08/01/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

751
Ý nghĩa việc Chúa Giêsu chịu phép rửa đối với chúng ta
 
Jaime L. Waters
 
Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
Is 42,1–4. 6–7; Cv 10,34–38; Lc 3,15–16. 21–22
 
Tin mừng Luca hôm nay tường thuật cho chúng ta biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa. Các đoạn văn chung quanh bài Tin mừng có thể giúp chúng ta xác định bối cảnh của bản văn và suy tư về ý nghĩa khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu.

Khởi đầu Tin mừng Luca có những chi tiết độc đáo về thời niên thiếu của Đức Giêsu, gồm việc Ngài được quấn khăn và nằm trong máng cỏ, cùng cha mẹ lên đền thờ, lớn lên “thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa” trước mặt Thiên Chúa và người ta. Đầu chương 3, Tin mừng Luca đưa ra bối cảnh lịch sử vào thời Chúa Giêsu chịu phép rửa khi nhắc đến hoàng đế Tibêriô, tổng trấn Philatô và tiểu vương Hêrôđê cai trị miền Galilê. Thánh Luca nói đến sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả trong khoảng thời gian này; ông rao giảng kêu gọi mọi người chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được tha tội.

Dựa vào sách ngôn sứ Isaia, Tin mừng Luca trích dẫn lời vị ngôn sứ nói đến một người xuất phát từ hoang địa để chuẩn bị con đường cho Đức Chúa như chọn lựa của Bài đọc 1 (Is 40,3),  và thánh Luca đã đặt lời tiên báo này dưới ánh sáng sứ vụ của Gioan Tẩy Giả trước thời Đức Giêsu. Các sách Tin mừng đều lưu ý đến vai trò của Gioan Tẩy Giả như  người tiền nhiệm của Đức Giêsu. Tin mừng Luca còn đi xa hơn qua việc nối kết Gioan và Đức Giêsu như những thành viên gia đình, được sinh ra nhờ việc thụ thai cách nhiệm mầu. Sau khi giới thiệu về Gioan, thánh Luca mô tả cảnh đám đông kéo đến chịu phép rửa và họ tự đặt câu hỏi về vai trò của Gioan. Gioan đã thẳng thắn tuyên bố rằng ông không phải là Đấng Messia mà dân đang mong đợi nhưng là người dọn đường cho Đấng ấy: “ Tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến… Chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa”.

Vai trò của Gioan rất đa dạng trong tư cách là vị tiền hô và người chuẩn bị. Ông rao giảng và làm phép rửa, nhờ đó mọi người có thể sám hối tội lỗi, ông giúp cộng đoàn về đời sống tâm linh để sẵn sàng gặp gỡ Đức Kitô và sứ vụ của Ngài. Sự thanh tẩy thiêng liêng này vượt lên trên nghi thức rửa tội bằng nước. Gioan nhấn mạnh rằng mỗi người phải sống công chính và quảng đại, chia sẻ lương thực với những người túng thiếu cũng như tránh xa mọi hình thức tham nhũng (Lc 3,7-14). Gioan không chỉ đơn thuần là người thực hiện phép rửa; nhưng hơn thế, ông còn là một nhà cải cách kêu gọi dân chúng lưu tâm đến cách sống và ứng xử với nhau. Việc Gioan tập trung vào phép rửa và quan tâm đến người khác cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa những hành động này, đồng thời việc rao giảng của ông còn cho thấy những liên hệ mật thiết nơi phép rửa tội với việc người Kitô hữu trở thành môn đệ. Đó không chỉ đơn giản là lãnh nhận phép rửa, nhưng còn phải sống công chính và quảng đại với tha nhân.

Tại sao Chúa Giêsu cũng đến lãnh nhận phép rửa? Ngài là mẫu mực của chúng ta, vì vậy phép rửa của Ngài là một khuôn mẫu cho việc gia nhập đức tin Kitô giáo, không chỉ qua việc từ bỏ tội lỗi nhưng còn bằng tuyên bố công khai và dấn thân cho sứ vụ cũng như quan tâm đến người khác. Trong các Tin mừng, việc Đức Giêsu lãnh nhận phép rửa là hành động công khai đầu tiên trước khi Ngài bắt đầu sứ vụ giảng dạy, loan báo và chữa lành. Cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay, chúng ta được nhắc nhở về những gợi ý của chính phép rửa nơi mỗi người như là một bí tích hướng chúng ta tới sứ vụ và phục vụ tha nhân theo gương Đức Giêsu.
 

 
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (16/11/2021)
114.864864865135.135135135250