29/04/2017 -

Cầu nguyện

455
Đấng Cứu Thế

Đấng Cứu Thế

Mời bấm vào đây để nghe

Sau khi thanh tẩy đền thờ, làm những phép lạ ở Giêrusalem, và nói với Nicođêmô là Ngài đến để chết cho những người bị cắn bởi con rắn tội lỗi, rồi Ngài rời Giêrusalem, nơi đã chối bỏ Ngài, và đi về “Galilêa vùng dân ngoại.” Ngài phải đi qua miền Samaria (Gio 4:4).

Giữa hai miền Giuđêa và Galilêa là một giải đất vùng thôn quê nơi chung sống xen kẽ với những người dân ngoại Samaria. Giữa họ và người Do thái đã có truyền thống phân rẽ từ lâu. Người Samaria thuộc giòng giống lai được kết lại từ những thế kỷ trước trong thời dân Israen sống lưu đầy. Những người Assyria cũng có người của họ đến sống chung ở vùng đó, bởi thế đã tạo nên một giống người mới. Những người Samaria đến đợt đầu tiên đã mang theo thần của họ, nhưng sau này, lại mang đến một loại đạo Do thái không theo truyền thống. Những người Samaria này nhìn nhận năm cuốn sách của Maisen và một số sách Tiên Tri; nhưng tất cả những cuốn có tính sử lược đều bị loại bỏ vì các cuốn sách đó ghi lại những câu truyện của người Do thái mà họ khinh miệt. Họ thờ phụng ở đền thờ trên núi Garizim.

Có sự khinh miệt đến nỗi không người Do thái nào muốn nhắc đến từ ngữ “Samarita” trên môi miệng của họ. Cách xúc phạm nhất một người Do Thái có thể nói với một người nào đó là qui cho họ là người Samarita. Nhưng sau này, trong câu truyện về người Samarita nhân hậu, Chúa Giêsu đã giới thiệu chính Ngài như một người Samarita ám chỉ sự xỉ nhục khinh chê đối với Ngài khi Ngài đến trần gian.

Chúa không xa tránh những người này. Đấng tạo dựng nên mọi sự trên thế gian cần vượt qua cái vũng xa cách của con người trên đường tiến về ngai tòa ở trời cao. Tình yêu thương cao cả đòi buộc Ngài như thế. Thời điểm không còn xa, và Chúa thấy “mỏi mệt trong cuộc hành trình”; và Ngài đến ngồi bên bờ giếng Giacóp. Nhưng bên cạnh cái mỏi mệt của thân xác, thì cũng có cái sức mạnh vô biên, và Ngài đã đọc được lòng của người phụ nữ Samaria. Đức Kitô đã mỏi mệt trong công việc chứ Ngài không mỏi mệt với công việc. Hai người đặc biệt nhất mà Chúa đã cải hóa, người đàn bà xứ Syro-Phoenician và người phụ nữ này, cả hai trường hợp đều xẩy ra lúc Chúa đang mệt mỏi cần nghỉ ngơi. Dường như khi Ngài đang cần nghỉ ngơi đôi chút trong lúc làm công việc của Cha thì lại là lúc có hiệu qủa nhất. Con tim quảng đại luôn luôn tạo được nhiều cơ hội của nó. Ngài gặp Người phụ nữ Samaria đến kín nước (Gio. 4:7).  

Thường thì một người phụ nữ Đông Phương không đi lấy nước vào lúc buổi trưa trời nắng và nóng bức như thế. Bình thường thì chẳng có gì lạ trong việc một người phụ nữ mang vò đi ra giếng lấy nước; tuy nhiên, chính ở cái việc bình thường trong sự quan phòng hàng ngày của Thiên Chúa như thế lại giúp mở khóa bí mật nơi một tâm hồn. Bà đã không biết mối lợi lớn lao bất ngờ đang chờ ở đó. Ngài đã đến đó trước. Như I-sa-i-a đã viết:

Những kẻ không hỏi Ta thì Ta đã cho gặp. Những kẻ không tìm Ta, Ta đã xuất hiện cho chúng thấy (Is 65:1).

Chúa đã trông thấy ông Gia-kiêu chứ không phải là Gia-kiêu đã thấy Chúa; cũng vậy, Phao-lô đã được Chúa tìm ông khi ông không đi tìm Chúa. Lực thu hút của Thiên Chúa được Chúa nhấn mạnh sau này:

Không ai đến được với Ta ngoài ra khi họ được lôi kéo đến bởi Cha, Đấng đã sai Ta (Gio 6:44).

Khi người phụ nữ đó đã đổ đầy nước vào bình, bà tìm cách né tránh không đối diện với Chúa, vì bà nhận ra nơi Ngài có những nét của một người Do Thái mà người Samaria không có. Nhưng không ngờ là người lạ ở bên cạnh giếng nước lại lên tiếng với lời yêu cầu, Cho tôi xin uống miếng nước (Gio 4:7).

Bất cứ khi nào Chúa muốn điều gì, Ngài luôn luôn lên tiếng ngỏ ý trước. Ngài không bắt đầu bằng lời khiển trách nhưng bằng một lời xin. Câu nói đầu tiên là “cho!” Cần phải có sự bỏ đi cái gì đó thuộc nơi con người để được đổ vào với cái gì thuộc về Thiên Chúa. Nước, là cái mà người phụ nữ đó đang quan tâm đến nhất lúc đó, đã trở nên cái mẫu số chung giữa vô tội và tội nhân.

Cái gì! Sao lạ thế! Ông là một người Do Thái, sao lại xin tôi, một người đàn bà Samaria, cho ông nước uống? (Gio 4:9).

Trong cuộc đối thoại dài giữa hai người, đã có một tiến trình về tinh thần mà kết qủa là người phụ nữ đó đã biết về Đức Kitô, Đấng Cứu Thế. Thoạt đầu thì đó chỉ là một sự nhận biết thiếu trọn vẹn về Chúa. Ngài chỉ như là một người do Thái khác biệt giống nòi. Câu trả lời mà Chúa có hàm ý rằng Ngài thực sự không phải là người nhận nhưng là người cho. Người phụ nữ đã lầm lẫn nghĩ Ngài là người cần được giúp đỡ, khi trong thực tế thì chính bà mới là người cần đến Ngài.

"Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống."(Gio 4:10-11).

Ngài đã đặt chính Ngài ở dạng là nước, như sau này, khi người ta xin bánh ăn, Ngài đã nói chính Ngài là bánh. Cho dù Ngài nói về mình là qùa  tặng của Thiên Chúa, người phụ nữ đã chỉ thấy Ngài như một người Do Thái bộ hành mỏi mệt. Mắt bà đã không thể nhìn xa hơn cái vỏ bên ngoài để thấy Thiên Tính chiếu sáng bên trong. Bà đã nhìn thấy một người Do Thái, nhưng không thấy Người Con của Thiên Chúa; thấy một người đàn ông mỏi mệt, nhưng không thấy chỗ nghỉ ngơi của những tâm hồn mỏi mệt; thấy cái khát của một người bộ hành, nhưng không thấy Đấng có thể giải cái khát của cả thế giới. Hình phạt cho những người sống qúa gần gũi với xác thịt là không bao giờ họ hiểu được những gì thuộc tinh thần. Nhưng người phụ nữ này tiến từ từ đến lòng tôn kính Ngài khi bà nói:

"Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông to lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy?” (Gio 4:11,12).

Đến lúc này Ngài không còn được coi như là một người “Do Thái” nữa, nhưng như là một người “đàn ông.” Người phụ nữ bắt đầu đặt dấu hỏi, cho dù bà không thể hiểu lời Ngài, một người Do Thái, đã có một số lời nhục mạ đến những truyền thống phong tục của dân bà. Ông ta đã nói là ông còn hơn cả Giacop:

Đức Giê-su trả lời: "Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời. (Gio 4:13,14).

Đây là triết lý của Ngài về sự sống. Tất cả những cái thỏa mãn cho khát vọng của thân xác và linh hồn vẫn còn thiếu; chúng không thể làm no thỏa mãi mãi. Chúng chỉ tạm thời làm chết cái ước vọng hiện tại; nhưng chúng không bao giờ làm thỏa hết lòng ước muốn. Ước muốn sẽ lại xuất hiện. Nước mà thế gian ban cho sẽ quay trở lại đòi nữa; nhưng nước hằng sống Ngài ban sẽ là nước tuôn chảy siêu nhiên, và phun thẳng lên tới trời cao.

Chúa Giêsu đã không có ý thay những cái giếng nước trần thế mà không cống hiến một cái gì khác tốt hơn. Ngài cũng không lên án những giòng suối hoặc ngăn chặn chúng; Ngài chỉ đơn giản nói là nếu bà chỉ tự giới hạn mình nơi những cái giếng nước hạnh phúc nhân loại thì bà sẽ chẳng bao giờ được hoàn toàn toại nguyện.

Người phụ nữ này đã không thể hiểu ý nghĩa ân sủng hay sức mạnh của trời cao qua sự sánh ví của nước với thân xác; vì từ lâu bà đã tìm sự giải khát từ những vũng bùn nhơ của xác hèn. Bà nói:

Thưa ông, xin hãy cho tôi nước đó, để tôi không còn khát nữa và khỏi phải đến đây lấy nước (Gio 4:15).

Với bà, lúc này Ngài không chỉ còn là một “người Do Thái” hay “một người” khác biệt nhưng là “Ông.” Sự bối rối vẫn còn ở trong tâm trí của bà, bởi vì bà nghĩ là điều Ngài hứa là làm cho bà không còn cần phải đi đến giếng nữa. Chúa đã nói đến đỉnh cao của ý nghĩa thiêng liêng, còn bà lại ở nơi đáy vực thẳm hiểu biết của cảm xúc. Các cửa sổ của linh hồn bà chất đầy bụi nhơ của tội lỗi đến nỗi bà không thể thấy ý nghĩa tinh thần trong vũ trụ vật chất.

Thấy bà không hiểu bài học tinh thần, Chúa liền cho bà biết tại sao bà đã không hiểu ý Ngài: Đời sống của bà đã không có đạo đức luân lý. Ngài đã đi vào tận lương tâm khiến cho bà thức tỉnh đột ngột:

“Hãy về, mời chồng bà cùng quay trở lại đây.” (Gio 4:16).

Ngài có ý đưa bà ra khỏi cái cảm thức hổ thẹn tội lỗi. “Hãy đi… và quay trở lại… Hãy đi và đối diện với sự thật về cuộc đời của bà; rồi đến để nhận lấy nước sự sống.”

Bà đã trả lời, “Tôi không có chồng.” (Gio 4:17).

Đây là lời xưng thú chân thật; nhưng không đủ. Bà đã xin được nước hằng sống, nhưng lại không biết rằng giếng đó cần phải trước tiên là được đào bới. Nơi thẳm sâu tinh thần của bà có khả năng đón nhận ân huệ của Ngài; nhưng nước ân sủng không thể tuôn chảy bởi vì những tảng đá cứng của tội lỗi, nhiều tầng lớp của các lầm lỗi chồng chất, nhiều thói hư như thạch cao bao bọc, và muôn vàn tư tưởng xấu xa ứ đọng. Tất cả những thứ này phải được đào bới bỏ đi trước khi bà có được nước hằng sống. Tội cần phải được xưng thú trước khi có ơn cứu chuộc. Lương tâm cần phải được đánh thức. Với tài khéo léo điêu luyện, Chúa đã vạch trần tất cả tài sản phóng đãng của đời bà, và như ánh chớp lóe sáng, gợi lên sự nhận thức tội lỗi từ lương tâm của bà.

Chúa trả lời: “Bà nói đúng, bà không có chồng. (Gio 4:18).

Ngài đã khen sự thành thật của bà. Một lương y không điêu luyện đối với các linh hồn rất có thể sẽ quở trách bà đã che dấu sự thật. Chúa của chúng ta lại làm khác, Ngài cổ động sự thành thật của bà, “Đúng thế.” Nhưng Ngài nói thêm, Bà đã có năm đời chồng, và người mà bà đang chung sống không phải là chồng của bà; bà đã nói thật với tôi như thế(Gio 4:18).

Người đàn ông mà bà đang chung sống không phải là chồng của bà; bà đã ngã sâu trong sự sa đọa đến nỗi không còn quan tâm đến luật pháp của hôn nhân mà bà đã từng tuân thủ như những lần trước.

Người phụ nữ này cảm thấy như Chúa đang “xen” vào chuyện đời tư của người khác. Ngài đang can thiệp vào gía trị  luân lý và cách hành xử của bà và cho rằng bà không thể tiếp nhận được qùa tặng của Ngài bởi vì cách ăn nết ở của bà. Bà liền phản ứng như hàng triệu người khác đã từng làm khi tôn gíao đòi hỏi một sự cải hối trong lối sống: Bà xoay qua chuyện khác. Bà sẵn sàng dùng tôn gíao như một vấn đề để bàn thảo, nhưng không muốn nó là vấn để phải quyết định chọn lựa. Chúa đã đưa việc bàn thảo đến vấn đề quyết định đạo đức luân lý; đó là kiểm xét cách hành xử của bà trước nhan Thiên Chúa và lương tâm của chính bà. Để tránh đối diện với vấn đề đạo đức luân lý, bà đã nhanh trí khen nịnh Ngài bằng cách nói: Tôi có thể công nhận ông thực là một tiên tri (Gio 4:19).

Bà đã tránh né đề tài “đạo đức tín ngưỡng” để đi vào lãnh vực hoàn toàn trí tuệ để nó không còn đả động đến vấn đề đạo đức luân lý nơi bà. Bà nói: Cha ông chúng tôi thờ phượng trên núi này, nhưng những người Do Thái các ông lại nói là đền thờ, nơi Thiên Chúa được tôn thờ phải là ở Giêrusalem (Gio 4:20).

Bà đã làm một bước ngoặt để tránh né. Bà đã cố kéo ngang cái ranh giới vạch đỏ bằng cách đưa ra vấn để tranh cãi truyền thống tôn giáo. Những người Do Thái thờ phượng ở Giêrusalem; những người Samaria thờ phượng trên núi Garizim. Bà đã tìm cách tránh né cái mũi tên đang nhắm vào lương tâm của bà bằng cách nêu vấn đề tranh luận trên lý thuyết. Điều này làm cho tâm hồn của bà không phải nghĩ đến cái tình trạng xấu xa của nó:

Đức Giê-su phán: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. (Gio 4:21-24).

Chúa nói với bà vấn đề tranh cãi nhỏ nhen đó sẽ chẳng còn bao lâu nữa. Chủ trương khác biệt giữa Giêrusalem và Samaria sẽ bị dẹp bỏ; vì như Simêon đã tiên báo, Ngài sẽ là Ánh sáng của Dân ngoại. Ngài đồng quan điểm của người Do thái bằng việc nhìn nhận:

Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. (Gio 4:22).

Đúng vậy, Đấng Messiah, Con Thiên Chúa và vị Cứu Tinh, đến từ người Do thái chứ không phải từ người Samaria. “Ơn cứu chuộc” đồng nghĩa với Đấng Cứu Thế, ông Simêon, khi bồng ẵm Hài Nhi, đã công bố là mắt ông đã nhìn thấy “ơn cứu chuộc.” Is-ra-en là máng chuyển ơn cứu độ của Thiên Chúa đến với thế giới. Đó là cây đã được vun tưới qua nhiều thế kỷ, và bây giờ mang lại bông hoa viên mãn là: Đấng Messiah và Vị Cứu Tinh.

Lời của Chúa đã đưa người đàn bà tội lỗi nghèo hèn này đến chỗ nước sâu hơn là bà có thể tới, và chuyển bà đến biên cương của chân lý vĩ đại hơn là bà có thể hiểu được. Nhưng một điều mà Ngài đã nói, đó là thời điểm mà việc thờ phượng chân thật đối với Chúa Cha, bà mới chỉ hơi mường tượng ra được, vì người Samaria đã có chút niềm tin về Đấng Messiah. Bà trả lời.

Người phụ nữ thưa: "Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự."(Gio 4:25).

Bà chưa gọi Ngài là Đấng Messiah nhưng trong chốc lát bà sẽ nhìn nhận Ngài. Những người Samaria có sự nhận biết đủ nơi Cựu ước là Thiên Chúa sẽ sai Đấng Được Xức Dầu đến; nhưng trong bối cảnh tín ngưỡng sai lạc của họ, Ngài chỉ được coi như một vị tiên tri giống như quan niệm của Người Do Thái trong sự nhầm lạc coi ngài như một ông Vua trong lãnh vực chính trị trần thế. Nhưng lời tuyên bố của bà mạnh mẽ nhìn nhận là bà trông đợi Đấng được Thiên Chúa hứa ban. Trả lời cho niềm tin yếu ớt của bà, Chúa nói: "Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây." (Gio 4:26).

Vấn đề được giải quyết; Việc tôn thờ không còn phải là ở Giêrusalem hay trên núi Garizim nữa, nhưng là ở nơi chính Đức Kitô.

Ngay lúc đó thì các môn đệ từ phố trở về, và người phụ nữ rời khỏi giếng nước. Nhưng trong tinh thần phấn khởi bà đã bỏ cái bình nước lại đó. Nước thì lúc nào lấy cũng được. Bà đã vội vã chạy về trong phố và nói với mọi người:  "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao? " (Gio 4:29).

Ở đây một tước hiệu mới đã được dùng để nói về Chúa. Bây giờ thì Ngài là Đức Kitô. Bà bắt đầu với lời mời ép người nghe. Bà không nói là Ngài đã nói với bà tất cả những điều thuộc về việc thờ kính Thiên Chúa; nhưng tất cả những điều mà bà đã từng làm, ngay cả những điều sai trái mà bà muốn che dấu đi. Mặt trời mọc không còn che dấu ánh sáng. Lửa tỏa hơi nóng ngay khi bừng cháy; ơn thánh hoạt động ngay nơi tâm hồn biết phục thiện. Bà đã ngay tức khắc trở nên như những nhà truyền giáo địa phương trong lịch sử của Kitô giáo.

Bà đã nói những điều mà người khác cho là bà nên dấu kín. Bà đi lấy nước, và khi bà tìm được Giếng nước chân thật, bà đã bỏ bình đựng nước lại đó, giống như các tông đồ đã bỏ lại chài lưới của họ.

Trong trường hợp này, chính Chúa của chúng ta cũng quên đi cái khát của Ngài, như các môn đệ mời ép Ngài ăn uống, vì Ngài nói với họ là Ngài dùng thứ lương thực mà anh em không biết.

Chúng ta nên để ý đến điều người phụ nữ Samaria nói với những đàn ông về cuộc gặp gỡ của bà với Đức Kitô. Rất có thể là những người phụ nữ khác trong phố đã không muốn giao thiệp gần gũi với bà. Đó là lý do bà đi ra giếng một mình vào lúc trưa; những phụ nữ khác đến giếng lúc trời còn mát vào buổi sáng hay buổi chiều tà. Vì rõ là các phụ nữ khác đã không muốn giao thiệp gần bà, nên bà đã phao tin đến với các ông trước. Và đương nhiên là việc bà làm rất có ảnh hưởng trong phố; vì Tin mừng kể lại:

Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm (Gio 4:39).

Bà đã không nói, “Quí vị phải tin những điều tôi nói,” nhưng là “Hãy ra mà xem.” Hãy tự điều tra; hãy bỏ những thiên kiến đi. Cách nói khẩn thiết của bà đã thuyết phục qúi ông. Vài giờ sau, bà đã chạy trở lại giếng, nhiều ông chạy theo bà; nhưng lần này với mục đích khác - họ chạy theo tìm ơn cứu độ.

Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. (Gio 4:40-41).

Sau khi gặp Chúa Giêsu rồi thì họ nói với người phụ nữ: "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian."(Gio 4:42).

Đây là lần đầu tiên danh xưng “Đấng Cứu Chuộc Thế Gian” được dùng để nói về Chúa Giêsu. Việc lớn lên trong tinh thần nơi người phụ nữ đã được hoàn tất. Cuộc cải hóa có thể là nhanh chóng nơi một số người, nhưng với người phụ nữ này, sự cải hóa chưa hoàn tất cho đến khi bà nhìn nhận là Chúa đến để cứu chuộc chứ không phải để xét xử, những người tội lỗi. Thánh gía đã không được nhắc đến, nhưng Đấng treo trên Thánh Gía đã rõ ràng thống trị: “Đấng Cứu Chuộc Thế Gian.”

Đối ngược với người phụ nữ này là những người Biệt Phái. Họ từ chối tội lỗi, nhưng họ lại có nơi họ tất cả những ảnh hưởng của tội lỗi: nỗi kinh hoàng, lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, và trống rỗng; do bởi chối bỏ nguyên nhân, họ đã làm cho việc chữa lành không thể được thực hiện. Nếu người đói lại chối là họ không đói, thì ai sẽ là người mang bánh đến? Nếu những người tội lỗi lại chối tội và cảm thức tội lỗi, thì ai có thể là Đấng Cứu Chuộc của họ? Đối với những người Biệt phái tự phụ kiêu căng Chúa đã nói:

Những người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng chỉ những người đau yếu mới cần (Lc 5:31).

Có hai loại người ở thế gian này: thứ nhất là những người đã gặp được Thiên Chúa, và thứ hai là những người đang tìm gặp Ngài – đói khát kiếm tìm! Và những người tội lỗi đến gần Ngài hơn là những người trí thức tự phụ kiêu căng! Kiêu căng làm cho cái tôi của họ to lên và thổi căng phồng; những người tội lỗi thì đau buồn, xẹp lép và trống rỗng. Bởi thế họ còn có chỗ cho Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thích một người tội lỗi hơn là một “người thánh không có tình yêu thương.” Yêu thương còn có thể được đào tạo; kiêu căng không thể. Người cho mình là hiểu biết sẽ khó có thể tìm ra chân lý; kẻ biết mình là một người tội lỗi khốn cùng không hạnh phúc, giống như người phụ nữ bên bờ giếng, lại ở gần kề bên sự bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ hơn là họ nhận biết.

Hàng triệu người ở thế gian có “ơn thánh trắng” cho trong tâm hồn của họ; họ cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Hàng triệu người khác có “ơn thánh đen,” họ không cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng chỉ có sự vắng bóng của Ngài. Người phụ nữ Samaria trước tiên đã cảm thấy sự vắng bóng của Ngài, rồi đến sự hiện diện của Ngài. Nhưng nếu giả như bà chẳng hề phạm tội bao giờ, thì bà sẽ chẳng có thể có cơ hội gọi Đức Kitô là “Đấng Cứu Thế.” Ngài đã không đến với cuốn sách trong tay chỉ để đọc cho những người muốn được Ngài chỉ dạy; Ngài làm nhiều hơn thế: Ngài đến với máu huyết trong thân xác của Ngài để đổ ra đong trả nợ cho những ai không bao giờ có thể đền trả.

Lm John Kha Tran

114.864864865135.135135135250