28/01/2024 -

PHÚT CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY

1734
Ngày 28/01 - Thánh Tôma Aquinô
 


Ai trong chúng ta cũng nhận thấy rằng, ngày nay tri thức khoa học đang lên ngôi. Vì thế, việc con người xác định mục đích tối hậu trong việc sở hữu kiến thức là điều cần phải suy xét. “Bất cứ dự án giáo dục hay con đường phát triển nào cho người trẻ tất nhiên phải bao gồm việc huấn luyện về giáo lý và luân lý Kitô giáo. Thật quan trọng để ghi nhận rằng nó có hai mục tiêu: Một là sự khai triển lời rao giảng tiên khởi (kerygma), tức kinh nghiệm nền tảng về việc gặp gỡ Thiên Chúa qua cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Hai là sự phát triển trong tình huynh đệ, trong đời sống cộng đoàn và trong phục vụ.”[1] Những tư tưởng trên của Đức Thánh cha đã được họa lại rõ nét qua con người và cuộc đời của thánh Tôma Aquinô, người được mệnh danh là Tiến sĩ Thiên thần. Cùng chiêm ngắm và cầu nguyện với ngài để chúng ta biết tìm đúng nơi mà kín múc nguồn lực của sức mạnh tri thức.

Thánh Tôma Aquinô sinh năm 1226 trong một gia đình công tước có chín người con, ở miền nam nước Ý. Lâu đài của gia đình Tôma tọa lạc ở Rôca Sêca, phía bắc núi Casinô nơi các đan sĩ Biển Đức lưu ngụ. Từ thuở bé, cậu đã tha thiết đi tìm Chúa nên cậu đến Đan viện để được giáo dục. Song thân Tôma hy vọng rằng một ngày kia Tôma sẽ trở thành Viện phụ dòng Biển Đức. Vì thế, khi lên sáu tuổi, Tôma Aquinô đã được gởi đến đan viện để học.

Lên mười tám (1244), Tôma được đưa đến Napôli để hoàn tất việc học. Ở đó, ngài đã gặp một nhóm tu sĩ dòng Đa Minh; lúc đó thánh Đa Minh, đấng sáng lập dòng, hiện vẫn còn sống. Tôma biết rõ mình muốn trở thành một linh mục, sống đặc sủng của thánh Đa Minh: hăng say phục vụ Lời Chúa. Ngài cảm thấy mình được kêu gọi gia nhập vào nhóm các tu sĩ Đa Minh này.

Tôma Aquinô có được những khởi đầu tốt về khoa học tự nhiên và luận lý. Hơn nữa, ngài cũng có rất nhiều tác phẩm lớn về thần học như: Dây xích mạ vàng, Tổng luận chống lại kẻ ngoại, Phụng vụ về Thánh Thể, Dẫn giải các tác phẩm của Aristote, đức tin vào Chúa Ba Ngôi và đặc biệt là tác phẩm vĩ đại Tổng luận thần học.

Những năm trong độ tuổi tứ tuần (1269 – 1272), ngài ở Paris để bảo vệ tính hợp pháp của Dòng mới được Hội thánh chấp nhận, cũng như tính chính thống riêng của đường hướng triết học và thần học khi được Đức Giáo hoàng Giêgôriô X mời trong tư cách cố vấn tham dự Công đồng đại kết thứ II tại Lyon (1274). Tuy nhiên, trên đường tới cuộc họp, Tôma Aquinô đã ngã bệnh, ngài phải nghỉ lại nơi tu viện ở Fossanôva và đã qua đời tại đây vào ngày mùng 07/3/1274, lúc 48 tuổi. Đức Giáo hoàng Gioan XXII phong thánh cho ngài năm 1323 và Đức Giáo hoàng Giêgôriô phong ngài lên hàng tiến sĩ Hội thánh năm 1567.

Thánh Tôma Aquinô được gọi là “người khôn ngoan trên tất cả các thánh và người thánh nhất trên các kẻ khôn ngoan.” Thiên Chúa đã tạo nên ngài “thành một mẫu gương kỳ diệu trong việc tìm kiếm một đời sống thánh thiện và tình yêu đối với khoa học thánh.” Ngài là một mẫu gương tuyệt vời cho người đang tìm kiếm tri thức và cho mỗi chúng ta.
[2]

Quả thật, hãy tìm cơ hội để làm mới lại và đào sâu tri thức và kinh nghiệm cá nhân về tình yêu của Thiên Chúa bằng nhiều những cách khác nhau: bằng chứng từ, bằng những bài hát, những khoảnh khắc tôn thờ, bằng việc suy niệm Lời Chúa, và ngay cả bằng việc sử dụng mạng xã hội một cách trí tuệ.[3] Và, như thánh Tôma đã học dưới chân Thánh giá, người trẻ cần biết đào sâu tri thức, và hiểu rõ cội nguồn tri thức là chính Chúa, biết đặt việc cầu nguyện và chiêm niệm làm trung tâm, biết theo gương Chúa Giêsu là mục tiêu đời sống của mình. Quả thật, Đấng chịu đóng đinh vào Thập giá là quyển sách mà thánh nhân rút tỉa mọi nguồn khoa học của mình, ngài nói: “Người ta chỉ truyền đạt cho kẻ khác điều mà họ đã suy niệm.” Ngài cũng động viên các sinh viên của mình rằng: “Không một mẫu gương nhân đức nào mà lại không có nơi thập giá. Nếu anh muốn tìm một mẫu gương bác ái… một gương kiên nhẫn… một gương khiêm nhường, hãy nhìn lên thập giá….”[4]

Lạy Chúa, nhân loại hôm nay, cách riêng là các người trẻ luôn mải mê tìm kiếm khoa học và tri thức trần gian. Xin cho mỗi người chúng con biết luôn tìm Chúa ngang qua những tiến bộ khoa học. Và, như thánh Tôma Aquinô, xin giúp chúng con yêu mến mầu nhiệm thánh giá để kín múc nguồn sức mạnh tri thức là tình yêu Chúa. Amen

 
 
[1] ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 213.
[3] x. ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 214.
[4] Bài đọc 2, Bài đọc Kinh Sách ngày 28/01 Lễ thánh Tôma Aquinô.
114.864864865135.135135135250