03/06/2020 -

Các Thánh

1183
Ngày 03/6 Thánh  Phaolô Vũ Văn Ðổng (Dương)
 


Ngày 05/8/1861 vua Tự Đức ban hành một chiếu chỉ cấm đạo gồm năm điều, một trong năm điều mà bất cứ ai nghe thấy cũng đều ghê sợ rùng mình đó là: khi đã bắt được một người theo đạo Kitô, vua Tự Đức cho lính dùng một thanh sắt nung đỏ, khắc lên má người đó một bên là hai chữ “tà đạo,” và bên kia là tên làng, xã, huyện. Đây là một cách hành khổ chưa từng thấy trong lịch sử các cuộc bách hại đạo Công giáo.

Khi chiếu chỉ cấm đạo của Vua Tự Đức được ban hành, các quan lại đi tới từng làng có người Công giáo, bắt các Kitô hữu phải tuân lệnh vua mà bỏ đạo. Các quan truyền đặt tượng Thánh Giá xuống đất và ép buộc mọi Kitô hữu phải đạp lên. Ông Phaolô Vũ Văn Đổng (còn có tên gọi là Dương) sinh năm 1802, tại Vực Đường, tỉnh Hưng Yên, là một giáo dân nhiệt thành, đạo đức thuộc giáo xứ Cao Xá, giáo phận Thái Bình ngày nay. Ông cương quyết không chịu chà đạp Thánh Giá nên ông đã bị bắt. Các quan hứa sẽ cho ông nhiều tiền nếu ông chịu bỏ đạo và chà đạp Thánh Giá. Nhưng ông nhất mực từ chối và khẳng định với các quan lại về lòng trung thành của ông với Đức Kitô.

Ông Phaolô Đổng, không chỉ có đức tin mạnh mẽ vào Chúa, mà ông còn có lòng bác ái sâu thẳm với con người. Chuyện kể rằng, trong tù, có lần lính canh thấy ông bị bỏ đói kiệt sức, nên đã động lòng thương cho ông chút cơm và chén nước, nhưng ông lại nhường cho người bạn tù đồng cảnh ngộ.

Trong cuộc hành khổ những người theo đạo Kitô, quân lính dùng sức mạnh khắc trên má ông hai chữ “tà đạo,” ông can đảm rạch xóa và nhờ một người bạn tù khắc lên hai chữ “chính đạo.” Ông đã được phúc tử đạo ngày 03/6/1862 vì ông đã cương quyết chống lại chiếu chỉ bắt đạo của vua, để tuyên xưng niềm tin vào Chúa và thể hiện tình yêu thương với mọi người.

Các thánh nam nữ là những người đi theo “chính đạo của Đức Kitô.” Nếu ngày xưa, được phúc tử đạo là do chịu những hình khổ trên thân xác, chịu ngục tù, đày đọa vì danh Chúa; thì ngày nay, phúc tử đạo có lẽ ít được thể hiện qua những hành khổ thân xác, nhưng phúc tử đạo được thể hiện qua những chiều kích sâu thẳm và tinh tế hơn. Sống lương thiện, trong sạch vì danh Chúa giữa một thế giới tục hóa ô nhơ đó là tử đạo. Sống minh bạch, ngay chính trong một xã hội lươn lẹo, tham nhũng đó là tử đạo.

Ngày xưa, ngày trao vòng hoa tử đạo là ngày bị giết chết. Ngày nay, vòng hoa tử đạo được trao từng ngày từng giờ cho những ai trọn niềm sống vì Chúa, cho những ai dám chết đi cho các điều xấu xa, và cho hết những ai dám thể hiện gương mặt Chúa Giêsu trong cuộc sống đời thường.

Ngày xưa Thánh Phaolô Đổng chịu đau bội phần để làm cho hai chữ “tà đạo” trên gương mặt được thay bằng hai chữ “chính đạo.” Ngày nay, ước gì mỗi người Kitô hữu cũng chịu những thiệt thòi trước mắt, để nêu cao sự thật và công lý, để khắc vào tim mình cũng như tim mọi người hai chữ “chính đạo.” Ước gì mỗi chúng ta cũng sống đời sống “chính đạo,” bằng lòng chịu những thua cuộc trong những trận chiến “phi nghĩa của truyền thông” để nêu cao chân lý. Ước gì chúng ta cũng mạnh mẽ chống lại những “vô đạo đức trong khoa học” như phá thai, hoặc làm cho chết êm dịu, nêu cao quyền năng trên sự sống của con người là của Chúa.  Ước gì chúng ta cũng cúi xuống, vực dậy những “xuống cấp trong giáo dục,” chỉnh đốn những “sai lạc và tha hóa trong tình đồng loại.” Ước gì mỗi người chúng ta cũng đi vào con đường “chính đạo,” thành nhân chứng về Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống.

Các thánh nam nữ mà Giáo hội mừng kính cũng là những người sống theo “chính đạo” từng ngày.

Lạy Chúa, thánh tử đạo Phaolô Vũ Văn Đổng đã dũng cảm làm chứng cho Chúa. Xin Chúa cũng cho chúng con ơn sức mạnh, để chúng con sống làm chứng cho Chúa trong đời sống thường ngày. Thánh tử đạo Phaolô Vũ Văn Đổng đã hy sinh mạng sống để tuyên xưng đức tin vào Chúa. Xin ban cho chúng con một đức tin bền vững. Các thánh nam nữ đã vác thập giá theo chân Chúa, xin cho chúng con biết can đảm chấp nhận mọi đau thương của cuộc đời. Các thánh nam nữ đã sống và đã cùng chết với Chúa, xin cho chúng con thoát khỏi mọi cạm bẫy của thế gian này. Amen.

 
114.864864865135.135135135250