30/11/2021 -

Phụng vụ

1036
Lịch sử và tính biểu tượng của Vòng Hoa Mùa Vọng


Ánh sáng của những cây nến trên Vòng Hoa Mùa Vọng (Advent Wreath) phá tan bóng tối, nhắc nhở chúng ta về Ánh sáng của Chúa Kitô mà chúng ta mong đợi trong mùa thánh thiêng này. Truyền thống về việc thắp sáng bốn ngọn nến trong một vòng hoa làm bằng các cây thường xanh* để đánh dấu những tuần trước Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ đâu? Giống như nhiều truyền thống khác trong Giáo Hội, việc sử dụng nến vào nữa cuối mùa thu và mùa đông ban đầu là một truyền thống ngoại giáo. Cha William Saunders, người đã viết một bài báo trên tờ “Arlington Catholic Herald” về chủ đề này, nói rằng “các dân tộc trước người Đức đã sử dụng những vòng hoa với những ngọn nến thắp sáng trong những ngày tháng mười hai tăm tối và lạnh giá như một dấu chỉ hy vọng về những ngày nắng ấm kéo dài của mùa xuân trong tương lai.” Cũng theo cách tương tự, những người Scandinavia (Bắc Âu) “đã thắp sáng những cây nến [để] đặt xung quanh một bánh xe, và dâng những lời cầu nguyện lên thần ánh sáng để hướng ‘bánh xe của trái đất’ về phía mặt trời nhằm kéo dài những khoảng thời gian ban ngày và khôi phục lại sự ấm áp.”
 

Vào thời trung cổ, các dân tộc ở Đức đã bắt đầu du nhập một vòng hoa được thắp sáng vào Mùa Vọng của Kitô giáo. Điều này không được phổ biến rộng rãi cho đến những năm 1800 và phải đến những năm 1900, những dân nhập cư người Đức mới mang truyền thống này đến Châu Mỹ.


Vòng Hoa Mùa Vọng rất mang tính biểu tượng. Bản thân các loại cây thường xanh được sử dụng cho vòng hoa là một lời nhắc nhở về sự sống không ngừng tiếp diễn. Việc tạo hình chúng thành một vòng tròn càng củng cố thêm cho ý nghĩa này. Vòng tròn cũng là một dấu chỉ về sự sống vĩnh cửu và về sự vĩnh hằng của Thiên Chúa.
 

Bốn cây nến được sử dụng, ba cây màu tím và một cây màu hồng, đánh dấu các Chúa nhật của Mùa Vọng trước lễ Giáng sinh. Những cây nến màu tím là lời nhắc nhở rằng đây phải là một khoảng thời gian của cầu nguyện và hy sinh để chuẩn bị chúng ta cho cuộc tái lâm của Chúa Kitô. Vào Chúa nhật thứ ba, cây nến hồng được thắp sáng để công bố Chúa nhật Vui mừng (Gaudete), một Chúa nhật của niềm hân hoan vì Chúa Kitô đang gần đến. Với việc thắp sáng ngọn nến này, ánh sáng đã khuất phục được bóng tối (ba cây nến được thắp sáng so với một cây nến còn lại chưa được thắp sáng).


Nhiều ý nghĩa khác nhau đã được gán cho bốn cây nến này. Có một cách giải thích cho rằng mỗi cây nến tượng trưng cho 4000 năm, thời gian Kinh Thánh giữa Ađam và Êva và sự xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô. Theo một cách giải thích khác, cây nến đầu tiên tượng trưng cho các tổ phụ, cây nến thứ hai là các ngôn sứ, cây nến thứ ba nhắc nhở chúng ta về Gioan Tẩy Giả, và cây nến thứ tư tượng trưng cho Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu. Những cây nến này cũng được diễn tả như là cây nến của các ngôn sứ, cây nến Bêlem, cây nến của những mục đồng và cây nến của các thiên thần.
 

Một cây nến trắng thứ năm ở trung tâm tượng trưng cho Chúa Kitô cũng có thể được sử dụng. Cây nến này được thắp sáng vào đêm Vọng Giáng Sinh như một sự hồi tưởng về Chúa Kitô đến trong thế giới. Đôi khi, tất cả những cây nến khác của vòng hoa sẽ bị loại bỏ và được thay thế bằng những cây nến trắng vào Lễ Giáng Sinh.


Vòng Hoa Mùa Vọng đóng vai trò như một lời nhắc nhở trực quan mạnh mẽ về sự thánh thiện của Mùa Vọng. Ánh sáng của những cây nến mời gọi chúng ta lắng đọng chính mình trong khoảng thời gian bận rộn này và suy ngẫm về ý nghĩa thực sự của Lễ Giáng Sinh. Cho dù là ở nhà hay ở Nhà thờ đi chăng nữa, thì Vòng Hoa Mùa Vọng cũng luôn mang đến một lời mời gọi để đón chờ và cầu nguyện với tâm tình mong đợi trong hy vọng về cuộc tái lâm của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta được mời gọi để đón nhận ánh sáng của Chúa Kitô vào trong cuộc đời chúng ta.

---------
(*Cây thường xanh (evergreen) là thuật ngữ khoa học dùng để chỉ các loại cây có lá xanh tồn tại liên tục quanh năm, không rụng lá theo mùa. Các loại cây này có sự phân biệt với các loại cây rụng lá theo mùa hay các loại cây thân thảo.

 

Tác giả: Patrice Fagnant-MacArthur - Nguồn: catholicexchange.com (29/11/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

114.864864865135.135135135250