22/12/2019 -

Cầu nguyện

490
Chúa Nhật IV Mùa Vọng năm A (Lm John Trần Khả)
Chúa Nhật Thứ IV Mùa Vọng
(Matthêu 1,18-24)
Công Lý và Tình Thương

Giuse người công chính sẵn lòng bỏ ý định riêng của mình khi nhận được ý của Thiên Chúa tỏ cho biết trong giấc mơ.

Tháng 9 năm 2018, Nữ cảnh sát Amber Guyer của thành phố Dallas đã lầm bắn chết một người đàn ông tên là Botham Jean. Cô bị đưa ra tòa và phải trả lời nhiều câu hỏi từ công tố viện. Amber nói cô không biết gì về Botham Jean, người hàng xóm đã thiệt mạng vì hai phát súng nghiệt ngã của cô đêm ấy. Botham ở lầu số 3, trong căn phòng ngay bên dưới phòng của cô ở lầu 4. Anh là nhân viên kế toán của một công ty tài chánh, một thanh niên hiền lành và tốt bụng, hay giúp đỡ người khác. Công tố viên muốn cô diễn lại trình tự mọi chuyện xảy ra vào hôm ấy và phóng ra liên tiếp những câu hỏi như không để cô có thì giờ đắn đo suy nghĩ.

“Chuyện gì làm cô không tỉnh táo hôm ấy?”
“Tôi không rõ. Có thể tôi đã làm việc quá sức. Tôi đã làm hơn 14 tiếng thế cho người bạn nghỉ bệnh.”

“Còn gì nữa?”
“Tôi về muộn, khá mệt mỏi sau một ngày dài. Tôi vừa đi vừa text message với người bạn cùng sở nên không nhận ra mình đang ở lầu 3 chứ không phải lầu 4.”

“Mỗi phòng đều có tấm biển ghi số phòng gắn trên cửa, cô không nhìn số phòng sao?”
“Không. Phòng tôi ở dãy bên phải, cạnh phòng cuối cùng của hành lang. Rất dễ nhận biết, tôi cứ đi thẳng tới đó.”


“Khi mở cửa phòng, cô không nhận ra đó không phải là phòng của cô sao?”
“Không. Đèn không đủ sáng. Cách trang trí nơi phòng khách khá giống với phòng tôi. Bộ sofa cũng như cùng một kiểu, một màu.”

“Cô nghĩ gì và phản ứng thế nào vào lúc ấy?”
“Một kẻ lạ nào đó đột nhập phòng mình. Tôi rút súng ra. Tôi cần phản ứng thật nhanh, nghề nghiệp dạy tôi như vậy.”

Công tố viên không hỏi tiếp. Phòng xử chìm trong im lặng vài phút.
“Cô nghĩ gì trong đầu khi nổ súng vào người đó?”


“Tôi sợ,” cô trả lời với giọng run run. “Tôi yêu cầu anh ta đứng yên và giơ tay lên đến mấy lần, nhưng anh ta bỗng hét lớn ‘Hey, hey, hey!’ như bị kích động và sấn về phía tôi. Tôi nghĩ anh ta sẽ giết mình. Tôi không còn cách nào. Bắn chậm thì chết.” Cô khóc nức lên…

Nhiều tiếng lào xào… Bà thẩm phán khẽ gật gù.

“Tôi thật qúa ngu! Tôi muốn được trừng phạt.” Cô nói trong nghẹn ngào.

“Cô nói tiếp đi, rồi sao nữa? Mọi người vẫn đang nghe cô.” Thẩm phán lên tiếng.

“Tôi thấy mình thật xấu và kinh tởm.” Cô khẽ nói và cúi gầm mặt. “Tôi ghét tôi mỗi ngày. Tôi sẽ không bao giờ tìm được một ngày bình yên trong phần đời còn lại.”

Nhiều người đòi công lý. Cô phải tù chung thân. Công tố viện đề nghị bản án 28 năm tù giam. Sau nhiều giờ nghị án của bồi thẩm đoàn, cô nhận phán quyết chung thẩm là 10 năm tù giam. Những nguời thân trong gia đình nạn nhân được phép lên tiếng. Mẹ của Botham Jean, chỉ sụt sùi, không nói được gì nhiều. Ông bố, lắc đầu không muốn lên tiếng. Mọi người hướng về người em trai của Jean là Brandt. Người thanh niên 18 tuổi, ăn mặc chỉnh tề, khuôn mặt có nét từa tựa người anh. Brandt nói:

“Tôi không ghét chị, cho dù chị đã làm chúng tôi phải xa lìa anh tôi.” Sau ít giây im lặng. Anh nhìn cô rồi chậm rãi nói. “Tôi thực lòng muốn điều tốt cho chị, không muốn chị phải vào tù một ngày nào. Và tôi tin là Botham, anh tôi, cũng muốn như vậy. Tôi hiểu anh của tôi hơn ai hết. Anh ấy rất mau quên và dễ tha thứ, anh ấy không muốn chị phải vào tù đâu. Anh ấy chẳng oán ghét ai bao giờ, và cũng chẳng muốn làm ai buồn khổ. Những gì tôi nói ra đây là những điều tôi học được từ anh ấy. Nếu như anh ấy có ở đây thì anh ấy cũng sẽ nói giống như tôi vậy. Việc đã rồi, chị đâu có muốn như thế, phải không? Chẳng ai muốn như thế cả.” “Anh ấy chắc chắn tha thứ cho chị. Chị cũng cần tha thứ cho chị . . .” nói rồi, Brandt xin thẩm phán để anh mở vòng tay trao cho Amber Guyer một cái ôm tha thứ sau khi tòa xử công lý đã xong (The Dallas Morning News, 2/10/2019). Thật bao dung và đáng ngưỡng mộ.


Công Lý Nghiêm Khắc - Tình Thương Bao Dung

Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta về một chàng thanh niên tên là Giuse. Giuse đang trong tình trạng nan giải không biết phải xử sự ra sao. Kinh thánh nói ông là người công chính. Điều này có nghĩa Giuse là người nghiêm chỉnh tuân giữ lề luật. Tuy nhiên xét theo Đệ Nhị Luât thì hệ lụy rất nghiêm khắc đối với các phụ nữ trong hoàn cảnh như của Maria, mang thai mà cha của đứa bé lại không phải là người chồng đã đính hôn. Nhẹ nhất thì người phụ nữ đó cũng phải bị sửa phạt công khai, và nặng hơn là bị ném đá chết vì làm ô danh gia đình. Dù là người nghiêm chỉnh tuân giữ lề luật, Giuse lại không nghiêm khắc muốn một người khác như Maria phải chịu hình phạt tàn nhẫn như thế. Giuse phải quyết định xem có nên nghiêm khắc tuân thủ đúng hình thức của lề luật là tố cáo Maria cho ra chuyện theo công lý hay hành động theo sự hướng dẫn của lòng thương xót bao dung và cảm thông. Đây cũng là vấn đề mà Chúa Giêsu đề cập đến rất rõ trong Tin Mừng Mat-thêu khi Ngài dạy về luật cao trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Mọi cái khác đều phụ thuộc vào giới luật cao trọng này. Kitô giáo không phải là tôn giáo áp dụng lề luật cách mù quáng. Trái lại chúng ta luôn cần biết nghĩ đến sự thật là cách hành động và quyết định của chúng ta có ảnh hưởng đến đời sống của những người khác ra sao và chúng được hướng dẫn bởi các nguyên tắc của lòng trắc ẩn và tình thương bao dung trung tín và chính đáng thế nào. Vì lề luật được ban ra cho con người chứ không phải là con người bị lệ thuộc vào lề luật (Mc 2:27). Chúa Giêsu dạy chúng ta tình yêu thương là yếu tố giải thích cho tất cả lề luật khi Ngài nói:

"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính (Mt 5:43-46).

Giuse đã sẵn sàng dám hành động theo tiêu chuẩn cao hơn sự công chính của lề luật; ngài sẵn sàng dám làm theo tiêu chuẩn của tình thương xót cho dù đó là việc không theo chỉ thị của lề luật. Ngay cả lúc ngài cảm thấy có đau đớn, có tức giận, bối rối, và bị phản bội, Giuse vẫn sáng suốt nghĩ đến Maria và không muốn gây bất cứ khổ đau hay thương tổn nào khác cho cô. Như lời thánh Gioan Kim Khẩu, “Giuse quyết tâm lúc này hành động theo qui tắc cao hơn là dừng lại ở lề luật, vì lúc này là lúc xuất hiện của ơn thánh; thật là điều đúng để những dấu chỉ về tinh thần công dân đáng ca ngợi ấy được bày tỏ ra.” (John  Chrysostom, “The Gospel of Mathew: Homily 4.4 In Ancient Christian Commentary on Scripture).


Anh Hùng – Thánh Thiện

Dù Giuse nghĩ là đã rất anh hùng khi chọn hành động theo thúc dục của tình thương để ứng xử với Maria, nhưng thực tế thì Thiên Chúa còn có ý định và chương trình cao cả hơn. Thiên Chúa muốn Giuse tham dự vào chương trình của Ngài đối với thế giới và tạo một mái ấm cho Chúa Giêsu. Đó là sứ vụ mà Giuse chẳng bao giờ dám nghĩ đến. Chính Chúa phải mạc khải cho thì Giuse mới biết được. Chương trình của Thiên Chúa là mời gọi Giuse vượt lên cao hơn một hành động chỉ đơn thuần là anh hùng để trở nên một người hành động theo tinh thần anh hùng và thánh thiện. Việc hiểu ý của Thiên Chúa như thế được bày tỏ ra trong giấc mơ. Thiên Chúa tiếp tục dùng khả năng suy tưởng của chúng ta như điểm chốt để chúng ta được gợi hứng nhận ra ý của Chúa. Chúng ta có thể chọn chú tâm đến suy tưởng của mình về những hình ảnh như, trả thù, ăn thua đủ, than thân trách phận, hay cạnh tranh dành chiến thắng, hoặc cách nào khác để giải quyết những khó khăn thử thách chúng ta gặp trong cuộc sống. Chúng ta cũng có thể chọn chú tâm đến suy tưởng của chúng ta về điều Chúa Giêsu muốn làm trong những tình huống tương tự như của chúng ta. Một người không cần phải là Kitô hữu để hành động cách anh hùng, nhưng các Kitô hữu được mời gọi để hành động gồm cả anh hùng và cả thánh thiện nữa. Là môn đệ, chúng ta được mời gọi vượt lên trên những tiêu chuẩn cao cả của thế giới trần tục chung quanh chúng ta và làm chứng trong đời sống bằng chính sự thánh thiện và tình yêu hiến tế của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là đòi hỏi chúng ta phải khá hơn nhiều chứ không phải chỉ sống làm một người tử tế. Khi chúng ta chọn dùng khả năng suy tưởng của mình như một phương thế để cầu nguyện, Chúa sẽ gợi hứng để chúng ta thấy cách chúng ta có thể thi hành ý Chúa không những chỉ là anh hùng nhưng còn là anh hùng trong thánh thiện. Thật diệu kỳ để có được chút tia sáng chiếu vào cách Thiên Chúa mời gọi chúng ta mỗi ngày. Khi chúng ta mở lòng và thành tâm xin Chúa gợi hứng để chúng ta có thể là khí cụ cho ơn cứu rỗi và ơn cứu chuộc trong thế giới, và rồi chúng ta hiến dâng cho Chúa chính đời mình để làm theo ý của Ngài. Chính đây là lúc mà Giuse bày tỏ một đức tính cao đẹp khác nơi ngài. Giuse không phải chỉ là một người mơ tưởng, nhưng ngài cũng là người hành động khi được gợi hứng. Tin Mừng nói với chúng ta rằng khi thức giấc, ngài đã đón nhận Maria về nhà của mình; ngài đã làm điều thiên thần truyền dạy. Suy tưởng về ý Thiên Chúa muốn thực hiện trong đời sống của chúng ta là một chuyện, để cho Thiên Chúa dùng chúng ta làm dụng cụ thi hành ý của Ngài lại hoàn toàn là một chuyện khác.

Cộng Tác Bày Tỏ

Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta chú tâm đến ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Giêsu đến. Một trong những cách Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta là sự bày tỏ bằng chính đời sống của các Kitô hữu cho thấy “Chúa ở cùng chúng ta” qua những hành vi cứu chữa yêu thương dành cho tha nhân. Thiên Chúa có thể hoàn tất ý của Ngài mà không cần đến chúng ta, nhưng tại sao Ngài lại muốn sự cộng tác của chúng ta trong chương trình của Ngài thì thật là điều đáng để chúng ta suy nghĩ.

Có thể là vì Thiên Chúa muốn cho chúng ta đặc ân và niềm vui mang sự hiện diện của Ngài đến với những người khác. Thiên Chúa vui khi để cho chúng ta là những người cộng tác. Sự cộng tác đó chỉ xẩy ra khi chúng ta thưa “vâng” đối với ý muốn của Thiên Chúa và để Thiên Chúa dùng cuộc sống của chúng ta bằng cách chúng ta tích cực làm theo ý Chúa với lòng quảng đại và tinh thần hăng hái. Một phần của hành trình Mùa Vọng là dẫn chúng ta đến điểm trung tín hàng phục này nhờ đó chúng ta có thể trở nên máng chuyển ơn đến cho những người khác. Đó cũng là điều mà đức Maria đã làm với lời thưa “xin vâng” của ngài, và đó là điều mà Giuse đã làm qua lời thưa “xin vâng” của ngài; và đó cũng là điều chúng ta có thể làm với lời “xin vâng” của chúng ta. Những người mau mắn thưa “xin vâng” để thi hành ý của Thiên Chúa có thể thay đổi thế giới. Thánh Catherine Siena đã giúp biếng đổi được nhiều Kitô hữu trong thế kỷ thứ XIV để họ trở nên những chứng ta anh hùng cho đức tin khi thánh nữ nói, “Nếu bạn trở nên người mà Thiên Chúa mong muốn nơi bạn, thì bạn sẽ làm nóng bỏng cả thế giới” (Letters of Catherine of Siena, Vol. 1-3). Trong phần cuối của Tin Mừng Mat-thêu, Chúa Giêsu hoàn tất sứ vụ của Ngài ở thế gian bằng lời hứa với các môn đệ là Ngài sẽ luôn ở với họ (Mt 28:20). Chúa có thể hứa với chúng ta như thế bởi vì sự hiện diện của Ngài nơi thế gian sẽ luôn được nhận biết qua đời sống của những người anh dũng sống đức tin bằng cách thưa “xin vâng” đối với ý của Thiên Chúa và dâng hiến bản thân của họ để làm việc cho Thiên Chúa.

Thánh Giuse là một nhân vật thật lý thú trong Tin Mừng. Chúng ta không được biết nhiều về ngài ngoài những gì chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng Mat-thêu. Đa số các chuyên gia Thánh Kinh nghĩ có lẽ Giuse đã chết trước khi Chúa Giêsu bắt đầu công khai rao giảng và điều đó giải thích tại sao đức Maria, Chúa Giêsu và gia đình được đề cập đến sau này trong Tin Mừng mà không nói đến thánh Giuse (Mt 12:46-50). Trong nhiều cách, Giuse là một nhân vật thầm kín nhưng quan trọng của Tin Mừng. Thiên Chúa cần thánh Giuse để có một gia đình nuôi dưỡng Chúa Giêsu, và một người chồng biết chăm sóc cho đức Maria. Điều này đòi phải là một người đàn ông với những đức tính trổi vượt sẵn lòng hiến dâng cuộc đời của mình cho sứ vụ như thế và thi hành sứ vụ đó trong khiêm tốn, lặng lẽ, tôn kính và hy sinh v.v. Giuse đã chăm chỉ làm việc mỗi ngày để nuôi dưỡng gia đình và ngài đã đồng ý nhận sứ vụ khi ngài thưa “xin vâng” với Thiên Chúa.

Bạn có thấy mình giống thánh Giuse ở điểm nào không?

L. M. J. Trần Đình Khả

 
114.864864865135.135135135250