30/08/2020 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

304
SN Tin Mừng Chúa Nhật XXII TN - A (Lm John Trần Khả)

Tiền nào của ấy!

Tôi có người bạn thích đi chợ trời và mê mua những thứ rẻ tiền ở các chợ trời. Có người lại thích đi chợ 99 cents. Có người thích đi Wal-mart, và nhiều người lại thích đi Mall và mua hàng Macy! Tôi thích mua hàng trên Amazon, nhưng có lần thấy pin 9 Volt rẻ tôi mua một lố để dùng cho cái wireless micro, nhưng xài chỉ được một Thánh Lễ thì pin chết. Ham rẻ và học được bài học: Tiền nào của ấy.

John Adams vị tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ nói, “Hiến Pháp của chúng ta được lập nên là để cho những người có luân lý đạo đức và niềm tin tôn giáo. Nó hoàn toàn không phù hợp với bất cứ một nhà nước nào khác.” Nói cách khác, trừ khi quốc gia của chúng ta tiếp tục là một quốc gia có niềm tin Ki-tô giáo, nếu không thì Hiến Pháp sẽ không xứng hợp.

John Adams đúng hay sai? Xã hội Hoa Kỳ có thể tồn tại khi thiếu đức tin Ki-tô giáo không? Nhiều người cho rằng tôn giáo không còn ảnh hưởng nhiều như trước. Tôi đồng ý như thế. Nhưng họ còn nói tôn giáo không còn hợp thời, không cần phải có tôn giáo để kiến tạo một thế giới tốt đẹp, tổ chức chính phủ liên hiệp quốc có ý tốt cùng ngồi lại làm việc với nhau sẽ kiến tạo một thế giới tốt đẹp, chẳng có gì là tuyệt đối, không có chân lý khách quan tuyệt đối. Nói như thế có đúng không?

“Dennis Prager, một học giả và là nhà bình luận xã hội nói rằng trả lời thú vị của ông cho câu hỏi này là một câu truyện. Thí dụ quí vị đang đi trên đường vào lúc 11 giờ khuya ở New York, Miami, hay Los Angeles. Ánh đèn điện trên đường mờ mờ chiếu và thấy xe của bạn đang đậu xa khoảng hơn 100 mét. Bất thình lình bạn trông thấy một nhóm khoảng 10 thanh niên mặc áo da đang đi ngược chiểu tiến về hướng của bạn. Bạn có cảm thấy thoải mái yên lòng nếu bạn biết đó là nhóm thanh niên vừa tan lớp học Thánh Kinh và mới từ nhà thờ đi ra?

Mỗi lần ông Dennis Prager hỏi câu hỏi đó thì câu trả lời luôn luôn là “Có, họ cảm thấy an toàn và thoải mái.” Bất kể người ta nói kết quả gì về các cuộc thăm dò, thực tế nhất thì đa số người ta vẫn nhìn nhận ảnh hưởng tốt của tôn giáo trong cuộc sống.

Xã hội con người chúng ta không thể tồn tại mà không có Ki-tô giáo. Hiến Pháp Hoa Kỳ sẽ không thực hiện được nếu không có niềm tin Ki-tô giáo. Ki-tô giáo cần thiết cho xã hội dân sự. Tôi xin hỏi câu tương tự. Câu hỏi này không phải là cho xã hội nhưng là cho chính Ki-tô giáo. Ki-tô giáo có thể tồn tại mà không có thánh giá không?

Câu trả lời là “Không.” Loại bỏ thánh giá ra khỏi niềm tin của chúng ta và nó trở thành căn nhà làm bằng các tấm giấy cắt tông. Nó sẽ bị xiêu đổ chỉ bởi một cơn gió. Tại sao thế? Một Ki-tô giáo không thánh giá là gì?

Tôn Giáo Rẻ Tiền

Tôn giáo rẻ tiền là giảng ơn tha thứ mà không đòi phải hoán cải, phép rửa mà không cần kỷ cương, Rước Lễ mà không cần xét mình có xứng đáng hay không; tha tội mà không cần xưng thú và hối cải. Tôn giáo rẻ tiền là tôn giáo không có sứ vụ tông đồ, tôn giáo không có thập giá, tôn giáo không có Chúa Giê-su Ki-tô hằng sống và nhập thể.
Tôn giáo đắt giá là kho tàng chôn dấu ngoài ruộng; một người sẵn sàng về bán hết những gì họ có để mua thửa ruộng đó. Tôn giáo đó là viên ngọc quí mà một người sẵn sàng bán hết những gì họ có để mua viên ngọc quí đó. Tôn giáo đó được Chúa Ki-tô là Vua cai quản; và nhân danh tôn giáo đó, một người sẵn sàng móc mắt, cắt tay nếu mắt và cắt tay của họ nên cớ làm cho họ vấp ngã và mất thông hiệp với Thiên Chúa. Tôn giáo đó được Chúa Ki-tô kêu gọi và người môn đệ bỏ chài bỏ lưới, rời xa gia đình để đi theo Chúa. Tôn giáo đắt giá là Tin Mừng của Chúa Giê-su vẫn được tìm để sống, là món quà cần được xin, là cánh cửa cần phải gõ để được mở. Tôn giáo đó đắt giá và là cao cả bởi vì nó kêu gọi chúng ta đi theo Chúa Ki-tô. Tôn giáo đó đắt đỏ bởi vì nó đòi một người phải tự chết đi để đổi lấy sự sống chân thật muôn đời. Tôn giáo đó đắt đỏ bởi vì nó lên án tội lỗi; tôn giáo đó đắt đỏ vì nó công chính hóa người có tội. Tôn giáo đó đắt đỏ vì Thiên Chúa phải trả giá cho niềm tin tôn giáo đó bằng mạng sống của chính Con Một Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa phải trả giá cho Ki-tô giáo nên tôn giáo này không rẻ.

Một nhà thờ muốn thu hút tăng thêm số người gia nhập tham dự để phát triển giáo xứ; hội đồng mục vụ và hội đồng tài chánh đề nghị thuê một công ty quảng cáo khá nổi tiếng đến cố vấn cho chiến dịch cổ động tăng nhân số của giáo xứ.

Chuyên gia hãng quảng cáo đến tìm hiểu về giáo xứ, quan sát các sinh hoạt và nghệ thuật trang trí trong nhà thờ và khuôn viên giáo xứ. Sau đó họ cho đề nghị:

Việc thứ nhất là nên gỡ bỏ các cây thánh giá trong nhà thờ bởi vì các cây thánh giá đó làm cho nhiều người kinh khiếp và có thể gây ấn tượng tiêu cực, bi quan khi những người trẻ  trông thấy thân hình một người bị máu me đầm đìa chết treo trên đó. Quá tiêu cực hung bạo, giã man và kinh khiếp!

Nên bỏ tượng một phụ nữ có khăn che đầu phủ tóc đứng bế con trong nhà thờ coi không hấp dẫn. Phụ nữ ngày nay không muốn sinh con và không muốn ở nhà bế con như thế. Phụ nữ thích đi làm kiếm tiền giống như nam giới; thích ăn mặc mát mẻ và quyến dũ;. Do đó để hợp với thời đại, chúng tôi đề nghị nên thay thế bằng hình tượng một người mẫu chuyên nghiệp, xinh đẹp, khêu gợi quyến dũ để thu hút nhiều người.

Đàn organ là nhạc cụ thời trung cổ lỗi thời. Nên thay thế bằng đàn guitar điện, trống và keyboard điện tử nghe rôn rang vui nhộn hơn. Giới trẻ sẽ thích. Chúng ta tin là công ty quảng cáo này đã nổi tiếng với những đề nghị cho nhiều tổ chức khác, nhưng những đề nghị của họ không thể hữu hiệu cho nhà thờ. Chúng ta không thể loại bỏ Thánh Giá ra khỏi nhà thờ và niềm tin tôn giáo của chúng ta. Thánh giá là phương tiện Thiên Chúa dùng để cứu nhân loại. Thánh giá là dấu của đức tin, đức cậy, đức mến và ơn tha thứ. Thánh giá là dấu ấn cho chúng ta nhớ đến hy sinh hiến tế của Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta. Thánh giá là dấu cho biết ý Thiên Chúa muốn chúng ta sống và yêu thương như những đầy tớ trung tín của Chúa. Chúng ta được kêu gọi để vác thánh giá tham dự vào sứ vụ cứu chuộc với Chúa Giê-su.

Đức Mẹ là gương mẫu cộng tác với Chúa cách hoàn hảo nhất trong công cuộc cứu thế của Chúa. Chúng ta cũng không thể loại bỏ Đức Mẹ ra khỏi hành trình theo Chúa của chúng ta.

Kiểu Người – Kiểu Chúa

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Thánh Phê-rô thay đổi nhanh chóng từ suy nghĩ giống như Thiên Chúa sang cách suy nghĩ kiểu của loài người. Phê-rô cố gắng thuyết phục Chúa Giê-su từ bỏ ý định vào thành Giê-ru-sa-lem chịu Thương Khó. Chúa Giê-su chỉnh sửa lời tuyên bố nhầm lẫn về đức tin của Phê-rô cũng là hướng dẫn cho tinh thần môn đệ của chúng ta. 

Chúa Giê-su nói với các môn đệ là Ngài phải đi Giê-ru-sa-lem nơi Ngài sẽ chịu khổ nạn và bị giết chết. Khi dùng từ ngữ “phải”, Chúa Giê-su nói với chúng ta là khổ nạn của Ngài là phần thuộc kế hoạch của Thiên Chúa. Phê-rô không thể hiểu làm thế nào mà kế hoạch của Thiên Chúa lại có thể liên quan đến cái chết của người vô tội, lại càng không thể đối với Đấng mới tuyên bố Ngài là Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế thì làm sao lại có thể chết được. Chết thì còn cứu được ai! Đối với Phê-rô thì lời tuyên bố “phải” đi lên Giê-ru-sa-lem của Chúa quả là điên dại, vô lý và trái nghịch với những gì mà ông quan niệm về Đấng Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến. Bởi thế, Phê-rô đã ra sức cản ngăn Chúa Giê-su. Từ ngữ “cản ngăn” được dùng trong Tin Mừng có ý nói đến việc cản ngăn các “thần xấu.” Phê-rô không nghĩ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, do đó ông cho việc Chúa bị Khổ Nạn và Chết là mưu kế của ma quỉ. Vì hiểu sai về ý của Thiên Chúa, Phê-rô đã muốn giải thoát Chúa khỏi cái cạm bẫy ấy. Trái lại, Chúa Giê-su lại vạch ra cho ông biết ông sai lầm và làm như thế là cổ võ cho ý đồ của Satan. Ông muốn Chúa Giê-ru từ bỏ việc trung tín trong đau khổ. Phê-rô nghĩ tin theo kế hoạch của Thiên Chúa phải đem lại hạnh phúc, giầu có, thịnh vượng, thành đạt và tất cả các hồng phúc khác ở đời chứ không thể nào lại là thập giá và chịu chết. Chết thì còn làm được gì nữa! Phê-rô muốn thuyết phục Chúa Giê-su hoàn tất sứ vụ Đấng Cứu Thế theo quan niệm trần thế. Phê-rô đã được gọi là “đá” để Chúa Giê-su xây dựng Giáo Hội của Ngài, bây giờ lại trở nên đá gây “vấp phạm.” Phê-rô đã từng được công nhận là người được linh ứng bởi Thiên Chúa Cha trên trời, bây giờ lại phát ngôn theo suy nghĩ và lý luận hoàn toàn theo ham muốn con người trần thế. Thật đáng buồn để thấy sự thay đổi quá nhanh và dễ dàng từ việc tuyên xưng đức tin chân thật sang việc lầm lạc trong đức tin. Điều này chắc chắn cũng dễ sàng xẩy ra khi chúng ta không nhận ra sự cần thiết của Thánh Giá trong sứ vụ cứu chuộc của Chúa Giê-su và trong đời sống của những ai muốn là môn đệ của Chúa. Nếu chúng ta đi theo Chúa, chúng ta cần biết đón nhận đau khổ đến với chúng ta để trở nên những Ki-tô hữu trung tín. Những lúc trung tín trong đau khổ không phải là lúc Thiên Chúa bỏ chúng ta hay là lúc ma quỉ chiến thắng, nhưng đúng hơn là lúc chúng ta đang tiến bướctrên đường đi lối bước của Chúa Giê-su. Đôi khi chúng ta có thể để mình suy nghĩ về sự thành đạt và hạnh phúc theo cách của thế gian làm chúng ta nhụt chí không trung tín tiến bước theo Chúa Giê-su lên đồi Can-vê để chết đi và sẽ được sống lại. Lời quở trách của Chúa Giê-su đối với Phê-rô cũng là lời căn dặn muôn đời cho mọi người chúng ta rằng chúng ta cần hết sức cẩn trọng không để cho kiểu suy nghĩ thế gian hướng dẫn và quyết định cách chúng ta đón nhận và làm theo ý của Thiên Chúa.

Dẫn Đường hay Đi Theo

Cách Chúa Giê-su đáp trả lời “cản ngăn” của Phê-rô là chỉ thị đặc biệt. Khi Chúa nói với Phê-rô, “Hãy lui ra đàng sau Thày”, Chúa không bảo Phê-rô hãy “cút đi chỗ khác” nhưng Chúa bảo ông hãy trở về với vai trò là người môn đệ. Môn đệ là người đi theo và làm theo thầy của mình. Khi Phê-rô trung tín theo sự lãnh đạo và hướng dẫn của Chúa Giê-su, thì lúc đó ông là đá nền đá móng xây dựng Giáo Hội. Nhưng khi Phê-rô muốn lãnh đạo chỉ đường cho Chúa Giê-su, ông không còn là người môn đệ và chẳng là gì ngoài là viên đá cản đường gây vấp phạm. Chúa Giê-su muốn chỉ ra cho Phê-rô thấy điều ông đã hiểu sai trong niềm tin của ông; ông đang nỗ lực điều khiển Thiên Chúa thay vì làm theo ý của Thiên Chúa. Phê-rô biết người môn đệ sẽ đi theo đến nơi mà Thầy dẫn họ đi, và Phê-rô không thích nơi Chúa Giê-su đang đi đến bởi vì Chúa nói cho ông biết nơi Ngài đến là khổ nạn và chết. Chúa Giê-su lại tiếp tục dạy Phê-rô là môn đệ Ki-tô không phải chỉ là đọc đúng lời tuyên xưng đức tin. Môn đệ Ki-tô cũng có nghĩa là đón nhận và đối diện với các thử thách, đau khổ và bắt bớ đến với chúng ta nhân danh đức tin. Phê-rô vui vẻ hân hoan tuyên xưng Chúa Giê-su là “Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” nhưng lại không hoan hỉ đi đến nơi Chúa dẫn ông đi. Lời tuyên xưng đức tin của chúng ta là điều cần thiết nói lên cho biết chúng ta tin Chúa Giê-su là ai. Tuy nhiên lời tuyên xưng đó không đủ nghĩa nếu chúng ta không thể hiện đức tin đó ra bằng việc dấn thân trong tuân phục tất cả các yếu tố thực tế khác của cuộc sống. Đây là lý do Chúa Giê-su tuyên bố mọi người sẽ được thưởng công tùy theo công việc họ làm chứ không tùy theo những gì họ đã nói. Phán xét cho chúng ta sẽ được đặt nền tảng ở những công việc mình đã làm nhân danh Thiên Chúa chứ không phải do những lời chúng ta nói. Đây chính là thách đố cho chúng ta trong cách chúng ta đón nhận thánh giá với Chúa Giê-su. Nói thì dễ và ai cũng có thể nói được. Phê-rô có thể tuyên xưng đức tin, nhưng câu hỏi quan trọng hơn là ông có muốn vác thánh giá hay không. Thách đố cho mọi người chúng ta để suy nghĩ là chúng ta thực hành đức tin Ki-tô giáo tốt đến đâu trong đời sống.

 
LM John Trần Khả
Houston, TX
114.864864865135.135135135250