03/06/2017 -

Cầu nguyện

433
Các mối phúc (tiếp theo và hết)

Những Mối Phúc

Mời bấm vào đây để nghe (phần 1)


Hai ngọn núi liên quan như những hành động thứ nhất và thứ nhì trong hai kịch bản: Núi Phúc Thật và Núi Canvê. Người lên núi thứ nhất để rao giảng những Mối Phúc thật cũng cần lên núi thư hai để thực hành điều Ngài đã rao giảng. Người thiếu suy nghĩ thường nói Bài Giảng Trên Núi làm nên “yếu tố chính của Kitô giáo.” Nhưng hãy để bất cứ ai đem thực hành những mối Phúc Thật này trong cuộc sống và họ cũng sẽ chuốc lấy lời nguyền rủa của thế gian cho chính bản thân họ. Bài Giảng Trên Núi không thể bị phân cách ra khỏi việc Đóng Đinh Khổ Hình Thập Gía của Ngài, chẳng khác gì ngày không thể phân cách ra với đêm, khác biệt nhưng lại liên hệ mật thiết. Ngày Chúa giảng dạy về những Mối Phúc Thật, Ngài đã ký bản án tử hình. Tiếng búa đập và đinh đâm vào thân xác đã dội vang xuống từ sườn núi nơi Ngài nói với loài người phương cách được hạnh phúc hay là được chúc phúc. Ai cũng muốn hạnh phúc; nhưng những phương cách của Ngài rất trái ngược với những phương cách của thế gian.

Một cách để tạo kẻ thù và làm cho người ta khó chịu là thách thức các tinh thần của thế gian. Thế gian có tinh thần của thế gian, giống như thời đại nào thì có tính của thời đại ấy. Có một sự chấp nhận đồng thuận nào đó về cách điều hành của lối sống thế tục. Bất cứ ai đi ngược lại những phương châm của thế gian đều bị thế gian tảy chay không được ưa thích, ví dụ như chủ trương: “bạn chỉ có một cuộc sống,” hay “hãy hết sức thu vét thật nhiều ở đời khi bạn còn có sức thu vét,” “Đâu ai biết được?” “Tính dục là gì nếu không phải để thỏa mãn sung sướng?”

 Trong các Mối Phúc, Chúa trưng ra tám từ ngữ nhẹ nhàng hấp dẫn ở thế gian – “Bảo Toàn” Oán thù” “Vui Cười” “Danh Tiếng” “Trả Đũa” “Tình Dục” “Vũ Lực” “Thoải mái” và Ngài đảo ngược tất cả . Với những ai nói, “Bạn không thể hạnh phúc trừ khi bạn giầu có.” Chúa nói, “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó.” Với những ai nói, “Đừng để cho nó chối cãi chạy tội.” Chúa nói, “Phúc cho những người nhẫn nại thứ tha.” Với những ai “Vui cười và được thế gian đồng lõa cổ võ hoan hô” thì Chúa nói, “Phúc cho những ai than khóc.” Với những ai nói “tình dục là bản năng tự nhiên nơi bạn thì bạn cần để cho nó được tự nhiên bày tỏ, bằng không bạn sẽ làm cho nó nên bức tức khó chịu” Chúa lại nói “Phúc cho những ai có lòng trong sạch.” Với những ai nói “Hãy tìm được nổi danh và sự ca tụng ở đời” thì Chúa lại nói “Phúc cho anh em khi người ta khinh ghét, bắt bớ và vu oan nguyền rủa anh em vì danh Thầy.” Với những ai nói, “Khi an bình là lúc cần chuẩn bị cho chiến tranh” Chúa lại nói, “Phúc cho những ai sống thuận hòa và xây dựng hòa bình.”

 Chúa nguyền rủa những truyện phim sáo nhảm nhí rẻ tiền của điện ảnh hay tiểu thuyết được viết ra hay sáng tác. Ngài đề nghị thiêu đốt đi những thứ họ tôn thờ; điều khiển chế ngự những đòi hỏi tự nhiên của tính dục thay vì để chúng nên như các nô lệ thỏa mãn con người; chế ngự những tham vọng kinh tế thay vì tạo hạnh phúc trong thừa thãi của cải vật chất bề ngoài. Chúa nguyền rủa tất cả những mối phúc giả tạo đặt hạnh phúc tùy thuộc ở việc tự phô trương, hưởng thụ, vui thú, “ăn nhậu và vui chơi kẻo ngày mai chết đi thì uổng,” bởi vì chúng mang lại cái não trạng hỗn loạn, chán chường, hão huyền, sợ hãi và bồn chồn lắng lo.

 Những người muốn chạy trốn ảnh hưởng của những Mối Phúc thật nói là Chúa Cứu Thế là người của bối cảnh với thời đại của Ngài khi xưa, chứ không phải là  bối cảnh của thời đại chúng ta bây giờ, và do đó, Lời của Ngài không áp dụng cho chúng ta. Ngài không phải là nhân vật chỉ của thời đại xưa cũng chẳng của riêng bất cứ một thời đại nào; nhưng chỉ chúng ta mới lệ thuộc vào từng thời đại. Mohammed thuộc thời đại của ông, do đó ông nói một người đàn ông, ngoài bốn người vợ chính, có thể có nhiều vợ nhỏ khác. Mohammed cũng có thể thuộc thời đại chúng ta, vì người thời nay nói một người đàn ông có thể lấy nhiều vợ, nếu họ “đèo bồng”từ bà này tới bà nọ. Nhưng Chúa Giêsu không bị lệ thuộc vào thời đại của Ngài hay thời đại của chúng ta. Lập gia đình ở lúc này có thể trở thành góa bụa ở một lúc khác. Vì Chúa không lệ thuộc về một thời đại nào, Ngài là mẫu mực cho mọi thời. Ngài không bao giờ dùng một câu nói bị lệ thuộc vào lề lối xã hội nơi Ngài sinh sống; Tin mừng của Ngài không dễ cho người thời xưa hơn là cho chúng ta ngày nay. Như ngài nói:

 Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành (Mt 5:18).

 Chìa khóa cho Bài Giảng Trên Núi là cách Ngài dùng hai lối diễn tả: một cách là: “Các ngươi đã nghe”; cách khác là lời nhấn mạnh “Nhưng” trái ngược lại. Khi Ngài nói, “Các ngươi đã nghe,” Ngài gợi lại điều mà con người đã nghe qua nhiều thế kỷ và vẫn còn nghe thấy từ các nhà cải cách - tất cả các luật pháp, điều lệ và tập tục được chuẩn định nửa theo bản năng nửa theo lý trí, giữa những phong tục địa phương và những đòi hỏi lý tưởng cao vời. Khi Ngài nói, “Các ngươi đã nghe,” Ngài bao gồm cả Luật của Mai-sen, Bát Chánh Đạo của Đức Phật, các giáo huấn của Khổng Từ, học thuyết của Aristole, của Hindu, và của tất cả các tổ chức nhân đạo trong thời đại chúng ta, mà người ta chuyển dịch một số qui tắc ra ngôn ngữ riêng của họ và gọi chúng là một lối sống mới. Với tất cả những dung hòa này, Ngài nói, “Các ngươi đã nghe.”

 “Các ngươi đã nghe nói, “Không được ngoại tình.” Mai-sen đã dạy thế; các người dân ngoại cũng chủ trương như vậy; những người thuở sơ khai cũng tôn trọng điều đó. Thế rồi đến chữ “Nhưng” thật khó nuốt: “Nhưng Ta bảo các ngươi . . . “Nhưng Ta bảo các ngươi là hễ ai nhìn người phụ nữ cách thiếu trong sạch, thì đã phạm tội ngoại tình với họ trong lòng rồi.” Chúa đã đi sâu vào tâm hồn, bắt giữ ngay trong tư tưởng, và ấn định ngay lòng ước muốn phạm tội cũng là một tội. Nếu là sai trái khi làm một điều gì đó, thì nó cũng là sai trái khi ước ao nghĩ về điều đó. Ngài có thể sẽ nói, “Hãy vứt cái chai thuốc rửa giúp làm sạch bàn tay sau khi họ ăn cắp, và những thân xác không bệnh hoạn sau khi họ đã ăn cướp của kẻ khác.” Ngài đi vào tận thẩm cung của linh hồn và thẩm định  ngay cả ý định phạm tội thì cũng đã là tội. Ngài không đợi cho cây xấu sinh trái xấu. Ngài ngăn chặn ngay cả việc gieo hạt giống xấu. Không đợi đến lúc những tội lỗi trong thầm kín lộ hình lộ diện giống như những người bệnh tâm thần, người bấn loạn thần kinh và những người sống theo xu hướng thú tính. Hãy loại bỏ chúng ngay từ nguồn gốc. Hãy hoán cải! Đục bỏ! Những xấu xa nào có thể thống kê, hay có thể bắt nhốt lại đều đã qúa trễ để chữa trị.

 Đức Kitô xác quyết là khi một người đàn ông lập gia đình với một người phụ nữ, thì họ cưới cả xác cả hồn của người phụ nữ đó; họ cưới toàn thể con người của nhau. Nếu họ cảm thấy mệt mỏi với thân xác của nhau, họ không thể vứt bỏ cái thân xác đó để kiếm cái thân xác khác, bởi vì họ vẫn còn có trách nhiệm đối với linh hồn của nhau. Do đó Chúa tuyên bố, “Các ngươi đã nghe.” Trong lối nói như thế Ngài đã tóm gọn một biệt ngữ của mọi nền văn hóa đồi bại. “Các ngươi đã nghe, ‘Hãy ly dị; Chúa không đòi bạn phải sống không có hạnh phúc’” rồi tiếng Nhưng lại xuất hiện.

 Nhưng Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình. (Mt 5:32).

 Điều gì xẩy ra khi thân xác bị mất đi? Linh hồn vẫn còn đó, và điều đó đáng gía hơn sự vui thú sung sướng mà thân xác có thể cung cấp cho, đáng gía hơn cả vũ trụ nữa. Ngài muốn con người cả nam cả nữ được tinh sạch, không phải từ sự bị nhiễm lây, nhưng là ngay từ lòng ham muốn với người khác; hãy suy tưởng ra sự phản bội chính là phản bội (phản bội nhau là phản bội Thiên Chúa). Do đó Ngài nói, “Điều gì Thiên Chúa ràng buộc, con người không được  phân ly” (Mc 10:9). Không người nào! không vị chánh án nào! không quốc gia nào được phép.

 Tiếp sau, Đức Kitô nêu lên tất cả những thuyết xã hội cho rằng tội còn tùy hoàn cảnh chung quanh: Với sữa loại B, với những phòng khiêu vũ không  đủ tiện nghi, với hoàn cảnh không đủ tài chánh. Ngài nói với tất cả, “Các ngươi đã nghe.” Sau đó là tiếng “Nhưng”: “Nhưng Ta bảo các ngươi.” Ngài xác quyết rằng tội lỗi, ích kỷ, tham lam, tà dâm, tội phạm, trộm cướp, hối lộ, thối nát chính trị - tất cả đều do từ con người. Những lỗi phạm đó là kết qủa của ý riêng chúng ta, chứ không phải do từ sự di truyền; chúng ta không thể tự bào chữa dục vọng của mình là bởi ông bà nội ngoại của chúng ta đã có cái Dục Cảm Loạn Vô Thức (Oedipus comlex con trai thích mẹ), hay vì chúng ta thừa hưởng cái dục cảm loạn vô thức (Electra Complex con gái thích cha). Ngài nói tội đưa vào linh hồn qua thân xác của chúng ta, và thân xác được xúi bẩy bởi lòng muốn. Trong trận chiến chống lại những hành động sai trái của bản thân, Ngài tuyên bố trong lời khuyên mạnh mẽ hãy tự giải phẫu: “Cắt đứt đi,” “Cắt Bỏ nó đi.”

 Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục. (Mt 5:29,30).

 Người ta sẽ cắt chân và cắt tay để cứu thân thể khỏi bị thối hoại hay bị lan nhiễm độc. Nhưng ở đây Chúa chuyển đổi việc cắt bỏ từ thân xác sang việc cắt đứt trong lòng, và cổ võ việc để cho máu yêu dâm phải đổ ra và đốn nát đi những đam mê nhục dục hơn là bị cách ly với tình yêu của Thiên Chúa mà tình yêu đó có ở nơi Ngài là Đức Giêsu Kitô.

 Ngài nói tiếp về việc báo oán, thù ghét, bạo lực, được cổ động bởi con người, “Ăn miếng trả miếng,” “Hãy đưa nó ra toà,” “Đừng ngu dại.” Ngài biết hết tẩy của họ và Ngài nói với họ:

 “Các ngươi được dạy rằng “Mắt đền mắt, răng đền răng.” (Mt 5:38).

 Thế rồi tiếng Nhưng to tướng lại xuất hiện:

Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. (Mt 5:38-41).

 Tại sao lại đưa má kia cho người ta tát? Bởi vì sự thù ghét nhân tăng lên giống như một hạt giống. Nếu người ta rao truyền sự thù ghét và bạo lực tới mười người một lúc và bảo người thứ nhất đánh người thứ hai, và người thứ hai đánh người thứ ba, thì sự thù ghét sẽ phủ lên tất cả mười ngườ. Cách duy nhất để ngăn chặn sự thù ghét này là một người (thí dụ người thứ năm), đưa má kia cho người bên cạnh tát. Và sự thù ghét sẽ ngừng tại đó. Nó không được tiếp tục lan sang người kế tiếp. Nhận lấy sự bạo hành vì danh Chúa Cứu Thế, Đấng sẽ  đón nhận tội lỗi và chết vì tội lỗi. Luật của Kitô giáo là người vô tội chết cho người có tội.

 Chung qui là Chúa muốn chúng ta bỏ đi sự oán thù, vì khi không có sự chống đối, kẻ thù sẽ bị thống trị bởi quyền lực của một lề luật luân lý cao siêu hơn; tình yêu đó ngăn ngừa được sự lây nhiễm của vết thương thù ghét. Chịu đựng suốt năm cái buồn lòng đến với bạn trong một tuần; viết lá thư tỏ bày lòng nhân ái tới người đã nguyền rủa bạn; tặng qùa cho người đã ăn cắp cái gì đó của bạn; không bao giờ đối chất lại bằng việc thù ghét người đã lừa dối hay đã vu cáo bạn là người không yêu tổ quốc hay tệ hơn nữa khi vu khống cho bạn là người chống lại tự do – đây là những khó khăn mà chính Chúa Kitô đã đến để dạy, và những giáo huấn của Ngài không chỉ hợp với thời xưa nhưng vẫn thích hợp cho mọi thời đại. Chúng thích hợp cho những người anh hùng, những bậc vĩ nhân, các thánh, những người đạo đức thánh thiện là muối đất, là men cho nhân loại, là những người đặc tuyển trong quần chúng, những người tử tế sẽ thay đổi thế gian. Nếu có ai đó không đáng yêu, ta đưa tình yêu đến với họ và họ sẽ trở nên dễ yêu. Tại sao một người lại đáng yêu - nếu không phải là Thiên Chúa đã đặt tình yêu của ngài trong mỗi người chúng ta?

 

Những Mối Phúc (tt)

Mời bấm vào đây để nghe (phần 2)

Bài Giảng Trên Núi rất trái nghịch với tất cả những điều mà thế gian yêu chuộng đến nỗi nó sẽ đóng đinh bất cứ ai nỗ lực sống theo các tiêu chuẩn gía trị đó. Vì Đức Kitô rao giảng những điều đó, Ngài đã phải chết. Đồi Can-vê là cái gía Ngài đã phải trả cho Bài Giảng Trên Núi. Chỉ những người tầm thường mới thoát chết. Chỉ những người a dua mới được chấp nhận để cho sống. Những người chủ trương rõ ràng trắng đen đều bị lên án là kẻ không biết điều.

 Hãy để cho Đấng nói “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó,” đến trong cái thế giới đang đặt niềm tin vào kinh tế là nục tiêu cao cả nhất; hãy để Ngài đứng trước thị trường nhìn một số người chỉ sống để tìm lợi nhuận, hay chủ trương người ta sống để thu tích lợi nhuận cho riêng mình và điều gì sẽ xẩy ra cho Ngài! Ngài sẽ là kẻ qúa nghèo túng đến nỗi trong cuộc sống Ngài không có cái nệm để gối đầu; có ngày Ngài sẽ chết mà không để lại cái gì đáng gía đồng tiền bát gạo. Trong giờ phút cuối đời Ngài sẽ qúa túng thiếu đến nỗi họ đã lột áo choàng của Ngài và thí cho Ngài ngôi mộ của một người lạ để chôn xác của Ngài, giống như Ngài đã dùng cái hang của người lạ lúc chào đời.

 Hãy để Ngài đến trong cái thế giới mà nơi đó nó đang tuyên bố tin mừng của những người có quyền lực, cổ võ cho việc ghét kẻ thù, và lên án các đức tính Kitô giáo là những “tính khí yếu nhược”, và để Ngài nói với cái thế giới ấy “Phúc cho những người hiền lành nhẫn nhục”” để rồi đến một ngày Ngài sẽ cảm nhận được sự đầy đọa của những kẻ man rợ dằn áp đặt cây thập gía trên lưng Ngài, và Ngài sẽ bị tát vào mặt từ bàn tay khinh bỉ của một người trong lúc Ngài bị điệu ra xét xử; Ngài sẽ thấy một người cầm lưỡi hái cắt dọn cỏ trên đồi Can-vê, và dùng cái búa đóng đinh Ngài trên Thập Gía để thử sự nhẫn nại hiền lành tới đâu của Đấng đã chịu đựng sự ngược đãi khốn nạn nhất do qủi dữ gây ra, đến cạn kiệt hết sức hầu có thể mang lại tình yêu thương. 

 Hãy để Ngài đến trong cái thế giới đang mang quan niệm tội lỗi chỉ là một triệu chứng bệnh tâm lý, chỉ coi việc sửa trị cảm thức tội lỗi qúa khứ là cảm thức rối loạn phức tạp rồi Ngài  giảng dạy cho họ là “Phúc cho những người than khóc” vì tội lỗi của mình; và Ngài sẽ bị bịt mắt và bị chế diễu như một kẻ ngu ngốc. Họ sẽ lôi Ngài ra và đánh đập Ngài cho tan xác đến độ có thể đếm được các đốt xương nơi thân xác Ngài. Họ sẽ đội lên đầu Ngài vòng gai nhọn cho đến khi Ngài khóc, không phải là ra nước mắt, nhưng là ra những giọt máu đỏ tươi, trong khi họ cười nhạo về cái yếu đuối của Ngài, Đấng sẽ không bước xuống khỏi Thập Gía.

 Hãy để Ngài đến trong cái thế giới mà nó đang chối bỏ Chân Lý Tuyệt Đối, cho rằng sự đúng và sai chỉ là những câu hỏi tùy thuộc quan điểm, chủ trương rằng mọi người cần phải có đầu óc cởi mở về nhân đức và về lỗi lầm, và để Ngài nói với họ là “Phúc cho những người đói khát sự thánh thiện công chính,” có nghĩa là đi theo “Đấng Tuyệt Đối và là Chân Lý, Đấng Hằng Hữu”; và họ, trong cái đầu óc cởi mở, sẽ để cho đám đông chọn Ngài hay chọn Barabba. Họ sẽ đóng đinh Ngài với những tên trộm cướp, và làm cho thế giới tin là Thiên Chúa chẳng khác gì thuộc lũ trộm cướp mà số phận của họ là cái chết.

 Hãy để Ngài đến trong cái thế giới coi “hàng xóm láng giềng là hỏa ngục,” tất cả những ai chống đối tôi đều chẳng là gì, cái tôi là trên hết, ý muốn của tôi là luật tối cao, điều tôi chọn là tốt, tôi phải bỏ quên không nghĩ đến người khác để chỉ lo cho bản thân, và Ngài nói với họ, “Phúc cho những người biết xót thương.” Ngài sẽ thấy rằng Ngài chẳng nhận được chút tình thương; họ sẽ chọc cho năm giòng máu tuôn đổ ra từ thân xác Ngài; họ sẽ đổ dấm chua và mật đắng vào môi khô miệng khát của Ngài; và ngay cả sau khi đã chết, không chút thương tâm, họ lấy đòng đâm thủng nương long thấu vào tận tâm can của Ngài.

 Hãy để Ngài đến trong cái thế giới mà nó đang cố gắng giải thích ý nghĩa con người theo khuynh hướng tính dục; coi việc sự giữ trong sạch là lạnh cảm, khiết tịnh là sợ hãi nhục dục, tự chủ là bất thường, và trung tín trong tình yêu vợ chồng cho đến mẫn đời là chán ngán; và coi hôn nhân chỉ có gía trị bao lâu lòng ham muốn nhau trong nhục dục còn hiện diện, người ta có thể tháo bỏ khế ước ràng buộc bởi Thiên Chúa và xóa dấu ấn mà Thiên Chúa niêm phong. Hãy để Ngài nói với cái thế giới ấy “Phúc cho ai có lòng trong sạch”; và Ngài sẽ thấy chính Ngài bị đóng đinh trần truồng trên cây Thập Gía, làm cảnh chế diễu trước mắt con người và các thiên thần trong cái ý đồ điên rồ cho rằng trinh trắng là bất bình thường, những người trinh nữ là khờ dại, và nhục dục là đúng.

 Hãy để Ngài đến với cái thế giới mà nó đang tin rằng người ta phải dùng mọi cách kiện cáo và lươn lẹo để chiếm được thế gian, cầm mang các con chim câu hòa bình với bụng đầy bom mìn, và nói với họ, “Phúc cho những người mưu tìm hòa bình” và Ngài sẽ thấy chính mình bị bao vây bởi những con người đang tham gia vào đủ mọi cuộc chiến tranh đầy vô nghĩa  - chiến tranh chống Con Thiên Chúa; gây nên bạo lực với những cây sắt và gậy gộc, xiềng xích, xỉ nhục và cắt cử người canh giữ ngôi mộ của Ngài để Đấng đã chết trận không thể có ngày chiến thắng.

 Hãy để Ngài đến với cái thế giới đang tin là tất cả cuộc sống phải hướng về việc nịnh hót và tạo ảnh hưởng để đoạt lợi ích và được nổi tiếng rồi nói với họ, “Phúc cho anh em khi người ta ghét bỏ, bắt bớ và nguyền rủa anh em”; và Ngài sẽ thấy chính Ngài không còn có ai là bạn ở trên đời, nên như người tội phạm trên một ngọn đồi, với đám đông la thét thông đồng cho cái chết của Ngài, và xác Ngài treo rũ rượi như nắm giẻ tím bầm.

 Tám Mối Phúc thật không thể đứng riêng độc lập: các mối phúc không phải là những lý tưởng cao siêu vượt tầm tay; đó là những sự thật khó khăn và cảnh huống không thể tách biệt với Thánh Gía ở đồi Can-vê. Điều Ngài dạy là tự đóng đinh: yêu thương những người ghét chúng ta; móc mắt và cắt cánh tay để tránh không phạm tội; rửa sạch nội tâm khi dục vọng nổi lên đòi sự thỏa mãn bên ngoài; tha thứ cho những người muốn giết hại chúng ta; chiến thắng sự dữ bằng sự tốt lành; chúc phúc cho những ai nguyền rủa chúng ta; đừng gào thét đòi tự do công lý, vì chân lý và tình yêu của Thiên Chúa ở trong tâm hồn là điều kiện để có tự do chân thật. Sống ở thế gian và giữ cho mình không bị ô nhiễm bởi thế gian; từ bỏ mình đôi khi từ bỏ cả những nguồn vui chính đáng để làm tốt hơn việc đóng đinh tính kiêu căng tự mãn - tất cả là để kết án tử hình cho cái con người cũ trong chúng ta.

 Những ai nghe Ngài giảng dạy Tám Mối Phúc đều được mời gọi giang tay của họ trên thập gía, tìm hạnh phúc ở lãnh vực cao hơn bằng việc làm cho chết đi cái tính người yếu hèn nơi họ, coi khinh tất cả những cái mà thế gian kính trọng tôn thờ và thần tượng hóa như  lý tưởng. Thiên đường là niềm vui; nhưng niềm vui đó qúa lớn lao lao đến nỗi con người không thể có chỗ cho hai thiên đường, một cái ở thế gian và một cái ở trên trời. Bởi thế, bốn cái khốn mà Ngài thêm vào trong những mối phúc là:

"Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.  Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.  Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.” (Lc 6:24-26).

 Việc đóng đinh không thể ở qúa xa khi Đấng là Thầy dạy nói “khốn” cho những người giầu có, người ấm no, người vui mừng và nổi tiếng được đời ca khen. Chân lý không phải chỉ ở trong Bài Giảng Trên Núi; nó còn ở nơi Đấng đã sống Bài Giảng đó trên đồi Gol-gô-ta. Cả bốn lời nguyền rủa “khốn đốn” ấy có lẽ đã là những bản án về đạo đức, nếu Ngài đã không hoàn toàn bị chết vì sự chống đối của bốn cái khốn đốn ấy: sự nghèo túng, bạc đãi, sầu khổ và khinh chê. Trên núi Phúc Thật đó, Ngài đã bảo con người phóng thân trên thập gía bằng việc từ bỏ mình; trên Đồi Can-vê, Ngài đã ôm ấp cây thập gía đó. Cho dù bóng cây thập gía không hoàn toàn ngả trên núi sọ cho đến ba ngày sau, nó đã ngả trong Trái tim của Ngài trong ngày Ngài giảng giải phương cách để có “Hạnh Phúc.”

Lm John Kha Tran

114.864864865135.135135135250