15/05/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

160
Thật hay giả đò?

Giáo sư âm nhạc của một trường trung học lập một ban nhạc cho trường. Hiệu trưởng rất hãnh diện về nỗ lực của viên giáo sư. Quá hãnh diện và tin tưởng đến nỗi không cần bàn với viên giáo sư âm nhạc, vị Hiệu trưởng quyết định cho vào chương trình của nhà trường một buổi trình diễn cho toàn thể nhà trường và các phụ huynh. Viên giáo sư âm nhạc không tin chắc là các học sinh của mình đã sẵn sàng để có một buổi trình diễn âm nhạc cho toàn trường như thế. Cô cố gắng thuyết phục vị hiểu trưởng ngưng tổ chức buổi trình diễn âm nhạc này, nhưng viên hiệu trưởng quyết định cứ tổ chức trình diễn.

Trước khi ra trình diễn trước cử tọa, cô giáo âm nhạc nói nhỏ dặn dò các em trong ban nhạc, “Nếu có phần nào mà các em không nắm vững có thể chơi được, thì cứ giả đò chơi như thật vậy nhé.” Nói xong, cô bước lên bục, giơ tay đánh nhịp bắt đầu rất uyển chuyển, nhưng lạ lùng, cả dàn nhạc chỉ có một vài tiếng ò, e, tưng, tửng, từng tưng rời rạc rồi im bặt như tờ, không một tiếng nhạc cụ nào được vang lên đúng điệu.

Có lẽ trong Giáo Hội, nhiều nhà thờ và gia đình và Kito hữu cũng giống như ban nhạc của trường trung học đó. Các thành viên trong ban nhạc không nắm vững được vai trò và khả năng tài nghệ của họ. Nhiều Kito hữu chúng ta cũng không nắm vững được khả năng và tài nghệ sống đức tin của mình. Chúng ta phải trình diễn bất đắc dĩ đức tin và tình yêu mà Thiên Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta. Chúng ta không biết phần nào trong trách nhiệm sống đức tin là quan trọng hơn cả. Hầu hết các lựa chọn chúng ta làm trong cuộc sống không phải là giữa những cái tầm thường và những cái quan trọng, nhưng là giữa những cái quan trọng và những cái quan trọng hơn. Bài Tin mừng hôm nay chỉ cho chúng ta biết cái quan trọng hơn cả. Khi chúng ta qui tụ họp mặt hôm nay, chúng ta xác nhận ơn phúc cao trọng nhất Chúa ban cho chúng ta là Tình Yêu Thương của Ngài dành cho chúng ta. Chúa yêu thương tha tội cho chúng ta và cho chúng ta trở nên con cái của Chúa. Tình yêu thương của Chúa kết hiệp chúng ta với Chúa và với nhau.

Thuật Yêu của Chúa

“Thày ban cho anh em một giới răn mới, là anh em thương yêu nhau; như Thày đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy thương yêu nhau. Cứ dấu này mà người ta nhận ra anh em là môn đệ của Thày, nếu anh em thương mến nhau.” (Ga 34-35).

Lệnh truyền này là định nghĩa cho người môn đệ của Đức Kito mặc lấy tình yêu của Thiên Chúa ở trần thế. Thông điệp Tin mừng hôm nay chú trọng đến chủ đề “vinh danh.” Thánh Gioan dùng từ ngữ vinh danh 5 lần chỉ trong hai câu vắn gọn. Ngài muốn nói cho chúng ta về ý nghĩa giúp chúng ta làm vinh danh Thiên Chúa. Sự vinh danh của Chúa Giê-su bắt đầu bằng việc Giuda ra đi thực hiện kế hoạch phản bội. Sự phản bội này đưa đến việc Chúa Giê-su bị bắt, bị tra tấn, bị đánh đòn và đóng đinh trên thập giá. Theo lời của Chúa Giê-su, đó là bắt đầu giờ Con Người được vinh danh. Để hiểu ý nghĩa cái chết của Chúa Giê-su liên kết với chủ đề vinh danh chúng ta cần nhớ lại là Chúa Giê-su được sai đến trần gian với sứ vụ làm cho Thiên Chúa được nhận biết.

Tiến trình làm cho Thiên Chúa được nhận biết là bày tỏ sự vinh danh Thiên Chúa. Để Thiên Chúa được biết đến thì Chúa Giê-su phải làm cho tình yêu được nhận ra vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Để Tình Yêu được tỏ bày, Chúa Giê-su đã chọn thánh giá là phương tiện để tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa đối với thế giới. Chỉ ở đồi Canverio Ngài mới có thể tỏ cho thế giới biết về tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho mỗi người, ngay cả đối với những người giết Ngài, phản bội Ngài, bỏ Ngài, chối Ngài, và nguyền rủa Ngài.

Trong Tin mừng Thánh Gioan, cây thánh giá được dùng để nhấn mạnh cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giê-su. Tình yêu của Chúa Giê-su bày tỏ trên đồi Canverio làm vinh danh Chúa Cha. Có nhiều cách để chúng ta làm vinh danh Thiên Chúa. Nỗ lực của chúng ta có thể là ca tụng, dán những khẩu hiệu, dành riêng những nơi để tôn kính, cầu nguyện v. v. Thông điệp này không những nói về cách Chúa Giê-su làm vinh danh Chúa Cha nhưng cũng chỉ dạy chúng ta trong nỗ lực làm vinh danh Thiên Chúa; đó là cùng làm chứng bằng tình yêu hy sinh cho tha nhân mà Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta thấy.

Chúa Giê-su ban cho chúng ta giới luật mới của tình yêu thương. Khi Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ yêu thương nhau, Ngài cũng cho họ một định nghĩa về tình yêu. Định nghĩa đó là “như thầy yêu thương anh em” nghĩa là “chúng ta sẽ yêu thương nhau như Chúa yêu chúng ta.” Chúng ta thường xác định tình yêu theo quan điểm của riêng chúng ta. Làm như thế, chúng ta thường chỉ yêu thương những người gần gũi thân thiết với chúng ta như gia đình và bạn bè, hay những người tỏ lòng biết ơn và đáp lại tình thương yêu của chúng ta, hoặc là những người dễ thương. Tóm lại, chúng ta thích chọn người để thương hơn là yêu thương những người mà Thiên Chúa gởi đến với chúng ta. Tình yêu thương của Chúa Giê-su dạy chúng ta một kiểu yêu khác. Chúa Giê-su yêu thương Giuda và Phê-rô. Đối với Giuda, Ngài mời anh ta ngồi gần và chấm bánh cùng một đĩa ăn trong bữa Tiệc Ly với Ngài cho dù Ngài biết tỏ tường anh ta sẽ phản bội Ngài. Ngài không tẩy chay anh ta. Đối với Phê-rô, Chúa Giê-su khuyến khích và ban cho ông tình bạn nghĩa thiết mặc dù Ngài biết là Phê-rô sắp chối bỏ Ngài. Dù biết là ông sẽ chối bỏ Ngài, Chúa vẫn giữ tình thân nghĩa thiết với Phê-rô. Chúa Giê-su rửa chân cho các tông đồ để làm gương cho họ học biết cách yêu thương: khiêm tốn phục vụ những người cần được phục vụ chứ không phải chỉ cho những người biết tỏ lòng biết ơn. Trong thông điệp hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta yêu ai và yêu như thế nào. Nghĩa là yêu mọi người và hoàn toàn hiến thân phục vụ họ trong khiêm tốn. Gương của Chúa Giê-su đã trở nên lối sống cho tất cả những ai là môn đệ của Chúa học noi theo và đạt tới đỉnh hoàn hảo trên thánh giá ở đồi Canverio. Có thể chúng ta vui thích nghe lệnh truyền yêu thương bao lâu chúng ta có thể định nghĩa yêu là gì, nhưng yêu thương như Chúa Giê-su yêu thương chúng ta thì thật khó khăn và là thử thách lớn vì nó đòi hỏi nhiều hơn là định nghĩa.

Yêu Như Thầy Đã Yêu

Chúa Giê-su nói về tinh thần môn đệ. Ngài nói điều kiện để trở nên môn đệ của Ngài là yêu thương giống như Ngài yêu thương. Đây là định nghĩa quan trọng vì nó loại trừ bất cứ sự lầm tưởng nào có thể làm lệch đời sống của người môn đệ. Chúa Giê-su không nói là các môn đệ sẽ được biết đến vì họ suy nghĩ như Chúa Giê-su suy nghĩ hay nhớ tất cả những lời Chúa Giê-su đã dạy và đã nói. Ngài cũng không bảo các môn đệ của Ngài trở nên những người tuân thủ các luật lệ tôn giáo và làm những việc đạo đức riêng. Không phải vậy, các môn đệ được đòi buộc nhiều hơn là thường xuyên đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật, hay là những người thuộc lòng bản kinh tuyên xưng nào đó. Trở nên một Kito hữu đòi hỏi nhiều hơn là lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, Thêm Sức và Rước Lễ. Một phẩm tính duy nhất để nhận diện những người môn đệ của Chúa là họ yêu thương như Chúa Giê-su đã yêu, nghĩa là sống yêu thương trong hành động tự hiến, thi hành đức tin họ tuyên xưng và căn tính bí tích Thanh Tẩy trong tình yêu hiến tế đối với Thiên Chúa và tha nhân. Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng chúng ta không trở nên môn đệ của Ngài cho đến khi chúng ta để cho tình yêu của Thiên Chúa lưu chảy thông qua chúng ta đến với tha nhân. Mọi người sẽ nhận biết chúng con là môn đệ của Thày là chúng con yêu thương nhau. Đó chính là định nghĩa sống động được tỏ bày trên thánh giá.

Các môn đệ đòi phải học theo gương Chúa Giê-su hiến thân hy sinh cho tha nhân giống như Chúa đã hy sinh hiến mạng vì chúng ta. Sau khi Chúa Giê-su lên trời, thế gian chỉ có thể biết đến Thiên Chúa khi tình yêu được tái diễn trong đời sống của các môn đệ là chúng ta. Khi chúng ta để cho tình yêu của Thiên Chúa lưu chảy qua chúng ta để đến với thế giới là chúng ta để cho những người khác nhận biết Thiên Chúa qua chúng ta. Đó thật là một định nghĩa tuyệt vời cho việc truyền bá Tin mừng.

Thể Hiện Tình Yêu Phục Vụ

Một bệnh viện đặc biệt ở Luân Đôn dành cho những bệnh nhân mà các bệnh viện khác đã chê không còn chữa trị được nữa. Đa số đều quan niệm đó là một bệnh viện buồn thảm nhất, nhưng thực tế lại không như thế. Trái lại đó lại là một bệnh viện chan chứa hy vọng và sức sống. Bệnh viện này nhắm đến sự sống chứ không phải là sự chết. Thay vì chết, một số bệnh nhân đã được khỏi bệnh. Uy tín của bệnh viện có được là nhờ cách điều hành ở bệnh viện. Triết lý căn bản khác với những bệnh viện thông thường. Ở đây, các bệnh nhân được khuyến khích dùng khả năng và sức lực còn lại của họ để phục vụ các bệnh nhân khác. Mỗi bệnh nhân được giao trách nhiệm chăm sóc cho một bệnh nhân khác. Thí dụ, một bệnh nhân không thể đi lại được nữa thì được trao trách nhiệm đọc sách cho một bệnh nhân mù lòa. Một bệnh nhân mù lòa lại được trao trách nhiệm đẩy xe cho một người không đi đứng được nhưng mắt còn sáng để dẫn đường. Đây chính là giới luật mới mà Chúa Giê-su ban hành. Chúa kêu gọi chúng ta yêu thương nhau. Chúng ta được chữa lành và tăng sức mạnh khi chúng ta học cách cho đi và yêu thương.

 
Lm Giuse Trần Đình Khả
114.864864865135.135135135250