24/04/2017 -

Lời Chúa – các dịp lễ đặc biệt

2007
Thánh Máccô - Lệnh truyền cuối cùng

Ngày 25 tháng 4 Thánh Máccô Tông Đồ

Mc 16,15-20

Lệnh truyền cuối cùng…

 

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Ðây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” Nói xong, Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Ðồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

SUY NIỆM

Lời Chúa hôm nay thuật lại lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ sau khi Ngài phục sinh từ cõi chết, đó cũng là lệnh truyền cho mỗi người chúng ta. Đây ắt hẳn là một lệnh truyền quan trọng nên đã được cả bốn sách Tin Mừng ghi lại. Thánh Gioan trong chương 20 câu 21 đã viết : “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em[1]. Thánh Mattheu nơi chương 28 cũng đã viết : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…[2]. Thánh Luca không chỉ ghi nhận lệnh truyền như một lời khuyên với từ “hãy” nhưng ngài nói cách mạnh mẽ hơn với từ “phải” : “Anh em phải nhân danh Đức Kitô mà rao giảng cho mọi dân tộc[3]. Thánh Maco trong Tin Mừng hôm nay thì nói : “Anh em hãy đi khắp thế giới, loan báo Tin Mừng cho mọi thọ tạo[4].

Mong ước của Chúa Giêsu phục sinh thật lớn lao. Ngài muốn mọi dân tộc đều phải được đón nhận Tin Mừng cứu độ. Ngài như muốn ôm cả thế giới và làm cho tất cả thọ tạo phải sống chiều kích cứu độ này. Ngài đã đem lửa đến trên mặt đất, và giờ đây Ngài muốn chúng ta tiếp tục làm cho ngọn lửa ấy bùng lên[5].

Các tông đồ đón nhận lệnh truyền ấy và đã lên đường thi hành. Sống cho lệnh truyền ấy, các tông đồ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Tiếp nối các thánh tông đồ là thế hệ các Kitô hữu qua mọi thời, cũng đã sống và đã thi hành lệnh truyền của Chúa một cách anh dũng.

Thánh Công Đồng Vaticano II đã coi lệnh truyền này như là đặc tính của Giáo Hội. Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội số 17 đã dạy : “… Như Chúa Cha đã sai Con mình, Ðấng Cứu Thế cũng sai các Tông Ðồ đi rao giảng, thánh hóa và chăn dắt ; Giáo Hội có nhiệm vụ phải lưu truyền sứ mệnh ấy. Ðó là lý do khiến Giáo Hội tồn tại. Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo do huấn lệnh truyền giáo… Vì thế, môn đệ nào của Chúa Kitô cũng phải có nhiệm vụ truyền giáo này.”

Sắc lệnh Đến với muôn dân của Công Đồng Vaticano II, về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội còn nói thêm : “Giáo Hội có bổn phận truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi của Chúa Kitô … Thực hành lệnh truyền này là cách Giáo Hội hoạt động để chu toàn sứ mạng của mình : nhờ ơn Chúa Thánh Thần và với lòng yêu mến, Giáo Hội tuân phục lệnh truyền của Chúa Giêsu, Giáo Hội hiện diện cách tích cực giữa mọi người hoặc mọi dân, để dẫn họ đến đức tin, đến sự tự do và bình an của Chúa Giêsu, bằng gương lành của đời sống, bằng lời giảng, bằng các bí tích và mọi phương tiện ban ân sủng khác”.[6]

Thật vậy, lệnh truyền của Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn khẩn thiết mời gọi tất cả mỗi người chúng ta hôm nay lên đường. Có thể chúng ta không cần rong ruổi, nhưng chúng ta đều phải có bổn phận trước lời mời gọi của Chúa Phục Sinh. Như lời thánh Công Đồng đã dạy : Mỗi người trong những hoàn cảnh cụ thể và ơn gọi của mình đều phải sống lời mời gọi này của Chúa. Ước mong mỗi tín hữu chúng ta có được con tim nhiệt huyết, để trong mọi cảnh huống của cuộc sống chúng ta dám giới thiệu Thiên Chúa cho thế giới.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến. 
 Xin hoán cải chúng con. 
Xin lay chuyển chúng con.

Ước gì sứ điệp của Chúa 
trở nên máu thịt của chúng con, 
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.

Ước gì sứ điệp đó lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại, 
và đòi buộc chúng con, làm chúng con không yên.

Bởi lẽ chỉ như thế, 
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con bình an sâu xa, 
thứ bình an khác hẳn, đó là Bình An của Chúa.

Bởi lẽ chỉ có thế, niềm vui Phục Sinh và ơn cứu độ của Chúa mới có thể đến với muôn người. Amen.

 

[1] Ga 20,21.

[2] Mt 28,19-20.

[3] Lc 24,47

[4] Mc 16,15

[5] Lc 12,49

[6] Số 4-5

114.864864865135.135135135250