07/06/2019 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

2511
Kinh Mười Điều Răn
KINH MƯỜI ĐIỀU RĂN
Mời bấm vào đây để nghe
 
Mười điều răn là các mệnh lệnh đạo đức theo Kinh thánh, được Thiên Chúa phán truyền cho ông Mô-sê ở trên núi Sinai. Mười điều răn thuộc về mạc khải của Thiên Chúa,nó nêu lên những bổn phận căn bản của con người đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận.[1] Vi phạm các điều răn là nghịch lại tình yêu đối với Thiên Chúa và có lỗi với tha nhân. Vì thế, mỗi khi xét lại tương quan của mình với Thiên Chúa và với tha nhân, truyền thống Giáo hội vẫn dùng Mười điều răn để làm nền tảng.

Ngày cuối năm, trong tâm tình nhìn lại mình, xin lỗi Chúa - xin lỗi anh chị em và làm mới lại các tương quan, để đón chào năm mới đến trong an bình, thì việc suy gẫm và cầu nguyện với Kinh Mười điều răn đó là việc làm có ý nghĩa.

Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn: Thứ nhất, thờ phượng Đức Chúa Trời và yêu mến Người trên hết mọi sự. Thứ hai, chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ. Thứ ba, giữ ngày Chúa Nhật. Thứ bốn, thảo kính cha mẹ. Thứ năm, chớ giết người. Thứ sáu, chớ làm sự dâm dục. Thứ bảy, chớ lấy của người. Thứ tám, chớ làm chứng dối. Thứ chín, chớ muốn vợ chồng người. Thứ mười, chớ tham của người. Mười điều răn ấy tóm lại hai điều mà chớ: trước là yêu mến Chúa trên hết mọi sự, sau là yêu người như yêu chính mình. Amen

Mười Ðiều Răn nêu ra các đòi hỏi của tình mến Chúa - yêu người. Ba điều răn đầu đề cập đến tình yêu đối với Thiên Chúa, và bảy điều sau, đến tình yêu đối với tha nhân.”
[2] Khi được hỏi: "Ðiều răn nào là điều răn trọng nhất?”[3] Chúa Giê-su đã trả lời anh thanh niên: "Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi; đó là điều răn trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”[4] Chính vì thế mà ở cuối lời Kinh Mười điều răn, hết mọi Kitô hữu đều tin nhận sự hoàn hảo, sự tròn đầy của lời kinh rằng: “Mười điều răn ấy tóm lại hai điều: trước là yêu mến Chúa trên hết mọi sự, sau là yêu người như yêu chính mình,không có gì hơn nữa, không có gì thêm nữa.”

Mười điều răn hợp thành một thể thống nhất. Mỗi điều răn qui chiếu về từng điều và tất cả các điều khác. Không thể tôn trọng người khác mà không chúc tụng Thiên Chúa, Ðấng Sáng Tạo họ. Không thể tôn thờ Thiên Chúa mà không yêu thương tất cả mọi người là thụ tạo của Thiên Chúa. Mười điều răn thống nhất đời sống đối thần với đời sống xã hội của con người.
[5] 

Vì vậy, Kinh Mười điều răn từng bước nhẹ nhàng đi sâu vào trong lòng Giáo hội, lời kinh ấy mang âm điệu thẳng thắn dưới dạng lời khuyên vẫn luôn âm thầm củng cố, nuôi dưỡng đời sống nhân bản và đời sống tâm linh cho những tâm hồn khát mong vươn đến sự thiện hảo.

Khi áp dụng các điều răn vào cuộc sống, chúng ta nhìn thấy những gam màu rực sáng, cùng luồng khí tươi mới bởi công lý, bình an và tình bác ái ngự trị. Bởi ở đó không có lối hành xử theo kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng”, lại càng không phải là luật báo oán nhưng là luật yêu thương.

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định một cách chắc chắn: “Mười Điều Răn hoàn toàn không phải là những bổn phận do một ‘bạo chúa’ áp đặt cách độc tài… Ngày nay và mãi mãi chỉ có các điều răn là bảo đảm cho tương lai gia đình và nhân loại. Các điều răn bảo vệ con người khỏi quyền lực phá hoại của ích kỷ, của hận thù và dối trá. Chúng chỉ bảo cho con người biết tránh tất cả những thần tượng lầm lạc đã bắt con người phải nô lệ như: tự ái loại bỏ Thiên Chúa, ý chí ham quyền lực, mưu cầu lạc thú, làm đảo lộn trật tự chính đáng và hạ thấp phẩm giá con người và phẩm giá của người thân cận.”
[6] 

Mang lấy những giới hạn của phận người yếu đuối, nên việc thực thi giới răn của lòng mến cần đến sự từ bỏ chính mình và nỗ lực cậy trông vào ơn thánh. Ước mong sao mỗi lần lời Kinh Mười điều răn vang lên là mỗi lần giới luật yêu thương được nhắc lại để ta được khơi gợi và mãi ghi nhớ.

“Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ,
con nguyện đi theo mãi đến cùng.
Xin cho con được trí thông minh
để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ.”
(Tv 119,33-34)

[1] GLHTCG, số 2072
[2] GLHTCG, số 2067.
[3]Mt 22,36.
[4]Mt 22,37-40.
[5] GLHTCG, số 2069.
[6] Youcat VN tr 262
 
114.864864865135.135135135250