28/08/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

193
TIỆC ĐẤT - TIỆC TRỜI (Chúa nhật XXII - C)

“Hễ ai nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên.”

Theo như lời khuyên dạy của Chúa Giêsu thì một là hạ mình xuống, hai là bị hạ bệ. Muốn chọn cái nào thì chọn. Và lời sách Đức Huấn Ca hôm nay cũng xác định rằng:

“Tai họa dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa!”
 
Một câu truyện

Một chú ếch sống trong hồ ở khu rừng thuộc tiểu bang New Jersey. Vì không muốn sống ở xứ lạnh vào mùa đông nên chú ếch đó đã cố gắng thuyết phục hai con cò đưa chú xuống miền Florida nắng ấm. Chú lấy sợi giây cột vào chân của hai con cò và dùng miệng mình để ngậm vào sợi giây. Sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng,  cò khởi sự cất cánh bay lên trời. Cuộc hành trình có vẻ trôi chảy êm xuôi. Bỗng có người đứng ở dưới đất trông lên thấy cảnh ngoạn mục như thế bèn kêu bạn bè ra xem,

 
- “Này trông kìa! Coi ngoạn mục qúa! Hai con cò kéo con ếch bay trên trời. Không biết đó là kế hoạch sáng kiến của ai vậy? Của cò hay của ếch?”
- Hãnh diện vì sáng kiến của mình và lại nóng lòng sợ hai chú cò nhận là sáng kiến của họ, nên chú ếch vội mở miệng nói, “Sáng kiến của tôi đấy!”

Vừa mở miệng nói như thế thì chú bị rơi tòm xuống đất! (Jack McArdle, 150 Stories for Preachers and Teachers # 55).
 
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu được mời tới dự tiệc. Ngài đã nhìn thấy cảnh những người khách tìm những chỗ "ăn trên ngồi trốc." Họ nghĩ họ quan trọng nên tự chọn ngồi vào chỗ nhất. Chúa Giêsu đã không hài lòng khi thấy người ta tự qúa quan trọng hóa mình như thế. Đến dự tiệc là chung vui với chủ tiệc chứ không phải để quan tâm đến địa vị danh gía xã hội của mình. Nhân cơ hội ấy, Chúa Giêsu khuyên dạy mọi người nên có hai thái độ cư xử khiêm tốn. Thái độ thứ nhất là khi đi dự tiệc thì hãy chọn chỗ cuối rốt mà ngồi. Thái độ thứ hai là khi chúng ta đãi tiệc thì đừng mời những người cao sang quyền qúy, hay những người có khả năng mời đáp lễ lại chúng ta. Trái lại hãy mời những người nghèo, đui mù, qùe quặt, tàng tật; những người không thể mời đáp lễ lại. Vì nếu làm như thế thì chúng ta sẽ có hy vọng được trả lễ khi những người công chính sống lại.
 
Khiêm tốn kiểu đó xem ra có vẻ không hợp thời, mà trái lại còn rất lỗ lã thiệt thòi trong xã hội ngày nay. Sống trong xã hội trần tục, sự khiêm tốn như thế sẽ không được mấy ai hoan nghêng hưởng ứng. Trong một xã hội đặt chú trọng nặng ở địa vị, quyền thế và chức vụ cao sang. Dùng phương tiện truyền thông để quảng cáo đưa mình lên phương tiện không thể thiếu để thăng tiến và thành công cho cá nhân cũng như đoàn thể. Những ai muốn thăng tiến thì phải biết khéo léo thổi phồng mình lên; quảng cáo chính mình để thiên hạ biết đến thì mới có cơ hội thăng tiến và được nhìn nhận. Thêm vào đó, thói đời ở xã hội nào cũng thế, ai có địa vị, quyền thế, cao sang, hay có móc nối  với những người có địa vị quyền thế cao sang thì sẽ dễ thăng tiến và được kính nể tôn trọng. Còn những ai không có thì chỉ hẩm hiu làm culi hay sống thân phận con rệp suốt đời. Như vậy chúng ta phải xử làm sao đối với lời khuyên dạy của Chúa Giêsu khi Ngài nói hãy tìm chỗ cuối rốt mà ngồi, và hãy tạo liên hệ với những người bần cùng nghèo khó, không tiếng nói? Chúng ta phải hiểu thế nào về mẫu mực con người khiêm tốn của Chúa Giêsu vạch vẽ ra?
 
Tự kiêu
 
Tại sao những người đến dự tiệc đã có thái độ tìm chỗ cao để ngồi? Theo như nhận định của Chúa Giêsu thì họ là những người đã có tâm tư tự kiêu cho mình là quan trọng. Người tự kiêu là người qúa quan tâm đến cái tôi của mình. Họ đặt nặng đến địa vị chức quyền. Họ coi mình hơn người khác đến nỗi họ không còn nhận ra được địa vị chân thật của họ với Thiên Chúa cũng như với tha nhân. Và như thế họ không thể sống chân tình với ai được. Họ không biết con người thật của họ. Họ không biết Thiên Chúa và họ cũng không thực sự biết tha nhân. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã dạy họ phải biết sống khiêm tốn. Người khiêm tốn thật là người như thế nào?
 
Đối với bản thân
 
1. Người khiêm tốn thật không qúa coi trọng cái tôi của họ. Họ cũng không phải là người tự coi thường bản thân đến độ không còn nhìn nhận ra gía trị của bản thân mình, hoặc từ chối không nhận những gía trị và khả năng mình có. Khiêm tốn thật là biết chân thành nhìn nhận gía trị bản thân mình: là con người, trên có Thiên Chúa và chung quanh có những người khác cùng là anh em. Họ nhận biết thân phận làm người của họ là kẻ có tội, là tôi tớ, và là con cái của Thiên Chúa.

2. Người khiêm tốn thật thì nhận biết nguồn gốc gía trị bản thân từ đâu đến. Họ nhìn nhận rằng sức mạnh, tài năng, và các đức tính họ có được là do từ Thiên Chúa ban cho. Họ không tự nhận là do bởi công lao riêng mình, nhưng họ quy mọi sự về cho vinh quang và ngợi khen Thiên Chúa. Chính điều này giúp họ không còn kiêu ngạo, tự mãn, hoặc cảm thấy hơn người khác hoặc muốn so sánh, tranh dành, ganh đua với người khác. Họ vui với những gì họ có, và trong yêu thương họ tận lực dùng những cái đó để phục vụ làm vinh danh Thiên Chúa và Giáo Hội.
 
Đối với tha nhân
 
1. Người khiêm tốn thật không hạ nhục người khác bằng cách nói xấu, dèm pha, hoặc chê bai. Làm những điều này là một hình thức của kiêu ngạo. Một cách nào đó khi hạ người khác là họ tự có ý muốn nâng mình lên; khi chê bai người khác là họ chê bai chính Thiên Chúa là tác gỉa, và là Đấng hiện thân trong tha nhân.

2. Người khiêm tốn thật là người biết đưa người khác lên trong tình yêu thương. Họ biết đến với những người thấp kém, những người tội lỗi, những người nghèo túng, và những người không có thế gía để mời họ đến dự tiệc; vì họ nhận ra tha nhân là anh chị em của họ; trong tha nhân có Thiên Chúa.
 
Khi đi dự tiệc
 
Chỗ trong bàn tiệc chúng ta chọn để ngồi nói cho chúng ta biết mình khiêm tốn hay kiêu ngạo. Nếu chúng ta nghĩ mình là người có địa vị quan trọng thì chúng ta phải được xếp ngồi ở mâm trên, chỗ xứng với địa vị của mình. Nếu chúng ta nghĩ rằng mình thấp bé không địa vị thì sẽ tự kiếm mâm dưới mà ngồi. Chúa Giêsu đã dạy một bài học đạo đức xã hội rất thực tế. “Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất . . . nhưng khi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết.”
 
Quan sát trong các buổi tiệc chúng ta thấy rằng người quản tiệc phải rất khéo léo sắp xếp chỗ ngồi cho khách đúng với địa vị và chức vụ của họ. Nếu lỡ lầm thiếu sót cách nào thì sẽ bị trách móc khó có thể bỏ qua được. Người có địa vị thì phải ngồi với những người đồng vị như họ. Người thuộc vai vế cha chú thì phải ngồi với cha chú. Những ai là con cháu thì phải ngồi bàn thuộc vai vế con cháu. Kẻ ăn xin thì ngồi với kẻ ăn xin. Người làm công thì ngồi với người làm công. Tôn ti trật tự trong gia tộc, và giai cấp địa vị ngoài xã hội đã ảnh hưởng uốn nắn phương cách hành xử của chúng ta. Cho nên tập sống theo lời khuyên dạy của Chúa Giêsu là một việc làm cách mạng liều lĩnh không tránh khỏi những xung khắc. Chúng ta cần có can đảm sống khiêm tốn để sẵn lòng hạ mình xuống hơn một chút theo như lời khuyên dạy của Chúa Giêsu để chúng ta thực sự là con người khiêm tốn theo tiêu chuẩn của tinh thần Phúc âm.
 
Khi đãi tiệc
 
Hầu hết khi chúng ta mời khách dự tiệc là chúng ta mời bạn bè và những người quen thân. Họ là những người chúng ta cảm thấy thoải mái vui vẻ để chung vui và muốn tăng thêm tình thân mật. Thêm vào đó, những người khác chúng ta muốn mời nữa là những người có ân nghĩa với chúng ta, hoặc là vì họ đã mời chúng ta rồi nên mình phải đáp lễ theo phép lịch sự xã giao. Trên thực tế, bữa tiệc nào càng có nhiều khách cao sang quyền qúy thì bữa tiệc đó càng làm cho chúng ta hãnh diện nở mày nở mặt. Nhưng giáo huấn của Chúa Giêsu thì lại hoàn toàn ngược lại. Đối với Thiên Chúa và đối với nước trời thì việc làm gía trị nhất lại là như lời Chúa Giêsu dạy viên thủ lãnh trong bài Phúc âm hôm nay: “Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giầu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàng tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại.”
 
Nếu không có tinh thần khiêm tốn thật thì một người không thể thực hành điều Chúa Giêsu dạy. Tính kiêu ngạo tự nhiên làm chúng ta muốn mời hoặc muốn đồng bàn với những người có danh gía, quyền qúy, cao sang. Theo tâm lý kiêu ngạo thì khi làm như thế chúng ta cảm thấy mình gía trị hơn, hãnh diện hơn, nở mày nở mặt hơn. Nhưng sự gía trị và nở mày nở mặt này chỉ thổi phồng cái tôi của chúng ta trước mặt thế gian và trước mặt người đời, còn trước mặt Thiên Chúa và nơi bàn tiệc trong nước trời thì hoàn toàn vô gía trị.
 
Chỉ những ai thực sự đã thấu hiểu và có tinh thần khiêm tốn chân thật mới có thể thi hành được giáo huấn này của Chúa Giêsu. Khi mời những người nghèo, qùe, tàng tật đui mù như thế tức là chúng ta mời những người không có khả năng đem lại cho chúng ta bất cứ một lợi lộc gì. Họ không xứng đáng được mời. Họ không có khả năng đáp lễ. Họ không thể giúp gì cho chúng ta được. Chúng ta làm như thế là hoàn toàn vì tình yêu thương vô vị lợi Thiên Chúa dạy chúng ta. Đây chính là hình ảnh bàn tiệc trên nước trời. Chúng ta là những người hoàn toàn nghèo túng, tội lỗi, bất xứng, và không làm lợi gì đưọc cho Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa uy quyền vinh quang dư tràn như thế lại mời chúng ta vào dự bàn tiệc thiên quốc với Ngài. Nguyện xin Thiên Chúa thanh luyện lòng chúng ta để chúng ta thực sự trở nên khiêm tốn, và có can đảm làm điều Chúa Giêsu khuyên dạy hôm nay v tin tưởng được dự tiệc Nước Trời. 

 
L m. John Trần Khả
 


 
114.864864865135.135135135250