02/06/2022 -

Phụng vụ

301
Cải cách Phụng vụ kỳ 3 - Tại sao Phụng vụ lại tạo nên xung đột?


Đây là bài thứ ba trong loạt bài khám phá quà tặng và triển vọng từ cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II.

(Xem thêm:

Bài thứ nhất: "Tại sao Công đồng Vatican II thấy cần phải cải cách phụng vụ?"
Bài thứ hai: Tin vui về Công đồng Vatican II)

Trong bài trước, tôi đã hứa sẽ khảo sát và phân tích một số cải cách cụ thể trong phụng vụ của Công đồng Vatican II theo ba phạm trù mà tôi đã khai triển. Những cải cách này mang lại tin vui gì? Điều gì có thể thay đổi? Và điều gì có thể chúng ta đã áp dụng nơi các giáo xứ mà không thực sự do Công đồng?

Gần đây Tòa Thánh với sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra một loạt câu trả lời cho các vấn đề liên quan đến việc cử hành Thánh lễ theo Hình thức ngoại thường [1]. Tuy trong Tự sắc Traditiones Custodes (Những người gìn giữ truyền thống) mới đây, ngài dành cho các giám mục địa phương quyền thi hành Tự sắc, nhưng những câu trả lời của ngài làm rõ hơn đôi chút về cách thức thi hành.

Nói ngắn gọn, các giám mục không nên ban năng quyền cho các linh mục mới thụ phong để cử hành Thánh lễ theo Hình thức ngoại thường nếu chưa được Rôma cho phép. Ngoại trừ tại những giáo xứ tòng nhân đang tồn tại (các cộng đoàn được thành lập để cử hành Thánh lễ Latinh), các bí tích có thể không được cử hành theo Hình thức ngoại thường.

“Cuộc chiến phụng vụ”

Cũng giống như Tự sắc Traditiones Custodes, câu trả lời cho những dubia (câu hỏi) này đã làm nảy sinh rất nhiều tranh cãi. Tại sao Rôma (kể cả Đức Giáo hoàng) lại quan tâm nhiều đến việc hạn chế sử dụng Hình thức ngoại thường? Tại sao những người tham dự Thánh lễ Latinh lại được chọn để chú ý đặc biệt? Chẳng lẽ không còn vấn đề gì khác quan trọng hơn trong Giáo hội sao?

Không phải chỉ những người Công giáo mới đặt ra những câu hỏi này. Mùa hè năm 2021 – khi Đức Giáo hoàng ban hành Traditiones Custodes – một phóng viên báo “đời” đã hỏi tôi: “Tại sao Đức Giáo hoàng lại quan tâm nhiều đến Thánh lễ Latinh? Thánh lễ này có thực sự gây phương hại gì không?”

Tôi cũng thường nhận được một câu hỏi giống vậy từ nhiều người Công giáo khác. Tại sao phụng vụ lại gây ra nhiều xung đột như vậy? Có cách nào để vượt qua “cuộc chiến phụng vụ” dường như nổ ra cứ vài tháng một lần không? Hay chúng ta đang mắc kẹt trong một vòng xung đột không hồi kết?

Phụng vụ là căn tính của người Công giáo

Trước khi chúng ta chuyển sang đánh giá những cải cách của chính Công đồng Vatican II, tôi muốn trả lời những câu hỏi này.

Thứ nhất, phụng vụ tạo nên xung đột bởi vì kinh nghiệm trước tiên của chúng ta về đạo Công giáo gắn liền với việc thực hành – nghĩa là phụng vụ là một phần của căn tính người Công giáo. Những gì chúng ta cử hành cho biết chúng ta là ai.

Chúng ta có xu hướng lãng quên điều này. Những người lớn muốn gia nhập Giáo hội thường được trao cho sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Họ học qua toàn bộ phần Kinh Tin Kính. Tuy nhiên chúng ta thường xao lãng việc dạy họ cách bái quỳ. Phải làm gì trong Thánh lễ. Nói chung, đạo Công giáo và tôn giáo, đều liên quan đến thực hành.

Các nghị phụ của Vatican II đều nhận thức được điều này. Những cải cách phụng vụ của Công đồng được cứu xét trước hết vì chúng gắn liền với chính căn tính của Giáo hội. Việc tham dự của giáo dân trong Giáo hội không chỉ mang ý nghĩa hoàn toàn trừu tượng. Một Thánh lễ có thưa đáp – giáo dân tham dự tích cực – nhằm thực thi chính khoa giáo hội học của Công đồng Vatican II. Những người đã lãnh nhận phép rửa có chức tư tế để cùng với linh mục họ dâng hy tế của linh mục.

Bởi vì những thực hành này rất quan trọng, do đó bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ tạo nên xung đột. Những thực hành này là thành phần của căn tính chúng ta. Một người Công giáo dự lễ sau Công đồng Vatican II không có tiếng Latinh, đầy thể loại nhạc dân gian của những năm 1980, sẽ trải nghiệm sự bất nhất giữa nhận thức và hành động khi tham dự một Thánh lễ mà chỉ có các điệp ca [ca nhập lễ, ca hiệp lễ] được xướng lên. Cảm giác tương tự cũng xảy ra đối với một người Công giáo đã tham dự thánh lễ Hình thức ngoại thường, mà giờ phải dự một nghi thức cải cách [sau Công đồng Vatican II].

Chúng ta có thể học được gì?

Luận đề 1: Có xung đột, bởi vì phụng vụ đi vào xương tủy và thuộc một phần căn tính chúng ta.

Tuy nhiên, có thể tránh khỏi phần lớn xung đột hiện nay bằng một chút khiêm nhường về tri thức nơi những tín hữu theo Hình thức ngoại thường cũng như sau Công đồng.

Có lẽ, bạn đã truy cập Twitter hoặc blog. Bạn đã từng xem các bài viết của những nhân vật như Taylor Marshall, Matt Walsh hay Peter Kwasniewski. Họ mô tả phụng vụ cải cách là không có ân sủng, là điều ghê tởm phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc nhiều người rời khỏi Giáo hội Công giáo. Đối với những người theo Hình thức ngoại thường này, các nhà thờ sẽ đầy ắp người tham dự nếu chúng ta bỏ Vatican II.

Những quan điểm này thật thiên kiến. Chúng làm ngơ trước những hoa trái thực sự của nền phụng vụ cải cách, bao gồm những vị thánh đã được đào tạo để cử hành những phụng vụ này.

Mặt khác, cũng có những người công giáo sau thời Công đồng không nhận ra sự phức tạp của phụng vụ sau Vatican II.

Ví dụ, gần đây tôi đã tham dự Thánh lễ ở một vùng ngoại ô phía bắc Chicago. Âm nhạc thật khủng khiếp. Vị linh mục cho cộng đoàn hát chung đầy hào hứng bài Chúc mừng sinh nhật ngay trước Kinh nguyện Thánh Thể (được đọc một cách hời hợt).

Phụng vụ sau Công đồng thật đòi hỏi, và chúng ta phải thừa nhận không phải lúc nào cũng làm tốt. Đôi khi nó được cử hành cách tệ hại. Âm nhạc có thể gây khó chịu. Kinh nguyện Thánh Thể đôi khi được linh mục đọc lên như thể đang đọc từ cuốn danh bạ điện thoại. Rồi không gian phụng vụ thường không giúp nâng tâm trí lên. Chúng ta càng sớm nhận ra những điều này càng tốt.

Nhưng điều này không có nghĩa các nghi thức cải cách mới phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Người Công giáo lâu nay rất tệ trong phụng vụ. Chúng ta vẫn còn theo một cung cách cử hành Lễ đọc (Low Mass[2], mà không lưu tâm kặn kẽ đến phụng vụ mà lẽ ra chúng ta cần phải chú ý.

Và do đó, việc quan tâm đến Hình thức ngoại thường của Thánh lễ phải dẫn chúng ta đến chỗ tự vấn. Tại sao các nghi thức cải cách đã không thu hút được lòng trí của hết thảy mọi người? Tại sao có những người vẫn gắn bó với phụng vụ tiền Công đồng? Khi lắng nghe những người được phụng vụ lôi cuốn, chúng ta có thể khám phá ra điều gì đó bất ngờ.

Tôi khám phá ra điều đó. Là một người Công giáo của Công đồng Vatican II (với bất kỳ ý nghĩa nào), nhưng từ bạn bè tham dự thánh lễ Latinh, tôi biết rằng họ bị lôi cuốn do tinh thần chiêm ngắm và sự linh thánh của cử hành phụng vụ. Họ không chống đối việc cổ võ cộng đoàn. Họ cũng không phải là những người chống Giáo hoàng Phanxicô. Họ yêu thích tầm nhìn đổi mới xã hội của ngài, nhưng họ nghĩ chúng có thể được hoàn tất tốt hơn với các lễ nghi tiền Công đồng.

Vẫn luôn có những con người như vậy. Nhưng chúng ta cứ co cụm trong những nơi an trú của mình đến nỗi không chịu lắng nghe hay học hỏi.

Không phải mọi cuộc cải cách đều hoàn hảo

Luận đề 2: Việc cử hành phụng vụ đòi hỏi một sự khiêm nhường mà chúng ta chưa học được.

Điều đó có nghĩa là gì? Tương lai của Cải cách phụng vụ vì thế sẽ không chỉ thay đổi xung quanh các nghi thức. Vâng, tôi nghĩ đã đến lúc phải thừa nhận rằng có một số chiều kích nhất định của cuộc cải cách phụng vụ đã không phát huy hiệu quả.

Tôi sẽ chỉ ra một trường hợp. Đó là nghi thức rửa tội trẻ nhỏ. Nó xúc phạm đến nhiều giáo dân tham dự bí tích này. Nó dài dòng. Thật lạ lùng khi không còn sử dụng muối trong nghi thức rửa tội trẻ nhỏ, một biểu tượng không thể thiếu của phép rửa từ thời Giáo hội sơ khai. Tại sao? Chẳng lẽ giáo dân không thể hiểu ý nghĩa của nghi thức này? Nếu chúng ta sử dụng một chút trí tưởng tượng thì vẫn có thể nhận ra khía cạnh “bảo quản” của muối.

Vì vậy, chúng ta cần phải biết rằng không phải việc cải cách nào cũng hoàn hảo. Tôi hy vọng rằng việc Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến việc cải cách các nghi thức sẽ dẫn đến việc canh tân chúng. Nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta cần một không gian trong Giáo hội, nơi việc phê bình các nghi thức hiện nay không bị coi là tấn công Công đồng Vatican II.

Một Giáo hội hiệp hành phải biết lắng nghe. Và ngay cả sau Vatican II, chúng ta phải lắng nghe, ở những nơi mà chúng ta có thể làm tốt hơn. Đây không phải là việc công kích Công đồng. Nhưng là một sự tiếp diễn tâm thế của Công đồng, nơi tiếng nói của các tín hữu mới quan trọng.

Nhưng như Đức Thánh cha Phanxicô dạy chúng ta, các tín hữu (những người tham dự lễ Latinh, những người di dân ở thành phố El Paso, bang Texas, và những người dân thường) nên có tiếng nói trong Giáo hội.

Luận đề 3: Không có vấn đề gì khi nói chúng ta có thể làm tốt hơn, hay cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng cũng có những hạn chế. Giáo hội sẽ tồn tại.

 

Timothy P. O’Malley
Nhóm Sao Biển Chuyển ngữ từ Our Sunday Visitor (osvnews.com)

Nguồn: https://stellamaris.edu.vn/

 
[1] Về hình thức ngoại thường, xem lại bài viết số 1: Tại sao Công đồng Vatican II thấy cần phải cải cách phụng vụ?
[2] Lễ đọc: Low Mass hay Read Mass, một trong hai hình thức chính của Thánh lễ bằng tiếng Latinh trước Công đồng Vatican II, hình thức còn lại là Lễ hát (High Mass hay Sung Mass).

114.864864865135.135135135250