03/12/2022 -

Cầu nguyện

490
Chúa Nhật II Mùa Vọng năm A (Lm John Trần Khả)
Chúa Nhật Thứ II Mùa Vọng
(Ma-thêu 3:1-12)
Sám Hối
Mathêu giới thiệu thánh Gioan tiền hô và sứ vụ dọn đường chuẩn bị cho Chúa Giêsu và những thách thức đối với người môn đệ trong nỗ lực chuẩn bị tinh thần đức tin trong cuộc sống.

Lầm Lẫn

Bà Debbie Karenmer một phụ nữ người Anh chia sẻ là năm 2002, lúc 44 tuổi, bà xem truyền hình bàn luận về những người chuyển giới, và bất ngờ bà bị thuyết phục tin là bà đang bị buộc ở trong một thân xác không phải là bà. Bà cảm thấy bà phải đàn ông chứ không phải đàn bà. Bà nói “nhiều năm tôi có cảm giác là tôi không thể sống trong thân xác của tôi và lúc nào tôi cũng căm ghét nó. Bất chợt tôi thấy câu trả lời từ “Kilroy.” Tôi cảm thấy như đó là câu trả lời duy nhất. Đó là cách duy nhất để tôi tiếp tục sống. Bà bắt đầu tìm đọc để hiểu về việc chuyển giới và tìm sự trợ giúp từ những nhóm phụ nữ chuyển giới sống như nam giới ở Luân Đôn. Bà đi gặp bác sỹ tâm lý trị liệu. Bà được bác sĩ chích thuốc kích thích tố ngay khi gặp lần thứ nhất. Tiến trình cho chuyển giới của bà rất nhanh. Sau ba tháng chích chất kích thích tố, bà cắt bỏ bộ vú, mọi tốn phí đều được chính phủ tài trợ. Hai năm sau bác sĩ cắt bỏ ống buồng trứng và trồng cấy bộ phận sinh dục nam giới giả vào cho bà.

Nhưng thân thể nam giới đó đã không làm cho bà hạnh phúc như bà mong đợi. Năm 2012 bà được thu hút bởi tường thuật của Jimmy Sayvile về vấn đề “bị xâm phạm tình dục và bà đã trình báo cho cảnh sát về hành động xâm phạm tình dục do người cha của bà. Nhưng ông đã qua đời trước khi bị xét tội. Năm 2013 bà được khai sáng khi nghe chuyên gia trị liệu tâm lý nói về vấn đề “chấn động tuổi thơ” bà nhận ra ngay là bà đã sai lầm trầm trọng. Bà nói, “Bất ngờ tôi thấy bị tan vỡ và kinh hoàng. Thực ra tôi đã bị “trọng thương bởi chấn động tuổi thơ, chứ không phải là vì sai giới tính.” “Bây giờ nghĩ lại tôi nhận ra rằng đó chỉ đơn giản là trong tiềm thức tôi cảm thấy mong ước gía như mình không mang thân xác phụ nữ thì tôi đâu có bị cha tôi xâm phạm và hãm hiếp.” “Tôi là một phụ nữ. Tôi không phải là gã đàn ông. Tôi cảm thấy mình đã hoàn toàn bị xẻo cắt, hoàn toàn hỗn loạn. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu? Tôi hối tiếc về quyết định của mình. Bây giờ tôi là một người mới và bỏ lại đàng sau cái qúa khứ của người phụ nữ đã bị tổn thương.” Bà quyết định chỉnh lại hình thể đã bị cắt sửa và không chích thuốc kích thích tố nữa hầu bà có thể hồi phục lại vóc dáng phụ nữ bẩm sinh của mình. (Lifesitenews December 2019)


Sám Hối

Thông điệp Tin Mừng hôm nay thánh Gioan kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối. Gốc của từ ngữ sám hối đến từ tiếng Hy-lạp metanoia, có nghĩa là “suy nghĩ lại” hay “đổi ý.” Lý do thánh Gioan giảng thông điệp sám hối là vì tất cả các việc làm đều phát sinh từ tư tưởng. Có câu nói, “Hãy để ý đến tư tưởng của bạn, vì tư tưởng dẫn đến hành động. Hãy để ý đến hành động của bạn, vì hành động dẫn đến thói quen. Hãy để ý đến thói quen của bạn vì thói quen dẫn đến cá tính. Hãy để ý đế cá tính của bạn, vì cá tính đó sẽ đưa bạn đên cùng đích số phận của bạn.” Nếu chúng ta muốn thay đổi đời sống, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ cho đúng theo chân lý. Nếu chúng ta muốn đi đến cùng đích tốt lành, chúng ta cần suy nghĩ theo tư tưởng của Đức Kitô, Đấng là chân lý. Mời gọi sám hối là lời mời gọi nhìn mọi cái theo quan điểm của Thiên Chúa và suy nghĩ theo cách suy nghĩ của Chúa Kitô trong Tin Mừng, như thánh Phaolô nói, “Phần chúng tôi, chúng tôi biết tư tưởng của Đức Kitô” (1Cor 2:16). Biết tư tưởng của Đức Kitô và hành động theo Đức Kitô. Khi chúng ta nhìn các tình huống trong cuộc sống theo quan điểm của Thiên Chúa, chúng ta sẽ biết sắp xếp các gía trị đời sống theo đúng thứ tự trước sau và làm theo như Đức Kitô trong các hoàn cảnh chúng ta gặp. Người môn đệ không có nghĩa là chỉ nhắm mắt vâng theo những chỉ thị và luật lệ hay là chỉ tuân thủ những thực hành bề ngoài. Nhưng đúng hơn là sống trong sự thông hiệp đồng tình với Thiên Chúa và bày tỏ sự thông hiệp ấy trong cách chúng ta sống và hành động. Đức thánh cha Phaxicô nói , “nếu đức tin chỉ được đánh gía ở bề ngoài thì sẽ bị sụp đổ.” Đức tin sám hối phải đến từ giác ngộ ở nội tâm. Sám hối và hoán cải có nghĩa là “quay về” với Chúa và nó xẩy ra trong những lúc cuộc đời của một người bỏ lối sống cũ để quay về với Thiên Chúa. Những lần như thế có thể được phát sinh từ việc nhận ra sự hiện diện, tình yêu và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Hoán cải xẩy ra lúc chúng ta muốn đưa chú tâm của chúng ta trở lại hướng về Thiên Chúa. Tuy nhiên, hoán cải phải được tỏ ra qua những hành động cụ thể, nhờ đó cuộc sống của chúng ta đồng thuận với Chúa Kitô và Tin Mừng. Khi chúng ta làm từng việc thay đổi, từng bước một chúng ta tiến gần tới việc đồng thuận đồng tình với Thiên Chúa. Sám hối là tiến trình tiến đến sự gần gũi với Thiên Chúa qua đời sống thuận phục hơn với Tin Mừng. Giáo huấn của Chúa Giêsu và lối sống của Ngài là phương tiện kích động chúng ta nhờ đó chúng ta sẽ đi bất cứ nơi nào Ngài dẫn chúng ta đi. Nhiều người hiểu sám hối là việc đền tội và nghĩ là phải làm những việc như hãm mình, hy sinh, cải sửa đời sống. Trong khi những việc này là cần thiết, tiến trình sám hối có thể bao gồm những điều này, và những việc khổ chế khác, tuy nhiên, nó còn là một tiến trình tích cực hơn thế nhiều. Mục tiêu tối hậu của sám hối là đưa chúng ta đến sự hiệp thông đồng tâm đồng tình hơn với Chúa cả trong cách chúng ta suy nghĩ và trong cách chúng ta hành động.

Miêu tả về Gioan Tẩy Gỉa thật thú vị khi chúng ta thấy ông mặc áo lông lạc đà và thắt lưng bằng giây da. Chân dung này giống như chân dung về Elia trong sách Các Vua 2:1-8 ám chỉ rằng Gioan đã giới thiệu chính mình như một Elia mới. Việc giới thiệu như thế là điều quan trọng bởi vì trong sách Malachi 3:1, 4-5 chúng ta được cho biết là Elia sẽ trở lại để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Chúng ta cũng được nói cho biết là Gioan ăn châu chấu và mật ong rừng, điều này có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ nói về cách ông ăn uống khác thường. Đó thực sự là lời công bố Gioan đã giữ mình trong nghi thức tinh sạch ngay cả lúc ở sa mạc và đã tin tưởng ở sự quan phòng của Thiên Chúa trong đời sống hàng ngày. Miêu tả chân dung về Gioan Tẩy Giả có thể xa lạ đối với chúng ta, nhưng khi chúng ta hiểu lời công bố đó qua cách ăn mặc và lối sống của ông thì lúc đó chúng ta hiểu rõ hơn về thông điệp mà ông muốn gởi đi. Là người môn đệ, Gioan hiểu trách nhiệm của ông là lôi kéo những người khác về với Đức Kitô trong sứ vụ đến với mọi người. Gioan hiểu để lôi kéo dân chúng đến với Chúa Giêsu, ông phải kéo được sự chú ý của họ khiến họ tò mò muốn tìm hiểu thêm. Chính lối sống của Gioan chứ không phải chỉ có lời nói của ông đã thu hút dân chúng đến với ông và làm cho họ để ý nhận biết Chúa Cứu Thế đang đến. Đôi khi có những người môn đệ lại không muốn khác biệt với quần chúng để tránh sự phân cách với mọi người. Điều quan trọng cần phải nhớ là sứ vụ đến với mọi người cũng đòi chúng ta phải tìm những cách gây cho người khác chú ý tò mò. Chúng ta phải có cái gì khác nổi bật để cống hiến. Đối với Gioan, việc này bao gồm y phục và cách ăn uống. Bất kể phương tiện là gì, thách thức đều giống như nhau. Cách sống của người môn đệ phải có gì khác biệt và trổi vượt hầu có thể gây ấn tượng và thu hút quần chúng để họ tò mò học hỏi tìm hiểu thêm về chúng ta và về lời chúng ta nói, việc chúng ta làm. Chính vì sự tò mò này mà cánh cửa mở ra để chúng ta có thể chia sẻ với những người khác về niềm tin đang hướng dẫn và nuôi sống chúng ta. Như thánh Phêrô viết trong thư thứ nhất chương 3 câu 15, “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn người là Chúa ngự trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” Thánh Gioan đã thu hút đám đông và đã không ngần ngại nói cho họ biết lý do về niềm hy vọng của ngài. Niềm hy vọng đó chính là Đức Giêsu Kitô.


Dấu Chứng Sám Hối

Gioan đã cảnh báo cho những người Pha-ri-siêu và Sad-du-cê: “Hãy sinh trái tốt để làm dấu chứng cho sự sám hối.” Lý do là vì những người thuộc hai nhóm này đến lãnh phép rửa chỉ là để thu góp thêm một cảm nghiệm tôn giáo để có thể nói là ‘chúng tôi cũng đã lãnh nhận phép rửa.’ Gioan không ngăn cản họ chịu phép rửa nhưng cảnh báo là phép rửa cần phải được đem thực hành trong cuộc sống. Nếu họ không sống và thực hành sám hối thì nghi thức của phép rửa không giúp họ thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Phép rửa là khởi đầu cho đời sống của người Kitô hữu giống như nghi thức lễ cưới đối với đời sống hôn nhân. Sau khi nghi thức đã được cử hành xong, thì theo sau là những thử thách trong cuộc sống hằng ngày. Những người Pha-ri-siêu và Sad-du-ce biết hoa trái gì Thiên Chúa muốn nơi họ vì các tiên tri đã nói về chủ đề này (Hosê 9:16, Is 27:6, Jer 12:2, 17 và Ez 17:8-9, 23). Là môn đệ, chúng ta cũng có thể bị rơi vào cám dỗ chỉ thu góp những cảm nghiệm tôn giáo, và nếu những cảm nghiệm tôn giáo đó không đem lại hoa trái tốt trong cuộc sống thì chúng ta cũng lầm lẫn như những người Pha-ri-siêu và Sa-du-ce, không nối kết các hoạt động tôn giáo với đời sống xẩy ra, theo như lời thánh Giacôbê, khi chúng ta gặp những người có nhu cầu và chỉ nói, “Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn” và chẳng làm gì khác để giúp đỡ họ. Khi chúng ta đi lễ ngày Chúa Nhật vì đó là ngày Chúa Nhật mà không để cho việc thờ phượng hướng dẫn chúng ta sống những ngày khác trong tuần, hay khi chúng ta xưng tội mà không thực lòng sám hối thì cũng là không nối kết hoạt động tôn giáo với đời sống. Tất cả mọi sinh hoạt tôn giáo và ý tốt của chúng ta thực chẳng có nghĩa nếu chúng không giúp chúng ta thay đổi để sống tốt hơn. Đó chính là cái làm nên sự khác biệt giữa tôn giáo như một phương tiện giải trí hay tôn giáo như cảm nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa làm thay đổi cuộc sống.

Gioan nói với dân chúng là họ không nên dựa vào những việc làm bề ngoài của đức tin. Cách riêng khi ông nói với những người Pha-ri-siêu và Sa-du-ce, “Đừng tự nghĩ rằng ‘chúng tôi có Abraham là tổ phụ.” Gioan biết thời đó nhiều người nghĩ họ thừa hưởng đặc ân trước nhan Chúa chỉ vì họ là con cháu của Abraham. Thông điệp này là cảnh giác cho các môn đệ của mọi thời đại và nhắc cho chúng ta biết không ai được ỷ nại vào tình thương xót của Chúa hay đặc ân chỉ vì họ có liên hệ với một nhân vật tôn giáo hay trong một đoàn thể tôn giáo. Đúng hơn, mỗi người cần phải quyết tâm thay đổi cuộc sống của mình để dấn thân bước theo Chúa Giêsu. Không ai có thể làm điều này thay cho chúng ta. Gương sáng của người khác có thể lôi cuốn chúng ta tới việc dấn thân này và khuyến khích chúng ta, nhưng gương sáng của người khác không thể thay thế cho hành động dấn thân của riêng chúng ta. Nói về gương sáng của người khác mà không sống noi theo gương sáng đó thì vẫn vô gía trị trước mặt Thiên Chúa. Đời sống gương mẫu của cha mẹ, của những người thân, của các bạn hữu, hay của những người giáo dân khác không phải là đời sống của chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta đi theo Ngài và không tự thoái thác cho mình vì lý do đã có người khác làm thay. Đôi khi có những người tự bào chữa nói là “nhà tôi đi nhà thờ, hay đóng góp làm việc nhiều ở nhà thờ đại diện thay cho tôi rồi, nên tôi không cần làm nữa.” Những người Pha-ri-siêu và Sa-du-ce muốn là con cháu của Abraham thì họ phải học theo gương trung tín của Abraham và tình yêu hy sinh dâng hiến của ông đối với Thiên Chúa trong đời sống thì mới xứng đáng.

Chúa Giêsu tuyên bố rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, "Lạy Chúa, lạy Chúa!", là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. "Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn." (Mt 7:21-27).

L. M. J. Trần Đình Khả
114.864864865135.135135135250