24/12/2020 -

Lời Chúa – các dịp lễ đặc biệt

815
HSTM- LỄ ĐÊM GIÁNG SINH
HIỆP SỐNG TIN MỪNG
LỄ ĐÊM GIÁNG SINH ABC
Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14.

 
LOAN BÁO TIN MỪNG TRỌNG ĐẠI CHO THẾ GIỚI HÔM NAY

1. LỜI CHÚA: “Này tôi báo cho anh em một Tin mừng trọng đại, cũng là Tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

2. CÂU CHUYỆN

1) CHÚA CỨU THẾ ĐÃ GIÁNG SINH CHO CHÚNG TA

Ở nước Nga thời trung cổ, có một hoàng tử tên là A-lếch-xích (Alexis) có lòng bác ái yêu thương những người nghèo khổ bệnh tật. Mỗi ngày hoàng tử dành nhiều thời giờ đến thăm hỏi và sẵn sàng rộng tay giúp đỡ những ai cần được trợ giúp. Có điều lạ là hoàng tử thấy dân chúng lại tỏ vẻ dửng dưng và thờ ơ khi thấy chàng đến thăm. Về sau hoàng tử được biết sở dĩ dân chúng không mấy phấn khởi khi gặp chàng vì chàng không đáp ứng được các nhu cầu thực tế của họ. Từ đó hoàng tử A-lếch-xích tìm cách giúp dân chúng cách thiết thực hơn.

Sau một thời gian, một hôm dân chúng lại thấy một người ăn mặc đơn sơ đến thăm họ. Anh ta thuê một túp lều trong hẻm sâu làm nơi trú ngụ. Hàng ngày anh đến từng nhà và khám bệnh bốc thuốc miễn phí cho các người nghèo. Chẳng bao lâu sau, anh ta gây được thiện cảm của mọi người chung quanh. Uy tín anh ngày một gia tăng khiến nhiều người nghe tiếng đã tìm đến nhờ anh giúp đỡ giải quyết những khó khăn đang gặp phải. Hôm nay anh dàn xếp được một cuộc tranh chấp đất đai giữa hai gia đình. Hôm sau, anh lại làm cho một đôi vợ chồng sắp ly hôn làm hòa với nhau và yêu thương nhau như trước. Anh động viên mọi người tương trợ lẫn nhau và nhờ đó ai cũng yêu mến anh vì anh đã hy sinh tận tình giúp đỡ cho họ.

Thật ra ông thầy lang ấy chính là hoàng tử A-lếch-xít. Hoàng tử đã rời bỏ cung điện phú quí, đến sống giữa đám dân nghèo đói dốt nát, và hòa mình với họ. Về sau khi biết được ông thầy lang chính là hòang tử A-lếch-xít hóa thân thì dân chúng lại càng quý trọng hòang tử gấp bội.

Hoàng tử A-lếch-xít trong câu chuyện trên là hình ảnh của Đức Giê-su Đấng Cứu Thế. Người đã giáng sinh trong cảnh nghèo hèn để chia sẻ cảnh nghèo khổ với lòai người chúng ta. Người đã yêu thương chúng ta và tình nguyện xuống trần gian để ban lại cho chúng ta sự sống đời đời.

2) THỰC THI CÔNG LÝ BẰNG TÌNH THƯƠNG

Vào một ngày mùa đông lạnh giá, viên thị trưởng thành phố New York vẫn đã phải chủ tọa một phiên tòa như thường lệ. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão áo quân rách nát. Người này bị tố cáo là đã ăn cắp một ổ bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà ông này đưa ra là: “Vì gia đình tôi đang sắp chết đói”.

Nghe xong lời cáo tội của chủ cửa hàng bánh và lời biện bạch của ông lão, viên thị trưởng đã đưa ra phán quyết như sau: “Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi ra lệnh trừng phạt tội ăn cắp của người này là nộp 10 đôla trả lại cho chủ quán”. Sau khi tuyên án, viên thị trưởng liền rút trong túi ra 10 đôla thi hành án lệnh. Sau khi trao cho người ăn cắp 10 đôla để nộp phạt, ông thị trưởng quay xuống cử tọa nói tiếp: “Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp”. Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý đi thu tiền và trao tất cả cho ông lão. Khi chiếc mũ đã được chuyền một vòng, người ta đếm được 47 đôla 50 xu. Ông thị trưởng trao tất cả cho ông lão. (Trích từ “Lẽ Sống”).

Qua đó, viên thị trưởng cùng một lúc vừa thực thi công lý lại vừa biểu lộ tình thương. Nói cách khác: Ông đã thi hành công lý bằng lòng từ bi thương xót. Thiên Chúa là vị Thẩm phán tối cao đòi loài người phải đền tội kiêu ngạo bất tuân là bị chết theo phép công bình. Nhưng Thiên Chúa lại thực thi công lý với lòng từ bi thương xót qua mầu nhiệm Giáng Sinh và mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su.

Đàng khác, có bao giờ chúng ta nhận thấy mình cũng có trách nhiệm về những tội ác xảy ra hằng ngày chung quanh chúng ta không? Biết đâu vì chúng ta dửng dưng vô cảm, thiếu liên đới chia sẻ, nên mới xảy ra biết bao tội ác trong xã hội! Nếu chúng ta ý thức về trách nhiệm liên đới, chia sẻ, thực sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta sẽ góp phần giảm bớt cảnh đói khổ, và như thế tội ác trên thế giới cũng sẽ giảm đi. Thế giới không thiếu thực phẩm, không thiếu tài nguyên. Chỉ tại thiếu lòng thương xót.

3) NGƯỜI VỐN DĨ VÔ TỘI NHƯNG ĐÃ TRỞ THÀNH TỘI NHÂN VÌ CHÚNG TA

Một vị quan lớn gửi thiệp mời các người thân quen đến dự tiệc mừng sinh nhật thất tuần của ông. Tất cả quan khách đến dự buổi liên hoan đều ăn mặc sang trọng và có xe ngựa sang trọng đưa rước. Một vị quan cao tuổi là bạn chí thân của quan chủ tiệc cũng đến dự. Do già yếu nên khi bước xuống xe, chẳng may ông bị trượt chân té xuống một vũng nước dơ khiến các gia nhân gần đó đều cười ồ lên. Trước tình trạng quần áo bị hoen ố nước dơ, vị quan cảm thấy xấu hổ trước trăm con mắt đang nhạo cười mình và quyết định lên xe ra về. Viên quản gia hiện diện đã đến năn nỉ hết cách mà vị quan kia nhất định không vào trong nhà dự tiệc. Bấy giờ chủ nhà được gia nhân cấp báo liền vội vàng chạy tới. Khi ngang qua vũng nước, ông lại cố tình té ngã vào vũng nước và quần áo ông cũng vấy bẩn không khác vị quan khách kia bao nhiêu. Lần này bọn gia nhân không ai còn dám cười nữa. Sau đó chủ nhà đã nắm tay vị khách quý mời vào phòng dự tiệc, và ông này không còn viện lý do gì để từ chối nữa.

Việc làm của chủ nhà trong câu chuyện trên là hành động tế nhị và đầy tình người, khiến chúng ta hiểu được phần nào lý do tại sao Đức Giê-su vốn là Con Thiên Chúa nhưng lại hạ mình xuống làm một phàm nhân. Người đã trở nên giống như chúng ta để ban ơn cứu độ cho chúng ta.

3. SUY NIỆM:

1) ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG

- Vào dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta lại được nghe những bài hát du dương thánh thót có khả năng lay động lòng người, nhất là bài SAI-LÂN NAI, HÔ-LI NAI (Silent Night, Holy Night), lời Việt là “Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng”. Quả thực, đêm Giáng Sinh thật là một Đêm thiêng liêng, vì là giờ phút linh thiêng, đất trời hòa hợp nhờ việc Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Mùa Vọng là thời gian trông mong Đấng Cứu Thế đến. Hôm nay, Thiên Chúa đã đáp lại sự mong mỏi của nhân loại bằng việc sai Con Một xuống thế làm người, đầu thai trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a, trở thành một con người “giống như chúng ta mọi đàng, chỉ trừ không có tội” (Dt 4,15).

- Làm sao hiểu được chuyện đó ? Làm sao Thiên Chúa lại trở thành một phàm nhân yếu đuối nghèo nàn ? Làm sao Đấng vô cùng lại có thể trở thành một con người hữu hạn ? Làm sao Đấng siêu thời gian lại đi vào trong thời gian và chịu sự chi phối của thời gian ? Làm sao Đấng Tạo Hóa hằng sống lại phải trở thành một loài thụ tạo hay chết ? Tóm lại: Tại sao Thiên Chúa lại giáng sinh làm người ? Chúng ta chỉ có thể trả lời rằng: Tất cả là do Tinh Thương.

2) GIÁNG SINH- LỄ CỦA TÌNH THƯƠNG

- Vì yêu thương loài người và vì muốn cứu độ chúng ta, Con Thiên Chúa đã xuống thế để ở cùng chúng ta, để dạy loài người chúng ta nhận biết Đấng tạo dựng nên mình và mở ra cho loài người một con đường sống, để về trời hưởng hạnh phúc với Chúa Cha. Chúa Giê-su đã thể hiện tình thương của Thiên Chúa bằng việc thiết lập một Nước Trời là Hội Thánh, và đã chịu chết trên cây thập giá để đền tội thay cho loài người, rồi sống lại để trả lại sự sống cho loài người. Tóm lại đêm nay kỷ niệm “Con Thiên Chúa giáng trần làm con loài người, để con loài người được nên Con Thiên Chúa”.

- Như thế, lễ Giáng Sinh là lễ của tình thương. Tin mừng trong ngày lễ Giáng Sinh hôm nay công bố sứ điệp: Thiên Chúa yêu thương loài người nên đã sai Con Một xuống thế để công bố cho loài người biết tình thương bao la của Thiên Chúa. Người muốn chúng ta đáp lại tình thương của Ngài bằng việc yêu mến Ngài và yêu thương nhau.

3) DẤU CHỈ ĐỂ NHẬN BIẾT ĐẤNG THIÊN SAI LÀ SỰ NGHÈO KHÓ

- Chúa Giáng Sinh là một Tin mừng cho mọi người thiện tâm trên trần gian. Dấu chỉ để các mục đồng nhận ra Người là “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.

- Các mục đồng sau khi được thiên thần báo tin đã lập tức lên đường tìm kiếm Hài Nhi và cuối cùng đã gặp được Người. Rồi họ lại đi loan Tin mừng cho kẻ khác.

4) THỰC THI BÁC ÁI ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG

Ngày nay Chúa Giê-su vẫn tiếp tục đến với chúng ta qua những dấu chỉ khiêm tốn và nghèo hèn. Người trở thành một tấm bánh với vẻ bề ngoài tầm thường, Người hiện thân trong những kẻ tàn tật què quặt đui mù, Người đến trong những người nghèo khó bị người đời hắt hủi bỏ rơi.

- Trước dấu chỉ nghèo khó này, các chủ quán giàu có ở Bê-lem đã xua đuổi hai ông bà Giu-se Ma-ri-a khỏi nhà trọ của họ đang khi các mục đồng nghèo hèn lại vui mừng đón nhận Tin mừng Giáng Sinh của Người. Còn chúng ta sẽ đối xử thế nào đối với người nghèo là hiện thân của Chúa Giê-su?

- Qua cách ứng xử với tha nhân mà chúng ta nhận biết mình thuộc hạng người nào: Là chủ quán giàu có ở Be-lem khi thiếu lòng từ tâm xua đuổi người nghèo ra đường giữa đêm khuya? Hay là các mục đồng nghèo khó, sẵn sàng đón nhận Tin mừng Chúa Giáng Sinh và giới thiệu Chúa là Tin Mừng Cứu Độ cho họ?

4. LỜI CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cách đây hơn 20 thế kỷ, Chúa đã giáng sinh làm người trong âm thầm lặng lẽ giữa đêm khuya. Chúa đã đến với chúng con để ban ơn cứu độ cho chúng con. Chúa đến để dạy loài người con đường lên trời là đường chật hẹp, gai chông và ít người chịu đi, nhưng lại là đường duy nhất dẫn đến sự sống đời đời. Chúa đến để nối kết mọi người trên trần gian lại với nhau, trở thành anh chị em của nhau vì cùng có một Cha Chung trên trời. Hôm nay mùa Giáng Sinh lại đến: Trần gian rực sáng, cờ xí giăng đầy, người người nô nức mừng Chúa giáng sinh trong những bữa tiệc vui vẻ sang trọng. Xin cho chúng con biết nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khó, những cụ già neo đơn không người chăm sóc, những trẻ em mồ côi bụi đời… để chúng con ân cần thăm hỏi và sẵn sàng khiêm nhường phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó chúng con sẽ nên môn đệ đích thực và chứng nhân của Chúa.- AMEN.

LM ĐAN VINH -  HHTM

 
114.864864865135.135135135250