31/12/2021 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

662
Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Hiển Linh - C (Sr Thùy Dung)
Lễ Hiển Linh
Mt 2,1-12
Bethleem-miền đất dấu yêu

Bethleem, nghĩa là “Nhà bánh” hay nhà của thần Lahamu, thuộc miền Giuđê, cách Giêrusalem khoảng 7-8 cây số về phía nam, là quê hương của Boaz, đặc biệt là Đavít, nơi ông đã được chọn, sức dầu phong vương (x. 1 Sm 16,1-13). Gần thủ đô, nhưng vì quá nhỏ xét về địa lý nên không được nhiều nhà sử học biết đến, tuy nhiên ngươi lại rất vĩ đại, là miền đất thân thương từ bao đời: ngươi nhỏ xét theo địa lý “phần ngươi, hỡi Bethleem, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa” (Mk 5,1), nhưng vĩ đại vì từ đó Đấng Cứu Độ đã sinh ra: “phần ngươi, hỡi Bethleem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (c.6). Sau này, người ta nhìn lại thấy thời vua Đavít và Salomon là thời hoàng kim, vì vậy khi nói về Đấng Messia lý tưởng, người ta thường quy chiếu về những hào quang và những tháng ngày vinh hoa của các vua này (x. Mt 2, 6 ; Ga 7, 42). Đức Giêsu ra đời tại Bethleem, và thành đó trở nên quan trọng vì có Chúa hiện diện. Miền đất trở nên thân thương và đáng kể, không phải tự thân nhưng là Thiên Chúa chọn để hạ sinh Đấng Cứu Thế.

Ấu vương là Đấng Messia mà muôn dân mong đợi từ lâu, nay chào đời tại Bethleem, như làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Mikha nói trước “Người thống lãnh toàn thể Israel theo ý muốn của Thiên Chúa (Mk 5, 1tt) và đáp ứng nguyện vọng của tất cả các chi tộc như phụ vương Đavít (x. 2 Sm 5, 2). Các hiền sĩ từ Phương Đông đến Bethleem để tôn thờ hài nhi Giêsu, người Dothai, đại diện là các kinh sư, dân thành Giêrusalem và vua Hêrôđê thuộc “dân được tuyển chọn”, sống tại vùng đất Đấng Messia sinh ra nhưng lại bàng quang và tìm cách triệt hạ Hài Nhi, vì thái độ không tin và thù nghịch, để rồi dân ngoại sẽ chiếm chỗ mà dân Dothái bỏ trống trong lòng dân Chúa. Dân ngoại, đại diện là các hiền sĩ sẽ là Israel chân chính của thời cuối cùng, được kêu gọi chia sẻ hạnh phúc của cuộc sống mai hậu.

Miền đất nhỏ và không nhỏ đã trao tặng niềm vui, ơn cứu độ cho các hiền sĩ và những người thành tâm tìm kiếm chân lý. Từ miền đất có Đấng Cứu Độ sinh ra trao tặng niềm vui cho các quốc gia ngoại giáo đã khám phá nơi Hài Nhi Giêsu ơn cứu độ mà họ vẫn mơ hồ trông chờ cách nào đó. Các hiền sĩ sau khi đến được Bethleem, họ đã đi vào, gặp Hài Nhi và Mẹ Maria, họ đã đi vào nhà, vào miền đất của dân Chúa, để từ nay miềm đất ấy thuộc về họ. “Vào nhà”, vừa là vào nơi Thánh Giuse, Mẹ Maria và Hài Nhi đang trú ngụ, nhưng cũng là nhà Giáo Hội, bởi dân ngoại đã được trở nên dân thánh. Miền đất đã nở hoa công chính và thái bình thịnh trị sẽ hiển ngự đến muôn đời vì có Đức Chúa hiện diện và chúc lành. Bethleem, miền đất xa lạ trước kia nay đã trở thành “nhà”, đó là nơi con người cư ngụ, được che chở khỏi nắng mưa, bão tố, và hơn nữa là nơi chia sẻ niềm vui, hạnh phúc, ơn cứu độ đã được ban tặng. Nơi đó cùng nhau “bái lạy Ngài”, nghĩa là nơi người ta được gặp gỡ, sống với Thiên Chúa và với nhau.

Ngày lễ Chúa Hiển Linh, tỏ mình cho dân ngoại, kêu gọi họ đến, đi vào nhà, nhìn thấy và bái lạy Hài Nhi. Các hiền sĩ được ngôi sao hướng dẫn, đó như cách thức nói rằng Thiên Chúa luôn dùng các dấu chỉ để vén mở cho con người biết về Ngài. Ngôi sao chỉ đường cuối cùng không ai khác là chính Hài Nhi Giêsu “Một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds 24, 17). Vì sao đó là một vị vua có quyền thế và hiển hách xuất hiện từ nhà Giacóp. Nay Đấng giải phóng nhà Giacóp đã tới, các hiền sĩ là những người giàu kinh nghiệm và nhất là trong đức tin, dù còn non yếu, họ nhận ra và phủ phục trước một hài nhi không chút nghi ngờ. Hài Nhi không nói gì và cũng chẳng cho món quà vật chất nào, các hiền sĩ cũng không một cuộc trao đổi. Các ông không thấy vẻ huy hoàng của một quân vương, cũng chẳng trải nghiệm về quyền lực của Ngài, nhưng chỉ nhận biết bằng đức tin.

Ngôi sao dẫn đường, các hiền sĩ đi từ Phương Đông đến Giêrusalem, tất cả đang trong sự chuyển động. Đời người tín hữu là một chuỗi hành trình tìm kiếm và hoạt động. Sự khôn ngoan của người ngoại vẫn bị “dân tuyển chọn” coi thường và loại trừ, nhưng chính trong niềm tin và sự hiểu biết đơn sơ đó, Thiên Chúa lại mặc khải chính Ngài cho họ. Các hiền sĩ đi từ bước dò dẫm tìm đường, hỏi cho biết dấu chỉ, đến chỗ bày tỏ tất cả niềm tin tưởng trước một hài nhi. Chỉ khi gặp được Chúa, mới có thể “vào nhà, ở lại và bái lạy Người”.   

Các kinh sư thuộc lòng Kinh Thánh và biết cách giải thích chính xác cho người khác : vua mới sinh hiện ở “Bethleem, miền Giuđê”, nhưng lại không lên đường, thì ra họ chỉ như “những cột cây số”, chỉ đúng đường, đúng hướng nhưng không di chuyển và không thể đến đích mà chúng chỉ !

Bethleem, miền đất yêu dấu, nơi Đavít được xức dầu phong vương, cũng là nơi Con Thiên Chúa sinh ra, nơi mà dân ngoại đầu tiên được chiêm ngưỡng và hưởng ơn cứu độ. Miền đất có Thiên Chúa hiện diện đã nở hoa, đã mang lại ơn thái bình, niềm vui và ơn cứu độ cho những tất cả mọi dân tộc, ngôn ngữ, cho những ai thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và như vậy họ sẽ gặp được Ngài.

Nt. Catarina Thùy Dung, O.P.
114.864864865135.135135135250