06/12/2021 -

Phụng vụ

450
Tại sao kinh Lạy Cha lại bao gồm một lời cầu nguyện cho cuộc tái lâm sau cùng của Chúa Giêsu?


Mỗi khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin cho “Nước Cha trị đến”, chính là trông đợi cuộc tái lâm sau cùng của Chúa Giêsu vào lúc cuối cùng của thời gian.


Nhiều Kitô hữu đọc kinh Lạy Cha hàng ngày, nhưng thường thì chúng ta lại không chú tâm vào tất cả những lời cầu xin khác nhau vốn được chứa đựng trong lời kinh hoàn hảo này.


Đặc biệt, có một lời cầu xin sẽ làm cho chúng ta phải sửng sốt, vì lời cầu xin này trông đợi cuộc tái lâm sau cùng của Chúa Giêsu vào ngày cùng tận của thế giới này.


Nước Cha trị đến


Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo giải nghĩa cụm từ “Nước Cha trị đến” và giải thích bối cảnh của cụm từ đơn giản này trong Kinh Lạy Cha.


Trong Tân Ước, cùng một từ Basileia có thể dịch là “vương quyền” (danh từ trừu tượng), “nước” (danh từ cụ thể) hay “vương triều” (danh từ chỉ việc cai trị). Nước Thiên Chúa đang ở trước chúng ta. Nước đó đã gần đến trong Ngôi Lời nhập thể, đã được loan báo trong toàn bộ Tin Mừng, và đã đến trong sự chết và sống lại của Đức Kitô. Nước Thiên Chúa đến từ bữa Tiệc Ly và trong bí tích Thánh Thể, Nước đó đang ở giữa chúng ta. Nước đó sẽ đến trong vinh quang, khi Đức Kitô trao nó lại cho Cha Người. (GLHTCG, số 2816)


Đặc biệt, lời cầu này gợi lại một cụm từ khác trong Tân Ước.


Lời cầu xin này là lời “Marana tha”, là tiếng kêu cầu của Thần Khí và Hiền Thê: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.”(GLHTCG, số 2817)


Có vẻ thật kỳ lạ khi không ngừng cầu nguyện cho cuộc tái lâm sau cùng của Chúa Giêsu, nhưng đối với người Kitô hữu, lời cầu nguyện này sẽ thúc đẩy chúng ta làm việc lành trên trần gian trong khi vẫn còn thời gian.


Trong Kinh Lạy Cha, vấn đề chủ yếu là việc Nước Thiên Chúa đến cách chung cuộc lúc Đức Kitô trở lại. Nhưng ước muốn này không làm cho Hội Thánh xao lãng sứ mạng của mình ở trần gian, trái lại càng thúc giục Hội Thánh dấn thân hơn nữa. Vì từ ngày lễ Ngũ Tuần, cuộc Ngự đến của Nước Thiên Chúa là công trình của Thần Khí Chúa, Đấng kiện toàn công trình của Đức Kitô nơi trần gian và hoàn tất công việc thánh hóa.(GLHTCG, số 2818)


Vì biết rằng Chúa Giêsu sẽ tái lâm, nên người Kitô hữu muốn lan truyền Triều đại Nước Thiên Chúa vào nền văn hóa hiện đại, nhằm dọn đường cho Chúa tái lâm.


Trong sự phân định theo Thần Khí, các Kitô hữu phải biết phân biệt giữa sự thăng tiến của Nước Thiên Chúa với sự tiến bộ của văn hóa và xã hội họ đang sống. Sự phân biệt này không phải là tách biệt. Ơn gọi của con người vào sự sống muôn đời không bãi bỏ nhưng củng cố nhiệm vụ của họ là phải sử dụng các năng lực và phương tiện do Đấng Tạo Hóa ban, để phục vụ công lý và hòa bình trên trần gian. (GLHTCG, số 2820)


Với tư cách là những Kitô hữu, mỗi lần đọc kinh Lạy Cha, chúng ta trông đợi tương lai và sử dụng thời gian của mình một cách khôn ngoan để chuẩn bị cho ngày đó, một ngày mà chúng ta không muốn đón lấy cho chính mình với sự bất ngờ.
 

Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: aleteia.org (05/12/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

114.864864865135.135135135250