04/11/2019 -

Tản văn

1217
Mong Manh Phận Người

MONG MANH PHẬN NGƯỜI

Trong nhịp sống đang quay cuồng hối hả của những tháng cuối năm, và trên con đường đang tấp nập dòng người ngược xuôi đó. Bỗng từ xa vọng về những giai điệu quen thuộc của bài thánh ca “Hỡi Người hãy Nhớ” của Linh Mục nhạc sĩ Kim Long: “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro…” chợt khiến lòng người lặng lẽ, trầm tư giữa những cơn gió se lạnh của đất trời tháng 11. Tác giả viết nên bài hát như một lời nhắn nhủ cho những người đang bước trên hành trình nhân sinh, cuộc sống này chỉ là tạm bợ và tất cả chỉ là hư vô chóng qua, cho dù mải mê rong ruổi với dòng đời xuôi ngược, bôn ba với cuộc sống mưu sinh thường ngày, nhưng “ba tấc đất mới thật là nhà

Sống ở đời, có thể chúng ta không biết nhiều thứ, nhưng chắc chắn có một cái biết thật, biết đúng và biết rõ nhất, đó là biết mình sẽ phải chết. Là con người, dù là người có niềm tin tôn giáo, người không có niềm tin tôn giáo, hoặc người vô thần, có lẽ ai cũng từng hơn một lần khắc khoải về thân phận mình, để rồi thốt lên rằng: 

Đời người dài ngắn, sang hèn 
Trăm năm gom đủ một lần đưa tang”

Còn Thánh Catharine lại so sánh: “Đời sống là cây cầu, hãy đi qua chứ đừng dừng lại trên đó”. Với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông cho rằng :“Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi. Lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày” (Cát Bụi). Có người khác lạc quan hơn khi dí dỏm soạn ra một phép tính cho cuộc đời: “50 tuổi tính năm, 60 tính tháng, 70 tính ngày, 80 tính giờ và 90 Chúa tính”, nghĩa là mỗi ngày cúng ta sống là để tiến gần cái chết hơn hay cái chết mỗi ngày tiến gần chúng ta hơn, và cái chết là thứ duy nhất không ai gánh đỡ và làm thay cho chúng ta được. Chuyến đi xa của một đời người sau mấy mươi năm hiện hữu trên thế gian, đó là sự trở về với cát bụi nơi mình đã được sinh ra. (St 3,19).

Nói về kiếp mau qua của con người, tác giả của bài thơ Vô Mệnh đã cảm nhận rất rõ chân lý này khi cho rằng:

 
Hoa đẹp hoa thơm hoa vẫn tàn
Tình nặng tình sâu tình vẫn tan
Rượu đắng rượu say rượu vẫn cạn
Người hứa người thề người vẫn quên.( Vô mệnh)

Sách Giảng Viên cũng nói:"Có thời sinh ra, có thời để chết đi" (Gv 3,2). Mọi loài thụ tạo đều có giới hạn của nó. Con người cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tiền bạc, vật chất, công danh chóng tàn phai. Sắc đẹp, sức khỏe cũng hao mòn, rệu rã theo thời gian. Tình yêu dẫu khắc cốt ghi tâm rồi cũng có lúc nguội lạnh. Cuộc sống dẫu tươi đẹp cũng sẽ thoảng qua những phút trống vắng, dẫu phiêu diêu tự tại cũng sẽ có lúc thất vọng vấn vương. Có ai đó còn ví von: cuộc sống con người giống như một cuốn sách, có những cuốn sách dày, có cuốn mỏng nhưng tất cả đều phải có dấu chấm hết. Cũng trong dòng suy tưởng ấy, một số triết gia cũng khẳng định rằng: “cuộc sống con người giống như một chuyến tàu. Tất cả chúng ta xuất phát từ những sân ga khác nhau, chúng ta lên tàu rồi phải xuống ga. Có người xuống trước có người xuống sau nhưng ai rồi cũng phải xuống ga”. Triết lý nhà Phật thì lại cho rằng: “cuộc đời sắc sắc không không”. Nghĩa là có đó rồi lại không đó, cuộc đời như ảo ảnh là vậy. Và sự khôn ngoan của tác giả Thánh Vịnh một lần nữa soi sáng cho chúng ta:

Nào phàm nhân sống mãi được sao
mà chẳng phải đến ngày tận số?

Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết.
Kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong.”
(Tv 49,10)

Thế nên, sống trong kiếp nhân sinh này, mỗi người vừa chọn lựa cho mình một hướng đi, vừa là khôn ngoan chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết cho cuộc hành trình tiến về quê hương địch thực. Vì thế, mỗi khi tháng 11 đến, Giáo Hội lại nhắc nhở mỗi người nhớ đến những người đã “đi trước”, và cũng nhắc nhở mỗi người: “mai cũng sẽ đến lượt mình”, để rồi trong khi cầu nguyện cho các linh hồn,  mỗi người cùng nhau suy ngẫm về thân phận yếu đuối tội lỗi của kiếp tro bụi nơi mình, và có những chọn lựa, những hướng sống thích hợp cho ngày sau hết của cuộc đời. Mục sư và cũng là nhà thuyết giáo Martin Luther King nói rằng: “Chúng ta không thể thay đổi được hướng gió, nhưng có thể thay đổi được cột buồm”. Cũng vậy, chúng ta không thể thay đổi được quy luật nghiệt ngã của kiếp bụi tro phải trở về tro bụi, nhưng chúng ta có thể thay đổi được lối sống để khỏi chết đời đời. Thế nên triết gia Hegel đã định hướng cho cuộc đời của mình với xác tín rằng: “sống là chuẩn bị cho cái chết”.  

Khi vở kịch cuộc đời kéo màn khép lại cũng là lúc các vai diễn về ơn gọi và sứ mạng của mỗi người xem như đã hoàn thành.  Hận thù, ghen ghét rồi cũng hết, của cải, danh vọng, lạc thú cũng chẳng còn. Có ai sống mãi đâu để mà ghen ghét, để mà hưởng thụ những cái mình đã làm ra. Do vậy, những gì còn lại sau một cuộc sống bon chen là danh dự tiếng thơm và những điều tốt lành người ấy đã làm khi còn sống trên đời. Những việc lành đó có khi chỉ đơn giản là xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36). Nhưng chính chúa Giêsu đã khẳng định:mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Cuộc sống là một chuỗi những suy ngẫm và quyết định, đắn đo được và mất, nắm giữ và buông bỏ. Vì thế nhạc sị Phạm Minh Tuấn đã nhắc ta rằng:

 
“Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội.
Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao.
Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng.
 Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông” ( Khát vọng – Phạm Minh Tuấn).

Để trong khoảng thời gian vắn vỏi trên dương thế này, ta không phải boăn khoăn và vội vã khi trả lời những câu hỏi:
“Nếu chỉ còn một ngày để sống.
 Làm sao ta trả ơn cuộc đời?
Làm sao ta đền đáp bao người?
 Làm sao ta chuộc hết lỗi lầm?
 Làm sao ta thanh thản tâm hồn?
Xuôi đôi tay đi giữa hừng đông...”( Nếu Chỉ Còn Một Ngày Để Sống- Hoài An)

Tháng 11 đến rồi cũng sẽ lại qua đi. Bóng tối sẽ không còn khi ánh mặt trời tỏ rạng. Buồn vui gì thì cũng hết một ngày. Ý thức được sự mau qua của thời gian, chóng tàn của kiếp sống con người, sẽ giúp chúng ta có cơ hội tăng thêm lòng tin, sự phó thác và lẽ cậy trông, đồng thời nhắc nhở chúng ta bước chậm lại một chút, cho mình thêm chút hy vọng và dũng cảm đối mặt với một sự khởi đầu hoàn toàn mới.

Maria Nguyễn Thắm

 
114.864864865135.135135135250