09/04/2017 -

Cầu nguyện

396
Khởi điểm

Khởi điểm “Giờ định mệnh”
mời bấm vào đây để nghe

 

Tin tức thế giới trong mấy ngày qua đang xôn xao về quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh bắn hỏa tiễn tên lửa phá hủy một căn cứ quân sự của quân đội nhà nước Syria để trừng phạt hành động của tổng thống Assad  đã dùng khí giới hóa học tấn công giết hại thường dân mà nhiều trẻ em là nạn nhân. Chúng ta không biết những gì sẽ tiếp tục xẩy ra trong những ngày tới. Nhiều người cho rằng đây có thể là thời điểm tái định hướng vị thế và vai trò của nước Mỹ cũng như tình hình thế giới trong những năm tới.

 Sau những tuần lễ của Mùa Chay, trong tuần này, Các tín hữu Công Giáo cùng với Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới cũng bước vào thời điểm quan trọng để canh tân và tái định hướng cuộc sống qua cảm nghiệm của Tuần Thánh. Tuần Thánh là thời gian chúng ta tưởng nhớ lại giờ định mệnh của Chúa Giêsu. Giờ định mệnh đó là giờ Chúa Giêsu chịu chết. Ngài chết để chúng ta được sống. Giờ đó đến như thế nào? Theo đức tổng giám mục Fulton Sheen:

Trong suốt Tin Mừng, giống như tiếng sấm sét, bất cứ chỗ nào có tiên báo của Thánh Gía, thì cũng có ánh sáng của vinh quang phục sinh chớp loé lên; bất cứ khi nào có bóng dáng của cứu chuộc trong đau khổ, thì cũng có ánh sáng của tự do thiêng liêng tiếp theo. Sự bù trừ tương nghịch của niềm vui và khổ sầu trong cuộc đời đức Kitô được tìm thấy trong phép lạ tiên khởi xẩy ra ở ngôi làng nhỏ Cana. Đó là một phần tiêu biểu nơi Ngài, Đấng đến để rao giảng việc đóng đinh cái xác thịt lăng loàn, đã bắt đầu cuộc sống công khai của Ngài bằng việc trợ giúp ở một tiệc cưới.

Trong Cựu ước, tình liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Is-ra-en được so sánh giữa một tân nương và tân lang. Chúa Giêsu cũng dùng sự so sánh đó cho tình liên hệ giữa Ngài và dân Is-ra-en mới mà Ngài sẽ thiết lập. Ngài sẽ là Tân Lang, Giáo Hội của Ngài sẽ là tân nương. Bởi Ngài đến để thiết lập sự hiệp nhất giữa Ngài và khối nhân loại được cứu chuộc, thì đó là điều xứng hợp để Ngài bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài qua việc làm trợ giúp ở một tiệc cưới. Thánh Phao-lô đã không giới thiệu một ý tưởng mới khi ngài viết cho giáo đoàn Ephêsô sau này để nói về sự liên kết hiệp nhất giữa một người nam và một người nữ là dấu chỉ liên kết hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài.

“Các người chồng hãy thương yêu vợ, như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mạng sống vì Hội Thánh” (Eph 5:25).

Tiệc cưới là một dịp liên hoan; rượu được đưa ra tiếp khách như dấu của sự vui mừng hoan hỷ. Tiệc cưới ở Ca-na có dấu chỉ quan trọng, Thánh Giá không phủ bóng che niềm vui; đúng hơn là niềm vui đã đến trước, sau đó mới là Thánh Giá. Nhưng khi niềm vui hoan hỷ đã xong thì bóng của Thánh Gía phủ che bữa tiệc.

Chúa Giêsu đã được xác nhận là Chiên Thiên Chúa ở sông Gio-đan; Ngài cũng đã chọn năm môn đệ trong số những môn đệ của Gioan Tẩy Giả: Gioan Tông Đồ, Andrê, Phêrô, Philiphê và Nathanaen. Ngài đã đưa những người này đi dự tiệc cưới với Ngài. Tiệc cưới đã tiếp diễn và kéo dài vài ngày. Ở thời đó, cha của cô dâu có trách nhiệm nặng hơn ngày nay. Vì tiệc liên hoan và các chi phí có thể tiếp tục đến tám ngày. Một trong những lí do hết rượu có thể là Chúa Giêsu đã mang theo thêm nhiều khách cùng đến dự tiệc. Từ lúc đầy tràn phấn khởi ở sông Gio-đan, khi các tầng trời mở ra với tiếng nói xác nhận Ngài là Con của Thiên Chúa thì sự hiện diện của Ngài đã lôi kéo thêm hàng trăm người theo Ngài và họ cũng đến nơi đám tiệc. Ngài đến dự đám cưới không phải chỉ như một người thợ mộc trong làng, nhưng còn như cương vị là Đức Kitô hay là Đấng Cứu Thế. Trước khi màn tiệc vui kết thúc thì nó đã được tỏ lộ ra là Ngài có cuộc hẹn hò với cây Thập Gía.

Maria, Mẹ yêu dấu của Ngài, đã có mặt ở tiệc cưới. Đây là lần duy nhất trong cuộc đời của Chúa mà Mẹ Maria đã được nhắc đến trước người Con của mình. Maria chỉ là dụng cụ cho phép lạ, hay một dấu chỉ  tiên khởi của Chúa nói lên Ngài là Đấng tự xưng nhận mình là ai, Ngài là Con Thiên Chúa. Mẹ đã là dụng cụ thánh hóa cho Gioan Tẩy Giả lúc ông còn đang ở trong lòng mẹ của mình; và bây giờ qua lời thỉnh cầu, Mẹ đã thổi vang lên tiếng kèn khởi sự cho một chuỗi những phép lạ, một lời thỉnh cầu qúa mạnh mẽ đến nỗi nó đã gây cảm hứng cho các tâm hồn ở mọi thời đại dùng danh của Mẹ để kêu xin khẩn cầu những phép lạ tự nhiên và ân sủng.

Gioan Tông Đồ, lúc đó đã được chọn làm môn đệ, và có mặt trong  bữa tiệc; chính ông đã chứng kiến điều Đức Mẹ đã làm lúc ở Cana. Ông cũng có mặt với Đức Mẹ ở chân Thánh Gía, và chính ông đã cẩn trọng ghi chép lại cả hai biến cố trong Tin Mừng. Nơi đền thờ và ở sông Giođan, Chúa Giêsu đã nhận được chúc lành của Chúa Cha và ơn thánh hóa để bắt đầu sứ vụ cứu chuộc. Tại Cana, Ngài nhận được sự đồng thuận của người mẹ nhân loại. Sau này trong lúc cô đơn cùng cực trên đồi Can-vê, giờ phút tăm tối khi Chúa Cha dường như bỏ quên Ngài và Ngài đã dùng lời Thánh Vịnh kêu lên,

“Lạy Chúa! Lạy Thiên Chúa của Con, nhân sao Ngài bỏ Con?” (TV 21:1).

Ở lần khác khi Ngài dường như từ biệt xa cách Mẹ của mình:

“Thưa bà, đây là con bà” (Gioan 19:26).

Khi rượu được đưa ra để tiếp thêm  ở Cana, thật thú vị để nhận thấy là Maria đã quan tâm hơn tới thực khách chứ không phải là người quản tiệc, vì chính Mẹ chứ không phải người quản tiệc đã nhận ra là họ cần thêm rượu. Mẹ Maria đã cầu cứu với Con Thánh của mình trong tinh thần cầu nguyện tuyệt hảo. Hoàn toàn tin nơi Ngài và tín thác vào tình thương của Ngài, Mẹ đã nói:

“Họ hết rượu rồi” (Gioan 2:3).

Đây không phải là một lời thỉnh nguyện riêng tư; Mẹ đã đóng vai là người trung gian cho tất cả những ai đang tìm kiếm niềm vui tràn trề. Mẹ không bao giờ chỉ là người quan sát, nhưng là người hoàn toàn tự ý vào cuộc để lo giúp đỡ các nhu cầu của người khác. Người mẹ thường dùng uy thế đặc biệt của mình đối với con, một quyền uy có do bởi tình yêu thương tương trùng. Chúa đã trả lời trong do dự:

“Việc của Mẹ đâu phải là việc của con. Giờ con chưa đến.”(Gioan 2:4).

Trước hết, hãy để ý đến những lời, “Việc đó liên quan gì đến Con và Mẹ?” Đây là cách nói trong tiếng Do Thái rất khó chuyển dịch. Thánh Gioan đã viết lại theo nguyên ngữ qua tiếng Hy Lạp, và bản tiếng La-tin cũng dịch theo nguyên ngữ Quid mihi et tibi, có nghĩa là, là gì với con và với mẹ? Tiếng ‘việc đó’ không có ở trong bản gốc; nó chỉ được thêm vào cho sáng nghĩa để dễ hiểu. Knox đã thoáng dịch như sau, “Tại sao mẹ lại liên lụy con vào việc đó?”

Để hiểu ý của Chúa cách trọn nghĩa hơn, hãy chú ý đến những lời, “Giờ Con chưa đến.” “Giờ” ở đây rõ ràng là ám chỉ đến Thánh Gía của Ngài. Bất cứ khi nào tiếng “Giờ” được dùng trong Tân Ước, nó đều có liên quan đến giờ Thương Khó, chết và sống lại vinh quang của Ngài. Những lần nhắc tới “Giờ” như vậy đã được nói đến bảy lần trong Tin Mừng Gioan thí dụ:

Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến. (Gioan 7:30).

Người đã nói những lời ấy, khi giảng dạy trong Đền Thờ, tại nơi đặt thùng tiền dâng cúng. Không có ai bắt Người, vì giờ của Người chưa đến. (Gioan 8:20).

Đức Giê-su trả lời: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! (Gioan 12:20).

"Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. (Gioan 12:27).

"Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy (Gioan 16:32).

Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: "Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha (Gioan 17:1).

Do đó tiếng “Giờ” được dùng để nói đến sự vinh quang của Ngài qua việc chịu Đóng đinh, Sống lại và Lên trời. Ở Cana, Chúa Giêsu nhắc đến giờ ở Canvê và nói là thời giờ chỉ định để bắt đầu công việc cứu chuộc chưa đến. Mẹ của Ngài đã yêu cầu một phép lạ; và Ngài nói ám chỉ là phép lạ được làm như một dấu chỉ cho Thiên Tính của Ngài sẽ là khởi đầu cho Cái Chết của Ngài. Giây phút mà Ngài tỏ ra cho những người khác biết Ngài là Con Thiên Chúa, thì Ngài sẽ tự chuốc lấy sự thù ghét của họ đối với Ngài, vì sự dữ có thể chấp nhận cái tầm thường, nhưng không chấp nhận sự tốt lành tuyệt đỉnh. Phép lạ mà Mẹ yêu cầu không thể tránh khỏi việc liên hệ đến công việc Cứu Chuộc của Ngài.

Trong cuộc đời của Chúa có hai trường hợp khi tính nhân loại nơi Ngài dường như tỏ ra không muốn chấp nhận gánh nặng khổ đau. Nơi vườn cây dầu, Ngài đã xin với Chúa Cha nếu có thể được thì cất chén đắng đó đi cho Ngài. Nhưng ngay lúc đó Ngài hàng phục tuân theo ý của Chúa Cha: “Không theo ý Con, nhưng xin theo ý Cha.” Cùng cảm nghiệm không muốn làm đã được tỏ ra trước mặt Mẹ của Ngài. Cana đã được tập dượt chuẩn bị cho Gôn-gô-tha. Ngài đã không đặt vấn đề trong sự khôn ngoan đối với việc bắt đầu cuộc sống công khai và đi đến cái chết ở thời điểm đó. Đúng hơn là vấn nạn về việc nhân tính phải thuần phục chấp nhận Thập Gía. Có một sự song song tương đồng nổi bật giữa ý của Chúa Cha với cái chết công khai của Ngài và ý của Mẹ Ngài muốn Ngài làm đối với đời sống công khai của Ngài. Vâng lời đã chiến thắng ở cả hai trường hợp; ở Cana, nước đã được biến hóa thành rượu; và ở Can-vê, rượu đó trở thành máu.

Ngài đã nói với Mẹ rằng, thực ra là Mẹ đã công bố cái án tử hình trên Ngài. Rất ít bà mẹ gởi con đi ra các chiến trường; nhưng ở đây bà Mẹ ấy đã thực sự hối thúc để giờ đối kháng quyết tử của Người Con và các lực lượng thù địch đến nhanh. Nếu Ngài đồng ý với lời yêu cầu của Mẹ, thì Ngài sẽ bắt đầu giờ chết và vinh quang của Ngài. Tới Thập Gía, Ngài sẽ đi với hai mệnh lệnh, thứ nhất là từ ý Cha của Ngài trên trời, và thứ hai là từ ý Mẹ của Ngài ở dương thế.

Ngay khi Ngài đồng ý để bắt đầu Giờ của Ngài, tức thì Ngài nói với Mẹ là tình liên hệ của Mẹ với Ngài từ lúc đó sẽ thay đổi. Cho đến lúc ấy, trong thời gian sống ẩn dật, Mẹ đã được biết là Mẹ của Giêsu. Nhưng bây giờ Ngài khởi sự công cuộc cứu chuộc, Mẹ sẽ không còn chỉ là Mẹ của Ngài, nhưng cũng là Mẹ của toàn thể các anh chị em mà Ngài sẽ cứu chuộc. Để cho thấy tình liên hệ mới này, Ngài đã nói với Mẹ không như là “Mẹ” thường, nhưng là bà “Mẹ Phổ Quát Hoàn Vũ” hay là “Bà.” Những lời đó là một rung động đối với những người của thời Cựu ước. Khi Adong sa ngã, Thiên Chúa đã nói với Satan cho hắn biết trước là Ngài sẽ đặt mối thù giữa giòng dõi của hắn với giòng dõi của “Người Phụ Nữ,” vì sự tốt lành cũng sẽ có miêu duệ tiếp nối như sự xấu xa. Thế gian không những chỉ có Thành đô của Con Người mà Satan tuyên bố như là của hắn, nhưng cũng có Thành đô của Thiên Chúa. “Người Phụ Nữ” cũng có miêu duệ, và Miêu Duệ của người phụ nữ đó bây giờ đang đứng ngay giữa tiệc cưới, Miêu Duệ đó sẽ ngã xuống đất và chết, sau đó sẽ nẩy sinh sự sống mới.

Lúc “giờ” đó đến, Mẹ trở nên “Người Phụ Nữ”; Mẹ cũng sẽ có những người con khác, không phải bởi máu huyết, nhưng bởi thần khí. Nếu Ngài là Adong mới, đấng sáng lập giòng dõi nhân loại được cứu chuộc, thì Mẹ sẽ là Evà mới và là Mẹ của nhân loại mới đó. Như Chúa Giêsu đã là người, thì mẹ là Mẹ của Ngài; và như Ngài là Đấng Cứu Thế, thì Mẹ cũng là Mẹ của tất cả những ai Ngài cứu chuộc. Gioan, người đã hiện diện ở tiệc cưới, cũng đã có mặt ngay lúc cao điểm của “Giờ” trên đồi Canvê. Ông đã nghe Chúa gọi mẹ là “Bà” phát ra từ trên Thập gía và nói rằng, “Đây là con bà.” Điều này nói lên như Gioan là dấu chỉ về gia đình mới của Đức Mẹ. Khi Chúa Giêsu làm cho con của bà góa thành Naim chết được sống lại, Ngài đã nói, “Hãy trao cậu bé lại cho mẹ của nó.” Trên cây thánh gía, Ngài cũng đã an ủi Mẹ của Ngài bằng việc cho Mẹ một người con khác là Gioan, và cùng với Gioan là tất cả loài người được cứu rỗi.

Lúc sống lại, Ngài đã trao bản thân Ngài lại cho Mẹ,  để tỏ cho thấy rằng trong khi mẹ được những người con khác, mẹ đã chẳng bao giờ mất Ngài. Ở Cana lời tiên báo của Simeon đã nói với mẹ nơi đền thờ đã được xác nhận: từ đó, bất cứ điều gì liên quan đến Người Con của Mẹ thì cũng sẽ liên quan đến Mẹ; bất cứ điều gì xẩy đến với Ngài cũng sẽ xẩy đến nơi Mẹ. Nếu Ngài được chỉ định đi đến thập gía, thì Mẹ cũng đến, và nếu lúc này Ngài bắt đầu cuộc sống công khai thì Mẹ cũng bắt đầu một cuộc sống mới, không chỉ còn là mẹ của ông Giêsu, nhưng cũng là mẹ của tất cả những người mà Giêsu, Đấng Cứu Thế, sẽ cứu chuộc. Ngài tự xưng là “Con của Người,” một danh hiệu ôm ấp toàn thể nhân loại; thì Mẹ cũng sẽ là “Mẹ của Nhân Loại.” Giống như Mẹ đã ở bên Ngài khi Ngài bắt đầu “giờ” của Ngài, thì Mẹ cũng ở bên Ngài lúc cao điểm khi hoàn tất “giờ” của Ngài. Lúc Mẹ đưa Ngài về từ đền thờ, Ngài mới mười hai tuổi, vì Mẹ cảm thấy giờ của Ngài chưa đến; Ngài đã vâng lời Mẹ và trở về Nazarét. Bây giờ ở Cana, Ngài nói với Mẹ là giờ của Ngài chưa đến, nhưng Mẹ đã bảo Ngài hãy bắt đầu, và Ngài đã vâng lời làm theo. Ở Cana, Mẹ đã trao Ngài đi như Đấng Cứu Chuộc những người tội lỗi; trên Thánh Gía Ngài đã trao Mẹ đi làm nơi nương ẩn cho những người có tội.

Khi Ngài nghĩ phép lạ đầu tiên chắc chắn sẽ dẫn ngài đến Thập Gía và cái chết, và Mẹ sẽ trở nên người Mẹ Đau Thương, Mẹ đã quay sang nói với người quản rượu: “Người bảo gì thì hãy làm theo.” (Gioan 2:5).

Thật là một diễn văn tuyệt vời! Từ đó, Mẹ sẽ không nói gì thêm nữa trong trong Thánh Kinh. Bẩy lần Mẹ phát biểu trong Thánh Kinh, nhưng bây giờ Đức Kitô đã xuất hiện, giống như mặt trời chiếu sáng đến tột đỉnh Thần Tính của Ngài, Mẹ của chúng ta đã sẵng lòng được phủ bóng giống như vầng trăng, như thánh Gioan sau này đã miêu tả về Mẹ.

Cả sáu bình chứa nước được đổ đầy, tổng cộng khoảng một trăm hai mươi ga-lông (480 lit), và trong cách nói hoa mỹ của Richard Crashaw, “Nước ý thức nhận ra Thiên Chúa và đã đỏ thẹn lên.” Phép lạ đầu tiên giống như việc sáng tạo; nó đã được thực hiện bởi quyền lực của “Ngôi Lời.” Rượu Ngài làm nên đã qúa ngon đến nỗi tân lang đã bị khiển trách bởi quản tiệc:

"Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ." (Gioan 2:10).

Đúng vậy, rượu ngon nhất đã được giữ lại. Cho đến lúc ấy từ suốt thời gian được mặc khải tỏ bày, rượu xoàng đã là các tiên tri, các quan án, và các vua, cùng Abraham, Isaac, Jacob, Mai-sen, Jo-sue - tất cả đều như nước lã đợi chờ phép lạ của Đấng các dân tộc mong đợi. Thế gian thường cho đi trước những gì ngon sướng nhất; sau đó mới đến những thứ xoàng kém và đắng cay hơn. Nhưng Đức Kitô đã thay đổi ngược lại thứ tự đó và khoản đãi chúng ta bữa tiệc sau bữa chay, Sống Lại sau Tử Hình Thập Gía, niềm vui Ngày Chúa Nhật Phục Sinh sau nỗi khổ đau của Ngày Thứ Sáu Chịu Nạn.

“Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.” (Gioan 2:11).

Thánh Gía ở khắp nơi. Khi một người vươn mình giang tay ra để nghỉ ngơi, họ đã vô tình tạo nên một mẫu hình cho lý do của việc Con Người đến. Cũng vậy, ở Cana, bóng cây Thập gía được thoáng hiện ra trước mặt “Bà,” và tiếng “giờ” như tiếng chuông báo “tử hình.” Ở tất cả những trường hợp khác trong cuộc đời của Ngài thì Thập gía đến trước, sau đó mới đến niềm vui. Nhưng ở Cana, thì niềm vui của hôn ước đến trước, đó là hôn ước giữa Tân Lang và Tân Nương của nhân loại được cứu rỗi; chỉ sau đó chúng ta mới được nhắc nhớ rằng Thập gía là điều kiện cho sự sung sướng mê ly đó.

Bởi thế cái Ngài đã thực hiện ở tiệc cưới thì Ngài đã không thực hiện ở sa mạc. Ngài đã thực hiện trước sự chứng kiến của nhiều người cái mà Ngài đã từ chối không làm trước mặt Satan. Satan đã yêu cầu Ngài làm cho đá trở nên bánh để Ngài có thể trở nên vị cứu thế về kinh tế, và Ngài đã không làm; Mẹ của Ngài đã yêu cầu Ngài biến nước thành rượu hầu Ngài có thể trở nên vị Cứu Thế, Ngài đã đồng ý làm. Satan đã cám dỗ Ngài trốn tránh cái chết, và Ngài từ chối; Mẹ Maria đã “dụ” Ngài đi vào cái chết và sự sống lại và Ngài đã làm theo. Satan đã gắng đưa Ngài xa khỏi thập gía, nhưng Ngài không đồng ý. Mẹ Maria đã xui Ngài  đến với thập gía, và Ngài đã làm theo. Sau này, Ngài cầm lấy bánh mà Satan trước kia đã nói là con người cần phải có, và rượu mà Mẹ của Ngài nói là các khách dự tiệc đang thiếu, và Ngài đã biến đổi chúng trở nên việc tưởng niệm đến Cuộc Thương Khó và Cái Chết của chính Ngài. Và Ngài yêu cầu con người tiếp tục cử hành lễ tưởng niệm này, cho đến ngày tận thế. Khúc xướng ca của đời Ngài tiếp tục được vang lên: Mọi người sinh vào trần gian để được sống; Còn Ngài sinh vào trần gian để chết.

Lm John Kha Tran

114.864864865135.135135135250