06/09/2020 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

347
SN Tin Mừng Chúa Nhật XXIII TN - A (Lm John Trần Khả)
 

Ở một giáo xứ kia, cha xứ và ca trưởng xích mích không hạp ý nhau. Cha không đồng ý với ca trưởng và ca trưởng không thích cha xứ. Thời gian kéo dài và không còn che dấu được sự kình địch giữa hai người.

Tuần thứ nhất cha xứ giảng về tinh thần dấn thân phục vụ Thiên Chúa trong cộng đoàn.

Ca trưởng cất lên bài hát, “Lạy Cha nếu có thể . . . ”

Tuần thứ hai cha giảng về việc đóng góp dâng cúng nhà thờ cách vui tươi quảng đại.

Ca trưởng cất lên bài hát, “Lo gì ngày mai mai sẽ lo!”

Tuần thứ ba cha giảng về tính nói hành xấu người khác, mọi người cần phải tập giữ miệng lưỡi.

Ca trưởng cất lên bài hát, “Chúng ta cùng rao tin mừng đi khắp đó đây!”

Cứ như thế và cha xứ cảm thấy chán ngán và bực bội căng thẳng, Chúa Nhật sau cha nói là cha đang nghĩ đến việc xin từ chức. Ca trưởng cất lên bài hát, “Trời hân hoan, đất vui mừng!”

Rồi ngày đến đã đến, Chúa Nhật kế tiếp cha loan báo cho toàn thể cộng đoàn giáo xứ là sau khi đã suy nghĩ cầu nguyện và tìm ý Chúa, và cha tin là Chúa muốn thuyên chuyển cha đi nơi khác. Ca trưởng cất lên bài hát, “Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa . . .”

Thương Yêu Sửa Lỗi

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su chỉ dạy việc thương yêu sửa lỗi đối với những người làm thương tổn đến chính họ hay cho cộng đoàn. Các môn đệ có trách nhiệm giúp những người khác sống đạo đức thánh thiện, vì vậy đôi khi đòi họ phải giúp người khác bỏ lối sống tội lỗi. Đây là thông điệp quan trọng hướng dẫn chúng ta tìm phương cách giúp người khác sống tốt hơn trong tinh thần xây dựng và yêu thương. Chúa biết khi chúng ta bị xúc phạm hay quyền lời của chúng ta bị xâm phạm hay thiệt thòi, chúng ta sẽ phản ứng. Chúa Giê-su dạy chúng ta cách phản ứng xứng hợp với tinh thần trong cộng đoàn đức tin.

Với Ki-tô hữu, cảm nghiệm yêu thương tha nhân có nghĩa là chúng ta muốn điều tốt cho họ nhân danh Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta để cho chúng ta sống và làm theo ý muốn của Ngài để được sống đời đời với Ngài và với nhau trên Thiên Đàng. Tội lỗi khiến chúng ta bỏ ý của Thiên Chúa để làm theo ý mình và theo những giá trị giả dối thấp hèn ở thế gian. Tội lỗi làm cho chúng ta trở nên thấp hèn hơn con người mà Thiên Chúa muốn tạo dựng. Thiên Chúa ghét tội lỗi bởi vì tội lỗi làm thương tổn và phá hủy con người Ngài yêu thương và cứu vớt. Ngài muốn các Ki-tô hữu hiểu trách nhiệm giúp đỡ nhau để nhận ra và thắng vượt những ước muốn sai lầm và các giá trị thấp hèn giả dối ở đời để chúng ta có thể trở nên những con người sống và làm theo ý mà Thiên Chúa muốn tạo dựng. Khi có ai đó xúc phạm đến chúng ta, phản ứng tự nhiên là chúng ta muốn tự vệ và phản đòn. Thường thì khi làm như thế chúng ta có thể phản ứng thiếu xây dựng như nói hành nói xấu, dèm pha, ganh ghét, giận hờn, chống đối, tẩy chay . . . Đôi khi chúng ta cho là mình vẫn còn tốt chán bằng cách vạch ra những lỗi lầm “to” hơn của người khác để bào chữa cho mình. Khi điều này xẩy ra, thường thì tội của người khác lại có thể nên cớ để chúng ta tiếp tục phạm tội. Chúa Giê-su dạy chúng ta cách phản ứng khác. Chúa dạy chúng ta đi theo con đường siêu nhiên, nghĩa là vượt lên trên tính tự nhiên khi phản ứng lại những xúc phạm của người khác. Thứ nhất, Chúa dạy chúng ta giúp cho người có lỗi nhận ra lỗi lầm hay điều họ đã xúc phạm đến chúng ta. Đây là điều cần thiết đôi khi người khác không biết là họ đã sai hay đã làm tổn thương chúng ta. Thật bất thường, theo chỉ dạy của Chúa thì trách nhiệm khởi sự giải hòa lại là từ nạn nhân bị xúc phạm. Nói ra sự tổn thương mà người khác đã gây nên, và không phải là tố cáo họ hay buộc tội nhưng là giúp họ nhận ra cái ảnh hưởng tiêu cực do lỗi lầm của họ trong cộng đoàn.

Thứ hai, được thúc đẩy bởi tình yêu thương tìm hòa giải, hàn gắn, sửa chữa, và thăng tiến hơn là tức giận, muốn trả đũa, trừng phạt, nhục mạ hay đòi đền bù. Sửa lỗi trong tình huynh đệ có thể khó làm bởi vì khi làm như thế có thể gây hiểu lầm, bị phủ nhận hoặc có thể trở nên tệ hơn, nhưng đây là một phần của tinh thần môn đệ. Có cha mẹ hiền đức nào khi sửa dạy con cái lại không có tình thương yêu? Có bạn tốt nào khi thấy bạn mình sai lại không sửa lỗi cho bạn để giúp cho người bạn đó nên tốt hơn?  Sửa lỗi trong tình huynh đệ là một trong những việc làm đáng mến nhất mà chúng ta có thể làm cho nhau. Đó cũng là điều mà Chúa muốn chúng ta làm cho nhau. Tiên tri Ezekien cảnh báo chúng ta rằng, chúng ta là những người canh giữ bao bọc cho nhau, nếu im lặng không sửa bảo nhau và để cho người khác bị nguy hại sống trong lầm lạc thì chúng ta sẽ bị liên lụy trách nhiệm. Biết người khác làm những điều sai có nguy hại đòi buộc chúng ta phải giúp họ.

Không Bỏ Hòa Giải

Chúa Giê-su đi xa hơn nữa trong việc sửa bảo nhau khi nói đến những tình huống bất khả kháng. Yêu thương đòi chúng ta không bao giờ được ngưng tìm cách giúp nhau nên tốt kể cả khi nỗ lực của chúng ta giúp cải thiện người khác bị thất bại. Những lúc như thế, chúng ta cần tìm thêm người vào cuộc để cùng giúp họ trong tình yêu thương tương kính đối với người có lỗi. Đôi khi những người có lỗi cần biết rằng các hành động của họ ảnh hưởng đến cộng đoàn, chứ không phải chỉ đối với riêng họ hay một người nào đó. Bất cứ tội gì hay tổn thương gây nên trong Thân Thể của Chúa Ki-tô, đều ảnh hưởng làm suy yếu và tổn thương đến toàn Thân. Do đó lỗi phạm của một người, cho dù thầm kín riêng tư, cũng ảnh hưởng đến chúng ta. Mục đích đưa những người khác vào cuộc trong tiến trình hòa giải không phải là để đe dọa cho sợ hay tìm tẩy chay họ, nhưng là để giúp họ nhận ra tình yêu trong cộng đoàn Ki-tô hữu. Cộng đoàn đó muốn họ thay đổi và hòa giải để tiếp tục sống trong hiệp thông. Chỉ khi họ cố chấp không chịu thay đổi mới công khai đưa họ ra với cộng đoàn, nghĩa là với thẩm quyền của Giáo Hội. Tôn trọng quyền riêng tư và nhân vị của những người lầm lỗi là điều quan trọng cho dù nhiều lần họ từ chối hoán cải. Chính đây là điều mà Chúa Giê-su cho chúng ta phương cách ứng xử bằng việc coi họ như dân ngoại vô đạo hay như lớp thu thuế. Điều này có nghĩa là tuyệt thông, không còn nhận họ trong tình hiệp thông với cộng đoàn Ki-tô hữu nữa. Ngay cả trong tình huống trầm trọng này, mục đích vẫn không phải là trừng phạt, làm nhục hay trả thù nhưng là để tìm cách giúp họ hoán cải bằng cách đánh thức giúp họ nhận ra sự trầm trọng do hành động của họ và thiệt hại do họ gây ra cho cộng đoàn. Ngay cả vạ tuyệt thôngcũng nhằm để giúp họ hòa giải.

Tiến trình sửa lỗi cho nhau mà Chúa Giê-su vẽ ra cho chúng ta trong bài Tin mừng không phải chỉ là cho sự hoán cải của người làm lỗi nhưng cũng là để bảo toàn cho những người liên quan trong hoàn cảnh đó. Vì là con người, chúng ta luôn luôn có nguy cơ bị sứt mẻ trong quan hệ với những người khác. Rất có thể phán đoán của chúng ta theo chủ quan vì tức giận hay kỳ thị. Thêm nữa, sự hăng say nhiệt thành có thể làm cho chúng ta không còn khôn ngoan đắn đo nghĩ đến quan điểm của những người khác. Những trường hợp tiếp tục sống trong tội lỗi lớn có thể ảnh hưởng xấu đến cộng đoàn Ki-tô hữu cũng như tạo ra những cảm xúc tức giận và mất tin tưởng nếu những xung khắc này không được giải quyết. Việc sửa lỗi cho nhau như Chúa Giê-su dạy, là một thực hành nhằm chủ đích bảo vệ mọi người liên quan. Chắc chắn là người có lỗi được bảo vệ không tiếp tục có những hành xử nguy hại ảnh hưởng đến chính họ và đến những người khác. Người nhận trách nhiệm sửa lỗi cho người khác tìm sự hoán cải cho họ cũng được bảo vệ không tự giới hạn ở cái nhìn chủ quan khi có hai hay ba người khác cùng làm chứng. Cộng đoàn cũng được bảo vệ tránh bị ảnh hưởng xấu và gương mù bởi những việc làm sai trái không được khuyên can và bảo ban, và những người có trách nhiệm không bị mất uy tín. Chúa Giê-su muốn Giáo Hội cảm nghiệm tinh thần công bình và tình thương trong những lúc như thế. Thánh Tô-ma Aquino dạy về sự liên hệ cần thiết giữa hai nhân đức này khi ngài nói, “Tình thương mà không có công bình là mẹ đẻ của buông thả; công bình mà không có tình thương là tàn nhẫn vô nhân đạo.”

Nữ tu Deirdre
 
Sơ “Dede”Byrne đã một thời phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ với cấp bậc Đại Tá bác sỹ quân y. Cuối tháng 8 sơ Dede được mời phát biểu trong đại hội tranh cử của Đảng Cộng Hòa. Là nữ tu trong công tác bác ái phục vụ những người tị nạn, và là bác sĩ y khoa chăm sóc sức khỏe con người, Nữ tu nhận định: “Những người tị nạn cùng chia sẻ cảm nghiệm chung. Họ bị loại ra ngoài lề xã hội, bị coi là không quan trọng, họ bất lực và không có tiếng nói. Trong khi chúng ta có chiều hướng cho rằng những người bị bỏ quên bên lề là những người đang sống bên lề các ranh giới như thế, sự thật số đông lớn nhất bị bỏ bên lề ranh giới lại được thấy ở Hoa Kỳ là các thai nhi.” Sơ Dede lấy Chúa Giê-su làm thí dụ dẫn chứng. Ngài cũng đã từng là một thai nhi và là mô phạm tranh đấu bảo vệ công lý chống lại chính trị mị dân. “Không phải tình cờ mà Chúa Giê-su đứng về phía công lý để rồi bị đóng đinh thập giá chỉ vì điều Ngài nói đã không thích hợp theo chiều hướng chính trị mị dân hay không đánh bóng lời nói cho thuận tai người nghe. Là những người theo Đức Ki-tô, chúng ta được kêu gọi đứng lên bảo vệ sự sống chống lại lối chính trị mị dân hay kiểu cách ăn nói bóng bảy thuận tai người nghe ngày nay. Chúng ta phải tranh đấu chống lại những mưu toan lập pháp cho phép phá hủy sự sống ngay khi còn trong bụng.”

Nữ tu Dede dùng cả hai vai trò là người hướng dẫn tinh thần và là chuyên gia y khoa và không e ngại bày tỏ quan điểm phò sự sống, đầy nhân bản hợp thông điệp Tin mừng Ki-tô giáo. Sơ nói tiếp, “Xin hãy nhớ, luật pháp chúng ta làm ra định nghĩa cách chúng ta nhìn nhận về con người. Và chúng ta phải hỏi chính mình, “Chúng ta đang nói gì khi chúng ta đi vào trong bụng và cắt giết đi và lôi ra một mạng sống vô tội, yếu đuối, bất lực không tiếng nói?” Là một bác sỹ y khoa, tôi có thể không ngần ngại để nói rằng, “Sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai. Điều tôi nói có thể khó nghe đối với một số người, và tôi nói không phải chỉ là để phò sự sống; Tôi cũng phò sự sống đời đời nữa. Tôi muốn tất cả mọi người một ngày nào đó cũng được vào Thiên Đàng.”

LM John Trần Khả
Houston, TX

 
114.864864865135.135135135250