17/01/2022 -

Mục vụ

941
Một chuyến đi - nửa con tim ở lại

Các chị em đang xếp đồ đạc lên hai chiếc xe, vì thấy mình hiện diện ở đó nên có người hỏi “cớ sao em lại bỏ phố lên rừng?” Em chỉ bỏ tạm thời hay chính xác là bỏ “hậu phương” đi thăm chị em nơi “tiền tuyến” tại Buôn Ma Thuột, Pleiku và Kontum.

Xe chuyển bánh chầm chậm khoảng 8g30 sáng, dự định khoảng 3 giờ chiều là đến điểm hẹn thứ nhất, nhưng trục trặc giữa đường: xe nổ lốp, thay lốp, gẫy van, thay van, nhưng xe vẫn không chịu di chuyển bằng những chiếc bánh cũ mà “đình công” đòi thay cả bốn bánh. Chú tài xế dùng hết năng lực và chất sám để tính toán hơn - thiệt cho khổ chủ, nhưng cuối cùng vẫn phải thay bánh xe. Có bốn bánh mới, xe chạy bon bon như thách thức với các bạn đồng nghiệp!
 

Tới Buôn Ma Thuột trời nhá nhem tối, nghỉ chút rồi lại tiếp tục di chuyển đến nơi khác để nghỉ đêm. Thành phố lên đèn đẹp biết mấy, chị - sơ tài xế nhờ anh “Google Map” dẫn đường, anh dẫn qua con sông có nước chảy lững lờ, có ánh đèn thơ mộng, có những đôi trai gái dập dìu chở nhau trên những chiếc Honda chầm chậm lướt qua chiếc cầu cho cảnh đẹp nên thơ. Chị Tổng đã lên vùng Tây Nguyên rất nhiều lần, chị-sơ tài xế cũng không ít, nhưng chưa một lần qua chiếc cầu vừa dài, vừa kiên cố lại lịch lãm, cho người đi ngẩng cao đầu ngạo nghễ và có cảm giác dễ chịu đến lạ thường!

Nhưng “một phút huy hoàng rồi chợt tắt”, còn lại ánh đèn leo lắt suốt đêm khuya! Qua hết cảnh đẹp và thơ mộng đó, anh “Google” dẫn vào con đường đất đỏ, không còn ánh đèn, không một bóng người, tất cả nhường bước cho màn đêm và không khí lạnh. Tiếng cười của ba người trên xe nhỏ lại và lịm tắt, nhường chỗ cho những lời kinh đêm vừa tha thiết vừa đan xen nỗi sợ của con đường đất đầy những ổ gà, ổ voi. Càng đi sâu vào càng thấy nguy hiểm và sợ hãi, vì đường ngày càng nhỏ lại, ổ gà càng lớn dần và màn đêm càng dày đặc. Xe chạy đã khá lâu nhưng mới chỉ được 2 km. Lời kinh thì thầm xin ơn bình an cũng là để quyên đi cái lạnh và sự nguy hiểm của màn đêm khi băng qua những cánh rừng không một bóng người, thỉnh thoảng thấy ánh đèn leo lét, đó là lúc hy vọng bừng lên vì biết nơi ấy có người ở.

Và rồi, ánh sáng đã bừng lên ở cuối con đường! Hết đoạn đường nguy hiểm thì đến đường làng và biết đã gần đến trạm nghỉ đêm. Tới gia đình một người chị em, cả nhà chị tụ họp đông đủ chờ đợi, khi hai chiếc xe đã tới, mọi người đến nơi an toàn và tiếng cười trở lại... rồi được chiêu đãi bằng một bữa cơm thanh đạm lấy lại sức cùng nghị lực cho cuộc hành trình tiếp theo...

Nơi thứ nhất...

Các bé nội trú, mới 3-4 tuổi đã biết hát và vỗ tay “Hoan hô chào mừng!” Bé vừa hát vừa cười nhưng vẫn còn đọng nơi khóe mắt vài giọt lệ, bằng chứng trước đó đã khóc nhè vì bạn xô té, nụ cười hồn nhiên và chiếc mũi còn đang thò lò thấy thương quá chừng! Nghe các em đọc bài, đọc kinh, vui chơi, ăn uống... mà lòng trào lên một niềm vui. Hiện tại, các em không còn phải lang thang vất vưởng, lo toan chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ dung thân dù tuổi đời còn rất nhỏ...vì các em đã có  nhà nội trú của các sơ và có lẽ ai cũng muốn nói: “Ở đây thì tốt lắm, con xin dựng cái ba lều!”

Nơi thứ hai...

Bầu khí hoàn toàn khác, khung cảnh và con người khác: nhà cửa khang trang, sạch sẽ; nếu không thấy hình Mẹ thánh Têrêsa Calcutta trước phòng khám và nếu không thấy giường bệnh xá thì ngỡ đó là “Villa Pleiku.” Bông hoa nở khắp vườn đến tận cửa phòng, len lỏi cả trong khe phòng khách. (hình 2)
 

Khu trạm xá dành cho bệnh nhân phong đẹp như một khách sạn, những mảnh đời éo le, những cơn bệnh đã cướp đi một phần cơ thể, giờ được an ủi bằng những bàn tay chăm sóc ân cần, bằng tấm lòng thương cảm và tấm chân tình của các sơ, các y tá, điều dưỡng. Có bệnh nhân phong trong những ngày ở bệnh xá đã lấy lại được niềm tin, hạnh phúc và như tìm được “nửa kia”, rồi cùng nhau hứa hẹn: khi nào khỏi bệnh, trở về làng thì sẽ có một đám cưới như mơ “em cô dâu mới nghe chưa nặng sầu, chú rể ngẩn ngơ, ra hái hoa cà làm quà cưới cô dâu.Vậy đó những con người đã trải qua bao bất hạnh, giờ thấy dẫu sao đời vẫn đẹp!

Cái nắng buổi trưa của vùng Tây Nguyên lại đưa đoàn lữ hành đến nơi thứ ba; ôi sao các cháu thò lò mũi nhiều thế! Thì ra là các cháu mới đi học về, chưa kịp “sửa soạn sắc đẹp”; mặt lem nhem nhưng lại dễ thương đến thế! Mọi người cười toe toét, khoanh tay lễ phép chào các sơ và chú tài xế. Một số em chuẩn bị học thêm buổi chiều, số khác mở tiệm “sửa xe đạp” (xe đi học về, cái thì mất thắng, cái thì gãy cổ, cái nữa xì lốp...); số khác đang cắt đậu rồng chuẩn bị cho bữa ăn tối thịnh soạn... các bé còn lại thì “tập trận” trên những chiếc xe đạp, để chuẩn bị ra “chiến trường mẫu giáo.” Mới 6-7 tuổi, nhưng đã lão luyện trong nghề, xe không cần gác-ba-ga nhưng vẫn “đèo” thêm một bạn phía sau, cùng với chiếc cặp to tướng trên lưng... sao các bé tài thế nhỉ (đúng là “bác tài”)! Tài xế xe đạp điêu luyện, chạy không cần “phanh”, xuống dốc thì lấy hai chân xè xè xuống đường là tự động xe chậm lại... 
Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác... nhìn khung cảnh nhà, mình không khỏi bỡ ngỡ vì nhà không có cửa mà có cửa cũng chẳng bao giờ đóng và chẳng có vách ngăn mà mình gọi là “cách âm”, bởi các vách ngăn cũng chỉ ngăn một nửa, còn nửa để trống cho mát. Nhà kho thì ở “giữa giời”, ai cho gì cũng bỏ vào đó, xếp ngăn nắp trật tự như cửa hàng thực phẩm, chị phụ trách cộng đoàn nói: “Mọi sự đều là của chung, ai cần gì lấy đó”, nhưng một điều đặc biệt là nhà không cửa, mà có cửa cũng không đóng, nhà kho chẳng ai coi nhưng không bao giờ mất đồ. Các cháu thì ai cho gì nhận đó, thông báo mỗi người 2 cái kẹo, lỡ phát 3 cái, sẽ được “thối” lại 1 cái; hình như chẳng còn cái gọi là “tham, sân, si” ở đây thì phải! Và có lẽ đây là “cộng đoàn các tín hữu tiên khởi!”

Xe lại khởi hành đến một nơi mà chưa bao giờ nghe biết, để làm quen, chị “sơ tài xế” cho nghe bài hát “Ngày về Đăk-Tô” của Y Nguch để học cho thuộc tên gọi và để “trước lạ sau quen” với nơi gọi là “thử nghiệm.” Nơi đây chưa có sinh hoạt gì ngoài việc “làm quen” với môi trường và con người mới. Dù đất mới nhưng hình như con người đã “cũ”, bởi nghe các chị nói: gặp người bản địa mới lần đầu mà như đã quen từ lâu. Cánh đồng lúa chín nhiều mà thợ gặt thì ít và mọi người đang “xin chủ ruộng sai người đi gặt lúa về.”

Dù lưu luyến, nhưng cũng phải rời nơi đó ra đi, vì hành trình còn dài mà thời gian lại ngắn. Hai chiếc xe lại băng qua những cánh đồng, càng đi sâu vào càng thấy “làng tôi nghèo, đất cày lên sỏi đá. Những vườn cà phê, tiêu, bạt ngàn đã vụt mất, nhường lại cho cánh “đồng khô cỏ cháy” và những cây rừng với chiều cao khiêm tốn chừng bằng chiều cao trung bình của một người. Thỉnh thoảng vài anh chị bò băng qua đường chuẩn bị về chuồng vì trời đã về chiều. Mặt trời bắt đầu lặn cũng là lúc cái lạnh ùa về. Dù nhá nhem tối nhưng thỉnh thoảng mình vẫn nhận ra vài ruộng lúa, cây cao chưa đến bắp chân vì nói cho sang là do hụt đạm và chưa đủ canxi, nhưng nói thẳng là đất xấu lại không có phân nên cây không phát triển. Được biết cộng đoàn các chị ở bên cánh đồng lúa, cứ đến cánh đồng là đến nhà. Mình tưởng tượng đến đó chỉ nghe tiếng ếch nhái kêu và vài ánh đèn dầu leo lét hay nhà được thắp sáng bởi những chú đom đóm đi ăn đêm. Đến cánh đồng, trời đã tối lại tối thêm, nhưng “tối lửa mà không tắt đèn.

Vừa đến cánh đồng đã thấy căn nhà được trang hoàng đèn điện lộng lẫy, dây đèn Noel vẫn còn đó, nếu thêm ly cà phê bên ô cửa sổ” thì đúng là quán Cà phê hay quán bar rồi! Lại ngỡ ngàng! Xuống xe mới biết đó là “nhà mình” là cộng đoàn của mình, chú tài xế thấy khung cảnh của quán cà phê, với ánh đèn lấp lánh, liền mang “chai” cà phê pha từ sáng ra ngồi nhâm nhi với điếu thuốc lá, để tự thưởng cho một ngày dài trên đường lái xe gập ghềnh sỏi đá. Những ánh đèn lung linh bên ruộng lúa làm cho cảnh vật càng nên thơ, huyền ảo! 
Chặng cuối cùng...

Ăn tối xong, nghe nói sáng mai các cháu đi học sớm, do vậy mọi người tranh thủ thời gian đến thăm một cộng đoàn khác cách đó 6-7 cây số, có các cháu nội trú từ 4-5 tuổi đến 11-12 tuổi. 
Nhà chỉ có hai phòng nên dành cho hai lớp học, ai “thất nghiệp” thì chơi trước sân nhà. Dù học hay không, thấy có người vô là các cháu đứng lên khoanh tay chào hỏi lễ phép, sau đó lại tiếp tục buổi học và vui chơi. Hai “em sơ” đi sứ vụ ai cũng “lên cân mà không sút ký”, em thấy mình, ôm chầm lấy và nói: “Ôi con mập quá, cứ lên ký vèo vèo, ngại thật!” Sao lại ngại? Em lên đây, tuy công việc vất vả, nơi “khỉ ho cò gáy”, chỉ cơm mắm, cá kho, nhưng có lẽ đầy tình người, đầy tiếng cười... nên “béo” lên nhanh. Hay tâm hồn em thanh thoát, buông bỏ mọi phiền não để sống với người địa phương, học tính chân thành, cởi mở và hình như em cũng quên một phần “cái tôi” để nhắm đến tha nhân. Mình hỏi em: “Học ngoại ngữ đến đâu rồi?” (tiếng Jrai). Em trả lời: “Học trước quên sau, học với các bé, nhưng nghe chưa rõ, không hiểu, hỏi lại, cháu phản ứng: “Sao Yă ngu thế!” (Yă: bà, sơ). Ở cộng đoàn mà bề trên hay chị giáo nói “ngu” thì chắc ghim suốt đời và có thể sách vali “về nước”; thế nhưng ở đây cháu  nói “ngu” thì lại cười trừ... Vậy đó, sống đâu quen đấy, ở với ai sử dụng ngôn ngữ của người đó và nhất là khi đã hiểu nhau thì chẳng còn chấp mà chỉ còn lại sự thấu cảm và vì thế sống đời an yên.

Đi thăm bảy cộng đoàn của Hội dòng và một gia đình của người chị em. Mỗi nơi, mỗi nét, mỗi người mỗi khác, nhưng có một điểm chung: mọi người rất giàu tình nghĩa, có cộng đoàn rất nghèo tiền, nhưng tình cảm và nụ cười, sự dấn thân và lửa nhiệt tình cho sứ vụ thì tràn đầy. Chắc hẳn điều đó đã đủ!

Trở về thành phố mà nhớ bóng dáng người ở lại, vì “kỷ niệm bên em ta đã gối đầu từng đêm” và ngày rời Tây Nguyên, ta đã bỏ quên nửa con tim. Hẹn ngày mãn nhiệm, ta sẽ trở lại tìm nửa con tim đã “bỏ quên.”

Chào tạm biệt và mong ngày trở lại!

 

Nt. Catarina Thùy Dung
114.864864865135.135135135250