26/03/2017 -

Cầu nguyện

463
Gioan Tẩy Giả

Gioan Tẩy Giả
mời bấm vào đây để nghe

 

Sự thầm lặng suốt ba mươi năm dài đã chỉ bị quấy động một chút ở cảnh nơi đền thờ. Bây giờ đến lúc đi từ thời gian thầm lặng đến công khai. Vì biến cố đó sẽ là biến cố làm rung động thế gian, Lu-ca nối kết sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả, sứ giả của Chúa, dưới triều đại của lãnh chúa Tiberius, người cai trị của Roma. Pliny, sau này ghi lại trong tư cách một sử gia Roma về Đức Kitô, lúc ấy mới bốn tuổi; Vepasian,sau này thống trị Giê-ru-sa-lem cùng với người con trai là Titus, lúc đó mười chin tuổi. Một trong những hôn nhân quan trọng ở Roma lúc ấy là cuộc hôn nhân của con gái Germanicus, người mà chín năm sau sẽ sinh ra Nerô, kẻ khét tiếng bắt bớ những người tin theo Đức Kitô. Giữa cảnh tương đối thanh bình này  của Roma:

Lời của Chúa đến với Gioan, con của Gia-ca-ria trong sa mạc (Lc 3:2).

Gioan đang sống yên tĩnh trong hoang địa, mặc áo lông lạc đà và thắt lưng da. Thức ăn của ông là châu chấu và mật ong rừng. Sắc phục của ông mặc có thể có nghĩa giống như E-li-a, trong tinh thần đi trước để dọn đường cho đức Kitô. Vì ông giảng ăn năn sám hối, và ông cũng thực hành ăn năn sám hối như thế. Nếu ông chuẩn bị cho đức Kitô, thì ông cũng phải khơi lên cái ý thức về tội lỗi. Gioan là một người sống rất khổ hạnh, vì ông bị cảm kích bởi tình trạng tội lỗi của thế gian. Trọng tâm thông điệp của ông cho những người lính, các quan chức, các nông dân, và bất cứ những ai lắng nghe là “Hãy ăn năn sám hối.” Lời cảnh báo đầu tiên trong Tin Mừng kêu gọi mọi người thay đổi. Những người Sa-đu-cê phải từ bỏ tinh thần thế gian, những người Pha-ri-siêu phải từ bỏ tính giả hình và coi mình là công chính, tất cả những ai đến với đức Kitô đều đòi phải hối cải.

Với một quốc gia đang ở dưới ách thống trị của Roma, đây sẽ là một lối dẫn đến sự nổi tiếng cho Gioan để hứa với dân là Một Người sẽ đến, Người mà ông loan báo, sẽ là một chính trị gia giải phóng dân tộc. Đó có lẽ là đường lối của con người; nhưng thay vì lời kêu gọi cầm khí giới, Gioan lại có lời kêu gọi ăn năn sám hối từ bỏ tội lỗi. Và những người  là con cái của Abraham không được tự hào về mình, bởi vì nếu Chúa muốn, Ngài có thể làm cho những hòn đá trở nên con cái Abraham.

Ai đã chỉ cho các ngươi cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các người hãy sinh hoa qủa xứng với lòng sám hối. Đừng vội nghĩ rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Abraham; vì tôi cho các người biết Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu Abraham (Lc 3:7-9).   

 Nhiều thế kỷ trước đó, I-sa-i-a đã tiên báo sẽ có người mang tin đến trước khi Đấng Cứu Thế đến.

Trong sách ngôn ứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ gỉa của Ta đi trước mặt con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. (Mc 1:2-4).

Khoảng ba trăm năm sau I-sa-i-a, ngôn sứ Ma-la-chi đã nói rằng sứ giả I-sa-i-a đã từng hứa ông sẽ đến trong thần khí của E-li-a.

Hãy coi, ta sẽ gởi đến cho các người ngôn sứ E-Ii-a (Malachi 4:5-6)

Sau nhiều thế kỷ đi vào không gian, lại đã xuất hiện từ hoang địa một đại nhân cũng có đời sống giống như E-li-a.

Trong tất cả các quốc gia, khi người đứng đầu chính phủ muốn đi thăm một vị nguyên thủ của một quốc gia khác, họ đều gởi sứ giả đi trước. Do đó Gioan Tẩy Giả đã được sai đi trước để dọn đường cho Đức Kitô, công bố các điều kiện và chính phủ cho triều đại của Ngài. Gioan mặc dù đã có những lời tiên báo về ông, đã nhất quyết từ chối và khẳng định ông không phải là Đấng Cứu Thế. Ông thẳng thắn tuyên bố:

Tôi là tiếng kêu trong sa mạc (Gioan 1:23).

Ngay cả khi ông chưa gặp Đấng Cứu Thế, Người đó lại là anh em họ với ông, ông đã tuyên bố sự trổi vượt hơn của Đức Kitô:

Đến sau tôi là người quyền lực hơn tôi. Tôi không xứng đáng cởi giây giầy cho Ngài (Macô 1:7-8).

Gioan đã tự nhận là không xứng đáng cởi giây giầy cho Chúa, nhưng Chúa của chúng ta lại hơn ông trong khiêm tốn khi Ngài rửa chân cho các môn đệ. Sự vĩ đại của Gioan được hàm chứa ở sự thật là ông đã được trao cho ân huệ đi trước đoàn xe của nhà Vua và công bố, “Đức Kitô đã đến.”

Gioan đã dùng cả hai, dấu chỉ và lời nói. Dấu chỉ chính cho việc tẩy rửa tội lỗi là việc thanh tẩy bằng nước. Gioan đã làm phép rửa ở sông Gio-đan, như một hành động tiêu biểu cho việc thống hối, nhưng ông biết rằng phép rửa của ông không tái sinh hay làm sống lại linh hồn đã chết. Đó là lý do tại sao ông đã so sánh giữa phép rửa ông làm và phép rửa mà Đức Kitô sẽ ban sau này; nói đến phép rửa của Đức Kitô sau này ông giải thích:

Ngài sẽ rửa tội cho các người bằng Thánh Thần và lửa (Matthêu 3:12).

Ngày mà Gioan và Đức Giêsu gặp mặt tại sông Gio-đan, đã đánh động Gioan cách sâu đậm đến  phải kính cẩn khiêm tốn. Gioan cảm nhận thấy nhu cầu cần một Đấng Cứu Thế, nhưng khi Chúa của chúng ta xin ông làm phép rửa cho Ngài, Gioan đã phải miễn cưỡng làm theo. Gioan đã ngay lập tức nhận ra sự bất thường của việc để Chúa của Chúng ta tuân theo một nghi thức tuyên xưng sự sám hối và hứa quyết thanh tẩy:

Ngài lại đến với tôi sao? Thực ra, chính tôi, hơn là Ngài,  mới cần được thanh tẩy. (Matthêu 3:14).

Làm thế nào ông có thể thanh tẩy cho một Người không có tội? Việc ông từ chối làm phép rửa cho Chúa Giêsu đã chính là sự nhìn nhận Ngài không có tội.

Chúa Giêsu đã trả lời rằng lúc này hãy cứ làm thế; chúng ta làm để chu toàn  trọn vẹn những điều Thiên Chúa đòi hỏi (Matthêu 3:15).

Đối tượng cho phép rửa của Đức Kitô cũng giống như đối tượng việc chào đời của Ngài, đó là Ngài tự nhận đồng số phận với nhân loại tội lỗi. Ngôn sứ I-sa-i-a đã chẳng tiên báo là Ngài đã bị xếp đồng hàng với “phường tội lỗi” đó sao? Thực vậy, Chúa của chúng ta đã chẳng nói là: “Đau khổ đây là việc phải được hoàn thành; dường như nó không xứng hợp đối với các con, nhưng trên thực tế nó hoàn toàn hòa hợp theo mục đích đến của Ta.” Đức Kitô không phải là một con người cho cá nhân Ngài nhưng là đại diện cho cả một nhân loại tội lỗi, mặc dù Ngài vô tội.

Mọi người Do Thái đến với Gioan đều xưng thú tội lỗi của họ. Điều thật hiển nhiên là Chúa của chúng ta không làm bất cứ việc xưng thú nào như vậy, và chính Gioan cũng nhìn nhận là Ngài không cần phải làm như thế. Ngài không có tội để phải sám hối và cũng chẳng có tội để phải thanh tẩy. Nhưng Ngài tự đặt  mình vào số những người có tội. Khi Ngài bước xuống sông Gio-đan để chịu phép rửa, Ngài đã tự đặt mình vào cùng số phận với những người có tội. Người vô tội cùng chia sẻ gánh nặng của những người có tội. Nếu một người chồng có tội, dĩ nhiên ta không thể bảo vợ người đó đừng lo lắng, hoặc là nó chẳng liên quan gì đến bà cả. Cũng thế, qủa là điều ngớ ngẩn để nói rằng Chúa của chúng ta không nên chịu phép rửa bởi vì Ngài chẳng có tội gì riêng mà phải rửa. Nếu Ngài nhận thân phận của chính Ngài với nhân loại đến nỗi tự xưng là “Con của Người” thì Ngài phải chia sẻ cái tội của loài người. Đây chính là ý nghĩa của phép rửa bởi Gioan.

Nhiều năm trước, Ngài đã nói là Ngài phải làm việc của Cha Ngài; bây giờ Ngài nói rõ ra việc của Cha là việc gì: đó là cứu chuộc nhân loại. Ngài đã giải thích giữa tình liên hệ của Ngài với loài người, vì danh họ mà Ngài được sai đến. Trong đền thờ lúc mười hai tuổi, Ngài đã nhấn mạnh về tông tích của mình. Bây giờ ở sông Gio-đan, Ngài nói về sứ vụ của Ngài. Ở đền thờ, Ngài đã nói đến Thiên Nghĩa Vụ đòi buộc. Dưới bàn tay thanh tẩy của Gio-an, Ngài làm sáng tỏ sự hiệp nhất của Ngài với nhân loại.

Sau đó, Chúa của chúng ta nói rằng: Cho đến thời Gio-an, thì có lề luật và các ngôn sứ (Lc 16:16).

Ngài có ý nói rằng trải qua nhiều thế kỷ đã luôn chứng thực là Đấng Thiên Sai sẽ đến, và lúc này trang sử mới được mở ra, một chương mới được ghi chép. Từ bây giờ, Ngài sẽ được liên hiệp vào với những người tội lỗi. Ngài dấn thân sống giữa họ và chăm lo cho những nạn nhân của tội lỗi; sẽ bị phản bội nộp vào tay của những người tội lỗi, và bị tố là có tội cho dù Ngài vô tội. Như hồi còn là một hài nhi, Ngài đã chịu cắt bì, coi như bản tính của Ngài là tội lỗi, thì bây giờ Ngài chịu phép rửa, cho dù Ngài không cần thanh tẩy.

Có ba loại nghi thức thanh tẩy trong Cựu ước có thể gọi như là “Phép Thanh Tẩy.” Thứ nhất là nghi thức thanh tẩy bằng nước. Mai-sen đã đưa A-a-ron và con của ông đến trước cửa lều tạm và dùng nước để tẩy rửa họ. Sau đó là việc tẩy rửa bằng “dầu” khi Mai-sen đổ dầu trên đầu của A-a-ron để thánh hóa ông. Phép thanh tẩy cuối cùng là bằng máu. Mai-sen lấy máu của con cừu đã được hiến tế và xức vào tai bên phải của A-a-ron, và trên ngón tay cái phải và ngón chân cái phải của ông. Nghi thức này ám chỉ sự hiến tế tiệm tiến. Những nghi thức thanh tẩy này cũng có phần tương tự ở sông Gio-đan, ở lúc Biến Hình, và ở đồi Can-vê.

Phép rửa ở sông Gio-đan là việc chuẩn bị cho phép rửa được Ngài nói đến sau này, đó là phép rửa do cuộc thương khó của Ngài. Sau đó Ngài còn nhắc lại thêm hai lần về phép rửa của Ngài. Lần thứ nhất khi Gia-cô-bê và Gio-an xin Ngài để cho họ có thể một người ngồi bên tả và một người ngồi bên hữu của Ngài trong Nước Thiên Chúa. Trả lời họ, Ngài đã hỏi liệu họ có dám sẵn lòng chịu phép rửa mà Ngài sắp chịu hay không. Do đó phép rửa bằng nước của Ngài hướng nhìn về phía phép rửa bằng máu. Sông Gio-đan chảy về giòng sông đỏ của Can-vê. Lần thứ hai Ngài nhắc đến phép rửa của Ngài là khi Ngài nói với các môn đệ:

Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất. (Lc 12:50).

Ở nước sông Gio-đan Ngài đã được nhận diện đồng hàng với những người tội lỗi; nơi phép rửa do cái chết của Ngài, Ngài sẽ mang lấy tất cả gánh nặng tội lỗi của họ. Trong Cựu ước, Tác giả Thánh Vịnh nói về “bước xuống giòng nước sâu” như là dấu chỉ của đau khổ có cùng ý nghĩa gợi hình. Thật là một xứng hợp trong việc diễn tả sự khổ đau và sự chết như là một loại phép rửa.

Chắc chắn Thánh gía phải là cái hiện ra trong tư duy của Ngài vào lúc này càng trở nên sống động. Nó không phải là một tư tưởng đến sau. Ngài đã tạm được dìm mình trong nước ở sông Gio-đan chỉ để được dìm mình thêm lần khác. Do đó Ngài sẽ được dìm mình bởi cái chết trên thập gía và chôn cất trong mồ, để rồi chỗi dạy chiến thắng trong ngày Phục Sinh. Ngài đã công bố sứ vụ của Ngài đến từ Chúa Cha ngay từ lúc mới lên mười hai tuổi. Bây giờ Ngài chuẩn bị để thành của lễ hiến dâng.

Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước bước lên thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài  lòng về Người (Matthêu 3:16-17).

Nhân tính thánh thiện của Đức Kitô đã là sự nối kết giữa trời và đất. Tiếng phán ra từ trời công bố Ngài là Con Yêu Dấu của Cha đời đời không phải là công bố một sự thật mới lạ hay tình Cha Con của Chúa chúng ta. Đó chỉ là lời công bố trịnh trọng về tình Cha Con đã có từ đời đời, và bây giờ được bắt đầu tỏ hiện công khai như là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người. Sự hài lòng của Chúa Cha, theo tiếng gốc Hy Lạp, được ghi lại ở thì bất định, để biểu hiện tình yêu thương muôn thủa giữa Cha với Con.

Đức Kitô Đấng bước lên khỏi nước, như địa cầu đã bước ra khỏi nước lúc sáng tạo và sau cơn Hồng Thủy, như Mai-sen và dân của ông đi bước ra khỏi Biển Đỏ, bây giờ được vinh quang bởi Thần Khí xuất hiện trong dạng chim Bồ Câu. Thần Khí của Thiên Chúa không bao giờ xuất hiện dưới diện của một con chim câu ngoại trừ ở đây. Sách Levi có nói đến những của lễ được dâng hiến tùy theo hoàn cảnh tài chính và xã hội của người dâng. Một người có khả năng mua con bò thiến thì mua, người nghèo hơn có thể dâng hiến một con chiên, nhưng những người nghèo nhất có thể mang đến đôi chim câu. Khi Đức Mẹ đưa Chúa lên đền thờ, của lễ dâng hiến là một con chim câu. Con chim câu là dấu chỉ của hiền lành và hòa bình, nhưng trên hết nó là thứ được dùng làm của lễ hiến tế của người nghèo nhất có thể dâng hiến. Bất cứ khi nào một người Do Thái nghĩ đến một con chiên hay một con chim câu, thì họ nghĩ ngay đến lễ hiến tế đền tội. Do đó, Thánh Thần ngự xuống trên đầu của Chúa là biểu tượng  của việc chấp nhận để làm của hiến tế. Đức Kitô đã kết hiệp chính Ngài với con người trong phép rửa, chuẩn bị cho việc dìm mình của Ngài trong nước của đau khổ; nhưng bây giờ Ngài cũng được đội triều thiên, được dành riêng và hiến dâng làm của lễ do việc Thánh Thần ngự xuống trên Ngài. Nước sông Gio-đan liên kết Ngài với con người, Thánh Thần ngự trên Ngài và dùng Ngài để hiến tế, và Tiếng nói tuyên bố rằng Lễ Hiến Tế của Ngài rất đẹp lòng Chúa Cha.

Những hạt giống của giáo thuyết về Ba Ngôi Thiên Chúa đã được gieo trong Cựu ước đã bắt đầu mở ra. Những hạt giống đó sẽ càng ngày càng tõ rõ hơn theo thời  gian: Ngôi Cha, Đấng Tạo Dựng; Ngôi Con, Đấng Cứu Chuộc; và Ngôi Thánh Thần, Đấng Thánh Hóa. Chính lời của Ngôi Cha phán ở đây, “Con là Con Cha,” đã được loan báo về Đấng Thiên Sai hàng ngàn năm trước, trong thánh vịnh thứ hai.

Con là con Cha. Hôm nay Cha đã sinh ra Con. (TV 2:7).

Chúa cũng nói với Ni-cô-đê-mô sau này:

Thật Ta bảo thật cho ông biết, không ai có thể vào được nước Thiên Chúa mà không tái sinh bởi nước và Thánh Thần (Gioan 3:5-6).

Phép rửa ở Gio-đan đóng lại đời sống riêng tư thầm lặng của Chúa và bắt đầu sứ vụ công khai. Ngài đã bước xuống nước  khi hầu hết mọi người chỉ biết Ngài là con của bà Maria; Ngài lên khỏi nước sẵn sàng tỏ lộ Ngài thực là Con Thiên Chúa hằng có đời đời. Ngài là Con Thiên Chúa trở nên giống người trong mọi sự ngoài trừ tội lỗi. Thánh Thần đã xức dầu cho Ngài không phải chỉ để chỉ dạy mà còn để cứu chuộc.       

 John Kha Tran

114.864864865135.135135135250