiên Chúa: “Chúa Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Ngài” (Ga 2,11).

Một điều đặc biệt xảy ra trong lễ cưới này, mà Chúa Giêsu, mẹ Ngài và các môn đệ “mới tuyển” của Ngài được mời đến: phép lạ biến nước thành rượu.

Một bữa tiệc cần có thời gian

Cũng cần phải biết các phong tục cổ xưa để hiểu rõ hơn các văn bản Kinh thánh. Trong văn hóa Do Thái và Hy-La cổ đại, đám cưới kéo dài một tuần. Do đó, đây là một lễ mừng lớn quy tụ một số lượng lớn khách mời.

Do đó, nhờ thông tin này, chúng ta hiểu rõ hơn về lượng nước ấn tượng mà Chúa Giêsu đã biến thành rượu.

Ở đó có sáu chiếc bình bằng đá, dùng để thanh tẩy theo tục lệ người Do Thái, và mỗi chiếc bình có dung tích bằng hai hoặc ba đơn vị đo lường. Vậy rượu mới được bao nhiêu lít? Sau một vài chuyển đổi nho nhỏ về đơn vị, chúng ta có phép tính:

Thuật ngữ metrêtês trong tiếng Hy Lạp chỉ một “đơn vị đo lường dung tích”,  tương ứng với 39,39 lít. Trong trường hợp này, một bình có thể chứa từ 2 đến 3 đơn vị đo lường. Có 6 bình.

Kết quả tính được: số lượng tối thiểu thu được tương đương 472,68 lít trong khi số lượng tối đa tương đương 709,02 lít.

Đây cũng là một kỷ niệm nữa thêm vào những điều đáng nhớ dành riêng cho cô dâu và chú rể làng Cana vào một khoảng thời gian tốt đẹp trong đời của họ!

Khi Chúa Giêsu ngồi vào bàn ăn

Câu chuyện về một đám cưới, mà Chúa Giêsu đến với tư cách là khách để chia sẻ bữa ăn với khách và cô dâu chú rể, gợi lên sự thánh thiêng của lễ cưới này. Trong Tin Mừng, khi Chúa Giêsu ngồi vào bàn ăn, điều đó thường khá quan trọng.

Khi ăn uống với những người tội lỗi và những người thu thuế, Chúa Giêsu không lo lắng gì về danh tiếng của chính mình. Chúa Giêsu cho thấy rằng Ngài mang ơn cứu độ và Tin mừng đến cho mọi người, đặc biệt là cho những người tội lỗi và hoạn nạn “Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Ngài rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậyNghe thấy thế, Chúa  Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9: 11; Mc 2,16; Lc 5,29 ).

Trong bữa ăn cuối cùng, “Bữa Tiệc Ly”, sau khi rửa chân, Chúa Giêsu nói với các môn đệ:  “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Gioan 14: 1-3).

Lễ cưới và bữa tiệc Cana này là một biểu hiện khác của điều này “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”. Chia sẻ bàn ăn có nghĩa là tham gia vào sự hiệp thông và tạo ra mối dây liên kết. Sự hiện diện của Chúa Giêsu làm cho bữa tiệc này trở nên thánh thiêng, vì chính Ngài là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn, như đã được Gioan Tẩy giả công bố trước khi tiệc cưới này diễn ra không lâu: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Ngài. Tôi đã không biết Ngài. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Ngài là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Gioan 1: 32 -34)
Bạn sẽ suy nghĩ về điều này vào lần tới khi quy tụ với bạn bè trong một bữa tiệc chứ!
 
Chúa Giêsu đến cư ngụ trong cuộc sống hàng ngày của kiếp người, làm cho một tiệc cưới trở nên thánh thiêng. Ngài không chỉ làm cho lễ cưới của những ai mời Ngài tham dự nên thánh thiêng, mà còn là cho cả cuộc sống hôn nhân của họ thành một cuộc hành trình tràn đầy ơn thánh vì có Ngài đồng hành, có sự hiện diện của Ngài giữ gìn ngọn lửa yêu thương thắm nồng như men rượu, vốn không sớm thì muộn hoặc không nhiều thì ít, sẽ trở nên nhạt nhẽo, lạt vị, thậm chí biến chất thành chua cay đắng đót. Chính Chúa Giêsu đã thiết lập một cách thế để luôn luôn có thể biến nước lã thành rượu nho ngon lành: bí tích hôn nhân.

Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 1613 viết: Khởi đầu đời sống công khai, Chúa Kitô thực hiện dấu chỉ đầu tiên trong lễ cưới, theo lời yêu cầu của Mẹ Maria (Ga 2,1-11). Hội Thánh coi việc Chúa Kitô hiện diện trong tiệc cưới Cana có một tầm quan trọng đặc biệt. Hội Thánh nhìn sự kiện này như Lời Chúa xác nhận hôn nhân là việc tốt lành và công bố hôn nhân từ đây là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Chúa Kitô.”

Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 1638 nhấn mạnh: Các đôi vợ chồng Kitô giáo được những ơn riêng cho bậc sống của mình trong Dân Chúa" (LG 11). Ân sủng đặc biệt của bí tích Hôn Phối kiện toàn tình yêu vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ. Nhờ ân sủng này, “họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái”(LG 11;LG 41).”

Có lẽ chúng ta nên lưu ý một ý tưởng tạm gọi là “minh triết trong đời” gợi lên ý nghĩa của món quà. Định nghĩa này sẽ làm sáng tỏ ý nghĩa của cử chỉ mà Chúa Giêsu thực hiện khi biến nước thành rượu.


Trao tặng một thứ gì đó không chỉ là di chuyển nó từ nơi này sang một nơi khác, từ tay người này sang tay một người khác, như một sự chuyển giao sở hữu. Nhưng là để biến đổi món quà đó, kết hợp vào món quà đó một điều gì là chính con người của người trao tặng. Quà tặng đích thực có giá trị không phải chỉ vì công năng sử dụng của nó, cũng không phải chỉ vì giá trị trao đổi hàng hóa của nó – cụ thể tính bằng tiền, như con người chúng ta thường hay có khuynh hướng thực dụng quy đổi rất nhanh chóng - mà còn là, và nhất là, vì toàn bộ sự hiện hữu của người trao tặng: công sức lao động, sự quan tâm chia sẻ, tình yêu thương ân cần chăm sóc, ước mong người thân yêu của mình được vui tươi, yên lành, bình an và hạnh phúc.

Điều này thật đúng trong câu chuyện Chúa Giêsu thực hiện dấu lạ đầu tiên trong sứ mạng công khai của Ngài tại tiệc cưới Cana. Chúa Giêsu chắc chắn đã mong ước và chúc tất cả những điều đó cho đôi vợ chồng mới thành hôn này! Nhưng Chúa Giêsu không chỉ mong ước và cầu chúc bằng “môi miệng” như phần lớn phàm nhân chúng ta. Lưu ý Gioan không nhắc đến một lời nào của Chúa Giêsu nói với đôi vợ chồng mới. Sự hiện diện của Ngài tại tiệc cưới, dĩ nhiên theo lời mời của đôi vợ chồng mới, của cha mẹ, của vị chủ hôn và của gia đình tổ chức lễ cưới cho họ, đã vượt quá xa “niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi”. Đây là điểm son của gia đình đám cưới này, họ không chỉ mời “Thầy Giêsu” bắt đầu danh tiếng, mà còn cả “thân mẫu của Thầy”, thậm chí mấy ông môn đệ “chân ướt chân ráo” của Thầy mà có lẽ họ đã biết thành phần xuất thân của họ, không nhiều thì ít: “Chúa Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự” (Gioan 2:2). Có lẽ gia đình đám cưới không mong ước điều gì nơi sự có mặt của Thầy Giêsu và nhóm người của Ngài hơn là hai chữ “vinh hạnh”, họ thực sự coi đó là vinh hạnh, với tất cả tấm lòng chân thành. Cũng vậy, chắc chắn vị chủ tiệc, vốn được giao cho việc tổ chức cắt đặt mọi việc, biết rất rõ mình không “hòng kiếm được lợi lộc gì” từ vị Thầy và các học trò của vị Thầy này ngoài sự vinh dự.

Chắc chắn ông chủ tiệc này không thể hình dung ra một “sự cố tai tiếng to lớn” sắp sửa xẩy ra mà ông không hề dự tính hay dự cảm trong tâm trí mình. Ngay cả khi mọi “xui rủi” đã được “xử lý thành công” lặng lẽ và êm thắm thì ông cũng chỉ nhận ra một điều: đến giờ này mà rượu vẫn còn ngon quá! “Ông mới gọi tân lang lại, và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ” (Gioan 2:9-10). Một người quản lý nhà hàng như thế, giả như trong thời đại hiện nay, liệu có nên được tin cậy nữa không, hay cần phải “sa thải” ngay lập tức, vì không dự toán được nhu cầu thức uống đầy đủ cho thực khách, lại không nắm được diễn tiến của bữa tiệc mà chủ nhà tin cậy giao cho mình lo lắng quán xuyến… đi đâu, làm gì mà không biết gì hết vậy, hay là mải mê cụng ly với các “chiến hữu” !? “Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết” (Gioan 2: 9).

Gabriel Marcel nói: “Món quà được tạo ra cho tôi, nếu nó thực sự là một món quà, không chỉ được thêm vào một tài sản đã có từ trước. Nó có một chiều kích khác, bao la và sâu xa hơn nhiều, đó là dấu chứng tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi. Linh hồn của món quà là sự hào sảng, rộng lượng, quảng đại…là một ánh sáng, thắp lên một niềm vui bùng vỡ hoan hỉ.”[3]

Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài huấn dụ buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 20.01.2019: Không phải tình cờ mà khởi đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu lại được đặt trong bối cảnh của một lễ cưới, bởi vì qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã kết hôn với nhân loại: đây là tin vui, ngay cả khi những người mời Chúa chưa biết rằng Con Thiên Chúa đang ngồi cùng bàn với họ và Ngài là chàng rể đích thực. Trên thực tế, tất cả mầu nhiệm về phép lạ ở Cana nằm ở sự hiện diện của Chúa Giêsu, chàng rể thần linh, Đấng bắt đầu tỏ mình ra. Chúa Giêsu tỏ mình ra như vị hôn phu của dân Thiên Chúa, đã được các ngôn sứ loan báo và bày tỏ cho chúng ta sự sâu thẳm của mối tương quan liên kết chúng ta với Ngài: đó là một Giao ước mới của tình yêu.”[4]

Vai trò quyết định của Mẹ Maria trong phép lạ đầu tiên của Chúa,  sự hiện diện đáng nể.

Mẹ Maria hiện diện trong cuộc đời công khai của Chúa Kitô thế nào? Mẹ phản ứng ra sao trước những gì Chúa Giêsu trả lời Mẹ trong đám cưới Cana? Tại sao Chúa Giêsu không tự mình làm phép lạ?

Trong phép lạ đầu tiên của cuộc đời công khai của Chúa Kitô, có Mẹ Maria, Mẹ của Ngài. Và khi xem xét kỹ hơn, đây là một tham số quan trọng. Bởi vì điều đó không thường xuyên xuất hiện trong các trình thuật Tin Mừng.

Đây là một tình tiết đáng chú ý về nhiều mặt: trong bốn sách Tin Mừng, Mẹ Maria được cả Mátthêu, Luca và Gioan trích dẫn. Nhưng Mátthêu và Luca chỉ cho Mẹ xuất hiện trong các câu chuyện về sự ra đời và thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Mẹ lu mờ dần đi trong suốt cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Do đó, thật thú vị khi nhấn mạnh rằng trong đoạn văn này, Gioan là người duy nhất nói đến sự hiện diện của Mẹ Maria vào lúc khởi đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.

Trong Phúc âm Gioan, Mẹ Maria xuất hiện vào hai thời điểm: tại đám cưới Cana này, nơi Mẹ được mời cùng với Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài, và trong cuộc Khổ nạn, dưới chân Thập giá “Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có thân mẫu Ngài” (Ga 19,25).

Đây không phải là yếu tố duy nhất làm cho trình thuật này trở nên độc đáo. Gioan là người duy nhất lên tiếng về cuộc hôn nhân này. Không có sách Tin Mừng nào khác đề cập đến phép lạ tại Cana. Mặt khác, Tin Mừng Gioan không kể về Bữa Tiệc Ly là bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ. Do đó, nhiều nhà chú giải đã coi bữa tiệc cưới này vốn được chia sẻ giữa các khách mời với nhau bằng rượu là một hình ảnh đại diện cho Bữa Tiệc Ly.

Đôi mắt tinh tường của Mẹ Maria

Họ không còn rượu, vì rượu dùng cho tiệc cưới đã cạn. Một tiệc cưới kéo dài bảy ngày, mà ngày nào cũng có khách đến chung vui, cho nên rượu là thứ không thể thiếu. Thế mà hết rượu! Gioan không tìm hiểu lý do, không có một lời nào đổ lỗi cho đôi vợ chồng mới, cho cha mẹ của chú rể hay của cô dâu, thậm chí cũng không nói gì đến sự thiếu trách nhiệm của người quản tiệc. Người ta có thể phỏng đoán một cách hợp lý rằng: khách khứa đến nhiều hơn mong đợi và vượt quá dự tính vào ngày hôm đó! Sứ điệp trọng tâm của Gioan hoàn toàn không liên quan gì đến mấy chuyện “rượu chè” đó. Gioan chỉ trình thuật: Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Chúa Giêsu nói với Ngài: “Họ hết rượu rồi.” (Gioan 2: 3-5). Chính Mẹ Maria nhận thấy sự thiếu sót và thông báo điều đó cho con trai mình. Chúa Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Một câu trả lời có vẻ như của “kẻ xa lạ” cho một người không quen, như kiểu muốn nói “bà và tôi có liên can gì với nhau đâu cơ chứ?”, lại càng không thể là câu trả lời của Người Con mình “rứt ruột đẻ ra”!

Sứ điệp của Gioan ở đây cũng không phải là chuyện cư xử lịch thiệp, lễ phép theo qui định giao tế xã hội. Chuyện lớn lao hơn nhiều! “Giờ của tôi chưa đến!” Ai ngạc nhiên chứ Mẹ Maria thì không, vì Mẹ đã từng trách nhẹ Người Con ấy: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” và Mẹ đã nghe Người Con của mình hỏi ngược lại mình “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” và Mẹ “không hiểu lời Ngài vừa nói” (Luca 2:49-50). Chuyện đã xẩy ra gần hai mươi năm trước rồi, mà Mẹ, một người phụ nữ tinh tế bén nhạy, lại là một người Mẹ, làm sao quên được Lời của Chúa Giêsu, “Riêng mẹ Ngài thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Luca 2: 51). Và ta có lẽ được phép suy đoán cách hợp lý rằng trong suốt những năm tháng sống lặng lẽ cùng một Giêsu tại làng quê Nadarét, chứng kiến “Chúa Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Luca 2: 51-52), hẳn Mẹ đã nhận ra ngày càng rõ ràng rằng Lời Thiên Chúa, qua lời thiên sứ, đang dần được thực hiện: “Ngài sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Ngài. Ngài sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận… Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Luca 1: 32-33, 35). Nếu không có những cảm nghiệm “thực tế sát sườn”như thế hẳn Mẹ đã không lẳng lặng lắng nghe và ứng xử như không có gì bất ngờ đang diễn ra. Mẹ Maria, một lần nữa trong muôn ngàn lần, sống mãi lời xin “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Luca 1: 38), vì Mẹ tin và cảm nghiệm rõ ràng rằng “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Luca 1: 37). Mẹ không còn “bối rối” hay thắc mắc hỏi han gì nữa: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào…” (Luca 1: 29, 34).

Có lẽ cũng nên lưu ý rằng chính Gioan viết trình thuật này vì Ông có mặt trong số sáu đồ đệ mới tinh của Rabbi Giêsu (Gioan 1: 35-51) được mời dự tiệc cưới theo Thầy mình. Gioan chứng kiến, quan sát theo kiểu “tai nghe mắt thấy, người thật việc thật” tất cả những gì diễn ra. Gioan lưu giữ tất cả những lời nói, việc làm của Thầy của mình và của Người Mẹ của Thầy nơi tiệc cưới này. Chắc chắn trong những năm tháng sau khi Chúa Giêsu về trời, Gioan, người mà Chúa  Giêsu đã trối Mẹ Maria lại cho Ông: “Đây là mẹ của anh” và là người “Kể từ giờ đó,… rước bà về nhà mình” (Gioan 19: 28), đã được Mẹ Maria kể lại biết bao sự việc mà chỉ mình Mẹ biết về Người Con Giêsu Thần linh của Mẹ, cũng như chia sẻ rất nhiều cảm nhận và kinh nghiệm Mẹ đã có được trong hành trình Tin Cậy Mến mà Mẹ cùng đi với Người Con ấy, trong đó tiệc cưới Cana là một chặng đường đáng ghi nhớ, nhờ đó Gioan nhận ra sứ điệp của Chúa Giêsu, qua trải nghiệm của Mẹ Maria, và của chính mình để “làm chứng về những điều đó và đã viết ra” (Gioan 21: 24).

Cũng chắc chắn sau này, khi Gioan nghe Maria Mácđala kể lại việc bà đã thấy Thầy khi “Bà đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc” thì “Đức Giêsu gọi bà: "Maria! " Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: "Rápbuni! " (nghĩa là "Lạy Thầy") … rồi  “bà đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Ngài đã nói với bà” (Gioan 20: 11-18)  và nhất là sau khi tận mắt chứng kiến những lần hiện ra của Thầy mình trỗi dậy từ cõi chết “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa…” (Gioan 20:19-29) Gioan hẳn vẫn  nhớ về tiệc cưới này và suy nghĩ về ý nghĩa của tất cả các sự kiện ấy, từ buổi đầu gặp gỡ Rábbi Giêsu, tiệc cưới Cana, tẩy uế Đền Thờ… cho đến kết luận “Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Gioan 21: 25), tất cả đều đã được suy ngẫm kỹ lưỡng cặn kẽ và “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (Gioan 21: 24).

Thực ra không phải nhờ đến những lần tận mắt chứng kiến việc Chúa Giêsu phục sinh thì Gioan mới hiểu ra “điều lớn lao” mà Thầy Giêsu đã báo trước cho các môn đệ của mình ngay từ buổi đầu gặp gỡ: “Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa… Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” (Gioan 1: 50). Gioan luôn đi trước và hiểu ra trước các đồng môn, kể cả trưởng lớp Phêrô, những lời nói và hành động của Thầy mình: “Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Gioan 20: 3-9). Điều lớn lao này, phép lạ vô cùng vĩ đại này, không chỉ làm cho nước thành rượu, mà làm cho chết thành sống, làm cho sự chết vốn hư vô hóa mọi sự vô thường trở nên sự sống có quyền năng tái tạo mọi sự vô thường thành hiện hữu và được vĩnh cửu hóa, bởi lòng thương xót cứu độ của Đấng xưa đã nói: “Giờ của tôi chưa đến” thì nay công bố: “Lạy Cha, giờ đã đến!” (Gioan 17:1). Giờ gì? Giờ “Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Ngài quyền trên mọi phàm nhân là để Ngài ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Ngài. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Gioan 17: 1-3).

Mẹ Maria, người vâng lời, người xin vâng phục

Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Đó là lời mà Mẹ Maria thưa với thần sứ của Thiên Chúa, tức là thưa với Thiên Chúa. Và đó cũng là lời Mẹ Maria nói với những người hầu trong tiệc cưới Cana, cũng là trong cuộc đời hôm nay của tôi: “Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Gioan 2: 5). Lời này minh chứng cho sự tin tưởng vô điều kiện mà Mẹ Maria đặt vào Chúa Giêsu, là người có vẻ như vừa từ chối Mẹ! Mẹ đã có kinh nghiệm và biết rất rõ sự vâng phục Thiên Chúa sẽ đưa đến những hoa trái gì. Do đó, Mẹ Maria là người đầu tiên làm được những gì đã được nói với Mẹ: đây là lý do tại sao Mẹ có thể chuyển giao lời này cho người khác. Trong tiệc cưới “xui xẻo bất chợt” này, Mẹ Maria là người đầu tiên “mở lời” và do đó trở thành người đầu tiên “mở lối”.

Trong cuộc đời có lẽ cũng đầy bất trắc của tôi, có sự hiện diện hay chút bóng dáng gì của Người “Mẹ rất nhân từ” này không?[5]

Chúa Giêsu không muốn làm tất cả một mình

Chúa Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Ngài nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.”
Từng mệnh lệnh trong hai mệnh lệnh do Chúa Giêsu công bố đều được thực hiện ngay lập tức. Điều này cho thấy chính Chúa Giêsu làm chủ mọi sự, đó là căn tính của Ngài: Thiên Chúa sáng tạo. Nhưng điều đặc biệt đáng chú ý là Chúa Giêsu liên kết các người đầy tớ với phép lạ của Ngài.

Cách thức hoạt động này cho thấy ý muốn của Thiên Chúa liên quan đến con người: qua Mẹ Maria, qua lời Chúa Kitô kêu gọi các gia nhân cộng tác với Ngài để làm nên phép lạ này. Một vài bức tranh như bức tranh của Carl Bloch dưới đây, cho thấy những người hầu ở phía trước trong khi Chúa Giêsu gần như bị ẩn ở phía sau.
Carl Heinrich Bloch (1834-1890), The Wedding at Cana, (1870, sơn dầu trên vải bạt). Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Lâu đài Frederiksborg, Hillerød, Đan Mạch. Phạm vi công cộng.

Tôi có muốn cộng tác với Chúa Kitô làm nên “phép lạ lớn lao nhất” của Ngài không: cứu độ con người vốn đã sa ngã trong tội, vì: “Mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12) và thực hiện công cuộc sáng tạo trời mới đất mới, dù chỉ trong “chức vụ tôi tớ”?:

Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Ngài sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Ngài, còn chính Ngài sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ” (Khải huyền 21: 1-3).

Để kết thúc suy tư, chúng ta hãy lấy lại những lời thơ tuyệt vời của Jean-Pierre Lemaire, vang vọng cảm xúc chân chất và sâu sắc của những người hầu việc trong tiệc cưới Cana, tất cả đều cảm thấy vinh dự được tham gia vào phép lạ này, một cách bí nhiệm:

 
Chúng tôi rót rượu vào chén một lần nữa
và mọi người hạnh phúc, đôi vợ chồng thanh thản bình an,
không có bóng tối trên khuôn mặt. Chúng tôi không uống rượu
nhưng chúng tôi biết nó đến từ những chiếc chum đá
nơi nước đã chuyển màu sắc và hương vị.
Cậu Chủ và Mẹ Cậu ở cuối bàn
biết điều đó rõ hơn chúng tôi. Nhìn họ cười,
chúng tôi đoán ra dòng chảy bí mật của dòng sông,
đang rót tràn chén bằng thứ rượu, từ thứ nho giấu kín,
và chúng tôi nhấm nháp sự tiếp tay này
như là phần việc của chúng tôi, là phần tốt nhất.”[6]
 

[1] Michel Quesnel, Văn bản này được trích từ cuốn sách kỹ thuật số Découvrir autrement… La vie quotidienne au temps de Jésus - Khám phá khác ... Cuộc sống hàng ngày vào thời Chúa Giêsu, được viết bởi Michel Quesnel, học giả Tân Ước và được Le Monde de la Bible xuất bản. Gần bốn mươi vật phẩm trình bày các công cụ và cách sử dụng của chúng trong cuộc sống thường nhật ở Galilê và Giuđêa vào thế kỷ thứ nhất sẽ được khám phá trong công trình này. https://www.mondedelabible.com/le-saviez-vous%E2%80%89/
[2] Sanhedrin, 43a: “And furthermore, another question is raised along similar lines: With regard to that which Rav Ḥiyya bar Ashi says that Rav Ḥisda says: The court gives one who is being led out to be killed a grain [koret] of frankincense in a cup of wine in order to confuse his mind and thereby minimize his suffering from the fear of his impending death, as it is stated: “Give strong drink to him that is ready to perish, and wine to the bitter in soul” (Proverbs 31:6). And it is taught in a baraita: The prominent women of Jerusalem would donate this drink and bring it to those being led out to be killed. The question is: If these prominent women did not donate this drink, from whom is it taken? The Gemara answers: With regard to this question, it is certainly reasonable that this drink should be taken from the community, as it is written: “Give [tenu] strong drink,” in the plural, indicating that it should come from them, the community.” https://www.sefaria.org/Sanhedrin.43a.10?lang=bi
[3] Phỏng theo ý của Gabriel Marcel, Bạn sẽ không chết, Paris, Arfuyen, 2005; P. 45.
[5] “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời.…” (Kinh Hãy Nhớ)
[6] Jean-Pierre Lemaire, Những người hầu trong tiệc cưới Cana, Đất nước đằng sau những giọt nước mắt, Paris, Gallimard Poésie, NRF, 2016; P. 336.
114.864864865135.135135135250