11/10/2020 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

319
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII TN - A (Lm John Trần Khả)

Một gia đình gặp khó khăn và đang tìm cố vấn giúp lành mạnh hóa gia đình. Về kinh tế, gia đình rất khá giả và ổn định. Người cha làm việc nhiều giờ mỗi ngày; đôi khi làm cả những ngày cuối tuần. Ông đầu tư rất nhiều vào công việc để được thăng chức và tăng lương, gắng kiếm thêm tiền cho gia đình. Ông rất thành công trong nghề nghiệp. Ông đã leo lên đến chức tổng giám đốc công ty, nhưng hôn nhân và đời sống gia đình của ông đã nhiều năm gặp khó khăn. Vợ ông phải chịu đựng rất nhiều để gìn giữ duy trì nếp sống cho gia đình. Đứa con trai nhiều lần phá phách lỗi kỷ luật ở trường. Vợ ông phải tìm trị liệu tâm lý để giúp bà đối phó với những vết thương đau trong cuộc sống gia đình và của riêng bà, và giúp con cái đối phó với những vấn đề khó khăn trong đời sống. Nhưng trước trong các cuộc đàm thoại với cô vấn tâm lý thì cuối cùng cũng quay về vấn đề liên quan đến ông bố; và sau nhiều lần yêu cầu, van nài, năn nỉ ông bố đồng ý cùng đến tham dự cố vấn tâm lý trị liệu với gia đình.

Sau hai lần gặp gỡ cố vấn đến lần thứ ba mọi người trong gia đình đều có mặt hôm đó, và cô con gái, lúc ấy đang học đại học, quyết định nói thẳng thắn với bố về vài điều đã làm cô đau đớn từ những năm cô còn học tiểu học và những năm các cấp trung học. Suốt mấy tuần cô đã cố gắng lấy can đảm để nói ra và sau cùng cô cảm thấy đã đến lúc. Cô quay qua nói với ông bố, “Chả lẽ bố đã không thể đến tham dự ít là được một buổi đấu bóng của con khi con còn đang học tiểu học sao?” Khi con lên cấp 2 và được vào đội tuyển để thi đấu, bố có biết là con mong bố có mặt để xem con thi đấu như thế nào không? Cho dù bố đã nói là bố không thể đến tham dự được vì bố phải bận công việc ở sở, tối hôm đó trong khi đang đấu bóng, con vẫn thỉnh thoảng đưa mắt tìm hy vọng là bố bất ngờ xuất hiện ở sân vận động. Và khi không thấy bố đến trong đêm lễ ra trường, con nghĩ như thế là xong, là hết. Từ lúc đó, con không còn hy vọng sự có mặt của bố dành cho con.”

Người cha im lặng lắng nghe, và có vẻ như ông mỗi lúc một cảm thấy bực bội khó chịu hơn khi nghe những lời buộc tội này. Sau cùng ông nói, “Đủ rồi, bố đã làm sai. Nói vậy đủ chưa? Con nói là bố đã làm cho con đau buồn; bố tin lời con nói. Bố xin lỗi. Bố xin lỗi vì đã làm con đau buồn. Được không? Tha thứ cho bố. Bố xin lỗi.”

Cô con gái nói, “Con đã tha thứ cho bố từ lâu rồi. Con phải tha thứ để tiếp tục sống. Và con đã học được rất nhiều để đối phó với sự đau buồn và thất vọng này. Nhưng đó không phải là cái tồi tề nhất. Cái tồi tệ nhất là điều đã xẩy ra cho bố. Bố đã bỏ mất cơ hội để biết con và hiểu con gái của bố; bố bỏ mất cơ hội chia sẻ niềm vui với con gái của bố. Những mất mát đó không còn cơ hội để làm lại. Nó qua đi hết rồi. Không làm lại được nữa. Phần đau buồn nhất là bố. Bố đã làm mất cơ hội với con.

Tôi không thể nghĩ gì khác hơn là Thiên Chúa cũng muốn nói với chúng ta y như vậy sáng hôm nay. Chúng ta đã lỡ mất rất nhiều cơ hội với Chúa. Hối tiếc lớn nhất đối với Chúa là chính bạn và tôi. Chúng ta đã nhiều lần bỏ mất cơ hội đến với Chúa; nói chuyện với Chúa, chung vui với Chúa, sinh hoạt với Chúa; dự tiệc cưới với Chúa. Những cơ hội lỡ bỏ mất đó không bao giờ tìm lại được. Nhưng chúng ta vẫn còn có những cơ hội khác, và chúng ta có thể bắt đầu lại từ hôm nay khi nghe dụ ngôn của Chúa Giê-su về bữa tiệc cưới mà nhà Vua muốn mời chúng ta tham dự.

Thiên Chúa mời

Dụ ngôn trong Tin mừng Chúa Nhật hôm nay về một tiệc cưới với những tình tiết lạ thường khiến chúng ta chú ý. Một vài yếu tố tương tự như dụ ngôn các tá điền làm vườn nho chống lại chủ và đã đưa đến hậu quả là ông chủ vườn phải ra tay trừng trị họ. Dụ ngôn tiệc cưới cũng có phần giống dụ ngôn hai người con trai được cha sai đi làm vườn nho. Hai điểm nổi bật trong dụ ngôn hôm nay là: Tiệc Cưới của Hoàng Tử và chính nhà vua đứng ra mời. Hai yếu tố này tăng thêm tính quan trọng cho chủ đề so với các dụ ngôn trước. Dụ ngôn bắt đầu bằng việc gởi sứ giả đi mời khách. Việc mời khách cho các biến cố quan trọng như thế đòi phải chuẩn bị một danh sách các vị khách được mời để biết xem liệu họ có muốn đến tham dự hay không. Khi đến ngày cử hành mừng tiệc, những người đã được mời và đã nhận lời mời sẽ được thông báo thêm một lần nữa. Tiến trình này gồm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là những người được mời trả lời có tham dự. Giai đoạn thứ hai là đến ngày tiệc họ đến tham dự. Hai giai đoạn này cũng áp dụng cho đời sống đức tin của chúng ta. Thí dụ vào ngày lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy chúng ta được yêu cầu từ bỏ ma quỉ và tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Lời đoan hứa ban đầu đó cần phải được thực hiện bởi việc chúng ta thực sự từ bỏ tội lỗi và tích cực làm chứng về đức tin  và lòng tin tưởng của chúng ta đối với Thiên Chúa. Nhà vua trong dụ ngôn có quyền tin tưởng là những người hứa tham dự sẽ giữ lời hứa và họ sẽ đến. Thiên Chúa cũng chờ mong như thế đối với mỗi người chúng ta.

Thiên Chúa mong chờ

Thiên Chúa mong chờ nơi chúng ta từ lúc chúng ta nhận lời mời thưa có với Chúa.

Thứ nhất: Thiên Chúa muốn chúng ta tham dự tiệc cưới của Hoàng tử. Hình ảnh tiệc cưới được dùng trong Tin mừng để biểu hiệu cho tình liên hệ giữa Chúa Giê-su và những người tin theo Chúa. Sách Khải huyền nói, “PHúc cho ai được mời gọi dự tiệc cưới của Con Chiên” (KH 19:7-10). Thánh Phao-lô dạy trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô là những người làm vợ làm chồng hãy thương yêu nhau giống như Chúa Ki-tô yêu thương Hội Thánh (5:25-33). Chúa Giê-su cũng nói trong ba Tin Mừng Maco, Matheu và Luca là những người tham dự tiệc cưới không thể ăn chay khi chàng rể vẫn còn đang có mặt ở giữa họ. Tất cả những điều này cho thấy các Ki-tô hữu ban đầu hiểu tinh thần môn đệ là sự dấn thân khăng khít chặt chẽ trong tình liên hệ đối với Chúa giống như tình nghĩa vợ chồng trong hôn nhân. Một số vị thánh đã nói về tình yêu nồng nàn của họ với Chúa Giê-su trong tinh thần “hôn nhân thiêng liêng” như thánh Bernard thành Clairvaux, thánh Catherine Siena, thánh Angela Foligno, thánh Teresa Avila v.v.. Tình yêu đó là Bữa Tiệc Cưới mà Thiên Chúa mời chúng ta và chúng ta đã nhận lời qua bí tích Thanh Tẩy và các bí tích khác.

Thứ hai: Chúa Giê-su nói trong dụ ngôn là lời mời dự tiệc đến từ nhà Vua tới toàn dân. Bữa tiệc trong dụ ngôn không phải là một bữa tiệc bình thường giữa một nhóm bạn với nhau, nhưng là một bày tỏ tình liên đới với các công dân trong toàn vương quốc. Yếu tố này trong dụ ngôn giúp chúng ta hiểu lý do tại sao từ chối tham dự đã khiến nhà vua tức giận: đó là thái độ bất trung. Từ chối không đến sau khi đã nhận lời mời là hành động tráo trở và phản bội. Ở Mỹ hay ở Việt Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chúng ta đều hiểu mỗi khi chào cờ mỗi người đều để tay trên ngực bày tỏ tinh thần trung thành với tổ quốc. Chúng ta cũng thể hiện lòng trung thành của công dân Nước trong Thiên Chúa giống như thế. Khi chúng ta gọi Đức Giê-su là Chúa là chúng ta nhìn nhận Ngài là Vua và chúng ta tự nguyện thần phục Ngài và sẵn sàng nhận chỉ thị và mệnh lệnh của ngài. Ngài không phải chỉ là Chúa của chúng ta trong những ngày Chúa Nhật, nhưng cũng là Chúa của mọi ngày trong đời chúng ta. Ngài không phải chỉ là Chúa khi chúng ta cầu nguyện, nhưng cũng là Chúa cả trong cuộc sống thuộc mọi lãnh vực xã hội, chính trị, kinh tế, gia đình. Chúng ta không thể tuyên bố tôi là môn đệ Đức Kito trong đạo Công Giáo, đồng thời lại là người đồng ý cổ võ cho những chính sách theo đường lối và chủ trương của ma quỉ, phò phá thai, giết người, và sống buông thả vô luân lý, vô đạo đức. Chúa Giê-su gởi thiệp mời tới tất cả mọi công dân trong Nước của Ngài. Chúng ta được mời gọi sống tinh thần trung tín của công dân Nước Trời. Xưng nhận mình là Ki-tô hữu, là công dân Nước Trời là điều dễ làm; sống tinh thần trung kiên với các giá trị của Nước Trời mới là khó. Khi những người được mời dự tiệc từ chối đến tham dự tiệc cưới , nghĩa là họ từ chối tình liên hệ với chính chủ tiệc là nhà vua.

Nhà Vua trong dụ ngôn sai người đi mời những người khác để cho có đủ người ngồi đầy phòng tiệc. Vua đã cho chỉ thị rõ là họ đi ra các ngả đường, nghĩa là mọi nơi, mọi ngõ, mọi hướng và mời bất cứ ai họ gặp. Đây là việc làm cực nhọc! Ngoài vòng biên cương của xã hội văn minh là nơi sống của những người không xứng hợp với xã hội, những người lang thang vô gia đình, vô gia cư trên đường phố, những người điếm đàng tội lỗi, và cả những kẻ tội phạm đều gặp thấy trên đường. Đây không phải là những người lịch sự đàng hoàng trong xã hội loài người. Than trách những người không đến tham dự tiệc cưới thực sự dễ hơn nhiều so với việc đi ra các ngả đường để gặp gỡ và chào mời những người này vào dự tiệc cưới. Đây là điều chúng ta đôi khi thấy xẩy ra trong lúc làm mục vụ tông đồ. Chúng ta thấy mình dễ than trách những người không tích cực tham gia hơn là cố gắng đi chiêu mộ thêm những người mới vào làm sứ vụ với chúng ta. Đi mời và chiêu mộ người khác tham gia vào sứ vụ truyền bá Tin Mừng đòi hỏi chúng ta phải bắt tay vào việc làm trình bày Tin Mừng sao cho hấp dẫn đối với con người thời đại. Cách riêng đối với những người sống xa lạ với những giá trị của Tin Mừng. Chúa Giê-su mong muốn chúng ta là những sứ giả như các sứ giả trong dụ ngôn, sẵn sàng làm những gì cần làm để có đủ người vào phòng tiệc cưới mà nhà Vua mời vào tham dự. Nếu phải đi gặp những người không thích hay không hợp với chúng ta thì chúng ta cũng sẵn lòng đi.

Thiên Chúa đòi hỏi

Sau cùng, dụ ngôn kết với việc làm bất ngờ của nhà Vua khi thấy người không ăn mặc xứng hợp cho tiệc cưới và đã ra lệnh tống cổ họ ra khỏi phòng tiệc. Y phục là biểu tượng danh tính của một người. Người Việt Nam chúng ta thường nói, “Y phục xứng kỳ đức.” Áo quần mặc phải xứng với chức vị. Tinh thần hoán cải Ki-tô giáo được bày tỏ qua việc mặc áo trắng tinh sạch mới cho người lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy . Đây là biểu tượng cho cảm nghiệm đổi đời và nhận tước vị mới. Mặc áo mới, là dấu một người đã bỏ lối sống cũ lại đàng sau và trở nên tạo vật mới trong Chúa Giê-su Kito. Đây là chủ đề chính của Tin Mừng. Yếu tố áo mới liên quan đến chức vị mới của một tín hữu Kito cho thấy tinh thần của một Kito hữu đòi hỏi nhiều hơn là chỉ đáp lại lời mời đi vào phòng tiệc. Điều kiện ăn mặc xứng đáng để tham dự tiệc cưới có nghĩa là Kito hữu phải sống cuộc đời hoán cải để được tiếp tục ngồi tham dự tiệc cưới. Đây là thông điệp quan trọng cho tất cả các môn đệ của Chúa vì nó đòi chúng ta sống hợp tác với ơn Chúa hàng ngày để làm chứng về cuộc sống hoán cải mà chúng ta đã cảm nghiệm được. Được mời vào trong mối tương quan với Thiên Chúa trong Đức Giê-su Kito là một vinh dự, nhưng có sống theo tinh thần của Chúa thì mới được tiếp tục trong vinh dự đó. Khả năng được tiếp tục ở lại trong bàn tiệc cưới với Con Chiên tùy thuộc ở việc chúng ta sẵn lòng sống mỗi ngày để trở nên giống Chúa Giê-su hơn. Nếu không sống như thế, chúng ta cũng sẽ chung số phận với người không mặc áo cưới trong dụ ngôn và bị đuổi ra.

Thánh Giáo Hoàng Leo Cả nói về sự cần thiết sống theo Tin Mừng:

Kito hữu hãy nhớ danh tánh của mình, bây giờ bạn chia sẻ bản tính của Thiên Chúa, đừng quay trở lại với nếp sống tội lỗi cũ. Hãy nhớ kỹ xem ai là đầu và bạn thuộc về thân thể của ai. Đừng quên là bạn đã được giải cứu khỏi quyền lực tối tăm và được đem vào ánh sáng của Nước Thiên Chúa. Qua bí tích Thanh Tầy bạn đã trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần. Đừng xua đuổi Vị Thượng Khách bằng lối sống gian ác khiến bạn lại trở nên nô lệ cho Ma quỉ; tự do của bạn đã được mua chuộc bẳng giá máu của Đức Kito (St. Leo Great, Sermo 1 in Nativitate Domini.” 
 
LM John Trần Khả
Houston, TX
114.864864865135.135135135250