12/09/2021 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

208
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII TN - B (Lm Jn Trần Khả)

Hôm qua ngày 11 tháng 9 tưởng niệm 20 năm biến cố những người khủng bố tấn công Trung Tâm Thương Mại của Hoa Kỳ. Sau cuộc tấn công, để bảo vệ quyền lợi, tự do và an ninh của nước Mỹ, Hoa Kỳ đã mở chiến dịch chống khủng bố toàn cầu, và gởi quân đội đến các nước có quân khủng bố hay đồng minh của quân khủng bố nhằm tiêu diệt hay làm tê liệt lực lượng khủng bố. Chiến dịch này đã gây tổn thất rất nhiều về sinh mạng và tiền của cùng sự tổn thương trong cuộc sống của nhiều người, và nhiều gia đình.

Số người bị thiệt mạng cho lực lượng quân đội Hoa Kỳ và đồng minh trong cuộc chiến này khoảng gần 15 ngàn bình sĩ.
Quân đội và cảnh sát của các nước chủ nhà chết khoảng 207,000.
Quân khủng bố chết khoảng 301,000 người.
Số thường dân chết khoảng 387,072 người.

Tổng số thiệt hại về nhân mạng trong toàn cuộc chiến lên đến gần 1 triệu người.
Số tiền đổ vào cuộc chiến là hơn 6400 tỉ đô la. Đây là giá rất cao phải trả cho cuộc chiến bảo vệ tự do và quyền lợi cho nước Mỹ và thế giới tự do.


Lầm

Yakov Smirnoff là một nhà hài hước người Nga. Khi đến Mỹ lần đầu tiên anh đã ngỡ ngàng lúc đi chợ. Anh bị hoa mắt bởi quá nhiều sản phẩm hàng hóa mà anh chưa bao giờ thấy ở nước Nga dưới thời cộng sản. Anh kể, “Lần đầu tiên khi tôi vào trong chợ để mua thức ăn, tôi thấy sữa bột để pha; chỉ cần cho vào nước pha là có sữa uống. Rồi tôi thấy bột cam; chỉ cần cho bột cam vào nước pha là có nước cam uống; cà phê bột, chỉ cần cho bột café vào nước là có cà phê thơm ngon uống. Thế rồi tôi thấy hộp bột pha có hình một đứa trẻ thật dễ thương, và tôi nghĩ, thật là một quốc gia quá văn minh! Lấy bột pha vào nước là có một thằng cu cái tí đẹp như trong hình sao?”

Anh là một nhà hài hước và anh chỉ nói đùa cho vui. Nhưng có thể nhiều người coi việc biến đổi trong tinh thần đạo Chúa Kito cũng dễ dàng chẳng khác gì như Café bột; sữa bột hay mì ăn liền. Đi nhà thờ giống như đi chợ mua sắm hàng tuần. Đi chợ mua thực phẩm về ăn; ăn hết rồi lại đi mua. Mua đồ ăn ngon và bổ, hay mua đồ bán hạ giá để tiết kiệm, tùy ý chọn. Hàng tuần chúng ta cũng đi nhà thờ như đi mua lòng Chúa thương xót; mua sự che chở phù hộ của Đức Mẹ; mua sự sống đời đời. Đến rồi về. Về rồi lại đến. Đây là sống đạo theo lối rẻ tiền. Có tội thì đi xưng tội; xưng tội là được tha hết tội. Xưng rồi lại phạm. Phạm tội rồi lại đi xưng. Đi xưng tội để lấy ơn đại xá là hết tội, hết hình phạt. Năm nay lãnh ơn đại xá hết tội cũ. Sang năm có dịp lãnh ơn đại xá khác lại hết tội mới và hình phạt mới. Cứ phạm tội rồi khi có dịp lãnh ơn toàn xá là hết sạch. Sống đạo như thế giống như đi mua đồ “sale.” Có lẽ vì thế mà nhiều người Công giáo cũng ly dị, cũng phá thai, cũng phò hôn nhân đồng phái tính, cũng ngoại tình, cũng ăn trộm ăn cắp, cũng ham mê cờ bạc, cũng rượu chè, cũng thù oán, cũng văng tục chửi thề, cũng cho vay lời lãi cao chẳng khác gì những người vô thần hay người không biết Chúa.

Định Vị Sai

Chúa Giê-su đặt câu hỏi căn bản với các môn đệ và với mỗi người chúng ta: “Các con bảo Thầy là ai?” Câu hỏi về danh tính và uy quyền của Chúa Giê-su là câu hỏi quan trọng nhất trong các chủ để của Tin mừng Maco và được nói đến ở phép lạ đầu tiên nơi chương đầu (Mc 1:21-18). Vài người đã cố trả lời cho câu hỏi này trong Tin mừng Maco nhưng các câu trả lời của họ không nói lên đầy đủ ý nghĩa về căn diện tính của Chúa Giê-su. Với một số người thì Chúa Giê-su là người làm được nhiều phép lạ, và với một số người khác thì Ngài là một nhà giáo . Một số khác nữa thì coi Ngài là một tiên tri. Thánh Phê-rô nhìn nhận Chúa Giê-su là Đức Kito Con Thiên Chúa.” Chúa Giê-su thì xưng nhận Ngài là “Con Người.” Những danh hiệu này cho chúng ta những cái nhìn về Chúa Giê-su và cách chúng ta đáp lại Ngài. Nhìn nhận Chúa Giê-su là ai sẽ quyết định mức độ chúng ta đi theo Ngài đến đâu và những hy sinh nào chúng ta muốn dấn thân tham gia.

Ai muốn từ bỏ đời mình để theo làm môn đệ của một người chỉ có khả năng làm phép lạ?
- Ai muốn chịu đóng đinh chỉ vì một tiên tri?

Chúa Giê-su có thể làm lời tuyên bố táo bạo đòi chiếm lấy cuộc đời chúng ta chỉ vì Ngài là Con Thiên Chúa. Khi chúng ta hạ Chúa Giê-su xuống bất cứ hạng nào thấp hơn Con Thiên Chúa Nhập Thể thì chúng ta làm mất đi lý do cần thiết để đi theo làm môn đệ.

Chúa Giê-su xưng mình là Con Thiên Chúa và lời xưng nhận này có mục đích cho chúng ta. Chúng ta tin nhận Chúa Giê-su là ai sẽ ảnh hưởng đến việc chúng ta theo Ngài. Chắc chắn chúng ta sẽ không tin theo một người nói xạo hay một người khùng điên hoang tưởng. Nếu chúng ta tin theo một người mà chúng ta thực sự tin là Chúa, chúng ta cần hiểu và đón nhận những điều kiện kèm theo niềm tin ấy. Là Thiên Chúa thì Chúa Giê-su có quyền trên tất cả mọi lãnh vực của cuộc đời chúng ta. Ngài là Chúa của hôn nhân, Chúa của gia đình, là Chúa của cơ sở thương mại buôn bán, là Chúa của tài chánh, Chúa của tình yêu, tính dục giới tính, và quan điểm chính trị. Ngài là Chúa của chúng ta trong lúc nhàn rỗi và khi bận rộn làm việc. Ngài là Chúa của các thói quen cũng như các quan hệ tình bạn. Chúa Giê-su yêu cầu mỗi người trả lời câu hỏi này như việc làm căn bản cho tinh thần môn đệ và ý nghĩa làm môn đệ.

Nếu chúng ta thực sự muốn biết mình tin gì về Chúa Giê-su chúng ta chỉ cần nhìn vào đời sống của chính mình xem chúng ta hiện đang để hay không để cho Ngài ảnh hưởng trong đời sống của chúng ta. Bài tin mừng hôm nay thách đố chúng ta trả lời câu hỏi của Chúa Giê-su và uốn nắn đời sống theo câu trả lời cho câu hỏi: “Các con bảo Thầy là ai?”

Thánh Phê-rô trả lời với lời tuyên xưng Ngài là Đức Kito. Danh hiệu Đức Kito có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu.”  Trong cựu ước những người được xức dầu có nghĩa là họ được Thiên Chúa chọn để thực hiện ý của Thiên Chúa. Do đó nhiều người có thể được xức dầu và có nghĩa là họ được chọn để làm việc nhân Danh Thiên Chúa. Một phái Do thái thời Chúa Giê-su tin tưởng hy vọng “người được xức dầu” đó sẽ khôi phục triều đại của vua David và sự thịnh vượng của toàn dân. Trông đợi này khiến cho giới cầm quyền đời và đạo nơm nớp lo sợ. Phê-rô hiểu về Chúa Giê-su trong tin tường và hy vọng như thế và đó là lý do tại sao Chúa Giê-su lại khiển trách ông và bảo các môn đệ không được nói cho ai điều họ đã nghe Phê-rô nói. Do đó, lời tuyên xưng của Phê-rô vẫn chưa phải là lời tuyên xưng đúng về danh tính chân thật của Chúa Giê-su. Đúng, Ngài là Đấng Được Xức Dầu của Thiên Chúa, nhưng Ngài còn hơn như thế. Phê-rô đã không nắm bắt được ý nghĩa chân diện tính của Chúa Giê-su Kito theo như ý của Thiên Chúa.

Chúng ta đang sống trong một xã hội với nền văn hóa coi trọng và thần tượng hóa những người nổi tiếng, những người giầu có và những người thành công ở đời. Một cách nào đó chúng ta coi họ như là những người được xức dầu thời nay. Có thể họ là những lực sỹ, những người có tài đánh banh, đá bóng hay vật lộn hoặc đấu võ. Những người chơi bóng bầu dục, bóng rổ được trả lương mỗi năm hàng triệu đô la. Người đoạt được huy chương vàng hay được giải hoa hậu, hay bất cứ ai được tuyển chọn cách đặc biệt chiếm được sự chú ý của chúng ta và của xã hội, được kính nể ngưỡng mộ, người ta phản ứng coi họ như một người “được xức dầu.” Nhiều người còn phò theo những người đó bằng cách mặc áo có huy hiệu để nhận diện với họ, hay theo dõi thêm về họ trên truyền thông; nghe những điều họ cổ võ, tin những điều họ tin, bất kể đúng hay sai. Bàn hỏi với họ, nghe theo họ về quan điểm chính trị, kinh tế và đạo đức luân lý như thể họ có quyền và uy tính hướng dẫn chỉ dạy chúng ta trong niềm tin. Bất cứ ai khác không phải là Chúa Giê-su, đóng vai như thế trong đời sống của chúng ta, là chúng ta đã chọn một vị cứu thế không phải là Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su quở trách Phê-rô. Điểm quan trọng cần nhớ là lời giảng dạy của Chúa Giê-su trong Tin mừng là cuộc chiến đấu giữa Nước Thiên Chúa và Ma quỉ. Khi Ngài quở trách ai có nghĩa là Ngài muốn nói cho người đó biết họ đang đứng về phe của ma quỉ. Tuy Phê-rô tuyên xưng Chúa là Đức Kito, nhưng khi Chúa nói Ngài cần phải chịu đau khổ, chết và sống lại thì Phê-rô lại không tin những điều này; do đó ông đã can ngăn Chúa vì ông nghĩ lời tuyên bố của Chúa Giê-su là sai và không thích hợp trong cuộc đấu tranh. Làm cách mạng thì phải nghĩ và nhằm chiến thắng chứ ai mà lại nhắm đến đau khổ và chết chóc. Đáp lại, Chúa Giê-su đã khiển trách Phê-rô và coi ông như “Satan” và truyền cho ông đi ra đàng sau.”

Phê-rô đã vô tình làm phát ngôn viên cho Satan. Satan đã cám dỗ Chúa từ bỏ chịu đau khổ vì nó không muốn cho Ngài trung tín chu toàn ý của Thiên Chúa Cha. Phê-rô không thể chấp nhận một Đức Kito phải chịu đau khổ và phải chết. Có thể Phê-rô ngăn cản Chúa vì ông không muốn đi theo một Đức Kito đau khổ và phải chết. Ông không muốn chịu đau khổ và chịu chết. Bất kể lý do gì, Phê-rô rõ ràng là muốn ngăn cản Chúa Giê-su đừng làm theo sứ vụ mà Chúa biết đó là ý của Thiên Chúa Cha. Việc ngăn cản của Phê-rô cũng chẳng khác gì việc Satan cám dỗ Chúa.

Tái Định Vị

Chúa Giê-su đã bảo Phê-rô hãy đi ra đàng sau. Lời truyền này không phải là lời xua đuổi nhưng là một lời hướng dẫn trong tinh thần môn đệ. Phê-rô chỉ thực thụ là môn đệ khi ông đi theo Chúa chứ không phải là cố vấn dẫn đường chỉ lối cho Chúa (Mk 1:16-18). Chúa Giê-su nhận ra vấn đề là Phê-rô đã nhầm lẫn đứng sai phe trong cuộc chiến giữa Nước Thiên Chúa và Ma quỉ. Phê-rô không biết muốn lãnh đạo thì trước hết phải học đi theo Chúa Giê-su. Đây cũng là bài học quan trọng cho chúng ta là những môn đệ. Đôi khi chúng ta ở trong vai trò lãnh đạo, và có thể chúng ta rất dễ quên rằng, trước hết và trên hết, chúng ta là môn đệ của Chúa. Trong Giáo Hội, chúng ta chỉ có thể lãnh đạo khi biết vâng lời đi theo Chúa. Trước khi trở thành môn đệ của Chúa, một người đã phải liên tục bước theo Chúa Giê-su. Khi chúng ta cố gắng trở thành người lãnh đạo trong Giáo Hội mà không bước theo Chúa Giê-su, chúng ta liều làm theo ý riêng hơn là theo ý của Thiên Chúa. Lầm lạc làm theo ý riêng  nghĩa là chúng ta có thể đứng sai phe trong cuộc chiến giữa Nước Thiên Chúa và ma quỉ.

Theo Chúa Giê-su có nghĩa là chúng ta sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Chúa muốn dẫn chúng ta đi. Sự sẵn lòng như thế đòi buộc đi theo Chúa khi có bắt bớ và đau khổ dù phải làm chứng cho đức tin.
Truyện kể rằng Phê-rô đang chạy trốn khỏi thành Roma để tránh không phải bị giết bởi nhà cầm quyền dân sự. Trên đường chạy trốn ra ngoại thành, ông đã thấy Chúa Giê-su hiện ra và ông hỏi Chúa: “Thầy đang đi đâu vậy?” Chúa Giê-su trả lời, “Ta đang đi về Roma để chịu đóng đinh một lần nữa.” Khi nghe Chúa nói như thế, Phê-rô giật mình và được can đảm quay trở lại thành Roma và kết quả là ông bị xử đóng đinh ngược đầu xuống đất. Thánh giá là điều không thể tránh trong việc trung thành làm nhân chứng cho Đức Kito. Tính tự nhiên là sợ đau khổ, sợ bị ruồng bỏ và sợ bị bắt bớ, do đó chúng ta bị cám dỗ không đi theo Chúa Giê-su khi sứ vụ môn đệ bắt đầu có khó khăn đòi phải hy sinh.

Họa sỹ Rembrandt đã vẽ bức tranh nổi tiếng về cảnh đóng đinh với tựa đề “Ba Cây Thập Giá” vẫn còn được trưng bày ở Louve thành phố Paris. Ông đã làm một việc khác thường. Trong những khuôn mặt của những người trong đám đông đứng dưới chân thập giá, ông đã vẽ khuôn mặt của chính ông vào đó nữa. Đó là cách ông ngắm nhìn cảnh Chúa chịu đóng đinh mà không cần phải thú nhận là ông có tham gia vào việc đó. Điều đáng buồn là nhiều người không nhận ra điều đó. Họ chỉ nhìn ngắm Chúa Giê-su chết trên thập giá, nhưng không tham dự vào thập giá với Đức Kito.
Sau 20 năm trong cuộc chiến chống khủng bố, Al-Qaeda và quân khủng bố vẫn hiện diện ở 17 quốc gia, với khả năng tấn công đa dạng hơn. "chiến binh IS vẫn tồn tại, Taliban từ kẻ bại trận bây giờ thành kẻ đàm phán và cầm quyền ở Afghanistan.
 
Trong cuộc rút quân và di tản của quân đội Mỹ và những người hợp tác với quân đội Mỹ hay thân nhân của các công dân Mỹ, họ đã bỏ lại tất cả mọi sự để di tản mong thoát khỏi vùng đất của đối phương. Cảnh rút quân và di tản ở Afghanistan gợi lại trong tâm trí của nhiều người Việt Nam hải ngoại. Người Việt hải ngoại chúng ta cũng đã bỏ lại đất nước đã bị cộng sản chiếm đóng và cai trị để tìm đến đất tự do. Nhiều sinh viên du học cũng không muốn quay trở về. Nhiều khách du lịch cũng muốn ở lại Mỹ. Nhiều người dám bỏ ra cả triệu đô la để được vào Mỹ. Đây là cái giá phải trả để được sống yên ổn tự do.
 
Để được tự do làm con cái của Thiên Chúa, Chúa Giê-su cũng đã phải hiến mạng chết cho chúng ta. Làm môn đệ của Chúa Giê-su cũng là một quyết tâm từ bỏ lên đường chiến đấu với lực lượng của bóng tối và sự dữ. Trong cuộc chiến với bóng tối và sự dữ chúng ta không thể đàm phán, nhưng phải quyết tâm cho đến giây phút cuối đời. Bám sát Chúa Giê-su để chiến thắng.
 
Xin mến chúc quí vị có câu trả lời đúng cho câu hỏi của Chúa Giê-su “các con bảo Thầy là ai?” để dấn thân làm môn đệ của Chúa và được chung phần hạnh phúc với Chúa Giê-su làm con cái của Thiên Chúa.

LM Giuse Trần J. Khả





 
114.864864865135.135135135250