18/01/2020 -

Cầu nguyện

576
Làm Chứng Cho Con Thiên Chúa (Lm. J.Trần Đình Khả)
Chúa Nhật Thứ II TN (Gioan 1:29-34)
Làm Chứng Cho Con Thiên Chúa


“Tôi đã thấy và tôi làm chứng, chính Ngài là Con Thiên Chúa.”

Làm Chứng

Ơn gọi sống độc thân trong chức linh mục đang bị tấn công. Nhiều người và nhiều tổ chức đang vận động tìm cách bãi bỏ kỷ luật độc thân linh mục viện dẫn các ngoại lệ trước đây của quy luật này như là tiền lệ cho yêu sách của họ. Theo kế hoạch của họ, việc phong chức cho người nam đã có gia đình sẽ không phải là một ngoại lệ nhưng phải trở thành một chuẩn mực. Vừa nghe tin cuốn sách “Từ Nơi Sâu Thẳm Trong Lòng Chúng Tôi” được xuất bản nhiều người đã vội lên tiếng chỉ trích Đức Bênêđíctô XVI và Đức Hồng y Sarah. Thực ra các ngài chỉ bày tỏ lời chứng cho sự thật về chức tư tế Công Giáo. Vì qua các tấn công nhắm vào chức tư tế ấy, toàn bộ vẻ đẹp của Giáo hội đang bị đặt thành vấn đề.” Các ngài viết “Điều cấp bách và cần thiết đối với tất cả mọi người – giám mục, linh mục và giáo dân là phải ngăn chặn đừng để mình bị đe dọa bởi những lời thỉnh cầu lầm lạc, những trò đóng kịch, những lời dối trá hiểm ác và những sai lầm thịnh hành của thời đại chúng ta đang cố gắng hạ thấp nếp sống độc thân linh mục. Chúng ta hãy lên tiếng mạnh dạn tuyên xưng đức tin mà đừng sợ bị cho là không có lòng bác ái.” Cả Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah đều nhận ra rằng độc thân linh mục là một dấu chỉ cho thấy Giáo hội từ chối vâng phục luận lý của thế gian này và thay vào đó tuân theo luận lý của một thế giới nơi người ta không lấy vợ lấy chồng. Chừng nào các Kitô hữu vẫn còn bị cám dỗ thần tượng hóa các quyền lực trần thế – đảng phái, quốc gia và thị trường – thì chúng ta không thể bỏ mất dấu chỉ trung thành với Nước Trời này. Đức Bênêđíctô cũng xúc động nhớ lại khi ngài được đón nhận vào hàng tư tế. Tại thời điểm đó, ngài không còn là giáo dân nữa nhưng trở thành giáo sĩ. Ngài đã đọc những lời “Chúa là phần gia nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con” như một phần trong nghi thức phong chức, đó là một lời nhắc nhở rằng Thiên Chúa – chứ không phải là đất đai, gia đình – là gia nghiệp và là chén phần phúc của linh mục.

Ơn gọi linh mục trong Giáo Hội Công Giáo theo Sắc Lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục của Công Đồng Vaticano II là “Sứ mệnh tận hiến để phục vụ một nhân loại mới, mà Chúa Kitô Ðấng chiến thắng sự chết đã phục hồi trong thế gian nhờ Thánh Thần Người và là một nhân loại đã được sinh ra "không bởi khí huyết, không bởi ý muốn xác thịt, không bởi ý muốn của nam nhân, nhưng bởi Thiên Chúa" (Gio 1,13). Nhờ đức trinh khiết hay là bậc độc thân vì Nước Trời 37 các Linh Mục được thánh hiến cho Chúa Kitô với một lý do mới mẻ và tuyệt hảo được kết hợp cách dễ dàng hơn với Người bằng một trái tim không chia xẻ 38, tận hiến cách tự do hơn trong Người và nhờ Người để phục vụ Thiên Chúa và loài người, sẵn sàng hơn trong việc phục vụ Nước Chúa và việc tái sinh siêu nhiên . . . Ngoài ra, các ngài còn trở nên dấu chỉ sống động về thế giới mai sau, mà ngày nay đã hiện diện qua đức tin và đức ái, trong đó con cái sự sống lại không còn dựng vợ gả chồng nữa 41.

Đức Hồng Y Sarah, rút ra từ kinh nghiệm của chính mình, công việc mục vụ cho những làng quê xa xôi thiếu vắng các linh mục dưới chính sách khủng bố của Sekou Toure, để kết luận rằng “phong chức linh mục cho người nam đã lập gia đình sẽ là một thảm họa mục vụ, dẫn đến sự nhầm lẫn giáo hội học và làm lu mờ sự hiểu biết của chúng ta về chức linh mục.” Ngài tin rằng việc cung cấp linh mục cho các làng quê chịu thiệt thòi bằng cách phong chức linh mục cho những người nam đã lập gia đình là một hành động khinh miệt, khi tước mất của họ quyền có được chứng tá của một người nam tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Theo quan điểm của Đức Hồng Y Sarah, quá nhiều linh mục Công Giáo “đã trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, chính trị hay kinh tế,” cung cấp được các nhu cầu vật chất chứ không phải là các nhu cầu tinh thần mà họ được ủy thác để chăm sóc. Đức Hồng Y Sarah chỉ ra rằng tại đất nước của ngài, cũng như ở Nhật Bản sau khi các nhà truyền giáo đã bị hành quyết vì đạo hoặc bị trục xuất, chính các giáo lý viên giáo dân đã bảo tồn đức tin. Và một trong các yếu tố đức tin mà họ bảo tồn là chức tư tế độc thân. Các Kitô hữu Nhật Bản được dạy phải nhìn vào ba dấu chỉ sau để nhận biết ai là linh mục: “Họ sống độc thân, họ có một bức tượng của Đức Maria, họ vâng phục Đức Giáo Hoàng Rôma.”

Lời Chứng của Gioan Tiền Hô 

Bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan Tiền Hô tuyên bố, “Tôi đã thấy va tôi làm chứng, chính Ngài là Con Thiên Chúa.” Sứ vụ của ngài là làm chứng về Đức Giê-su. Người làm chứng có nghĩa là người đó xác nhận sự thật trên căn bản cảm nghiệm được mắt thấy tai nghe. Gioan có thể làm chứng về Chúa Giê-su bởi vì ông biết Ngài và chứng kiến về Ngài. Gioan biết Chúa Giê-su vì ông có họ hàng với Chúa theo dòng tộc. Mẹ của Gioan là chị họ của Đức Maria, Mẹ của Chúa Giê-su. Nhưng Gioan không những chỉ biết Chúa qua liên hệ họ hàng. Ông còn biết Chúa vì được chứng kiến mạc khải từ trời cao. “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời cao đáp xuống và ngự trên Ngài . . . Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Tôi đã thấy và tôi làm chứng, chính Ngài là Con Thiên Chúa.

Chúng ta cũng được mời gọi để làm chứng cho Chúa như vậy, biết Chúa và biết những việc Chúa làm trong đời sống của chúng ta và công bố cho người khác cùng biết về Ngài để họ cũng có thể nhận biết Chúa và những việc Chúa làm trong cuộc đời của họ. Trước khi rời thế gian, Chúa đã chính thức truyền cho các môn đệ ra đi làm chứng về Ngài và về Tin Mừng khi Ngài nói, “Anh em là nhân chứng” (Luca 24:48). Lời truyền dạy này được nhắc lại ngay lúc khởi đầu sách Công Vụ Tông Đồ (1:8). Làm chứng là sứ vụ quan trọng của người môn đệ. Mỗi môn đệ đều có cảm nghiệm riêng đối với Chúa Giê-su, do đó mỗi người môn đệ được mời gọi chia sẻ lời chứng riêng của họ với những người khác theo cách riêng của mình. Mỗi người chúng ta cũng có cảm nghiệm riêng khác nhau về Chúa Giê-su tùy hoàn cảnh, môi trường, nhu cầu và mong muốn của mỗi người. Lúc khủng hoảng lo sợ, chúng ta có thể cảm thấy Chúa là vị Cứu tinh. Khi đau yếu bệnh tật chúng ta cảm thấy cần Chúa như Thầy thuốc. Khi cần được tha thứ chúng ta cảm thấy Chúa là Đấng ban bình an. Khi cần tình liên hệ hiệp thông chúng ta cảm thấy Chúa là Người đồng hành. Khi cảm thấy cần sự khôn ngoan và dẫn dắt, chúng ta cảm thấy Chúa là Đấng khôn ngoan. Dù là có cảm nghiệm thế nào về Chúa, mọi cảm nghiệm của chúng ta về Ngài đều có thể là cơ hội để chúng ta làm chứng về Ngài cho những người khác nhờ đó họ cũng có thể được khuyến khích tìm thấy ơn Chúa trong đời sống của họ. Lời chứng thứ nhất Gioan xác nhận “chính Ngài là Con Thiên Chúa.” Người Con này cũng được Gioan giới thiệu là “Chiên Thiên Chúa.” Tại sao lại là Chiên?

Danh Hiệu của Chúa

Một trong những danh hiệu Gioan dùng để nói về Chúa Giê-su là danh hiệu “Chiên Thiên Chúa.” Đây là danh hiệu cao cả về đức tin tóm tắt hầu như trọn những điều Chúa Giê-su làm suốt cuộc đời cho đến chết trên Thánh giá ở đồi Can-vê. Là Chiên Thiên Chúa có nghĩa là Con Chiên bị sát tế. Chúa Giê-su sẽ hoàn tất hiến tế này trên Thánh Giá ở đồi Can-vê. Gioan tiền hô giới thiệu Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa vì trên thánh giá khi thánh Gioan tông đồ nhắc đến cành hương “mật đắng” và câu “không đánh dập ống chân của Người,” ngài cũng có ý ám chỉ đến Con Chiên Vượt Qua. Chúa Giê-su được nhìn nhận là Chiên Vượt Qua chân thật cũng được nhấn mạnh trong Tin Mừng Gioan khi trình bày biến cố đóng đinh Chúa Giê-su xẩy ra trong Ngày Chuẩn Bị, nghĩa là Chúa bị sát tế trên đồi Can-vê cùng với thời điểm mà các con chiên Vượt Qua bị sát tế ở trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem (Gioan 19:31).

Các của hiến tế trong Cựu Ước là cách dân chúng dâng một số cái đã được Thiên Chúa tạo dựng nên và dâng trả lại cho Chúa như sự bày tỏ lòng ước ao của họ muốn ở trong hiệp thông với Thiên Chúa. Có những mục đích khác nhau cho các của hiến tế. Một số lễ vật hiến tế được dâng như của lễ tạ ơn. Một số vật hiến tế khác được làm để thiết lập sự hiệp thông với Thiên Chúa và với những người khác qua việc chia sẻ bữa ăn hiến tế. Còn có những lễ vật hiến tế được dâng hiến để xin ơn tha tội mà vật hiến tế trả giá đền vì tội lỗi của người khác. Sau cùng, các của lễ hiến tế cũng được dâng để làm dấu ấn giao ước giữa Thiên Chúa và con người với những quyền lợi và các đòi hỏi của cả hai bên. Chúa Giê-su đã kiện toàn tất cả các ý nghĩa hiến tế này khi Ngài trở nên Con Chiên hoàn hảo muôn đời của Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su là Của Lễ Tạ Ơn chúng ta dâng lên Thiên Chúa mỗi lần dâng Thánh Lễ. Thánh Thể chính là lễ Tạ Ơn vì tất cả ơn lành Chúa trao ban cho chúng ta qua Người Con của Ngài. Chúa Giê-su là nguồn mạch hiệp thông duy nhất của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân khi chúng ta chia sẻ Bữa Tiệc của Chúa. Bữa tiệc ấy là bữa tiệc thánh lúc Chúa Giê-su hiến dâng trong sự hiện diện của Ngài dưới hình bánh và rượu. Chúa Giê-su tự nhận lấy cho Ngài thân phận tội lỗi của chúng ta và trả giá đền bù do tội lỗi của chúng ta gây ra. Ngài trả giá đền bù bằng việc chết trên thánh giá để mang lại ơn tha thứ và cứu chuộc cho thế gian. Sau hết Chúa Giê-su trao ban cho chúng ta Giao Ước mới đời đời bằng máu của Ngài nơi bữa Tiệc Ly. Nơi Bữa Tiệc Ly chúng ta bước vào một Giao Ước mới vĩnh viễn trong đức tin và tình yêu với Chúa Ki-tô và với những người khác mỗi khi chúng ta tham dự Bàn Tiệc Thánh Thể. Khi linh mục dâng Mình và Máu của Chúa Giê-su trong Thánh Lễ và công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian” là ngài công bố Chúa Giê-su trao ban cho chúng ta tất cả các ơn ích bởi hiến tế của Ngài.

Gioan Tiền hô công bố bốn danh hiệu của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng. Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa. Chúa Giê-su là Đấng có từ đời đời - Ngôi Lời của Thiên Chúa luôn hiện diện. Chúa Giê-su là Đấng mang Thánh Thần - Chúa Thánh Thần luôn ở với Chúa Giê-su và Ngài có quyền chia sẻ với chúng ta cả trên thập giá và sau khi sống lại, và Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa - Đấng có thế tỏ cho chúng ta dung nhan của Chúa Cha và đưa chúng ta đến với Ngài. Mỗi danh hiệu này sẽ được nên trọn trong sứ vụ suốt cuộc đời của Chúa Giê-su. Không riêng một danh hiệu nào có thể nói lên đầy đủ sự chân thực về Chúa Giê-su. Vừa khi có ai đó nói là họ đã hình dung ra được Chúa Giê-su, họ sẽ lại thấy còn điều gì đó cao cả hơn (Gioan 1:50). Các danh hiệu thuộc đức tin có thể giúp chúng ta giải thích về Thiên Chúa nhưng không bao giờ có thể định nghĩa đầy đủ về Thiên Chúa. Trong suốt Tin mừng theo thánh Gioan chúng ta sẽ nghe đến những danh hiệu khác nói hơn nữa về Chúa Giê-su. Những danh hiệu này gồm: Đấng Chăn Chiên Lành, Ánh Sáng thế gian, Nước Hằng Sống, Sự Sống Lại và là Sự Sống, Là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Tất cả các danh hiệu này giúp chúng ta hiểu không những Chúa Giê-su là ai nhưng cũng còn giúp chúng ta gặp Chúa trong cách thực tế qua các biến cố và hoàn cảnh của đời sống. Các danh hiệu nhằm mục đích giúp chúng ta nhận biết và đáp theo sự hiện diện của Chúa Giê-su mau lẹ và trung tín hơn.

Chúng ta cầu nguyện để Giáo Hội có thêm nhiều người dám can đảm làm chứng cho nước trời thuộc mọi bậc sống, ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Như Chúa Giê-su xác nhận những người tin theo Ngài vẫn sống ở thế gian nhưng không thuộc về thế gian (Gioan 15:19). Chúng ta không để mình bị đồng hóa với thế gian. Thế gian ghét Chúa Ki-tô và ghét những ai tin theo Ngài (Gioan 15:20). Chúng ta không điều đình thương lượng được với thế gian. Chúng ta không thể ký hiệp ước với thế gian. Chúng ta chỉ có thể ký hiệp ước với Chúa Giê-su. Sứ vụ của chúng ta là giới thiệu Chúa Giê-su Ki-tô cho mọi người và đem ánh sáng Tin Mừng của Ngài biến đổi thế gian, giúp nhiều người nhận biết Thiên Chúa chứ không phải tìm thỏa thuận để tạo cuộc sống yên hàn nơi thế gian.

L. M. J. Trần Đình Khả
114.864864865135.135135135250