21/05/2017 -

Cầu nguyện

500
Chọn nhóm Mười Hai

Chọn nhóm Mười Hai

Mời bấm vào đây để nghe


Lời truyền cao trọng của Chúa là: "Hãy Theo Ta.” Gọi người ta theo Ngài là có ý nói rằng con người cần  có trách nhiệm đối với con người. Đó là nối dài việc Nhập Thể của Ngài: Đấng là Thiên Chúa sẽ dạy, cứu chuộc và thánh hóa qua tính nhân loại mà Ngài đã nhận từ Đức Maria. Nhưng Ngài cũng làm việc đó qua những người khác, khởi đầu với mười hai người mà Ngài đã gọi làm môn đệ của Ngài. Không phải là các thiên thần sẽ làm việc phục vụ này cho con người: Bộ máy cai quản của Chúa Cha sẽ được đặt trong tay của nhiều con người. Đó là ý nghĩa cho ơn gọi làm tông đồ của nhóm mười hai.

Người ta ngỡ ngàng bởi mục đích cao cả Ngài trao cho các môn đệ, đó là việc thống trị cai quản luân lý đạo đức toàn thế giới; họ sẽ là “ánh sáng thế gian,”“muối ướp trái đất,”“thành phố không thể che khuất.” Ngài đã thu nạp những người tầm thường để ủy thác cho họ sứ vụ hoàn vũ này, vì họ sẽ kiến tạo Vương Quốc của Ngài. Những ánh sáng này sẽ chiếu sáng trên toàn nhân loại, nơi mọi dân tộc.

Trong bài viết về Nhóm Mười Hai, liên quan đến hệ thống luật pháp Anh Quốc, G. K. Charleston đã viết, “Bất cứ khi nào nền văn minh của chúng ta muốn một thư viện được sắp xếp theo thứ tự, hay một hệ thống mặt trời được tìm thấy, hay bất cứ cái gì giống như thế, thì đều dùng đến các chuyên gia. Nhưng khi cần hoàn tất một việc gì thực quan trọng thì lại chọn mười hai người bình thường đứng quanh đó. Vị sáng lập nên Kitô Giáo cũng làm giống như thế, nếu tôi không nhớ lầm.”

Rõ ràng là từ ban đầu, Chúa Giêsu đã có ý tiếp tục kéo dài giáo huấn của Ngài, và triều đại cũng như sự sống của Ngài cho đến ngày tận thế; để làm được điều này Ngài mời gọi một nhóm người hợp tác với Ngài thành một tập thể để truyền đạt cho họ một số quyền lực mà Ngài đã mang đến trần gian. Tập thể nhóm người này không phải là một tổ chức xã hội như một hội đoàn, kết nạp lại chỉ với mục đích hội hè và tiện ích; nó cũng không phải là một tổ chức chính trị, qui tụ lại bởi cùng chung lợi ích vật chất; nhưng nó là một tập thể tinh thần, keo gắn bó họ bởi đức bác ái, tình yêu thương và nắm giữ Thần Khí của Ngài. Nếu tập thể hay Mầu Nhiệm Thân Thể mà Chúa muốn thiết lập được tiếp tục, thì nó cần có đầu và các chi thể. Nếu đó là vườn nho, như Ngài đã tuyên bố trong một dụ ngôn, thì nó cần có những người làm trong vườn nho; Nếu đó là cái lưới bắt cá thì cần phải có người đánh bắt cá; nếu đó là thửa ruộng, thì nó cần có người gieo và người gặt; nếu đó là một đoàn vật hay đàn chiên thì nó cần người chăn dắt.

Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Si-mon mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội. (Lc 6:12-16).

Buổi tối trước khi chọn môn đệ, Ngài đã dành giờ cầu nguyện trên núi hầu để những người nằm trong tâm ý của Chúa Cha thì cũng nằm trong tâm ý của Ngài. Khi ánh bình minh rọi chiếu, Ngài đi xuống núi nơi các môn đệ đang tụ họp, và từng người một, Ngài đã gọi những ai Ngài muốn chọn lựa. Phêrô, người được biết đến nhiều nhất. Phêrô được nhắc đến 195 lần; những vị tông đồ còn lại tổng cộng chỉ có 130 lần. Người được nhắc đến nhiều lần sau Phêrô là Gioan, cả thảy là 29 lần. Tên chính của Phêrô là Si-mon, nhưng nó được Chúa đổi lại thành Kê-pha. Khi ông được giới thiệu với Chúa:

Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: "Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha" (tức là Phê-rô) (Gio 1:42).

Kê-pha có nghĩa là “đá”; Chúng ta không cảm nghiệm được trọn nghĩa của từ ngữ “đá” bởi vì Phê-rô, tên gọi chính, không có nghĩa đen như cục “đá.” Những từ ngữ giống nhau trong tiếng Aramic mà Chúa nói, ví dụ tương tự như trong tiếng Pháp có từ ngũ riêng cho tên gọi Pierre cũng có nghĩa là pierre hay cục đá. Trong Thánh Kinh, bất cứ khi nào Chúa đổi tên của một người, việc đó là có ý nâng địa vị hay vai trò của người đó lên cao hơn trong cộng đồng của họ. Chúa có thể là đã nói với Phêrô, “Người nông nổi, nhẹ dạ và khó tin, nhưng một ngày nào đó sẽ được đổi thay; ngươi sẽ được gọi bởi một danh xưng mà không ai dám nghĩ đến lúc này – Con Người Đá.” Bất cứ khi nào ông được gọi là “Simon” trong Tin Mừng, thì đó là nhắc nhớ lại cái bản tính người cũ chẳng hay ho và không có sức sản sinh của ông; thí dụ, khi ông đang ngủ trong vườn, Chúa đã nói với ông:

Simon, anh ngủ à? (Mc 14:37).

Phêrô tự năng khiếu là một người có nhiều khả năng lãnh đạo. Thí dụ, sau biến cố Phục Sinh khi ông nói, “Tôi đi đánh cá” các môn đệ khác cũng đi theo. Lòng can đảm luân lý của ông đã được bày tỏ khi ông rời bỏ nghề, bỏ nhà cửa để theo Thầy; cũng với lòng can đảm đó, tỏ ra cách chớp nhoáng, khiến ông đã chém đứt tai của Malchus khi những người lãnh đạo đến bắt Chúa. Ông cũng là người kiêu hãnh, vì ông đã thề  dù những người khác có phản bội Chúa chứ riêng ông sẽ không bao giờ làm thế. Ông cũng có cảm thức sâu đậm về tội, và ông đã xin Chúa tránh xa ông vì sự bất xứng của ông. Chính những lỗi lầm của ông đã làm ông nên người dễ thương. Ông đã gắn bó với Chúa của ông. Khi những người môn đệ khác bỏ Chúa thì ông đã ở lại và nói là nếu bỏ thì ông còn biết đi theo ai. Ông có lòng can đảm, vì ông đã dám bỏ vợ, bỏ nghề để đi theo Chúa. Để khen thưởng uy tín của các bà mẹ vợ, phải nói là Phêrô đã không hề hối tiếc khi Chúa chữa cho bà khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Ông là người rất nông nổi như phổi bò, hành động theo cảm tính hơn là bởi lý trí. Ông đã muốn đi trên mặt nước và được như ý nguyện, rồi lại trở nên sợ hãi và la hoảng lên – khi chính ông lại là người quen thuộc với biển nước. Ông là người mạnh bạo, vung tay múa kiếm, thề thốt, chống cưỡng lại khi Đấng Cứu Thế rửa chân cho ông; dù được đặt làm đầu Giáo Hội, ông không có tham vọng như Gioan và Giacôbê. Nhưng qua quyền lực của Chúa trong con người nông nổi này, mềm loãng như nước, đã được biến đổi nên cứng rắn như đá mà trên tảng đá đó Đức Kitô đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Chúa Cứu Thế đã liên tục liên kết chính Bản Thân Ngài với Cha Trên Trời; nhưng chỉ một người duy nhất Ngài liên kết với chính Bản Thân Ngài và nói về chính Ngài và người đó giống như “chúng ta” đó là Phêrô và những vị kế tiếp ông. Từ ngày đó trở đi, Phêrô và các vị kế tiếp Phêrô luôn dùng “chúng ta” để nói lên sự hiệp nhất giữa cái đầu vô hình và cái đầu hữu hình của Giáo Hội. Nhưng cũng một Phêrô này, người luôn cám dỗ Chúa xa tránh Thập Gía, lại chứng minh là tảng đá trung kiên, vì sau này trong cuộc sống, chủ đề luôn được Phêrô nói đến là Thập Gía Đức Kitô.

Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. (1Phe 4:13).

Andrê, người anh của Phêrô, được nói đến tám lần trong Tân ước. Sau khi được gọi bỏ thuyền và chài lưới cá để trở nên thợ chài lưới người cùng với em là Phêrô, Andrê đã thấy có mặt trong lần cho năm ngàn người ăn, nói với Chúa là một cậu bé ở đó có năm cái bánh và hai con cá. Và ở cuối thời kỳ rao giảng, Andrê lại xuất hiện khi một số người dân ngoại, có thể là những người Hy Lạp, đến hỏi xin Philip cho gặp Chúa. Philip bàn hỏi với Andrê và cả hai người đã đến với Chúa. Ngay từ lần gặp đầu tiên của Andrê với Chúa, Đức Giêsu đã hỏi ông:

Anh đang tìm kiếm điều gì? (Gio 1:38).

Andrê đã từng là bạn của Gioan Tẩy Giả. Khi gặp Chúa, Đấng mà Gioan giới thiệu, ông đã lập tức đi tìm anh là Phêrô để báo cho Phêrô biết là ông đã thấy Đức Kitô. Andrê luôn được đề cập đến trong vai vế anh em với Phêrô. Ông là người móc nối giới thiệu người em là Phêrô với Chúa. Ông đã giới thiệu cậu bé có bánh và cá với Chúa. Và sau cùng, với Philip, cùng đến để giới thiệu những người Hy Lạp với Chúa. Khi có việc phải phân phát những ân huệ hay đưa những người khác đến gặp Chúa, Philip và Andrê được nhắc đến. Andrê thường thích thầm lặng, nấp bóng em của ông là Phêrô, nhưng rõ ràng là ông không ghen tị. Có lý do để ghen tị khi Phêrô, Giacôbê và Gioan được chọn trong ba trường hợp thân cận với Chúa, nhưng ông chấp nhận ngồi ở chỗ khiêm tốn; xứng hợp dành cho ông người đã tìm thấy Đức Kitô.

Như Phêrô, Andrê, Giacôbê và Gioan cũng là anh em làm nghề chài lưới. Họ làm việc cùng với cha của họ là ông Zê-bê-đê. Mẹ của họ là bà Salômê, một người đàn bà không thiếu tham vọng; vì vào một ngày kia, bà nghĩ là Nước Thiên Chúa đã được thiết lập mà không cần có Thánh Gía, chính bà đã đến xin cho hai con được chọn ngồi bên tả và bên hữu của Chúa trong Nước của Ngài. Bà tuy vậy, cũng có uy tín bởi vì chúng ta thấy bà đã có mặt ở đồi Calvêriô, dưới chân Thập Gía. Chúa Giêsu đã gọi hai con của bà là “con của sấm sét.” Việc đó xẩy ra khi những người Samaria từ chối không đón tiếp Chúa bởi vì Ngài đi hướng về Giêrusalem và cái chết của Ngài. Hai môn đệ này, thấy như vậy, đã tỏ ra không bình tĩnh và nói:

"Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? " Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác. (Lc 9:54-56).

Hai người con “Sấm Sét” đã không mất cơ hội uống chén đau thương. Gioan đã bị quẳng vào vạc dầu sôi, mà không chết chỉ vì nhờ có phép lạ. Giacôbê là môn đệ đầu tiên chịu tử vì đạo vì danh Chúa Kitô. Gioan đã viết về chính ông là người môn đệ “được Chúa thương yêu,” và được Chúa ủy thác việc chăm sóc cho Mẹ của Chúa Giêsu sau Tử Hình Thập Gía. Gioan được Chúa, vị Linh Mục Thượng Phẩm biết đến có lẽ vì đức tính tốt xứng với cái tên của ông, mà trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Được Chúa Thương.” Tin Mừng của Gioan tỏ cho thấy ông thật là một chim đại bàng  bay bổng trên không trung cao thẳm để hiểu những mầu nhiệm về Ngôi Lời. Không ai hiểu tâm lòng Chúa Kitô hơn ông; không ai đi sâu hơn vào những lời của Chúa hơn ông. Ông cũng là người môn đệ duy nhất có mặt dưới chân Thập Gía của Chúa Kitô. Chính ông là người đã cho chúng ta biết là “Chúa đã khóc,” và chính Gioan cống hiến cho Tân Ước định nghĩa Thiên Chúa là “Tình Yêu.” Giacôbê được gọi là Giacôbê cả, là anh của Gioan, cùng với Phêrô và Gioan thuộc “nhóm đặc biệt” từng chứng kiến cuộc Biến Hình, phép lạ làm cho con gái của Jairô đang chết được sống lại, và có mặt với Chúa trong vườn Giệt-si-ma-ni.

Thánh Tông Đồ Philip đến từ miền Bethsaida và là người cùng quê với Andrê và Phêrô. Philip là người thích tìm hiểu; và việc tìm hiểu đã đội cho ông vòng hoa tràn niềm vui được gặp Đức Kitô.

Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét."Ông Na-tha-na-en liền bảo: "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? " Ông Phi-líp-phê trả lời: "Cứ đến mà xem! "  (Gio 1:45-46).

Philip đã không từ chối đối chất với một người có óc kỳ thị cho rằng không có tiên tri nào có thể xuất thân từ một ngôi làng qúa nhỏ thấp hèn đó. Philip cũng không được nhắc đến nữa cho đến khi phép lạ về những chiếc bánh và mấy con cá được làm tăng thêm nhiều lên, và ông cũng thắc mắc tìm hiểu:

"Dạ thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút. (Gio 6:7).

Philip đã làm việc dò hỏi cuối cùng tại bữa Tiệc Ly, khi ông xin Chúa chỉ cho ông biết về Chúa Cha.

Philip đã đưa Ba-tô-lô-mê, hay còn gọi là Na-tha-na-en đến gặp Chúa Giêsu. Vừa khi thấy ông, Chúa Cứu Thế đa đọc được tâm hồn ông và nói:

"Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối." Ông Na-tha-na-en hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi? " Đức Giê-su trả lời: "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi." (Gio 1:47-48).

Và Na-tha-na-en đáp lại:

"Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! " Đức Giê-su đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa." Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người." (Gio 1:49-51).

Khi Chúa nói là Ngài đã thấy ông ngồi dưới gốc cây vả, Ba-tô-lô-mê mau mắn nhìn nhận Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Ngay lần gặp gỡ đầu tiên với Chúa đã thắp lên ngọn đèn sáng của đức tin nơi ông, nhưng Chúa mau lẹ cam kết với ông là ông sẽ còn thấy những điều lớn lao hơn nữa; cách riêng là hiện tượng lạ đã từng được tỏ cho Gia-cop cũng sẽ được thấy nơi Ngài.

Chúa nói rằng Na-tha-na-en là người Is-ra-en chân chính. Is-ra-en là tên của Gia-cop. Tuy vậy, Gia-cop là người khôn lanh và mưu xảo. Na-tha-na-en được coi là người Is-ra-en chân thật, hay một người không mưu xảo. Có một sự chuyển đổi từ nhiều lần thành một lần khi Chúa nói: “Anh sẽ thấy trời mở ra”; Gia-cop đã thấy nhiều tầng trời mở ra và các thiên thần đi lên đi xuống trên các bậc thang, chuyển trao những cái của con người lên Thiên Chúa và những điều của Thiên Chúa đến với con người. Bây giờ Chúa Giêsu lại nói với Na-tha-na-en là ông sẽ nhìn thấy những điều lớn lao hơn. Ngụ ý ở đây là chính Ngài từ đó trở đi là Đấng Trung Gian giữa trời và đất, Thiên Chúa và loài người; nơi Ngài, tất cả mọi lối giao thông giữa thời gian và đời đời muôn thuở sẽ là điểm gặp gỡ.   

Lời tiên báo của Chúa với Ba-tô-lô-mê-ô  cho thấy rằng việc Con Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người  là nền tảng cho sự hiệp nhất giữa con người và Thiên Chúa. Na-tha-na-en đã gọi Ngài là “Con Thiên Chúa”; Chúa Giêsu lại tự nhận Ngài là “Con Người” vì Ngài khiêm tốn liên kết với nhân loại. Tước hiệu này đã được dùng cách rất gần gũi với một tước hiệu khác được gán cho Chúa đó là “Vua Is-ra-en,” có ý nghĩa Cứu Thế; nhưng đã được vượt ra khỏi giới hạn chỉ ở nơi một dân tộc hay một giống nòi, để trải rộng tới biên cương của toàn thể nhân loại.

Với Mathêu hay còn gọi là Lêvi, người thu thuế, có một lý lịch được ghi lại nghề nghiệp và cách ông hành xử đáp theo. Tiếng tăm và vinh dự của Mathêu là chính bản Tin Mừng của ông. Mathêu là một người thu thuế phản nghịch lại với đồng bào của ông vì ông đã thu tiền thuế cho kẻ xâm lăng quê hương đất nước của ông và giữ lại cho mình một số phần lợi nhuận thu được. Rất có thể hiểu được vì người thu thuế là một người cấu kết hợp tác với giặc ngoại bang, bị những người đồng hương coi khinh; tuy nhiên ông biết là ông có quyền lực và luật pháp của Đế Quốc Roma hậu thuẫn đứng đàng sau. Địa điểm riêng nơi Chúa gặp Mat-thêu lần đầu là ngay tại phía đầu hồ nước gần Ca-pha-na-um nơi ông đang thu thuế. Lời mời gọi của Chúa là đòi hỏi ông phải là người làm sổ sách thu thuế cẩn thận rõ ràng. Ông đã mau mắn đáp lại. Tin mừng kể lại:

Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người. (Matt 9:9).

Một người đang giầu có bây giờ trở nên tương lai chẳng có gì ngoài sự nghèo khó và bị bách hại; tuy nhiên ông đã bằng lòng chấp nhận điều kiện ngay khi được kêu mời. “Hãy đến!” Đấng Cứu Thế kêu mời một người bị khinh dể, và ông đã mau mắn đi theo. Cách đáp lại của ông thật đáng ngưỡng mộ bởi vì ông là một người đang chìm đắm trong thương trường nơi thu hút những người vô tâm và vô đạo đức. Nguyên việc thu thuế của dân Is-ra-en cho giặc ngoại bang Roma đã là tồi tệ, nhưng nó còn tồi tệ hơn khi một người Do Thái lại làm việc ấy; điều đó khiến cho ông trở nên đáng khinh hơn hết trong dân.

Tuy con người cấu kết phản dân này đã chối bỏ lòng lòng yêu quê hương dân tộc, và đã chôn vùi lòng yêu nước để đổi lấy tham lam lợi lộc cá nhân, cuối cùng lại trở nên người có lòng yêu thương đồng bào của ông hơn hết. Tin Mừng mà ông biên soạn có thể được trình bày như Tin Mừng của lòng yêu nước. Cả trăm lần trong Tin Mừng đó, Mathêu đã lần lượt quay về lịch sử để trích dẫn từ I-sa-ia, Jê-rê-mi-a, Mi-chê-a, Da-vid, Da-ni-en và các tiên tri; sau khi đã sắp xếp từ điều này với điều khác trong một biện chứng hùng hồn, ông nói với đồng bào của ông: “Đây là vinh quang của dân Is-ra-en, đây là niềm hy vọng, chúng ta sinh ra Con Thiên Chúa Hằng Sống; chúng ta trao cho thế giới Đấng Cứu Thế.” Đất nước của ông, trước đó đã chẳng là gì đối với ông, bây giờ lại trở nên quan trọng hơn cả trong Tin Mừng do ông biên soạn. Ông tuyên xưng ông là con cái dân Is-ra-en, sẵn sàng hết lòng phổ biến trên dân tộc sự ca ngợi của ông. Như Mathêu, khi một người yêu mến Thiên Chúa, họ cũng sẽ yêu thương đất nước của họ.

Tôma là người bi quan trong nhóm môn đệ, và có lẽ tính bi quan của ông có liên quan đến sự hoài nghi. Khi Chúa Giêsu cố gắng an ủi các môn đệ, trong buổi tối bữa Tiệc Ly bằng cách trấn an họ là Ngài sẽ dọn cho họ một chỗ trên thiên đàng, Tôma đã trả lời là ông muốn tin là như vậy, nhưng không thể nào tin được. Khi có tin báo cho Chúa là Lazarô đã chết:

Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn: "Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy! " (Gio 11:16).

Tôma được gọi là Đi-đi-mô, đó chỉ là cách chuyển dịch từ tiếng Do-thái qua tiếng Hy-lạp có nghĩa là “Song sinh” Tôma như là một người song sinh trong một ý nghĩa riêng, vì ở nơi ông có lối sống bên cạnh giữa cặp song sinh tin và không tin, mỗi cái đang như muốn làm chủ. Có đức tin, vì ông tin tốt hơn là cùng đi để chết với Thầy còn hơn là chối bỏ Thầy; thiếu lòng tin vì ông không thể tin khác hơn là cái chết đã kết thúc tất cả những gì mà Chúa có ý muốn thực hiện.

Thánh Gioan Kim Khẩu nói về Tôma rằng trong khi ông ta miễn cưỡng đi với Chúa Giêsu vào thành Bethania, Tôma không ngần ngại đi một mình mà không có Chúa sau lễ Hiện Xuống, ngay cả tới tận vùng xa xôi Ấn Độ để gieo trồng hạt giống đức tin. Cho đến ngày nay, các Kitô hữu Ấn Độ vẫn coi họ là các “Kitô hữu Tôma.”

 Hai trong số các môn đệ là người thân có họ hàng với Chúa là Giacôbê và Giu-đa. Họ thường được gọi là anh em của Chúa, nhưng trong ngôn ngữ Aramaic và Do thái từ ngữ này thường có nghĩa là anh em họ.  Chúng ta biết là Đức Maria không có người con nào khác ngoài Chúa Giêsu. Cụm từ “Anh em thân mến của tôi” như thường được dùng nơi tòa giảng, không có nghĩa là tất cả những người trong cộng đoàn đều có cùng một người mẹ. Thánh kinh thường dùng từ ngữ “Anh em” cách phổ quát. Thí dụ, ông Lot được gọi em của Abraham, trong khi thực sự ông lại là cháu của Abraham; Laban được gọi là em của Giacob, nhưng thực ra ông là cậu của Giacob. Các con của Oziel và Aaron, các con của Cis và các con gái của Eleazar được gọi là “anh em” nhưng thực ra họ là anh em họ hàng. Do đó “các anh em” của Chúa cũng có nghĩa tương tự như vậy. Hai môn đệ Gia-cô-bê nhỏ và Giu-đa, có lẽ là con của Cleopha, người đã lập gia đình với em hay chị của Đức Mẹ.

Giu-đa có ba tên. Cùng chung tên giống như Giu-đa kẻ phản bội, nên ông luôn được nhận diện cách hơi tiêu cực là Giu-đa “không phải là Iscariot.” Trong đêm bữa Tiệc Ly, ông đã hỏi Chúa về Thần Khí, hay làm thế nào Ngài có thể không được trông thấy và lại chưa tỏ chính Ngài sau khi khi sống lại. Trong tâm trí của các môn đệ luôn có sự thắc mắc muốn thấy ánh  sáng cứu chuộc vinh quang lóe lên để mở những con mắt mù tối và để nắm bắt được mọi hiểu biết.

Giu-đa, không phải là Giu-đa It-ca-ri-ot, nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” (Gio 14:22).

Câu trả lời của Chúa cho Giu-đa là khi sự yêu thương đáp trả của chúng ta hòa vào với tinh thần vâng phục, Chúa sẽ đến ngự trong chúng ta. Sau này, thỉnh thoảng Giu-đa cũng được gọi là Tha-đê-ô, đã viết một thư Tông Đồ bắt đầu với những lời phản ảnh câu trả lời ông nhận được từ tối hôm Thứ Năm Tuần Thánh:

Tôi là Giu-đa, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, anh em với ông Gia-cô-bê, xin gởi lời thăm những người được kêu gọi, được Thiên Chúa Cha yêu mến, và được dành riêng cho Đức Giêsu Kitô. Chúc anh em được đầy tràn lòng thương xót, sự bình an và tinh thương” (Giu-đa 1:1-3).

Một vị môn đệ khác là Gia-cô-bê người Công chính, còn được nhận diện là Gia-cô-bê nhỏ để phân biệt với Gia-cô-bê con trai của Zê-bê-đê. Chúng ta biết ông có người mẹ rất tốt vì bà là một trong số những phụ nữ đứng dưới chân Thánh Gía. Giống như người em là Giu-đa, Gia-cô-bê đã viết Thư Tông Đồ gởi tới mười hai chi tộc khắp nơi, đó là tới cộng đoàn Kitô hữu Do Thái đang sống rải rắc trong thế giới của Roma. Thư bắt đầu là:

Tôi là Gia-cô-bê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô, kính gởi mười hai chi tộc đang sống tản mác khắp nơi (Gc 1:1).

Gia-cô-bê, giống như các môn đệ khác đã không hiểu về cây Thập Gía khi Chúa báo trước cho họ, sau này trở nên giống như những tông đồ khác đã biến Thập Gía thành điều kiện của sự vinh quang.

Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. . .  . Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người (Gc 1:2,12).

Si-mon thuộc nhóm Zelot (nhiệt thành) là một trong mười hai môn đệ  mà chúng ta biết đến rất ít. Tên Aramaic của ông có nghĩa là “Zealot” dụng ý nói ông là một người thuộc tổ chức chủ trương dùng bạo lực để lật đổ ách thống trị của giặc ngoại bang. Đây là cái tên đặt cho ông trước khi ông cải thiện. Ông thuộc tổ chức của nhóm người yêu nước hăng hay trong việc lật đổ quyền lực của Roma và họ đã nổi dạy chống lại Caesar. Có lẽ Chúa đã chọn ông vì tính nhiệt thành hăng hái hết mình của ông cho đại cuộc; nhưng một cuộc thanh luyện như thác đổ cần phải có trước khi ông có thể hiểu về Nước Thiên Chúa theo ý nghĩa của Thập Gía thay gươm giáo. Hãy hình dung về Si-mon nhiệt thành, một vị Tông Đồ và với Mathêu người thu thuế! Một người thuộc phần tử quốc gia qúa khích, trong khi người kia lại là một kẻ phản dân phản quốc chuyên nghiệp. Nhưng cả hai người đều được Chúa gọi làm môn đệ, và sau này cả hai đều tử đạo vì Nước Thiên Chúa. Người môn đệ thứ mười hai là Giu-đa, “con của trầm luân” sẽ được đề cập đến sau.

Con số thứ mười hai là biểu tượng. Sách Khải Huyền nói về mười hai cột trụ của Giáo Hội. Có mười hai tổ phụ trong Cựu ước, và mười hai chi họ trong dân Is-ra-en; có mười hai người làm gián điệp đi dò thám đất hứa; có mười hai viên đá đeo trên ngực của Thầy Cả Thượng Phẩm; khi Giu-đa bội phản, người môn đệ thứ mười hai cần phải được thay thế. Các môn đệ thường được nhắc đến trong Tin Mừng là “nhóm mười hai” tước hiệu nói về họ tất cả là ba mươi hai lần. Việc chọn mười hai người này, tỏ rõ cho thấy Chúa đang chuẩn bị họ để làm công việc sau khi Ngài lên trời; Vương quốc Ngài đến để thiết lập không phải là vô hình nhưng hiện hình; không phải chỉ là Thần Linh nhưng cũng nhân loại. Nhưng họ có qúa nhiều điều để học hỏi trước khi có thể là mười hai cái cổng của Nước Thiên Chúa. Bài học đầu tiên họ cần học là Tám Mối Phúc Thật. 
 

Lm John Kha Tran

114.864864865135.135135135250