23/04/2017 -

Cầu nguyện

694
Chiên Thiên Chúa

Chiên Thiên Chúa
Mời bấm vào đây để nghe

 

Một số người đặt câu hỏi Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa và vừa là con người, vậy khi nào thì Ngài ý thức biết mình là người hay là Chúa? Ngài có biết trước là Ngài sẽ bị giết chết hay không?

Thánh Kinh ghi lại lúc Ngài lên mười hai tuổi Ngài đã không theo cha nuôi và mẹ của Ngài về nhà, nhưng ở lại đền thờ. Khi cha mẹ tìm lại Ngài và ngỏ lời trách mắng thì Ngài trả lời, “Cha mẹ không biết là con cần phải ở nhà của Cha con hay sao?” Đây là lúc sớm nhất Đức Giêsu tỏ ra là Ngài cảm nhận được mình là Con của Chúa Cha trên trời. Và sau khi chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả, có tiếng phán từ trời xuống, “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Matt 3:17).

Đức Giêsu biết Mình là Con Chúa.
Từ trời cao đến cứu gian trần
Ngài chỉ đường dẫn lối  
Từ đất đến treo mình trên thập gía
Đền nợ nhân lại tội ngập tràn.
Từ thập gía xuống đến mồ đá.
Rồi phá mồ đá bay về trời cao.

Nhiều người chứng kiến Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại, bước ra khỏi mồ, nhưng họ cũng chỉ coi đó là một việc lạ lùng. Người ta vẫn hoài nghi không hiểu hoặc không tin lời Ngài nói. Chúa Giêsu hỏi Mat-ta, và mỗi người chúng ta, “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Vậy con có tin không?”

Chúa Giêsu đã làm chủ được cám dỗ nặng nhất đó là trở nên Vua nhân loại bằng con đường tắt lo cho cái bao tử được no đầy, chấn động quần chúng bằng những màn biểu diễn phi thường, và làm một hợp đồng chính trị với hoàng tử của bóng tối. Nhưng đó không phải là con đường chiến thắng dẫn về trời. Ngài sẵn sàng đến với thế giới như một của lễ sát tế vì tội lỗi. Sau những ngày chay tịnh và thử thách lâu dài, các Thiên Thần đến hầu hạ Ngài. Rồi Ngài trở lại sông Gio-đan hoà trộn với mọi người đang vây quanh Gioan Tảy Giả, lúc mà không ai để ý. Ngày hôm trước, Gioan đã nói về Chúa với một nhóm giáo sĩ và biệt phái từ Giê-ru-sa-lem đến hỏi, “Ông là ai?” Họ biết giờ Đức Kitô hay Đấng Cứu Thế đã đến, qua tìm hiểu thăm dò. Nhưng Gio-an đã trả lời với họ là “Ông không phải là Đức Kitô.” Ông chỉ là tiếng loan báo về Ngôi Lời. Như Đức Kitô đã từ chối những tước hiệu của quyền lực bên ngoài, thì Gio-an cũng từ chối tước hiệu mà những người biệt phái muốn dành cho ông, ngay cả tước hiệu cao nhất coi ông là Đấng được Thiên Chúa sai đến.

Ngày hôm sau Chúa chúng ta xuất hiện giữa đám đông, và Gio-an đã trông thấy Ngài từ đàng xa. Tức thì,  Gio-an quay về với dấu di sản truyền thống và lời của ngôn sứ Do Thái giáo quen thuộc với những người nghe ông giảng:

“Kìa, đây là Chiên Thiên Chúa; Đấng xóa tội trần gian. (Gioan 1:29).

Gioan đã xác định rằng, chúng ta không được đi tìm một nhà giáo, một người dạy luân lý, hay một người làm phép lạ. Trước hết chúng ta phải đi tìm Đấng đã được chọn để làm của lễ hiến tế cho tội lỗi của trần gian. Lễ Vượt Qua sắp đến, và các đường lộ đang đông nghẹt người đi lại chuyên chở hay mang theo những con chiên đến đền thờ để hiến tế. Nhìn thấy toàn cảnh của những con chiên đó, Gioan đã chỉ vào Con Chiên chính yếu, khi được hiến tế, sẽ chấm dứt tất cả những hiến tế khác ở đền thờ, bởi vì Ngài sẽ xóa đi tất cả mọi tội lỗi của trần gian.

Gio-an là tiếng nói của Cựu ước, mà ở đó con chiên đã đóng vai quan trọng. Trong sách Sáng Thế Ký, chúng ta thấy A-ben dâng tế một con chiên, con chiên đầu đàn, trong của lễ đầy máu để đền bù tội lỗi. Sau này, Thiên Chúa cũng yêu cầu A-bra-ham sát tế I-sa-ac con duy nhất của ông, một dấu chỉ báo trước của Cha trên trhời  hiến tế con riêng của Ngài. Khi I-sa-ac hỏi, “Của lễ đâu hả cha?” A-bra-ham nói:

Con ơi! Thiên Chúa sẽ cung cấp vật để làm của lễ (STK 22:8).

Trả lời cho câu hỏi, “Con chiên hiến tế ở đâu?” được đặt ra lúc ban đầu của Sáng Thế Ký, bây giờ được Gioan An Tẩy Giả chỉ vào Đức Kitô và nói, “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Sau cùng thì Thiên Chúa đã cung cấp cho một Con Chiên. Cây Thánh Gía đã được bênh vực trong sa mạc trước những cám dỗ thì lúc này xuất hiện ngay ở sông Gio-đan.

Mỗi gia đình lo để có Con Chiên riêng; và những người đang mang chiên của họ lên Giêrusalem, nơi mà Con Chiên của Thiên Chúa nói rằng Ngài sẽ bị hiến tế, đều biết là chiên của họ là dấu chỉ cho việc giải thoát khỏi vòng nô lệ của người Ai-cập. Gioan đã nói đó cũng là dấu chỉ của việc giải thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi. 

Con Chiên sẽ đến trong hình thể một con người; bởi tiên tri I-sa-i-a đã tiên báo:

Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca;
như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,
người chẳng hề mở miệng (Is 53:7).

Chiên thường được dùng để làm vật tế lễ vì tính đơn sơ vô tội và hiền lành của nó; do đó, nó là một biểu tượng cho vai trò của Đấng Cứu Thế. Gioan Tẩy Giả gọi Ngài là Chiên Thiên Chúa đã là một dấu chỉ đặc biệt. Ngài không phải là chiên của quần chúng, không phải là chiên của dân Do Thái, cũng chẳng phải là chiên của bất cứ một chủ nhân nào, nhưng là Chiên của Thiên Chúa. Khi Con Chiên này được hiến tế thì không phải Ngài là nạn nhân của những kẻ mạnh mẽ hơn Ngài, nhưng là vì Ngài tự nguyện làm tròn sứ vụ tình yêu thương dành cho những người tội lỗi. Không phải là con người làm việc hiến tế này, mặc dù là con người đã thi hành án mạng; chính Thiên Chúa đã hiến trao chính mình Ngài.

Phêrô, một môn đệ của Gioan Tẩy Giả và có lẽ đã có mặt lúc đó, sau này đã làm sáng tỏ hơn ý nghĩa về “Con Chiên” khi ông viết:

Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của mau hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô (1 Pherô 1:18-19).

Sau khi phục sinh và lên trời, phó tế Philiphê đã gặp đoàn xe của thái giám Ethiopia. Viên thái giám đang đọc đoạn sách từ Tiên Tri I-sa-i-a nói về Con Chiên:

Đoạn Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn này: Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca (TDCV 8:32).

Philiphê đã giải thích cho ông biết rằng Con Chiên này mới được hiến tế và đã sống lại từ cõi chết và lên trời. Thánh Gioan Tông Đồ hôm đó cũng đang ở bên sông Gio-đan (vì Gioan cũng là một trong số môn đệ của Gioan Tẩy Giả), sau này đứng dưới chân thánh gía khi Con Chiên bị sát tế. Nhiều năm sau đã viết là Con Chiên bị giết trên đồi Can-vê-ri-ô cũng đã được thấy trước ngay từ khi khởi đầu vũ trụ là sẽ bị giết. Thập Gía không phải là một biến cố sau này mới nghĩ đến.

Nó được phép giao chiến với dân thánh và thắng họ, và nó được ban quyền trên mọi chi tộc, mọi nước, mọi ngôn ngữ và mọi dân. Mọi người sống trên mặt đất sẽ thờ lạy nó; đó là những người từ thuở tạo thiên lập địa không được ghi tên trong Sổ Trường Sinh của Con Chiên đã bị giết. (Khải Huyền 13:8-9).

Điều này có nghĩa là Con Chiên bị giết bởi ý định của Thiên Chúa từ đời đời, tuy nhiên đã phải đợi cho sự hoàn tất ở Can-vê-ri-ô. Cái chết của Ngài là do qui trình từ đời đời của Thiên Chúa và do Thiên Chúa quyết định, nhưng tình yêu tự hiến đã có từ đời đời. Việc cứu chuộc đã có trong ý định của Thiên Chúa trước khi tạo thành vũ trụ. Thiên Chúa, Đấng vượt thời gian, từ đời đời đã thấy sự sa ngã của con người, và được cứu vớt. Địa cầu là sân khấu cho sự cố vĩ đại này. Con Chiên là khuôn mẫu đời đời của mọi hiến lễ. Khi Giờ của Thánh Gía đến và luỡi đòng của người vệ binh đã đâm thâu cạnh nương long của Chúa, thì lời tiên tri trong cựu ước được ứng nghiệm:

Họ nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu (Zacharia 12:10).

Câu văn mà Gioan Tẩy Gỉa đã dùng để diễn tả cách Con Chiên Thiên Chúa xóa tội trần gian là câu đồng nghĩa trong tiếng Do Thái và Hy Lạp; Sách Lêvi diễn tả con dê hiến tế:

Con dê Sẽ mang lấy tất cả những tội lỗi của họ và đem vào hoang địa (Levi 16:22).

Như con dê hiến tế để các tội lỗi được xua đuổi khỏi thành thị, thì Chiên Thiên Chúa Đấng thực sự xóa bỏ tội lỗi sẽ bị đẩy ra khỏi Thành Giêrusalem.

Bởi đó, Con Chiên mà Thiên Chúa đã hứa ban cho Abraham đễ làm của hiến tế, và tất cả những con chiên và con dê khác được người Do Thái và dân ngoại sát tế trong lịch sử, lấy gía trị của chúng từ Con Chiên của Thiên Chúa Đấng đang đứng ngay trước mặt Gioan. Ở đây không phải là Chúa của chúng ta đã tiên báo về Cây Thập Gía; đúng hơn là chính Cựu Ước qua Gioan, công bố Ngài sẽ là của lễ được Thiên Chúa sắp đặt cho tội lỗi và là người duy nhất tẩy xóa tội lỗi của con người.

Dân Is-ra-en đã từ lâu nhìn nhận rằng việc tha tội, một cách nào đó, được nối kết với các lễ vật hiến tế; do đó, họ cho là có gía trị tiềm ẩn trong vật bị sát tế. Tội đã ở trong máu; do đó máu phải bị đổ ra. Vì thế không lạ gì khi Nạn Nhân được hiến tế ở Can-vê-ri-ô và đã sống lại từ cõi chết, Ngài đã tái xác nhận là điều cần thiết như thế nào để Ngài phải chịu đau khổ. Việc áp dụng công nghiệp của máu cứu chuộc cho chúng ta đã trở nên chủ đề của Tân ước. Nơi Cựu ước, khi các con chiên bị sát tế, một ít máu được dùng để rảy trên dân chúng. Khi Con Chiên Thiên Chúa đến để được hiến tế, thật trớ trêu, một số người đã lại yêu cầu được rẩy máu đó trên họ.

Hãy để máu của hắn đổ trên chúng tôi và trên con cháu chúng tôi (Mt 27:26).

 Nhưng hàng triệu triệu những người khác cũng sẽ tìm thấy vinh quang bởi việc rảy máu của Con Chiên. Gioan Thánh Sử đã miêu tả về họ trong vinh quang đời đời:

Tôi thấy, và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai, các Con Vật và các Kỳ Mục. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu. Các vị lớn tiếng hô: "Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc." Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: "Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời! " Bốn Con Vật thưa: "A-men." Và các Kỳ Mục phủ phục xuống thờ lạy. (KH 5:11-14).
 

Lm John Kha Tran

114.864864865135.135135135250