04/05/2020 -

Cầu nguyện

513
Chúa Nhật IV Phục Sinh (Lm John Trần Đình Khả)
Chúa Nhật IV Phục Sinh
Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.
(Mời bấm vào đây để nghe)

Một nữ phóng viên nhà báo tìm đến phỏng vấn một người chăn chiên. Cô trông thấy người chăn chiên đang đứng trong ruộng cỏ trông chừng đàn chiên nửa đàn mầu trắng và nửa đàn mầu đen. Cô đến chào người chăn chiên và bắt đầu đặt câu hỏi: “Mỗi con chiên có thể cung cấp cho anh được bao nhiêu số lượng lông?” Người chăn chiên hỏi lại: “Cô muốn hỏi số lượng lông của chiên trắng hay lông của chiên đen?” Cô nhà báo trả lời: “Lông của chiên trắng.” Người chăn chiên trả lời: “Khoảng chừng 3 ký.” “Vậy còn các con chiên mầu đen thì bao nhiêu?” Cô nhà báo hỏi lại. Người chăn chiên trả lời: “Cũng khoảng chừng 3 ký.” Cô nhà báo hơi khó chịu với câu trả lời như ngớ ngẩn của người chăn chiên, nhưng tiếp tục phỏng vấn. “Vậy còn sữa chiên thì sao? Mỗi ngày nó cung cấp bao nhiêu sữa?” Người chăn chiên lại hỏi: “Cô muốn hỏi số sữa của chiên mầu trắng hay chiên mầu đen?” Cô phóng viên nói: “Con chiên mầu đen.” Người chăn chiên trả lời: “Mỗi ngày một con chiên mầu đen cung cấp khoảng 3 lit sữa.” “Vậy thì con chiên mầu trắng cho bao nhiêu sữa?” “Mỗi con chiên mầu trắng cũng cung cấp khoảng 3 lit sữa.”

Cô nhà báo tỏ ra khó chịu hơn, nghĩ không những chiên là loại không thông minh mà người chăn chiên cũng chẳng thông minh hơn gì chiên. Cô nhà báo hỏi lại: “Nếu chiên đen cũng như chiên trắng đều cung cấp cùng số lượng lông và sữa như nhau thì tại sao anh lại nói vòng vo câu truyện luộm thuộm ra như thê?” Người chăn chiên trả lời: “Những con chiên trắng là chiên của tôi.” Cô nhà báo hỏi tréo lại:“Vậy những con chiên mầu đen là của ai?” Người chăn chiên trả lời: “Những con chiên mầu đen cũng là của tôi.”


Đoàn Chiên

Các hình ảnh đàn chiên, cửa chuồng chiên, người chăn chiên, người gác cửa, tiếng người chăn chiên, và tiếng kẻ lạ mặt, tất cả là những hình ảnh quen thuộc, sống động và quan trọng được Chúa Giê-su đề cập đến trong Tin Mừng. Một điều quan trọng Chúa Giê-su nhấn mạnh đó là thuộc về đoàn chiên của Chúa. Thuộc về đoàn chiên của Chúa có nghĩa là sống trong tình liên kết đồng tình, đồng tâm và đồng nghiệp với Chúa, và được Chúa hướng dẫn, bao bọc, chở che. Đoàn chiên của Chúa ở trần gian là thành phần trong Giáo Hội; dấu chỉ những người thuộc về Giáo Hội Chúa Ki-tô là tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Do đó việc tin theo Chúa Giê-su và lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy là yếu tố quan trọng không thể thiếu để thuộc về đoàn chiên. Đây cũng là sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội và của mọi Ki-tô hữu. Một lời cầu nguyện quan trọng của tôi là xin Chúa làm cho tôi trở nên khí cụ để có thể tạo ảnh hưởng ít là cho một người nhận biết Chúa để họ tin theo Chúa và chịu phép rửa. Một số người nói, đạo nào cũng là đạo, cứ ăn ngay ở lành là được. Chúa Giê-su không đồng ý với quan điểm này. Nhưng trước khi về trời, Chúa đã truyền cho các môn đệ, “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” (Mc 16:15-16). Khi người Do Thái hỏi thánh Phê-rô “họ phải làm gì?” thì thánh Phê-rô chỉ dạy họ trước tiên là ăn năn sám hối, và mỗi người hãy lãnh nhận phép rửa nhân Danh Đức Giê-su Ki-tô để được tha tội.” Do đó, để thuộc về đoàn chiên của Chúa thì điều kiện căn bản là Tin Vào Chúa Ki-tô Phục Sinh và chị phép rửa để được tha tội. Chúa Giê-su là Cửa Chuồng Chiên, và chỉ những con chiên nào đi qua cửa chính của chuồng chiên này mới là chiên của Chúa.

Chúa Giê-su đặt Giáo Hội là người gác cửa chuồng chiên khi Ngài trao chìa khóa nước trời cho thánh Phê-rô, “Này anh Phê-rô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sễ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời; dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 16:18-19). Một số người hiểu lầm Giáo Hội giống như một tổ chức xã hội và mỗi người chúng ta là một hội viên giống như của một đoàn thể xã hội hơn là một cộng đoàn thiêng liêng. Giáo Hội trước hết và trên hết là một cộng đoàn được Chúa Giê-su thiết lập gồm những người Chúa gọi và chọn là những người thân cận riêng của Chúa. Cánh cửa của các ngôi thánh đường là biểu tượng cho “cửa chuồng chiên” mà các tín hữu bước qua để vào trong chuồng là nhà của Thiên Chúa. Điều này cũng ám chỉ đến cách mà các tín hữu chúng ta cần đối xử với nhau và thái độ cũng như tâm tình chúng ta cần nhận thức khi bước vào nhà thờ. Mỗi khi bước vào trong nhà thờ là chúng ta đón nhận và kết nghĩa với nhau, không phải là do tình cảm cá nhân hay do cùng chia sẻ xu hướng, hay sở thích nhưng là vì chúng ta cùng chia sẻ niềm tin nơi Chúa Giê-su Đấng đã gọi chúng ta vào đoàn chiên của Ngài. Đôi khi chúng ta không thích một vài con chiên trong đoàn, có con mầu trắng, có con mầu đen, có con đực con cái, con mập mạp béo tốt, con gầy còm ốm yếu, nhưng ta cũng như họ đều được Chúa gọi và chọn vào đoàn bởi cùng một tình thương của Ngài. Chúng ta là các con chiên không có quyền quyết định ai sẽ được chọn vào trong đoàn chiên của Chúa. Chúa là người chăn chiên và Chúa là người quyết định tuyển chọn ai thuộc đoàn chiên của Ngài. Trách nhiệm của chúng ta là đón nhận và chấp nhận nhau trong một đoàn chiên.


Quan Hệ với Người Chăn Chiên

Cách hiểu này về cộng đoàn Giáo Hội cũng là lý do chúng ta qui tụ lại để cử hành phụng vụ tôn thờ Thiên Chúa trong ngày Chúa Nhật. Chúng ta đến nhà thờ là đến với Đấng Chăn Chiên của chúng ta để nghe tiếng nói của Ngài, để được Ngài chăm sóc, che chở và hướng dẫn, để được cho ăn, được bồi dưỡng và được tăng sức trên cuộc hành trình của chúng ta. Nhưng khi chúng ta hiểu sai về những gì diễn ra ở nhà thờ, chúng ta có thể bị lôi cuốn bởi những dịch vụ hấp dẫn khác làm cho mình bị phân tâm lạc hướng. Thí dụ đôi khi chúng ta thích một số người của giáo xứ đó, thích cha xứ, hoặc là thích cách kiến trúc của ngôi thánh đường, hay thích vị trí tọa lạc của ngôi thánh đường, hoặc thích vài sinh hoạt trong giáo xứ. Những yếu tố này có thể là thích thú và dẫn chúng ta đến nhà thờ, nhưng đó không phải là lý do chúng ta trở nên con chiên trong Giáo Hội của Chúa; nó cũng không phải là sức mạnh giúp chúng ta trong lúc thử thách. Chỉ có tình yêu đối với Đấng Chăn Chiên và tình nghĩa thân thiết riêng với Ngài mới cho chúng ta sức mạnh trước mọi thử thách.

Chúa Giê-su cũng nói là các con chiên của Chúa thì nghe tiếng Chúa và đi theo Chúa. Nghe và đi theo Chúa có nghĩa là tích cực thi hành ý của Thiên Chúa trong cuộc sống ở thế gian chứ không chỉ thụ động trong lối sống đạo của mình. Việc Thiên Chúa gọi đích danh chúng ta là phía của Chúa. Việc chúng ta nghe tiếng gọi của Chúa và gia nhập đoàn là bước tiên khởi và đặc biệt, nhưng hiểu ra tiếng gọi đó và tiếng gọi của Chúa có ảnh hưởng thế nào trong đời sống của chúng ta là điều quan trọng. Ảnh hưởng từ tiếng gọi của Đấng Chăn Chiên khiến chúng ta tích cực tham gia vào sứ vụ của Ngài. Khi gặp khó khăn thử thách chúng ta thường dễ chạy đến với Chúa kêu xin giúp đỡ và che chở hoặc xin ơn soi sáng hướng dẫn biết việc phải làm cho đúng. Chúa Giê-su muốn chúng ta đến với Ngài khi cuộc sống an lành xuôi thuận cũng như lúc gặp thử thách khó khăn. Để sống như thế chúng ta cần biết lắng nghe tiếng của Ngài và đi theo sự dẫn dắt của Ngài trong mọi hoàn cảnh dễ dàng cũng như khó khăn. Chúa Giê-su chăm lo và săn sóc cho riêng từng người chúng ta là con chiên của Ngài. Ngài biết những chiến đấu, các cám dỗ, các thử thách và gánh nặng của mỗi người chúng ta. Chúa muốn chúng ta cầu nguyện cách riêng với Ngài và tin là Ngài hiểu chúng ta hơn chính chúng ta hiểu về hoàn cảnh của riêng mình.

Một yếu tố quan trọng khác trong thông điệp của Chúa hôm nay là lời cảnh báo về những kẻ gian, mang danh là người chăn chiên với mưu đồ dụ dỗ chiên rời xa Chúa Giê-su là Đấng Chăn Chiên chân thật. Những kẻ chăn chiên giả dùng đàn chiên để mưu tìm lợi ích riêng cho họ. Họ chăn chiên để thủ lợi cho mình. Ý đồ của những chăn chiên giả, theo lời cảnh báo của Chúa Giê-su là họ sẽ ăn trộm, giết chiên và phá hoại. Ở đời không thiếu những người muốn dùng người khác để thủ lợi cho cá nhân hay cho tổ chức của họ. Những kẻ chăn chiên trá hình đó muốn thay thế đóng vai Chúa Giê-su trong đời sống của chúng ta và họ muốn chúng ta sống xa Chúa và chối bỏ giáo huấn của Ngài. Chúa Giê-su nói rằng nếu chúng ta liên kết gần gũi và thân thiết với Ngài, chúng ta sẽ có thể nhận ra và phân biệt được tiếng nào là của Đấng Chăn Chiên chân thật và tiếng nào là của kẻ chăn chiên trá hình và chúng ta sẽ biết cách chống trả lại lời của những kẻ giả dối. Liên kết thân thiết với Chúa nghĩa là hiểu và sống đúng ý nghĩa về Giáo Hội và là người môn đệ trưởng thành biết lắng nghe và làm theo tiếng nói và lời dạy bảo của Thiên Chúa. Nó cũng có nghĩa là quen thuộc gần gũi thân cận với Đấng Chăn Chiên chân thật, biết về giáo huấn của Ngài, học theo các đức tính của Ngài, và cảm nhận được sự hiện diện của Ngài. Được như thế đòi chúng ta dành thời giờ trong cầu nguyện và học hỏi thêm.


Theo Gương Người Chăn Chiên

Kênh tin tức Vatican tường thuật chứng tích của một số linh mục và nữ tu phục vụ trong các bệnh viện ở nước Ý thật cảm kích trong thời gian chống chọi với bệnh dịch Covid-19 đang lây lan khắp thế giới.

Cha Giovanni Musazzi, linh mục thuộc Huynh đoàn Thánh Carlo, trong những ngày này đang làm tuyên úy trong một bệnh viện ở Milan. Cha kể lại việc mục vụ của cha cũng như làm chứng cho niềm hy vọng Kitô trong cuộc khủng hoảng do đại dịch:

Sự hiện diện là điểm khởi đầu để thiết lập một cuộc đối thoại, mối tương quan với các bác sĩ và bệnh nhân. Trên chiếc áo choàng trắng được sử dùng một lần, thỉnh thoảng tôi viết hàng chữ "linh mục" bằng bút dạ để cho mọi người có thể nhận biết. Tôi đến thăm bệnh nhân Covid. Đôi khi tôi chỉ có thể ban phép lành qua lớp kính. Nhưng cũng có nơi tôi được phép vào bên trong với sự bảo vệ cần thiết. Thời gian trôi qua thật nhanh.

Một phụ nữ bị viêm phổi, bà bắt đầu khóc khi nhìn thấy tôi, bà cho biết trong những ngày này không có ai đến thăm bà. Bạn cùng phòng với bà cũng là người Công giáo nhưng không sống đạo, qua những lời hỏi thăm bà biết tôi là một linh mục, đã xúc động và bật khóc.

Căn bệnh này có thể biến chứng nhanh chóng. Nhiều người muốn xưng tội. Tôi chỉ có thể dừng lại hai hoặc ba phút để hiệp thông và ban phép giải tội chung. Tôi không thể đến gần. Họ nói vất vả, nhưng rất vui khi thấy bóng một linh mục trong bệnh viện. Mặc dù tuyệt vọng, nhưng niềm hy vọng Kitô giáo được nhận thấy rất rõ ràng ở nơi đây. “Đau khổ có thể che khuất không thấy Thiên Chúa nhưng không loại bỏ Thiên Chúa”. Tôi cố gắng đón nhận nỗi đau của những người tôi gặp và cầu nguyện với họ. Con người đang tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho những đau khổ ở đời này. Có những người chỉ tìm thỏa mãn thú vui vật chất; họ ngồi trên ghế bành và điều khiển từ xa và khẳng định rằng nếu có đau khổ thì không có Chúa. Chúng tôi, trái lại, chúng tôi nhận thấy rằng càng có nhiều đau khổ, càng có nhiều người tìm kiếm Thiên Chúa; bởi vì họ cố gắng đi tìm ý nghĩa của đau khổ, của cuộc sống.

Khi chào đời, tất cả chúng ta đều khóc như cầu xin được cứu giúp. Một câu hỏi được đặt ra: Nhưng nếu tôi cầu nguyện, ai đến giúp tôi? Cách duy nhất chúng ta làm cho những người đang xin giúp đỡ hiểu rằng, sẽ có một người đến giải cứu. Chúng ta không quên rằng Thiên Chúa đã trở thành xác phàm: Chúa đến với bạn qua việc nhập thể. Mỗi chúng ta với giới hạn của mình có thể trở nên điều quyết định cho người khác. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, không nên đóng kín cõi lòng trong phòng thánh. Trong thời điểm khó khăn này, tất cả mọi người đều có nhu cầu cảm thấy được có ai đó ở kề bên.

Đối với các nhân viên y tế, tôi cùng với cha Mauro Carnelli, linh mục giáo phận cố gắng cộng tác với họ bao nhiêu có thể, họ đang làm việc rất vất vả. Tất cả vẫn đang hoạt động, không ngã quị. Mọi người đang làm việc ở mức 150%. Đối với họ, ngày lễ, ngày nghỉ là ảo tưởng. Mỗi ca làm việc 12 giờ. Mọi người làm việc tích cực bởi vì họ nhận ra rằng họ đang sống một giai đoạn ngoại thường. Thực tế hiện nay cho thấy, những người ích kỷ càng trở nên ích kỷ hơn và ai tốt trở nên tốt hơn. Trong Khó khăn, tôi chứng kiến mẫu gương về một điều tốt lây nhiễm: mọi người thay đổi.

Mỗi ngày, khi gặp họ đều có người nói với tôi "Xin cha hãy đến, chúng tôi cần cha". Tôi không làm những điều ngoại thường. Tôi cũng phải đợi bốn mươi phút ở cửa để đơn giản hỏi xem họ có nghỉ ngơi vào ban đêm không. Có lẽ chẳng có ai hỏi anh ta... Hơn nữa, những người làm việc "trong khu vực quan trọng" thường sống tách biệt với gia đình.

"Cha có thời gian cho tôi rước lễ không?" Là câu hỏi nhiều nhất người bệnh dành cho tôi. Các thánh lễ trong nhà nguyện nhỏ bị đình chỉ. Từ 8 đến 9 giờ và từ 11 giờ 30 đến 12 giờ30, tôi chủ sự chầu Thánh Thể. Đây trở thành một điểm quy chiếu cho mọi người: ai đi ngang qua đều biết rằng có Thánh Thể. Họ đến, cầu nguyện và đi ra. Cách đây không lâu, trong một hành lang, tôi đã gặp một y tá phòng trị ung thư ở khu vực bị ô nhiễm, y tá đưa cho tôi một số lời khuyên về khẩu trang và nhìn tôi khuyến khích "Cha cứ đến, vì họ chết cô đơn".

Trong một quảng trường, tôi cử hành nghi thức an táng chỉ với quan tài, mọi người đang phải cách ly. Các nhân viên dịch vụ tang lễ chụp một bức ảnh để lại ít nhất một ký ức cho người thân. Đó là điều duy nhất chúng tôi có thể làm cho họ. Trước nỗi đau, tôi không thể nói với bạn rằng Chúa yêu bạn. Tôi phải nói rằng: Tôi yêu bạn và sẵn sàng chia sẻ một chút thời gian với bạn. Đây là tâm tình của một linh mục nghe được tiếng của Đấng Chăn Chiên và đang quan tâm săn sóc cho những con chiên khác cùng đàn.

 Xin thân ái chào toàn thể quí vị và nguyện xin Chúa ban ơn soi sáng để đoàn chiên của Chúa mỗi ngày một tăng thêm số người gia nhập tin nhận Chúa Giê-su là Vị Mục Tử nhân lành của họ, và cho chúng ta trở nên những con chiên biết thương yêu bao bọc lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
LM John Trần Đình Khả
114.864864865135.135135135250