20/02/2017 -

Lời Chúa - hàng ngày

652
Thứ Ba tuần VII thường niên

Thứ Ba tuần VII Quanh năm

Mc 9,30-37

 (Mt 17,22-18,5 ; Lc 9,43-45)

Giao tiếp lệch pha…”

 

(30) Ðức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Ðức Giêsu không muốn có ai biết, (31) vì Người đang dạy các môn đệ rằng : "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại." (32) Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

 (33) Sau đó, Ðức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Ðức Giêsu hỏi các ông : "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" (34) Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. (35) Rồi Ðức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." (36) Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : (37) "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy".

SUY NIỆM

Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay, phản ánh một khoảng cách giao tiếp, một kênh truyền thông lệch pha giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Trong khi Chúa Giêsu chia sẻ với các môn đệ về sứ mạng và chương trình của Ngài. Về việc Ngài lên Giêrusalem lần thứ hai và về cái chết sắp đến. “Các môn đệ không hiểu những lời đó, nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người”. Các ông bận rộn cãi nhau “xem ai là người lớn hơn cả”, các ông đang lo toan về vấn đề địa vị và những tham vọng trần thế. Chúa Giêsu đang hướng về thập giá, còn môn đệ thì lại tranh cãi nhau xem ai lớn hơn. Trái tim và tâm trí của Chúa đặt trên sứ mạng, sự đau khổ và cái chết ; còn suy nghĩ của các môn đệ lại đặt vào quyền lợi, sự hơn thua.

Có nhiều lý do khiến cho kênh truyền thông giữa Chúa Giêsu và các môn đệ bị lệch pha. Khi truyền thông, có người nói - có người nghe, hai bên phải hiểu nhau, điều gì không hiểu phải hỏi lại. Không hiểu mà không hỏi lại, thì dẫn đến “ông nói gà – bà nói vịt”. Những lời tâm sự tận đáy lòng của Chúa Giêsu trước lúc thi hành sứ vụ đã bị các môn đệ bỏ qua, vì các ông không hiểu, nhưng các ông sợ không dám hỏi lại. Không hiểu mà không chịu hỏi nên Chúa nói một đàng, các môn đệ bàn tán một ngả. Truyền thông liên quan nhiều đến lời nói và việc trao đổi ý tưởng. Nhưng truyền thông cũng liên quan đến sự thing lặng đồng cảm sau khi đã hiểu. Bởi vì sau mỗi lời nói là sự hiểu biết và đồng cảm. Đồng cảm là nhận ra được những gì người khác đang cố gắng trao gởi, để đọc được tầng sâu ý nghĩa của những lời ấy, bằng kinh nghiệm của chính mình.

Ðức Thánh Cha Benedicto XIV trong sứ điệp ngày thế giới truyền thông năm 2011 nhắc nhở rằng : Trong thời đại kỹ thuật số, thời đại internet mỗi người được đặt trước sự cần thiết phải là một người truyền thông chân thành. Cách thức hiện diện theo tinh thần Kitô trong thế giới kỹ thuật số, phải được cụ thể hóa trong sự thông truyền lương thiện và cởi mở, với tinh thần trách nhiệm và tôn trọng tha nhân… Ðức Thánh Cha nhắc nhở thêm : Trước tiên chúng ta phải ý thức rằng, chân lý mà chúng ta tìm cách chia sẻ không kín múc giá trị từ sự "nổi tiếng" (ai lớn hơn), hoặc từ số lượng sự chú ý mà nó thu hút được. Chúng ta phải phổ biến chân lý trọn vẹn, toàn diện, thay vì làm cho lời nói được người ta chấp nhận bằng cách "bọc đường" cho nó. Chân lý phải trở thành lương thực hằng ngày chứ không phải chỉ là một sự thu hút nhất thời. Chân lý Tin Mừng không phải là điều có thể trở thành đồ vật tiêu thụ, hoặc một sự vui hưởng hời hợt, nhưng là một hồng ân đòi phải có sự tự nguyện đáp trả."[1]

Chúa Giêsu đã là một người làm công tác truyền thông hợp cho mọi thời. Ngài đã truyền thông chân lý trọn vẹn, cho dù nó khó hiểu – khó nghe và khó đón nhận. "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại." Với đoạn Tin Mừng hôm nay, có lẽ chúng ta sẽ lý luận, có mấy ai không muốn làm người lớn hơn hết ? Bởi vì làm người lớn nhất không phải là điều xấu. Nhưng vấn đề ở chỗ điều ấy mang ý nghĩa nào. Đối với các môn đệ, người lớn nhất là người có quyền lực, giàu sang, danh tiếng. Đối với Chúa Giêsu, người lớn nhất lại là người phục vụ, người trở nên bé nhỏ nhất, người hy sinh chết vì người khác. Đối với Chúa Giêsu lớn hơn là ở tấm lòng chứ không phải ở lý luận, lớn hơn là ở việc thiện chứ không phải ở trong các mối liên hệ, lớn hơn là ở sự dấn thân chứ không phải ở kiến thức, và lớn hơn là ở đức tin và tình yêu chứ không phải ở quyền lực. Hai dòng suy tư khác nhau khiến kênh truyền thông không gặp được nhau ở bất kỳ điểm chung nào, cuộc nói chuyện trở thành lệch pha.

Đường lối của Thiên Chúa khác xa đường lối của con người. Ý định của Thiên Chúa ngược lại với ý muốn và sự tìm kiếm của con người. Ước gì mỗi khi truyền thông, chúng ta phải nghĩ đến sự đồng cảm, hơn là tìm kiếm sự gặp gỡ hời hợt bề ngoài. Ước gì trong cuộc sống, chúng ta biết tìm kiếm ý Thiên Chúa hơn là tìm vinh hoa thế trần.

Lạy Chúa Giêsu,

Vì Chúa muốn con nên như trẻ nhỏ,

nên con xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.

Xin cho con biết yêu những công việc bé nhỏ mỗi ngày, 
những công việc bổn phận âm thầm.

 Xin cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày, 
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ, nhưng làm tim con đau đớn.

 Xin cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ, 
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực, 
sung sướng nương tựa vào một mình Chúa.

Hơn nữa, xin cho con can đảm, 
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn, 
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người 
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.

Lạy Chúa, mỗi lần bị cám dỗ tự cao, 
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi, 
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.

Ước gì con được làm bạn của Chúa 
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ, 
và được ở bên Chúa trong Nước Trời.

Amen.

 

 

[1]               SD 24-1-2011

114.864864865135.135135135250