26/03/2021 -

Lời Chúa - hàng ngày

1191
Thứ Bảy tuần V Mùa Chay

 Thứ Bảy tuần V mùa chay

Ga 11,45-57

Tin là làm chứng cho Chúa...

 

(45) Trong số những người Do Thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Chúa Giêsu làm, có kẻ đã tin vào Người. (46) Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Chúa Giêsu đã làm. (47) Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng hội Ðồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây ? Người này làm nhiều dấu lạ. (48) Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta". (49) Một người trong Thượng Hội Ðồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng : "Các ông không hiểu gì cả, (50) các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là : thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". (51) Ðiều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Chúa Giêsu sắp phải chết thay cho dân, (52) và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. (53) Từ ngày đó, họ quyết định giết Chúa Giêsu. (54) Vậy Chúa Giêsu không đi lại công khai giữa người Do Thái nữa ; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Épraim. Người ở lại đó với các môn đệ.

 (55) Lễ Vuợt Qua của người Do Thái đã gần. Từ miền quê, nhiều người lên Giêrusalem trước lễ Vượt Qua để thanh tẩy mình. (56) Họ tìm Chúa Giêsu và đứng trong Ðền Thờ bàn tán với nhau : "Các ông có nghĩ rằng ông ấy sẽ không lên dự lễ chăng ?" (57) Còn các thượng tế và người Pharisêu thì ra lệnh : ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.

SUY NIỆM

Tin Mừng hôm nay thánh Gioan vẫn đặt chúng ta trong bối cảnh đức tin.

* Trước phép lạ Chúa Giêsu cho Lazaro chết sống lại : “Có kẻ đã tin vào Ngài”, có kẻ đi “đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Chúa Giêsu đã làm” ; lãnh đạo Do Thái ghen tương vì ảnh hưởng của Chúa Giêsu trước dân chúng, họ muốn giết Chúa Giêsu. Tình hình không mấy nan giải đối với những vị lãnh đạo đầy quyền lực nhưng lại không tin. Một người trong Thượng Hội Ðồng tên là Caipha, thuộc giới lãnh đạo Do Thái đã lập luận và đưa ra hướng giải quyết rất đơn giản, nhanh gọn và dễ dàng : “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.

* Ngày lễ vượt qua đến, những người Do Thái ở các nơi lên Giêrusalem để dự lễ, khi nghe biết Chúa Giêsu cho người chết sống lại, một số người đã tin và họ đi “tìm Chúa Giêsu”. Chắc hẳn họ cũng cầu mong nhận được phép lạ nào đó của Chúa. Nhưng “các thượng tế và người Pharisêu thì ra lệnh : ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt”.

Trước sứ vụ rao giảng về Thiên Chúa và triều đại của Ngài, Chúa Giêsu đã làm cho nhiều người lãnh nhận được ơn đức tin. Nhưng cũng trước sứ vụ loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng như nhiều nhà truyền giáo đã gặp phải khó khăn đến hy sinh tính mạng.

Một nhà văn nào đó đã nói rằng : “Biết bao triệu người chết, để César có thể trở nên vĩ đại”. Chúng ta cũng có thể nói thêm : biết bao triệu người nằm xuống, để bạo chúa Tần Thủy Hoàng dựng lên Vạn Lý Trường Thành ; biết bao xương máu đổ ra, để vua Tự Đức xây lăng Vạn Niên. Trong lịch sử nhân loại, nhiều người hy sinh để cho một người được thành công, để cho một công trình được hoàn tất. Với Thiên Chúa thì ngược lại, Con Một của Ngài là Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống để cứu muôn người. Ngài không lấy mạng người khác để đạt mục đích của mình, nhưng Ngài đã dùng tính mạng mình để đạt được ý nguyện của Chúa Cha. Chỉ cần mình Ngài đổ máu, là tất cả nhân loại được cứu độ.

Theo gương Chúa Giêsu, nhiều người đã hy sinh tính mạng vì đức tin của mình. Đã có 26 nhà truyền giáo Công Giáo bị giết chết trong năm 2011, trong số đó có 18 linh mục, 4 nữ tu và 4 giáo dân. Các nhà truyền giáo này đã can đảm loan báo Tin Mừng qua đời sống phục vụ người nghèo, thăng tiến xã hội trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm. Các ngài phải trả giá bằng cái chết như Chúa Giêsu, để đem lại sự sống cho nhiều người. Chúa Giêsu đã vui lòng trao ban sự sống mình, vì biết rằng cái chết của Ngài “không chỉ thay cho dân Do Thái mà thôi, nhưng còn có sức qui tụ nhân loại đang bị phân rẽ, chia cắt khắp nơi trên thế giới về một mối”. Ngài mong mọi người sẽ qui tụ trong gia đình của Thiên Chúa, nơi mọi chia rẽ, mọi đối nghịch sẽ tiêu tan. Cái chết ấy có khả năng quy tụ mọi kẻ tin vào Chúa Giêsu về một đoàn chiên duy nhất, kể cả dân ngoại[1]. Cái chết ấy có khả năng kéo mọi người lên cùng Chúa chẳng trừ ai[2].

Cuộc đời chúng ta cũng chỉ có ý nghĩa khi biết sống cho Chúa và cho tha nhân. Biết chia sẻ và cho đi như Chúa đã hy sinh chính mạng sống của Ngài.

Lạy Chúa,

Cuộc đời chúng con có đau khổ và hạnh phúc.

Có những nụ cười và có cả những giọt nước mắt.

Có những thành công và thất bại.

Chúng con cám ơn Chúa đã chia sẻ phận người với chúng con.

Chúa đã vượt qua tất cả nhờ sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Xin cho chúng con cũng biết tìm kiếm ý Chúa trong từng biến cố cuộc đời.

Xin giúp chúng con luôn quảng đại gieo vãi tình yêu thương mà không mong đền đáp.

Xin giúp chúng con biết đi theo Chúa trên con đường thập giá hy sinh,

để làm chứng cho tình yêu của Chúa.

Amen

 

 

 

[1] Ga 10, 16.

[2] Ga 12, 32.

114.864864865135.135135135250