10/10/2021 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

291
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 28 TN - B (Lm Jn Trần Khả)

Để Được Rỗi Linh Hồn

Một cha xứ có sáng kiến dùng 4 câu hỏi tiêu chuẩn cho điều kiện những người muốn gia nhập giáo xứ:

1. Ai là Chúa và là Vị Cứu Thế của bạn? Chúa Giê-su Kito.
2. Bạn có đặt tin tưởng vào Ngài và muốn làm môn đệ của Ngài không? Có.
3. Bạn có hứa sẽ là người giáo dân tốt trong giáo xứ không? Có.
4. Lương thu nhập hàng năm của bạn là bao nhiêu?
   
Đây là vấn đề rất riêng tư, không ai được quyền biết. Chỉ sở thuế vụ và ngân hàng biết thôi.


Hôm qua tin tức cho biết lực lượng an ninh Mễ Tây Cơ đã bắt giữ 652 người trên ba xe tải gần biên giới Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ. Những người này gồm người lớn và nhiều trẻ em từ Guatamela. Họ ngồi trốn trong thùng của ba xe tải, tất cả đều đói, khát và mệt. Vì muốn vào sinh sống ở Mỹ nên những người này đã sẵn sàng bỏ lại gia đình, nhà cửa, đất nước và chấp nhận gian khó để đến Mỹ. Tất cả đều không biết chắc là họ có thể vào được, nhưng họ nuôi hy vọng và sẵn sàng đánh cuộc mạo hiểm. Họ đã dám làm. Một người khác chia sẻ, ông đã trả 12 ngàn đô la để đưa hai vợ chồng và đứa con vượt biên giới để vào Mỹ. Tất cả người Việt Nam chúng ta ở Mỹ cách này hay cách khác, cũng đã sẵn sàng bỏ lại nhà cửa, rời xa quê hương đất nước để đến Mỹ. Một số người bỏ cả nửa triệu đô la hoặc hơn nữa để được vào sống và kinh doanh ở Mỹ.

Tôi Phải Làm Gì?

Tin mừng theo thánh Maco nói về một người chạy đến với Chúa Giê-su, quỳ gối trước mặt người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

Trước khi trả lời cho anh, Chúa Giê-su hỏi lại để giúp anh nhận thức về Ngài, “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.” Nói cách khác, ‘Nếu anh nhìn nhận tôi là nhân lành, thì anh hãy tin vào tôi.’ Sau đó Ngài trả lời cho câu hỏi của anh, “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.”

Thật đáng phục khi nghe anh trả lời, “Thưa Thầy, tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Người thanh niên này đã được thụ giáo rất chu đáo và thành thật khao khát muốn tìm sự sống đời đời. Cuộc hành trình môn đệ của anh đã tiến bộ khá giống như Chúa Giê-su đang tiến về Giê-ru-sa-lem; anh cũng đang có ý hướng tiến tới hướng đó với Chúa Giê-su. Sự liên quan giữa con đường của Chúa Giê-su và con đường của người thanh niên này là điều đòi chúng ta suy nghĩ không thể bỏ qua. Chúng ta nhận thấy anh có sự tiến bộ trong tinh thần làm môn đệ. Thí dụ, anh đã hăm hở chạy đến với Chúa Giê-su và quỳ gối trước mặt Ngài mà không quan tâm đến dị nghị của những người khác. Một người giầu có mà quỳ gối trước mặt Chúa Giê-su là tỏ dấu có lòng kính trọng và qui phục. Anh đã thưa với Chúa, “Thưa Thầy Nhân Lành.”


Những điểm này cho thấy anh có thái độ rất xứng đáng. Hơn hết, anh đã tin nhận Chúa Giê-su là nguồn sự “tốt lành” và Chúa Giê-su xác nhận chỉ có Thiên Chúa là Tốt Lành; vậy nếu anh tuyên xưng Ngài là Tốt Lành thì anh hãy tin và đi theo Ngài thì anh sẽ được sống đời đời. Cái khác là anh chưa hoặc không muốn theo Đấng Tốt Lành. Anh muốn tự mình làm việc để kiếm được sự sống đời đời, và anh hỏi Chúa Giê-su: “Thưa Thày nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Anh có lòng khát khao sự sống đời đời; anh muốn sự sống đời đời, anh đã cẩn thận tuân giữ lề luật; anh thấy còn thiếu, nhưng không biết phải làm gì hơn để chiếm được. Anh vẫn thấy chưa ổn. Anh không biết sự sống đời đời là ơn ban tặng chứ không thể lập công. Anh nghĩ anh phải tự mua, tự làm, tự sắm để có được sự sống đời đời; do đó anh gắng đi tìm mua lấy sự sống đời đời nhờ công lao riêng của anh. Chúa Giê-su hỏi tại sao anh gọi Chúa là “nhân lành” là có ý  cho anh hiểu chỉ duy mình Thiên Chúa là nhân lành. Nói với anh như thế là Chúa có ý muốn mời gọi anh tiến sâu hơn trong đức tin để anh có thể nhận ra nơi Chúa Giê-su sự hiện diện của Thiên Chúa nhân lành và đón nhận Chúa Giê-su là chính Ngôi Lời của Thiên Chúa.

Theo Đấng Nhân Lành

Chu toàn các lệnh truyền chỉ mới là tránh làm những điều nguy hại đến người khác. Dĩ nhiên giữ được như thế là tốt, nhưng để chắc chắn được “rỗi linh hồn” anh cần trở nên người môn đệ của Chúa. Nên môn đệ của Chúa đòi hỏi phải tốt hơn nhiều. Cuộc hành trình làm môn đệ còn đòi anh phải tiến xa hơn nữa. Chính lúc đó, Chúa Giê-su trìu mến nhìn anh và mời gọi anh đi theo Ngài để sống lối sống nhân lành của Ngài: bán đi tất cả những gì anh có, phân phát cho người nghèo, rồi đi theo làm môn đệ của Ngài. Đây là lời mời gọi yêu thương vì Chúa thấy chủ ý tốt của người đó. Chúa Giê-su biết người đó có khả năng trở nên một người môn đệ tốt, và Chúa sẵn sàng mời gọi anh đi theo Ngài. Tuy vậy, anh đã không thể hay không muốn yêu như Chúa Giê-su yêu; không thể sống nhân lành như Chúa là Đấng nhân lành; không thể sẵn sàng hiến thân cho tha nhân, và do đó anh đã bỏ đi.

Cái buồn của anh không phải là vì anh có nhiều của cải, nhưng buồn là do anh không thể đối diện với lời mời gọi của Chúa Giê-su dành cho anh. Anh tiếp tục dựa bám vào những cái chỉ cho anh sự bảo đảm tạm bợ mau qua ở đời này, và anh đã chọn không sống nhân lành yêu thương tha nhân trong cách hy sinh hiến thân giống Chúa Giê-su đã yêu thương anh. Chúa Giê-su yêu thương anh và mời gọi anh bởi vì Ngài nhân lành, và Ngài cũng muốn anh cùng với Ngài yêu thương những người khác để trở nên nhân lành giống Ngài. Cũng thế, Chúa yêu thương chúng ta hơn nên Ngài chọn chúng ta làm môn đệ để cùng Ngài yêu thương và đối xử nhân lành với những người khác. Điều này đòi chúng ta  có lòng quảng đại hy sinh hiến thân, chia sẻ những phúc lành chúng ta có với những người nghèo khổ. Người thanh niên này đã có thể giữ không làm hại ai, nhưng anh lại không có khả năng tích cực yêu thương để trở nên Chúa Kito thứ hai, nhân lành với người khác theo đường lối của Chúa Giê-su. Tinh thần môn đệ của anh khựng lại đó. Anh không theo Chúa Giê-su xa hơn được. Con đường Chúa Giê-su đi là đến đỉnh núi sọ chết không còn giọt giọt máu hay giọt nước. Đây là câu truyện thách đố chúng ta, những người đang muốn theo làm môn đệ của Chúa. Chúng ta có thể theo Chúa tốt với ý muốn và cách thức của riêng chúng ta, nhưng không làm được hay không muốn theo nữa khi Chúa mời gọi chúng ta quảng đại hy sinh sống tốt hơn là chỉ giữ lề luật, nhưng còn tích cực sống bác ái, nhân lành yêu thương tha nhân như Cha trên trời là Đấng Nhân Lành.

Tham Của Không Lành

Chúa Giê-su dạy riêng các môn đệ về sự nguy hiểm khi có nhiều của cải. Chúa Giê-su tiếp tục dạy ngược lại với những tiêu chuẩn quan niệm trần tục về sự cao cả. Bây giờ Chúa nói đến sự dính bén của cải. Các môn đệ đã tỏ ra ngạc nhiên trước lời cảnh báo của Chúa.. Để hiểu lý do các môn đệ ngạc nhiên về lời giáo huấn của Chúa đối với những người giầu có, chúng ta cần nhớ là trong truyền thống văn hóa của Do thái, một người giầu có, nhiều tiền nhiều của, là dấu họ được Thiên Chúa chúc lành, ưu đãi và đẹp lòng Chúa. Do đó, người ta cho là ai nhiều tiền nhiều của thì có nhiều thời giờ và được tự do hơn để học biết Lề luật và tuân giữ những chi tiết của lề luật. Hiểu như thế, các môn đệ mới ngạc nhiên nghĩ những người giầu, có đủ phương tiện học và biết lề luật mà còn khó vào được Nước trời, vậy thì ai mới có thể được cứu rỗi.

Chúa Giê-su nói với các môn đệ rằng việc vào được Nước Thiên Chúa khó không phải là chỉ khó cho những người giầu, nhưng là khó cho mọi người. Vào được Nước Trời không phải là do công trạng riêng tự tạo, tự kiếm, tự mua, tự sắm được, nhưng là một món quà Thiên Chúa ban tặng cho. Không người nào có thể tự mua, tự kiếm, tự sắm cho mình cái vé vào Nước Thiên Chúa, bất kể họ có công trạng gì. Như thánh Giacobe nói, “Mọi ơn lành đều do ở trên ban cho từ Thiên Chúa Cha của sự sáng (Gia 1:17). Dù giầu hay nghèo, được vào Nước Thiên Chúa hoàn toàn là ơn ban nhưng không của Thiên Chúa. Việc chúng ta có thể làm là theo Chúa Giê-su là Đấng Nhân Lành để học sống chiếu tỏa các giá trị Nước Trời trong mọi lãnh vực của đời sống. Bởi việc thi hành ý của Thiên Chúa trong đời sống, chúng ta để chính mình đón nhận nước Thiên Chúa ngay từ bây giới và mãi mãi. Khi chúng ta chống lại uy quyền của Thiên Chúa và tiếp tục bám víu vào những bảo đảm giả tạo ở đời, là khi đó chúng ta tự đóng cửa lòng mình không đón nhận Nước Trời bây giờ và mãi mãi. Bởi thể trong khi chúng ta không thể tự kiếm Nước Trời, chúng ta thể đón nhận Nước Trời theo đúng cách. Cách đó là đi theo Chúa Giê-su sống yêu thương nhân lành như Chúa.

Phần Thưởng

Thánh Phê-rô hỏi Chúa Giê-su vậy thì những người đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa thì sẽ được những gì? Phê-rô hỏi như thế bởi vì chính ông đã làm như vậy. Ông đã bỏ nhà, bỏ thuyền, bỏ gia đình, vợ con để đi theo Chúa. Chúa Giê-su đã không úp mở, nhưng hứa với Phê-rô là các hy sinh của ông sẽ không uổng phí. Để hiểu lời hứa của Chúa, chúng ta cần nhớ hoàn cảnh của Giáo hội thuở ban đầu. Lúc đó các môn đệ nhận họ là các phần tử của một gia đình mới thuộc về Thiên Chúa. Căn cước mới này rất quan trọng vì nhiều người lúc đó đã bị gia đình của họ từ bỏ khi họ đi theo làm môn đệ của Chúa Giê-su. Giáo Hội là nơi các môn đệ trở thành phần tử của một gia đình mới và trở nên anh chị em với nhau. Sách Công Vụ Tông Đồ nói là họ góp chung mọi của cải với nhau và sống chia sẻ trong tình huynh đệ (2:44 và 4:32).

Chúa Giê-su trả lời cho câu hỏi của Phê-rô trong ánh sáng của ý nghĩa này. Đúng vậy, những người bỏ lại tất cả để trở nên môn đệ của Chúa, họ sẽ nhận được nhiều anh chị em và mẹ khác trong gia đình của Thiên Chúa là Giáo Hội. Điểm ngạc nhiên là Chúa không hứa cho những người đó có thêm những người “cha”; một số chuyên gia về Thánh Kinh cho là vì các môn đệ sẽ chỉ có một “Cha” là Thiên Chúa. Giáo Hội cũng là một cộng đoàn của tình yêu chia sẻ chung mọi sự, các môn đệ không phải chỉ có một nhà nhưng hàng trăm nghìn nhà khi họ chia sẻ chung với nhau tất cả những gì họ có. Chúa Giê-su hứa chắc với Phê-rô là những hy sinh của ông sẽ không uổng phí; ông sẽ được thưởng cho một gia đình mới và nhiều cái tốt lành mới. Thêm vào những ơn phúc này, Chúa Giê-su cũng hứa là Phê-rô sẽ bị bắt bớ kèm theo những phần thưởng đó. Lời hứa này khiến chúng ta bỡ ngỡ, nhưng điều quan trọng chúng ta cần lưu ý là Tin mừng Maco được viết trong thời các Kito hữu bị bách hại lần đầu tiên dưới triều đại của Nero. Những môn đệ chân thật sẽ có một gia đình mới, và họ cũng sẽ được ban cho ơn can đảm và sức mạnh vác thánh giá chịu đau khổ. Bất cứ ai cũng có thể nhận phần thưởng sung sướng, nhưng chỉ có người nào thực sự dấn thân mới có thể đón nhận hy sinh đau khổ trong an bình. Đón nhận bách hại, do đó, là dấu chỉ cho biết là người môn đệ chân thật và người đó đúng là môn đệ của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su tuyên bố những trải nghiệm như thế thực sự là phần thưởng để cho họ biết là họ đang đi đúng đường đúng hướng. Thánh Polycarp ở thế kỷ thư hai, trước khi lãnh phúc tử đạo đã nói, “Con chúc tụng Cha vì đã xét cho con xứng đáng vào giờ này, để cùng với các vị Tử đạo con có thể chia sẻ chén của Đức Kito. 

Tôi nghe nói về hai bức tranh được treo ở một ngôi biệt thự. Bức tranh thứ nhất là câu truyện về người giầu có thu hoạch được nhiều hoa mầu, quá nhiều đến nối ông phải phá cái kho cũ nhỏ để xây cái khác lớn hơn. Sau đó ông nói, “Hỡi linh hồn, hãy ăn, uống, vui chơi và ngày mai sẽ chết.” ở cuối bức tranh ghi hàng chữ, “Trông có vẻ là người thành công nhưng là kẻ thất bại.”

Bức tranh khác vẽ cảnh Chúa Giê-su đang chết trên thánh giá, đầu đội vành gai nhọn, cằm chảy sệ chạm ngực, tay bị đóng đinh, và các bạn đều chạy trốn. Dưới bức tranh có hàng chữ: “Trông như kẻ thất bại, nhưng lại là Người Thành Công.”
 
 Lm Giuse Trần John Khả
 
114.864864865135.135135135250