08/12/2021 -

Lời Chúa - hàng ngày

1064
Thứ Năm tuần II mùa Vọng

Thứ Năm tuần II Mùa Vọng

Mt 11,11-15
Can đảm làm ngôn sứ
Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông rằng: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. 12Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. 13Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. 14Và nếu anh em muốn chấp nhận, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến. 15 Ai có tai thì nghe.”

SUY NIỆM

Lời Chúa hôm nay nói đến Gioan Tẩy Giả - vị ngôn sứ “giao thời”, ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước và ngôn sứ đầu tiên của Tân Ước. Ngài là một người rất can đảm dấn thân trong sứ vụ dọn đường cho Chúa đến. Tuy nhiên, nơi đoạn Tin Mừng này, tác giả lại so sánh Gioan Tẩy Giả với Êlia; vì thế chúng ta có thêm một mẫu gương dọn đường cho Chúa nữa đó là ngôn sứ Êlia. Suy niệm Lời Chúa, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại chính mình trong vai trò ngôn sứ, “đi trước Chúa để mở lối cho Người.” Nhờ đó, mùa Vọng đến với chúng ta mới thật ý nghĩa.

1. Ngôn sứ Êlia

Trong trích đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu đề cập đến ông Gioan Tẩy Giả với nhận định: “Nếu anh em muốn chấp nhận, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến. Chúng ta biết câu chuyện của ngôn sứ Êlia. Ông là một “ngôn sứ lửa”,  ta nói “lửa” bởi vì:

 
- Đời sống của ông chất chứa lửa nhiệt thành” đối với Thiên Chúa và công cuộc của Người.
- Chất “lửa trong chọn lựa” đứng về Thiên Chúa, “Đấng hằng sống của Ítraen”, Đấng “ông phục vụ” (x.1V 17,1).
- “Lửa trong lời nói” sắc bén khi kêu gọi dân chúng phải minh bạch trong chọn lựa: “Các ngươi nhảy khập khễnh hai chân cho đến bao giờ? Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người; còn nếu là Baan, thì cứ theo nó” (1V 18,21).
- “Lửa trong lời kết án” vua Akháp – người đã phạm tội tham lam đến giết chết ông Navốt để chiếm đoạt vườn nho của ông này: “Tôi đã bắt được ngài làm điều dữ trái mắt Đức Chúa” (1V 21,20).
- Và cuối cùng, ngôn sứ Êlia đã được đưa đi trên chiếc xe “đỏ như lửa” (2V 2,11).
 
2. Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả

Hình ảnh của ngôn sứ Êlia đã khắc hoạ lại nơi chính Gioan Tẩy Giả. Nơi vị Tiền Hô của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra sức mạnh, sự can đảm, của ngài.

 
- Sự can đảm sống trong sa mạc, trong cảnh nghèo khó để mong chờ Đấng Mêsia.
- Sự can đảm ngỏ lời thẳng thắn với những người đến nhận nơi ngài sự thanh tẩy trong dòng sông Giođan, nhất là với những người thuộc phái Xađốc và Pharisiêu: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối… Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa…” (Mt 3,710).
- Và ông Gioan Tẩy Giả đã can đảm tố cáo việc làm sai trái của vua Hêrôđê, dù biết rằng lời mình nói sẽ mang hoạ cho bản thân.
 
Thánh Gioan Tẩy Giag can đảm tiến bước trong sứ vụ của mình, sứ vụ “tiền hô”, “chuẩn bị” cho Chúa Giêsu đến. Ngài xứng đáng với lời khen ngợi của Chúa Giêsu: “Tôi nói thật với các anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả. Một trong những điều làm cho thánh Gioan Tẩy Giả cao trọng đó là sức mạnh và lòng can đảm của ngài. Ngài can đảm bước đi. Không có gì làm cho ngài chùn bước. Và đó là hình ảnh của một con người “đương đầu với sức mạnh”, mà Chúa Giêsu nêu lên.

3. Vai trò ngôn sứ của chúng ta

Phần chúng ta, điều diễn ra nơi ngôn sứ Êlia và thánh Gioan Tẩy Giả, cần được tái hiện nơi mỗi chúng ta. Chúng ta cần có lòng can đảm để đương đầu với sức mạnh.

Trong đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu quả quyết: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. Sức mạnh mà Chúa nói đến nơi đây là sức mạnh dựa vào quyền năng Thiên Chúa. Đây là sức mạnh tình yêu. Tình yêu là sức mạnh dẫn đến sự can đảm, sẵn sàng “chiến đấu”chiến đấu đến cùng. Sức mạnh ở đây cũng chính là sức mạnh từ trên cao”, nghĩa là tặng ân của Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu gửi xuống từ Chúa Cha cho các môn đệ của Chúa, cho những ai tin vào Người, cho chúng ta với tư cách là Kitô hữu.

Chúng ta cần sức mạnh của Thiên Chúa để sống và bước đi. Một thứ sức mạnh như chính nhựa sống chuyển động trong thân cây để vừa nuôi sống cành lá vừa giúp trổ sinh hoa trái. Trong đời sống, chúng ta rất cần nghị lực để dọn đường cho Chúa. Nghị lực cũng chính là sức mạnh nội lực” ở trong chúng ta: nghị lực đó, nội lực đó, chúng ta đón nhận từ Thiên Chúa, để chúng trở thành của chúng ta. Đây là một tặng ân đã được chuyển hoá để trở thành sở hữu của chúng ta.

Như vậy, khi can đảm tiến bước, chúng ta thực hiện “chuyển động kép”: chuyển động từ Thiên Chúa đến chúng ta khi Người ban cho chúng ta “quyền năng”, “sức mạnh” và chúng ta đón nhận; và đồng thời cũng là chuyển động từ chúng ta đến ngoại vật xuyên qua hành động của chúng ta.

Khi Chúa Giêsu nói: Ai mạnh sức thì chiếm được”, chúng ta hiểu rằng chúng ta có thể chiếm được Nước Trời, với sức mạnh mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Đồng thời, tình yêu của chúng ta đối với Nước Trời là sức mạnh để đạt tới đó.

Lời Chúa hôm nay mang lại cho mỗi chúng ta sự khuyến khích rất lớn: Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh, để chúng ta tiến bước trong cuộc sống và hướng đến Nước Trời. Chúng ta đón nhận ơn can đảm như là dấu chứng của thứ thần khí mà chúng ta đón nhận từ nơi Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã quả quyết với ông Timôthê: “Thiên Chúa chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ” (1Tm 1,7). Vậy, với ơn Chúa ban, chúng ta hãy can đảm tiến bước.

 

114.864864865135.135135135250