26/04/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1835
Ngày 27/4 Thánh Laurensô Nguyễn Văn Hưởng
Ngày 27/4
Thánh Laurensô Nguyễn Văn Hưởng
[1]

Linh mục (1802-1856)

I. Tiểu sử
 
Chúng tôi chỉ xức dầu thánh trên mắt, mũi, miệng và tay chân
để xin Chúa tha các tội mà bệnh nhân đã dùng chúng để phạm tội.
Còn với tổ tiên ông bà, chúng tôi hằng cầu nguyện và làm những việc lành phúc đức.

 
Thánh Laurensô Nguyễn Văn Hưởng sinh năm 1802 tại xứ Kẻ Sải, xã Tụy Hiền, huyện Hoài Yên, Giáo phận Hà Nội. Chú sinh trưởng trong một gia đình nghèo. Cuộc sống khổ cực vì mồ côi song thân. Ngay từ nhỏ, chú phải đi chăn trâu cho ông chú tên Thang rất thương yêu và đùm bọc cháu.

Năm 12 tuổi, cậu đến gặp cha Tuấn và cha Tuấn nhận cậu vào ở nhà xứ. Cha chánh xứ tốt lành đã ân cần nuôi nấng dạy dỗ chú trong ba năm học chữ Nho, và sau đó gửi cậu vào học tại Chủng viện Vĩnh Trị.

Mãn trường, Laurensô Hưởng được kêu gọi gia nhập hàng thầy giảng, đi giúp cha Duyệt tại xứ Bạch Bát, Ninh Bình. Thầy Hưởng sống giản dị, khiêm tốn, làm việc tận tụy bác ái, cảm nghiệm cái nghèo từ chính bản thân mình nên nhiệt tình thương giúp người nghèo.

Đức cha Retord - Liêu gọi thầy Hưởng về hoàn tất các môn thần học và dọn mình lãnh nhận chức linh mục. Tân linh mục Laurensô Nguyễn Văn Hưởng được bài sai đến giúp các giáo hữu ở Giang Sơn, Lạc Thổ, Yên Lộc rồi Bạch Bát. Đến đâu cha cũng nhiệt thành hoạt động, giảng dạy các tín hữu, thăm viếng người neo đơn cùng khổ và các bệnh nhân.

Năm 1855, cha Hưởng bị bắt khi đang trên thuyền đi ban bí tích. Thấy cha Hưởng phảng phất nét đạo hạnh, chân tu, quan tổng đốc hứa: “Nếu ông chịu đạp lên Thánh Giá, ta tha tội chết và cho đến tu tại chùa Non Nước”. Cha Hưởng khoan thai đáp: “Tôi không biết gì về thần, Phật, làm sao ở chùa được?”. Quan tiếp tục yêu cầu cha đọc một vài kinh của đạo Công giáo. Cha Hưởng cất cao giọng đọc Mười Điều Răn Đức Chúa Trời.

Quan vẫn chưa buông tha. Quan thắc mắc về tin đồn loan truyền: “Tại sao các ông khoét mắt người bệnh và không thờ kính tổ tiên?”. Cha Hưởng điềm tĩnh giải thích: “Xin quan đừng nghe những lời đồn đãi sai sự thật. Chúng tôi chỉ xức dầu thánh trên mắt, mũi, miệng và tay chân để xin Chúa tha các tội mà bệnh nhân đã dùng chúng để phạm tội. Còn với tổ tiên ông bà, chúng tôi hằng cầu nguyện và làm những việc lành phúc đức. Chỉ có điều là chúng tôi không cúng quả, vì biết chắc rằng cha mẹ chẳng bao giờ trở về ăn uống thứ gì nữa”.

Sau nhiều lần dụ dỗ, tra khảo, đánh đòn, nhưng không thành công, các quan gửi án về triều đình xin vua cho xử trảm. Rạng sáng ngày 27-4-1856, bản án xử trảm được thi hành tại pháp trường Ninh Bình, dưới triều vua Tự Đức. Đoàn tín hữu đã an táng vị tôi tớ Chúa Kitô tại làng Vĩnh Trị.

Linh mục Laurensô Nguyễn Văn Hưởng được tuyên phong chân phước ngày 02-5-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện
Cầu nguyện cho công cuộc đối thoại liên tôn[2]
 
 
 
 
 

 
 
Ngày nay, thuật ngữ “đối thoại liên tôn” không còn xa lạ với phần đông dân chúng, nhất là với người Công giáo. Công đồng Vaticano II đã lưu ý: “Hãy đi xa hơn thế giới Kitô Giáo, để đến với những tín đồ thuộc các truyền thống tôn giáo khác…”[3] Tại Việt Nam, việc các tôn giáo cùng nhau tìm kiếm chân lý dường như còn gặp nhiều khó khăn. Cầu nguyện cho công cuộc “đối thoại liên tôn” và nỗ lực để cho công cuộc này đạt kết quả là điều cần thiết. Chúng ta cùng chiêm ngắm thánh Laurensô Nguyễn Văn Hưởng tử đạo và cầu nguyện cùng với ngài cho sứ vụ này đạt được nhiều lợi ích.

Laurensô Nguyễn Văn Hưởng, sinh năm 1802 tại Kẻ Sài, Hà Nội. Thuở thiếu thời, cha mẹ cậu mất sớm, cậu Hưởng đã sống với người chú không cùng theo đạo Công giáo như mình. Bầu khí gia đình khác tôn giáo cho chúng ta suy nghĩ đến việc cần có sự “đối thoại.” Tình thương của người chú ngoại đạo dành cho cậu Hưởng càng lớn, thì những khó khăn với cậu cũng theo đó mà dâng lên. Người chú càng lo sắp xếp tương lai cho cậu Hưởng bao nhiêu, thì Thiên Chúa lại muốn thay đổi kế hoạch và chọn cậu Hưởng thực hiện công trình của Ngài bấy nhiêu. Là một cậu bé có đời sống đạo hạnh, nết na và chăm chỉ cậu Hưởng đã được Chúa mời gọi theo đuổi ơn gọi thánh hiến và cho cậu trở thành linh mục của Chúa. Chính vì vậy mà các việc đạo đức, cậu Hưởng thực hiện một cách sốt sắng và thường xuyên hơn bao giờ hết.

Khi làm linh mục, cha Hưởng là người sống hết tình hết mình cho người khác, nhất là những người anh chị em không cùng đức tin Công giáo. Là một Linh mục, cha đã thăm nom chăm sóc từng con chiên trong họ đạo. Là một tù nhân, cha xin lương thực, thuốc men cho những người bạn tù bất kể lương giáo. Là một tử tù, cha hiên ngang và khẳng khái giải thích giáo lý đức tin cách mạch lạc dễ hiểu cho các quan án. Hẳn là cha thấm nhuần đạo lý đức tin và chuyển hóa thành ngôn ngữ đời thường để tiếp xúc với các anh em không cùng tín ngưỡng. Ta nhận ra những chỉ dẫn của Giáo hội đối với việc “Đối thoại liên tôn” rằng: Cần phải“đối thoại bằng cuộc sống, đối thoại bằng chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại bằng cộng tác.”[4] Điều này đã được thánh Lôrenxô Nguyễn Văn Hưởng thực hiện rõ ràng nơi sứ vụ linh mục của ngài. Cha trung thành với đức tin Công giáo và hết sức nỗ lực để đối thoại để làm bừng sáng niềm tin ấy. Tuy nhiên, Chúa nhân lành đã muốn cha Lôrenxô Nguyễn Văn Hưởng lãnh phúc Tử đạo ngày 27/4/1850.

Ngày nay, Giáo hội vẫn không ngừng cỗ võ công tác “đối thoại liên tôn.” Đây là con đường Phúc Âm hóa. Đôi khi chúng ta bất an vì nghĩ rằng: Đối thoại liên tôn là việc quá lớn, nó cần khối kiến thức thần học, cần kế hoạch lâu dài, cần ban lãnh đạo hướng dẫn cụ thể... Ta nhận ra, hôm nay vẫn còn đó những anh chị em không cùng tôn giáo, tín ngưỡng ngay trong môi trường làm việc, có khi ngay trong gia đình vợ chồng và con cái... Việc tìm ra mối liên hệ để sống tốt đạo đẹp đời đôi khi trở nên xa xôi và lý thuyết...

Qua tất cả, Chúa là Đấng an bài và thực hiện chương trình của Ngài như đã thực hiện qua cuộc đời thánh tử đạo Lôrenxô Nguyễn Văn Hưởng. Chúng ta có quyền mơ ước sẽ có một ngày, như lời của các nghị phụ Công đồng nhận định: “Cái thời đau buồn và đen tối của những cuộc chiến tranh tôn giáo đang lui dần về quá khứ. Nhân loại văn minh và tiến bộ không còn chấp nhận việc áp đặt hay cưỡng bức người khác phải chấp nhận một tôn giáo hay một ý thức hệ trái với thâm tín của riêng họ.”[5]

Lạy Chúa, hôm nay chúng con có cơ hội học hiểu về đời sống thánh tử đạo Việt Nam Laurenxô Nguyễn Văn Hưởng. Qua ngài, chúng con nhận ra rằng mình cần nỗ lực để làm rạng danh Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng con chỉ mong theo gót ngài ở một điểm nhỏ là biết xây dựng tinh thần “đối thoại liên tôn” không ngừng. Noi gương thánh nhân, xin cho chúng con biết rũ bỏ sự an toàn cố hữu, biết hài hòa trong giao tế với anh chị em không cùng cảm thức tâm linh. Xin cho chúng con biết gây tinh thần đối thoại - tìm kiếm Chân - Thiện - Mỹ, vì đó là khát vọng Chúa khắc ghi trong mỗi tâm hồn. Amen.
 
 
 

[1] Xem Hạnh tích Các Thánh Tử đạo Việt Nam, Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt Châu, SSS.
[2] Tiểu sử của cha Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng có rất nhiều điều cho chúng ta gẫm suy học hỏi. Bài viết này, trích một điểm nhỏ để cầu cho việc “Đối thoại  liên tôn” trong bối cảnh của Giáo hội hôm nay.
[3] Công Đồng Vaticano II, Chương 2, Đối thoại  liên tôn.
114.864864865135.135135135250