18/10/2021 -

Lời Chúa - hàng ngày

843
Thứ Ba tuần XXIX thường niên

Thứ Ba tuần XXIX Thường Niên

Lc 12, 35-38

(Mt 25,1-13)

Thức tỉnh – chờ đợi – sẵn sàng

 

(35) "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. (36) Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. (37) Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em : chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. (38) Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.

SUY NIỆM

Lời Chúa hôm nay chỉ vỏn vẹn bốn câu ngắn ngủi, nhưng đủ để nhắc nhở cho chúng ta về thái độ cần thiết trong cuộc sống thường ngày mà mỗi người Kitô hữu phải luôn luôn có.

1.    Trước hết Lời Chúa nhắc nhở rằng phải “tỉnh thức”. “Tỉnh” là ở trạng thái không say, không mê, không ngủ, cảm biết và nhận thức được hoàn toàn. “Tỉnh” là sáng suốt biết mình đang làm gì, ở đâu ; “tỉnh” là biết mình đang có định hướng gì, và thực hiện định hướng ấy ra sao… Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta “thức” nhưng chúng ta hoàn toàn “không tỉnh” một chút nào. Nhiều lúc chúng ta “thức” nhưng không biết mình làm gì, và sẽ đi về đâu.

Lời Chúa nhắn nhủ chúng ta hãy “tỉnh thức”, nghĩa là ý thức về toàn bộ cuộc sống của mình. Ý thức mình đang tìm kiếm điều gì, khát mong gì và đặt giá trị đời mình ở nơi nào. Ý thức mình đã có hành động nào, lời nói gì, cuộc sống của mình đang đi về đâu. Giá trị cuối cùng của đời người nằm ở chỗ nào ?

2.    Thái độ “tỉnh thức” thật cần thiết, nhưng tỉnh thức để làm gì điều ấy quan trọng hơn. Lời Chúa nhắc nhở thêm cho chúng ta rằng : hãy “tỉnh thức” với một mục đích duy nhất là “chờ đợi chủ trở về”. Nếu chúng ta đọc đoạn Tin Mừng tương đương này theo thánh Mátthêu, chúng ta sẽ thấy một số đầy tớ cũng “tỉnh thức” nhưng với mục đích khác : họ tỉnh thức để ăn chơi sa đọa vì nghĩ rằng chủ vắng nhà ; một số khác thì “tỉnh thức” để bắt nạt người khác vì không cần sống công bình khi không có chủ ; một số khác thì lợi dụng chủ vắng nhà để làm những điều không được phép, đó là những hạng người thật đúng với câu ngạn ngữ “chủ vắng nhà gà vọc niêu tôm” … Thái độ “tỉnh thức” như thế quả là không phù hợp với đòi hỏi của Chúa.

Thái độ “tỉnh thức” chờ đợi chủ trở về là quan trọng, nhưng thái độ sống sự hiện diện của chủ cả lúc ông ta đi vắng điều ấy là điều quan trọng hơn.

Như vậy, người Kitô hữu chúng ta không những được nhắc nhở ý thức về toàn bộ cuộc sống của mình, nhưng còn được nhắc nhở thêm rằng : cần ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng phút giây cuộc đời mình, trong từng biến cố.

3.    Điều cuối cùng mà Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta là thức tỉnh trong “sẵn sàng”. Quả thật là có lúc chúng ta đang “tỉnh thức” nhưng chúng ta không hề sẵn sàng. Như chuyện tòa tháp đôi của Mỹ đổ xuống, chắc hẳn nhiều người lúc ấy “tỉnh thức”, nhưng hầu như họ chưa hoàn toàn sẵn sàng… Như chuyện lụt hồng thủy, như chuyện Sođôm và … nhiều những biến cố khác nữa.

Tóm lại, chỉ với bốn câu vỏn vẹn, Chúa đã nhắc nhở chúng ta về một thái độ sống, thái độ “tỉnh thức” chờ mong “Chúa đến” ; thái độ “tỉnh thức” sống sự hiện diện của Chúa ; thái độ “tỉnh thức” thật sẵn sàng. Thánh Luca diễn tả sự sẵn sàng ấy rằng : “chủ vừa về tới là mở cửa ngay”…

4.    Và đều chắc chắn cho những ai chu toàn các điều đòi hỏi của Chúa : tỉnh thức, chờ đợi, sẵn sàng… chắc chắn là hưởng “phúc” như Tin Mừng hôm nay nói. Ước chi mỗi người chúng ta ý thức về cuộc sống của mình, ý thức Chúa luôn hiện diện, ý thức bằng thái độ sẵn sàng và chu đáo.

Lạy Chúa Giêsu,

xin thức tỉnh con.

Xin đưa con ra khỏi cơn mê

mà tự sức con không sao thoát ra được.


Xin đừng ngại thức tỉnh con

bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ,

nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ
đang cắt tỉa con vì yêu con.

 

 Ước gì con được tỉnh táo
để nhìn thấy sự hiện diện của Chúa.

Ước gì con sẵn sàng chờ đón Chúa
như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện,
xin cho con thức luôn và sáng luôn,
trước nhan Chúa.

 

Amen.
 

 

114.864864865135.135135135250