04/07/2021 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

251
Sức mạnh của lời từ chối
 
SỨC MẠNH CỦA LỜI TỪ CHỐI
(Chúa Nhật XIV Thường Niên B, Ed 2, 2-5; 2 Cr 12, 7-10; Mc 6, 1-6)
 
Tác giả: Jaime L. Waters
Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển
Từ:
 americamagazine.org (17.6.2021)

Sự khước từ là một thực tế của cuộc sống. Đến một lúc nào đó, mọi người đều sẽ trải nghiệm về tiếng “không” ở công sở, nơi gia đình hay ngoài xã hội. Bài đọc Chúa nhật hôm nay đưa ra những thí dụ trong Kinh thánh về việc đoán trước và chấp nhận sự khước từ cũng như sự kiên trì bất chấp những trở ngại.

Êdêkien, Phaolô và Đức Giêsu đều cảm nghiệm thái độ thù nghịch, nhất  là khi đưa ra những sứ điệp phê phán và khó chấp nhận đối với dân chúng. Trong bài đọc một, Thiên Chúa đã gọi tiên tri Êdêkien trong thời kỳ lưu đày ở Babylon. Ngài bảo ông hãy sẵn sàng mang sứ điệp đến với dân đã nổi loạn, và cảnh bảo với ông rằng dân chúng sẽ “mặt dày và cứng lòng.” Dù có thể bị khước từ, Êdêkien vẫn được kêu gọi để rao giảng và dạy dỗ.

Thiên Chúa đã sai Êdêkien dẫu biết rằng ông sẽ phải đối mặt với sự khước từ, và Êdêkien cũng biết con đường gian nan phía trước khi ông nói tiên tri. Trong bài đọc hai trích thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, Phaolô cũng nói về những thử thách mà ngài đã gặp phải, nhắc đến “một cái dằm đâm vào thịt... một thủ hạ của Satan.” Gian khổ này có thể ám chỉ đến những đối thủ hay những kẻ thù khác nhau mà Phaolô đã gặp hoặc có thể là những thử thách về thể lý hay tinh thần. Phaolô coi những gian khổ này là đáng phải chịu trong sứ vụ vì Đức Kitô. Giống như Êdêkien, Phaolô chấp nhận và nhìn nhận công việc đầy thử thách nhưng quan trọng mà ngài được kêu gọi để thực hiện. Ngày nay, khi nhiều người phải vật lộn với những gánh nặng và rào cản khác nhau, chúng ta có thể gặp thấy những mẫu gương về sự kiên trì trong các bài đọc hôm nay.

Tương tự, bài Tin mừng theo thánh Máccô thuật lại việc Đức Giêsu bị khước từ ở Nadarét. Khi Đức Giêsu giảng dạy trong hội đường, dân chúng lớn tiếng thắc mắc về năng lực và thẩm quyền của Ngài. Họ biết gia cảnh, và một số người chất vấn về sứ vụ của Ngài, cho rằng những việc Ngài làm trái ngược với việc giáo dục và bà con dòng họ của gia đình Ngài. Đáp lại những người phản đối này, Đức Giêsu đưa ra câu phương ngôn khôn ngoan là  các tiên tri không được chấp nhận tại quê hương mình. Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giêsu đối mặt với sự soi mói và chống đối khi ở quê nhà. Trước đó, trong Tin mừng, người ta nghĩ rằng Ngài mất trí (Mc 3,21). Trong bài đọc hôm nay, Đức Giêsu tỏ ra bình an khi những lời giảng dạy của mình có thể bị khước từ nhưng Ngài vẫn ngạc nhiên trước sự cứng tin của cộng đoàn.

Bài Tin mừng có một chi tiết đáng chú ý về ý nghĩa của sự cứng lòng tin của dân chúng đối với cuộc sống – họ đã không đón nhận được nhiều lợi ích như các cộng đoàn khác. Khi ở Nadarét, Đức Giêsu chỉ chữa lành cho một vài bệnh nhân. Tin mừng Mátthêu nói rõ hơn lý do của sự việc này: “Ngài không làm được nhiều phép lạ tại đó vì họ không tin” (Mt 13,58). Cả hai thánh sử đều nhấn mạnh rằng cần phải có đức tin để đón nhận ơn lành. Khẳng định này dựa trên các bài Tin mừng mà chúng ta đã nghe trong vài tuần vừa qua, trong đó nêu bật đức tin được kết nối với những phép lạ của Đức Giêsu.

Vì chắc chắn phải đối mặt với sự khước từ, hôm nay chúng ta được nhắc nhở hãy duy trì sự bền bỉ và kiên trì. Các bài đọc kêu gọi chúng ta suy xét và tập trung vào những vấn đề mà chúng ta có thể kiểm soát.

Hơn nữa, các bài đọc hôm nay có thể thôi thúc chúng ta để ý đến lời nói của người khác, ngay cả khi chúng thách thức hiện trạng cuộc sống chúng ta.

 
Nguồn: giaophannhatrang.org 
 
114.864864865135.135135135250