16/04/2017 -

Cầu nguyện

884
Đền thờ cũ - mới

Đền thờ cũ - mới

Mời bấm vào đây để nghe

Hôm thứ Năm vừa qua cả nước Mỹ và toàn thế giới đã ngỡ ngàng sửng sốt nghe tin là quân đội Hoa Kỳ đã thả trái bom nặng 9800 Kg xuống hầm trụ và vùng núi đá nơi quân khủng bố Hồi Giáo trú đóng ở Á Phú Hãn. Trái bom lớn nhất này được gọi là bom mẹ của mọi loại bom là lần đầu tiên được xử dụng trong chiến trường. Có ít nhất 94 quân khủng bố đã bị thiệt mạng và nhiều thiệt hại nặng nề trong căn cứ của quân khủng bố.

Chúng ta ngỡ ngàng sửng sốt nghe tin bom nổ nhưng rồi nó cũng qua đi và cuộc sống lại tiếp tục. Nó chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta.

Khi đối diện với những điều gì mới lạ chúng ta có ít nhất là ba thái độ để đáp lại.

- Thứ nhất là bạn có thể tiếp tục ở trong sự ngỡ ngàng sửng sốt. Biến cố đó có thể làm bạn giật mình ngã ngửa người ra và tiếp tục ngạc nhiên.

- Thứ hai là bạn có thể nhắm mắt phủ nhận cho nó là vô lý.

- Thứ ba là bạn có thể từ từ chấp nhận dữ kiện mới. Bạn có thể ngạc nhiên giật mình ngã ngửa người ra, nhưng rồi bạn lại đứng dạy và đón nhận dữ kiện mới này, rồi từ từ đi qua một tiến trình có thể là khó khăn cực nhọc, kiểm điểm lại cuộc sống theo ánh sáng của chân lý mới này.

Lựa Chọn Phục Sinh

Đây là sự lựa chọn Phục Sinh. Khi đối diện với lời công bố thật khó có thể tin được là Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết; bạn cũng có thể có ba phản ứng:

-Thứ nhất là ngạc nhiên nhưng hoài nghi và coi thường nói là chẳng biết tin để làm gì và chẳng để ý đến.

-Thứ hai là bạn có thể chối phăng đi là không có. Nó chỉ là chuyện hoang tưởng, một hoài mộng cuồng tín, một chuyện chẳng bao giờ có thật.

-Thứ ba là cũng có thể sau khi qua cơn ngạc nhiên thì bạn nhìn nhận sự thật. Nhưng nếu bạn nhìn nhận  sự thật là Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết thì bạn cần để cho niềm tin này thay đổi đời sống của bạn.

Đây chính là sự lựa chọn Phục Sinh. Vấn đề đối với nhiều người chúng ta là chúng ta đã không ngỡ ngàng sửng sốt đủ để nhận ra là mình cần phải làm sự lựa chọn. Biến cố Phục Sinh của Đức Kitô là một phần của bối cảnh lý lịch cuộc đời chúng ta. Chúng ta chưa bao giờ sợ Phục Sinh, chưa bao giờ giật mình vì biến cố Phục Sinh. Tin là Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết đã trở nên giống như việc tin là trái đất tròn và nó xoay quanh mặt trời. Trước kia người ta không biết là như thế. Người ta cứ tưởng là trái đất bằng phẳng  và mặt trời xoay quanh trái đất. Người ta đã rất ngạc nhiên khi quan niệm cũ này được đổi lại. Nhưng đó là điều đã xẩy ra lâu lắm rồi và ngày nay chúng ta chấp nhận mẫu hình thái dương hệ mà không phải thắc mắc. Đúng thế, trái đất hình tròn và xoay quanh mặt trời. Nhưng điều đó có liên quan gì đến chúng ta? Nó chẳng thay đổi những gì chúng ta vẫn làm hôm nay hay ngày mai!

Có phải việc tin vào biến cố Phục Sinh cũng chỉ như thế hay sao? Chúng ta tin là nó đã xẩy ra, và chúng ta vẫn tin như thế. Hàng năm nhiều người cũng đến nhà thờ để mừng lễ Phục Sinh! Xã hội và các nhà kinh doanh cũng có những sản phẩm mừng lễ Phục Sinh. Vậy thì tại sao nó lại phải có ảnh hưởng gì đến sinh hoạt của chúng ta vào ngày mai? Phục Sinh không còn là điều làm chúng ta giật mình ngỡ ngàng. Biến cố Phục Sinh không làm cho chúng ta tái định gía những gì chúng ta suy nghĩ hay những gì chúng ta biết. Và chúng ta không biết có muốn thay đổi gì trong cuộc sống của mình.

Dĩ nhiên tin vào sự sống lại là một qùa tặng của đức tin ban cho chúng ta bởi ân sủng. Nhưng nếu chúng ta đã nhận được món quà ân sủng đó và đón nhận chân lý được công bố trong các thánh đường Kitô giáo trên toàn thế giới mỗi sáng Chúa Nhật Phục Sinh, thì chúng ta phải biết rằng chân lý này thay đổi mọi cái. Đây không phải là một vài chứng cớ sự thật để chúng ta suy nghĩ mỗi năm một lần. Đây là cái thay đổi mọi cái và hàng ngày! Đây là điều mà Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô:

 "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên." (Gio 3:3).

Đền thờ

Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự. Vậy thì đâu thực sự là đền thờ của Thiên Chúa? Đối với người Do Thái thì đó là ngôi đền thờ vĩ đại nguy nga tráng lệ ở Giêrusalem; nhưng với Chúa Giêsu thì còn một ngôi đền thờ khác. Chúa Giêsu và các môn đệ đang cùng đi với đoàn người lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua. Khi họ đứng nhìn từ núi Olivet, các môn đệ đã chỉ về phía đền thờ và trầm trồ về sự lộng lẫy nguy nga của nó.

Những người đến đền thờ để dâng của lễ thường gặp khó khăn tìm những thứ cần cho việc dâng của lễ; thêm nữa những con vật được dùng để tế lễ cũng cần phải được kiểm định theo đúng lề luật.

Có rất nhiều cảnh buôn bán những con vật được dùng để làm của lễ. Những người buôn bán chiên và chim câu cứ lấn tiến gần về phía đền thờ làm tắc nghẽn lối vào đền thờ. Một số người trong nhóm buôn bán, cách riêng là những người con của Annas, đã lấn chiếm lối cổng Solomon, nơi mà họ bán những con chim câu, chiên cừu và dịch vụ đổi tiền. Mọi khách hành hương đều buộc phải trả tiền để giúp trang trải chi phí cho đền thờ; tiền nước ngoài không được dùng để mua bán tại đền thờ, do đó các con của Annas đã giữ quyền làm dịch vụ đổi tiền, thường là với gía cao. Rất nhiều loại tiền từ các nước khác mang đến đền thờ từ Ty-re, Sy-ri-a, E-gyptô, Hy Lạp và Roma gây nên nạn chợ đen. Tình trạng trở nên qúa đồi tệ đến nỗi Đức Kitô đã phải nói đền thờ trở nên “hang trộm cướp”.

Đây là lần Chúa xuất hiện công khai có tính cách quốc gia và nơi đền thờ trong vai trò là Đấng Cứu Thế. Ngài đã thực hiện phép lạ đầu tiên ở Cana; bây giờ Ngài bước vào nhà của Cha Ngài trong tư cách là Người Con. Chúa của chúng ta thấy mình ở trong bối cảnh bất tương đồng, nơi cầu nguyện lại bị xen lẫn với việc đổi chác mua bán của các con buôn, tiếng kêu leng keng của các đồng bạc chen lẫn với tiếng kêu của súc vật đã bao trùm bầu khí nhà của Cha Ngài. Cầm lấy mấy sợi giây ở đó, có lẽ đã được dùng để cột xích bò lừa, Ngài bện lại làm thành sợi giây thừng. Với sợi giây thừng trong tay, Ngài phất lên xua đuổi đoàn súc vật và những người buôn bán. Sợ dư luận quần chúng, nên những người buôn bán đổi chác đã không dám chống lại việc làm của Đấng Cứu Thế. Cảnh hỗn loạn làm cho đoàn súc vật chen lấn tìm lối chạy, và những người đổi tiền vội thu quén những đồng bạc của họ khi Chúa xô đẩy, lật bàn, lật ghế của họ. Ngài mở cửa lồng chim câu để thả chúng bay đi.

Ngài la lới tiếng, Hãy cất hết tất cả những thứ này đi. Các ngươi không được biến nhà của Cha Ta thành nơi buôn bán (Gio 2:16).

Ngay những người thân cận với Ngài cũng phải ngỡ ngàng khi họ thấy Ngài cầm giây thừng vung lên với ánh mắt giận dữ, Ngài xua đuổi người và vật và la mắng:

Nhà của Ta chẳng được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc hay sao? Vậy tại sao các người lại biến thành hang trộm cướp? (Mc 11:17).

Các môn đệ nhớ lại lời Thánh Kinh, “Sự sốt sắng nhà Chúa làm hao tổn thân tôi” (Gio 2:17).

Khu vực của đền thờ, nơi mà Chúa Giêsu xô đuổi những người buôn bán được gọi là Hành Lang Salomôn, ở phía đông thuộc Khu vực dành cho Dân Ngoại. Khu vực này được dùng như biểu tượng cho thấy rằng các dân mọi nước trên thế giới đều được chào đón; nhưng việc làm ăn của các con buôn đã làm nó trở nên ô uế. Ngài muốn làm sáng tỏ cho thấy đền thờ là để cho mọi dân tộc chứ không phải chỉ riêng cho người ở Giêrusalem. Đó là nhà cầu nguyện cho các nhà khôn ngoan cũng như cho các mục đồng, cho sứ vụ truyền giáo từ các phương xa cũng như những sứ vụ ở địa phương.

Ngài đã gọi đền thờ là “Nhà của Cha Ta,” cùng một lúc xác nhận tình liên hệ mật thiết của Ngài với Cha trên trời. Những người bị đuổi ra khỏi đền thờ đã không dám đụng đến Ngài, cũng chẳng ai dám khiển trách là Ngài đã làm sai. Họ chỉ yêu cầu Ngài cho họ một dấu hay một sắc lệnh để chứng minh cho hành động của Ngài. Lúc Ngài đang đứng nghiêm nghị, giữa những đống tiền tung rơi và bầy chim câu bay tán loạn, họ đã chất vấn Ngài,

Lấy dấu gì để chứng minh là ông có quyền làm như thế? (Gio 2:18). 

Họ đã thất kinh khi thấy Ngài có thể nổi giận như thế (khi so với lúc Ngài làm phép lạ đem lại niềm vui cho khách dự tiệc ở Cana). Họ đã đòi một dấu chứng minh. Ngài cho họ dấu đó ngay khi  Ngài nói với họ là họ đã làm ô uế nhà của Cha Ngài. Ngài là Con Thiên Chúa. Xin một dấu nữa thì chẳng khác gì là xin ánh sáng để thấy ánh sáng. Nhưng Ngài cũng cho họ dấu thứ hai:

Hãy phá đền thờ này đi, Chúa Giêsu nói, và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại. (Gio 2:19).

Những người nghe lời này đã không thể quên. Ba năm sau, lúc xử án, họ đã nhắc lại một cách thiếu trung thực để tố cáo Ngài:

Ta sẽ phá đền thờ do bàn tay của con người, và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng một cái khác, không phải do tay người phàm (Mc 14:58).

Họ cũng nhớ lại lời của Ngài lúc Ngài đang bị treo trên Thập Gía:

Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: "Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi! " (Mc 15:29).

Họ vẫn còn bị áy náy lo ngại về lời của Ngài khi họ xin Philatô cẩn thận canh gác mồ chôn xác Ngài. Lúc đó họ đã hiểu là Ngài không có ý nói về đền thờ bằng đá, nhưng là chính Thân Thể của Ngài.

Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các thượng tế và những người Pha-ri-sêu kéo nhau đến ông Phi-la-tô, và nói: "Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: "Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy." Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm xác rồi phao trong dân là hắn đã từ cõi chết trỗi dậy. (Mt 27:63-64).

Ngài đã thách thức họ khi Ngài nói với họ: “Hãy phá đổ!” Ngài không nói là “Nếu các ngươi phá đổ...” Ngài đã trực tiếp thách thức họ  thử uy quyền tư tế và vương đế của Ngài bởi việc đóng đinh Ngài trên thập gía và Ngài sẽ trả lời họ bằng việc sống lại.

Điểm quan trọng cần chú ý là Chúa Giêsu đã không nói về đền thờ bình thường, nhưng đền thờ thánh trong tất cả những cái thánh. Ngài có ý nói, “Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự. Các ngươi đã làm ô uế đền thờ này; tuy nhiên còn một đền thờ khác. Hãy phá cái đền thờ này đi, bằng việc đóng đinh Ta, và trong ba ngày Ta sẽ làm cho sống lại. Dù các ngươi có tàn phá thân xác của Ta, đó là nhà của Cha Ta, qua việc sống lại Ta sẽ kết nạp tất cả mọi quốc gia dân tộc vào đền thờ mới này.” Rất có thể là khi nói như thế Chúa đã dùng ngón tay để chỉ vào chính thân thể của Ngài. Các đền thờ có thể được xây dựng bằng xương bằng thịt cũng như bằng đá gỗ. Thân Thể của Chúa Kitô là một Đền Thờ, bởi vì sự sung mãn của Thiên Chúa sống trong Ngài. Những người chống đối Ngài đã phản bác lại:

Đền thờ này phải mất đến 46 năm mới hoàn tất. Ông có thể xây dựng lại trong ba ngày hay sao? (Gio 2:21).

Đền thờ Giêsusalem thứ nhất liên quan đến các vua cha ông như David người đã chuẩn bị, và Salômôn người xây dựng lên. Đền thờ thứ hai được khởi xướng tái thiết do các vị lãnh đạo sau khi trở về từ lưu đầy; đền thờ được tái thiết này với sự tráng lệ nguy nga được gắn liền với triều đại của đời vua Hêrôđê. Tất cả những bóng hình của các đền thờ này đều bị kém gía so với Đền Thờ chân thật, mà họ sẽ phá đi trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngay lúc nó bị tàn phá, màn che Đấng Thánh của các sự thánh bị xé rách ra làm đôi, tỏ lộ rõ Đấng Thánh của các sự thánh, đó là Thánh Tâm Con Thiên Chúa.

Cũng cùng hình ảnh đền thờ đó trong một dịp khác khi Ngài nói với những người Pharisiêu:
Ta bảo thật các người, ở đây còn có cái cao trọng hơn cả đền thờ (Mt 12;6).

Đền thờ mới

Đây là cách mà Ngài trả lời khi họ đòi Ngài cho họ một dấu chứng. Dấu chứng đó là chính cái chết và sự sống lại của Ngài. Sau này đối với những người Pharisiêu, ngài đã hứa cho họ cùng một dấu, dưới dạng dấu của Giona. Uy quyền của Ngài không phải chỉ được chứng minh nguyên bởi cái chết của Ngài; nhưng  được chứng minh bởi cái chết và sự sống lại của Ngài. Cái chết của Ngài là do sự gian ác của lòng con người cùng với sự tự nguyện của riêng Ngài; Sự sống lại là chỉ do quyền năng vô hạn của Thiên Chúa mà thôi.

Lúc này Ngài gọi Đền Thờ là nhà của riêng Cha Ngài. Sau ba năm, khi Ngài rời bỏ nó lần cuối, Ngài đã không còn gọi đó là đền thờ của Cha Ngài, bởi vì người ta đã chối từ Ngài; nhưng Ngài đã nói,

“Hãy nhìn coi! Nhà của các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi!” (Mt 23:38).

Nó không còn phải là nhà của Cha Ngài nữa, nó đã trở nên nhà của họ. Đền thờ ở trần thế của họ không còn là nơi ngự trị của Thiên Chúa nữa khi mà nó trở nên trung tâm của những người mua bán. vắng bóng Ngài thì nó không còn là đền thờ nữa.

Ở đây cũng như ở những chỗ khác, Chúa Giêsu đã cho biết chỉ duy có mình Ngài là Đấng đến trần gian để chịu chết. Thánh gía không phải chỉ là điều xẩy ra vào lúc cuối đời của Ngài; nó đã là cái từng ở trước mặt Ngài ngay từ ban đầu. Ngài đã nói vớ họ: “Hãy phá nó đi,” và họ bảo, “Hãy đóng đinh nó.” Chẳng có đền thờ nào đã từng bị phá hủy cách hệ thống hơn là chính thân thể Ngài. Chiếc mái cung bọc đền thờ, là đầu của Ngài đã đội vòng gai; nền móng của nó là đôi chân thánh của Ngài đã bị đóng đinh, cánh hiên là đôi tay của Ngài, đã bị kéo giang ra theo hình thánh gía; cung thánh của nơi thánh, là trái tim Ngài, đã bị đâm thâu bởi lưỡi đòng.

Satan đã cám dỗ Ngài làm hy tế giả tạo và Chúa đã từ chối kiểu hiến tế theo hình thức tìm hư danh như thế. Nhưng khi những người làm ô uế nhà Cha của Ngài xin Ngài cho một dấu chứng, Ngài đã cho họ một loại dấu chứng khác, đó là dấu chứng Ngài hiến tế trên Thánh Gía.

Ngài đã không theo lời xúi vủa Satan để gieo mình xuống; nhưng lúc này Ngài nói, được Ngài sẽ làm, ngài sẽ gieo mình chịu chết nhục nhã; tuy nhiên, sự hy sinh hiến tế của Ngài không phải là một việc phô trương vô nghĩa, nhưng là việc làm tự hạ để cứu chuộc.

Satan đã dụ dỗ Ngài phô trương Đền Thờ của Ngài đến độ liều mình gieo thân xuống từ tháp cao để được nổi tiếng; nhưng Chúa lại phô diễn đền thờ Thân Thể Ngài đến độ tiêu hủy trên thập gía để cứu chuộc và làm của lễ đền bồi.

Ở Cana, Ngài nói rằng giờ của Ngài chưa đến; tại đền thờ Ngài nói rằng giờ của Thập Gía sẽ đưa Ngài đến sự sống lại. Đời sống công khai của Ngài đã làm vuông tròn những lời tiên báo này!

Đức Giêsu Kitô là Đền Thờ đã bị phá hủy nhưng sau ba ngày Ngài đã sống lại. Nhưng sự sống lại hay Mầu Nhiệm Phục Sinh có nghĩa lý gì với bạn? Phục sinh là cảm nghiệm mới lạ hay chỉ là một nghi thức tưởng niệm một biến cố của qúa khứ không liên quan gì đến cuộc sống của mỗi người?


Lm John Kha Tran

114.864864865135.135135135250