09/10/2020 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

416
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII TN - A (Sr Thùy Dung)
Thiệp mời

Trân trọng kính mời ông, bà, anh, chị,
Vui lòng đến dự tiệc chung vui với gia đình chúng tôi tại tư gia :
Số : 144 000
Đường : Thiên Quốc
Thành phố : Giêrusalem
Sự hiện diện của quý vị là niềm vinh dự của gia đình chúng tôi.
PS : Để tiện việc tổ chức, xin vui lòng trả lời cho chúng tôi trước ngày 01/11


Oh, giờ hành lễ bắt đầu nhưng sao không thấy ai đến ? Này các anh, đến từng nhà, mời từng người lần nữa, nhớ nói họ là : “cỗ bàn đã dọn, bò tơ, thú béo đã hạ, mọi sự đã sẵn, mời mọi người dự tiệc!”

Đầy tớ đến từng nhà, mời từng người, mọi người đều từ chối với đầy đủ lý do:

 
- Ồ thật lòng xin lỗi, tôi phải đi buôn!
- Thật rất tiếc, tôi phải đi thăm trang trại mới gây dựng!
- Ôi, bọn này làm phiền quá, đuổi quách chúng đi cho khỏi điếc tai, ai còn cố mời mọc, giết hết cho rảnh!
Hôn lễ trở thành tang chế: tang chế từ phía hoàng gia vì các đầy tớ đi mời, không những khách không đến mà còn giết hết những người này. Tang tóc cũng bao trùm trên những khách mời, những người này đã không đáp lại mà còn từ chối và giết đầy tớ của vua nên giờ cùng chung số phận. Khách mời không chịu đến, không phải chuyện vi phạm một quyền lợi mà là xúc phạm nặng đến danh dự, đã thế, thái độ thiếu quan tâm trầm trọng đến mức trở thành sự căm thù và như vậy hậu quả thật tai hại!

Những người đã được mời là những bạn hữu, người thân tình với nhà vua. Việc ông sai người tới mời thân tình và cấp bách cho thấy lòng tốt tối hậu của vua, ông chỉ muốn điều tốt nhất cho khách mời, nhưng đã không được đáp lại. Đúng ra, nhà vua chỉ nhận được sự từ chối dứt khoát “không muốn đến,” vì mối quan tâm của họ là những thực tế vật chất, của cải. Thế nhưng từ cách những người đầu tiên được ưu đãi, khách mời trở thành đối thủ đầu tiên chống lại nhà vua và cơn giận của ông. Họ bị đánh giá là không xứng đáng, không phải vì thiếu xót gì nhưng vì họ từ khước cách dứt khoát.

Vua nổi giận nên đã huy động binh lính đi “tiêu diệt bọn sát nhân và thiêu hủy thành phố của họ.” Tại sao sự việc lại trở nên trầm trọng như vậy? Dường như các khách được mời sống ngay trong khu phố, nơi tổ chức hôn lễ. Vậy sao thiêu hủy cả thành, còn các người vô tội, những người không được mời thì sao? Xem ra chuyện không hợp lý! Có lẽ tác giả nghĩ đến cuộc tàn phá Giêrusalem năm 70 chăng? Chỉ điều này mới giải thích được tại sao tàn phá cả thành, vì họ đã từ chối ơn cứu độ nên bị diệt vong.

Sau khi những khách mời đã từ chối, chủ sai đầy tớ ra khắp các ngả đường quy tụ mọi người lại và mời vào dự tiệc, mời không chọn lựa. Họ có nhiệm vụ đưa tất cả những ai gặp trên đường vào phòng tiệc, không cần tên tuổi, địa vị…

Lời mời được ngỏ với Dân Chúa, nhưng họ đã không muốn đón nhận và như vậy lời mời đó được gởi đến cho dân ngoại. Đây không còn là một dân gồm những người trong sạch và thánh thiện toàn vẹn, nhưng là một xã hội đa tạp gồm đủ thành phần và ta thấy trong Giáo Hội có đủ mọi hạng người như cỏ lùng và lúa tốt. Dù sao phòng tiệc cũng đã đầy vì mọi người được tự do đi vào!

Ta được chọn lựa trong tự do, nhưng không còn tự do với các hậu quả của sự chọn lựa, bởi ta không thể tự do xác định chúng vì chúng thuộc thẩm quyền Thiên Chúa. Ta có thể nói “không” với tiếng gọi của Ngài, nhưng không thể đạt được hạnh phúc trọn vẹn với tiếng “không” này. Cần ý thức điều đó để không xử cách phi lý khi từ chối lời mời gọi của Chúa.  

 
Nt. Catarina Thùy Dung
114.864864865135.135135135250