14/05/2017 -

Cầu nguyện

454
Mẹ Con và Con Mẹ

Mẹ Con và Con Mẹ

Mời bấm vào đây để nghe

Tuần vừa qua, một bà mẹ gọi điện thoại đến văn phòng gíao xứ và nói với tôi, “Thưa cha đứa con trai 13 tuổi của con không hiểu sao hai tháng nay cháu không muốn ăn uống, và cháu chỉ nói là cháu buồn chẳng muốn nói chuyện với ai. Cháu nó bị sụt mất 20 cân. Cháu nói là cháu muốn nói chuyện với cha, vì cha là vị linh mục mà cháu qúi mến. Vậy cha có thể cho cháu gặp cha được không? Con cũng không biết phải làm gì cho cháu.” Gia đình bà ở xa giáo xứ gần một giờ lái xe, nhưng bà và cậu con trai đã bằng lòng lái xe đến gặp tôi.

Mẹ và con trai có một mối liên hệ đặc biệt. Một nghiên cứu thống kê ở Mỹ tham khảo khoảng 1,200 người ở tuổi ngoài 40 với câu hỏi: “Nếu được hỏi để chọn thì họ muốn người cha hay người mẹ của họ về sống chung với họ?”

Có lẽ các bạn đã biết câu trả lời: 2/3 số người trả lời là họ  muốn mẹ của họ vì bà có thể giúp họ nhiều hơn trong việc giặt giũ thu dọn nhà cửa và nấu ăn cũng như là trông giữ con cái cho họ. Mẹ cũng gọn gàng và dễ lắng nghe hơn.

Tuy nhiên, các ông bố cũng không nên vội buồn. Thực ra thì 70% những người trả lời nói là họ không thích cả bố lẫn mẹ về ở với họ. Nhưng nếu phải chọn thì đa số muốn chọn mẹ dọn vào sống với họ.

Mẹ là ai?

Mẹ thông thường được dùng để chỉ người phụ nữ mang thai, sinh ra và nuôi lớn đứa trẻ. Tuy nhiên, vì sự phức tạp và liên đới tình cảm giữa người mẹ và con cái, cùng nhiều khác biệt trong các định nghĩa và vai trò của người mẹ về mặt tình nghĩa, văn hóa, xã hội và tôn giáo nên rất khó có thể có một định nghĩa chung về mẹ được chấp nhận rộng khắp.

Có nhiều kiểu Mẹ: Mẹ đẻ. Mẹ nuôi. Mẹ dưỡng. Mẹ mang thai giúp.

Mẹ còn có các cách gọi khác theo từng địa phương như là: má, mế, u, bầm, bu, đẻ, cái, mẫu, vú, v.v. Chẳng hạn như trong các câu thơ sau:

Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trảy nước non Cao Bằng.

(Ca dao)

Bầm ơi có rét không bầm!

Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn.

Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non.

(Tố Hữu)

 

Ở thành phố Mexicô có tượng đài ghi khắc dòng chữ đề trên tượng đài có thể dịch như sau: Tặng người yêu thương chúng ta trước khi gặp chúng ta.

Hiện tại, với các tiến bộ trong công nghệ sinh sản, chức năng làm mẹ sinh học có thể được chia ra giữa mẹ di truyền (người phụ nữ cung cấp trứng) và mẹ mang thai (người phụ nữ có thai, nói chung được biết đến như là mang thai hộ), cũng như mẹ xã hội (người nuôi dưỡng đứa trẻ). Mối liên hệ lành mạnh giữa người mẹ và đứa con tạo ra một nền tảng an toàn để sau này đứa trẻ có thể tự tin bước chân vào đời.

Trong trường hợp của con người, trước khi có sự mang thai hộ thì mẹ đẻ đồng nhất với mẹ sinh học. Mẹ sinh học là một phụ nữ mang thai (hay mang bầu) mang quả trứng đã được thụ tinh của chính mình. Bào thai phát triển từ trứng đã thụ tinh có thể sống được (tức là 'phôi thai'). Quá trình thai nghén diễn ra trong dạ con của người phụ nữ từ khi thụ thai cho tới khi bào thai phát triển đầy đủ để được sinh ra. Người phụ nữ trải qua cơn đau đẻ và sinh ra đứa trẻ. Thông thường chỉ một đứa trẻ được sinh ra trong mỗi ca đẻ. Sau đó người mẹ tiết sữa để nuôi con. Sữa mẹ là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết nhất để nuôi đứa trẻ trong khoảng thời gian khoảng một năm (hoặc hơn thế). Bên cạnh đó, sữa non (loại sữa tiết ra nhiều nhất trong vòng 3 ngày đầu sau khi sinh con) cũng là nguồn cung cấp các kháng thể cho hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh.

Mẹ có công lớn nhất là nuôi dưỡng và giáo dục đối với đứa con mình sinh ra. Quá trình nuôi dưỡng bắt đầu sau khi mang thai và sau khi sinh cho đến khi trưởng thành. Chính vì đặc điểm đó mà người mẹ có vai trò đặc biệt với mỗi chúng ta. Từ đó phát sinh tình Mẫu Tử.

Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng của người mẹ và người con, thể hiện sự gắn bó, quan tâm, chăm sóc, dưỡng dục...

Có rất nhiều câu thơ, câu ca về tình mẹ.

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp mật, như đường mía lau

(Ca dao)

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

(Ca dao)

Con dù lớn vẫn là con của mẹ,

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con

(Chế Lan Viên)

Ta mê mãi trên bàn chân rong ruổi

Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng

(Đỗ Trung Quân)

Người Mẹ Đặc Biệt Nhất

Các bà mẹ và con cái của họ, đặc biệt là con trai có một mối liên hệ đặc biệt. Và còn ai có mối tình liên hệ đặc biệt ấy hơn là Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu?

Tình liên hệ đó được bắt đầu từ một vị thiên thần. Thiên thần Gabriel đến gặp đức Maria và

nói, “Cô là người có phước trước nhan Thiên Chúa; cái phước đó ai ngờ lại là việc Maria sẽ có thai trước khi lập gia đình với Giuse, người bạn trai của cô. Maria ngỡ ngàng không hiểu lời của Thiên Thần và hỏi, “Việc  ấy xẩy ra thế nào được vì tôi không có liên hệ sinh lý với đàn ông?” Nhưng rồi Maria nhận được câu trả lời, “Thánh Thần của Chúa sẽ đến với cô, và uy quyền của Thiên Chúa sẽ bao che cô; bởi thế con trẻ được sinh ra sẽ là thánh và được gọi là Con Thiên Chúa.”

Đức Mẹ Maria đã lạc mất Con khi Chúa Giêsu mới mười hai tuổi trên đường về sau cuộc hành hương Giêrusalem. Trước khi bắt đầu giảng đạo, và khi đang dự tiệc cưới bỗng bị hết rượu, để giữ thể diện cho đôi tân hôn và gia đình, Đức Mẹ đã kêu xin khiến Chúa phải làm phép lạ biến nước thành rượu ở tiệc cưới Cana trước giờ dự định tỏ lộ uy quyền của Ngài. Mẹ cũng đã có lần đích thân đi tìm gặp Chúa khi gia đình người thân nghĩ là Chúa bị mất trí.

Nhưng bối cảnh ấn tượng nhất đối với Mẹ Maria là lúc Mẹ đứng bên Thập Gía cùng với Chúa. “Khi Chúa Giêsu thấy Mẹ và người môn đệ yêu dấu đứng đó, Ngài đã thưa với Mẹ, “Thưa Bà, đây là con bà.” Và Ngài nói với Gioan, người môn đệ yêu dấu, “Đây là Mẹ Con.” Và từ lúc đó người môn đệ đưa mẹ về nhà của ông.

Cả chuỗi kỷ niệm từ giây phút thiên thần Gabriel báo tin cho đến suốt thời tuổi thơ – và bây giờ phải nhìn cảnh con chịu đớn đau trong nhục hình đã cuộn lên trong trí lòng của Đức Mẹ. Nếu đã có bao giờ Mẹ từng mong được nghe tiếng kêu “Mẹ ơi” thì chính là lúc này.  Lúc Chúa nằm chết treo trên Thánh Gía và Mẹ muốn giơ tay bồng ẵm con mình. Nhưng thay vì nghe được tiếng kêu Mẹ Ơi đó thì Mẹ lại nghe tiếng nói, “Thưa Bà!”

Thưa bà không phải là câu nói bất lịch sự hay là vô tâm vô tình hay vô cảm. Nhưng đó là câu nói đơn sơ và đầy tình nghĩa như trong tiếng Việt chúng ta thường gọi bà với nghĩa “Bà ngoại, bà nội. “Thưa bà” là lời nói kính trọng và đầy tràn tình cảm trìu mến. Đây là cách nói có tính cách “trịnh trọng.” Chúa Giêsu nói thế để tái định nghĩa tầm quan trọng của liên hệ gia đình. Chúa Giêsu muốn cho Đức Mẹ nhận ra là tình liên hệ thầy trò giữa Ngài với người môn đệ và với toàn thể nhân loại quan trọng và vượt xa hơn là khuôn khổ của tình cảm gia đình. Điều Chúa Giêsu muốn cho Đức Mẹ nhận ra là vai trò quan trọng của Mẹ không còn phải chỉ là Mẹ của riêng Ngài nhưng là Mẹ trong cả sứ vụ cứu chuộc của Ngài với toàn thể gia đình nhân loại. Đức Mẹ Maria cần ghé vai gánh vác sứ vụ cùng với Chúa Giêsu.

Đại Gia Đình Kitô Hữu

Chúng ta cũng vậy. Lời của Chúa từ Thập Gía cho Đức Mẹ và Thánh Gioan, người môn đệ yêu dấu, cũng là lời dành cho tất cả mọi người chúng ta, đó là tìm nhận ra vai trò của chúng ta trong sứ vụ cứu chuộc ủa Chúa Giêsu và trong bối cảnh của một liên hệ gia đình Kitô mới này. Chúng ta không loại bỏ gia đình ruột thịt trần gian. Nhưng chúng ta mở rộng biên giới gia đình để cùng giúp đỡ, hỗ trợ, khích lệ và sống sứ vụ chung.

Chúng ta làm những gì các gia đình thường làm. Chúng ta cùng ngồi ăn, cùng họp mặt, cùng giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta khuyến khích và nâng đỡ nhau. Làm như vậy là chúng ta đang bắt chước các Kitô hữu thời ban đầu: "Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng …

Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.(CV 2:42-47).

Khi chúng ta sống theo tinh thần này là chúng ta bắt chước thánh Gioan tông đồ. Eusebius sống ở cuối thế kỷ thứ 3 và đầu thế kỷ thứ 4 là Giám Mục của Caesarea và cũng là một sử gia của Giáo Hội đã viết về truyền thống tin là Thánh Tông Đồ Gioan đã đưa Đức Mẹ Maria về sống với Ngài và chăm lo cho Mẹ. Thánh Gioan đã đưa Mẹ đi Ephesô và đã có mặt lúc Đức Mẹ qua đời. Mỗi năm khách hành hương vẫn hành trình thăm viếng ngôi nhà nơi Đức Mẹ đã sống cách Ephêsô vài cây số. Gia đình của Chúa Giêsu trở nên gia đình của Gioan. Mẹ của Chúa Giêsu trở nên mẹ của Gioan và Mẹ của mọi người chúng ta.

Lời nói thứ ba của Chúa Giêsu từ cây thánh gía là lời của của tấm lòng biết tận tâm chăm trọn tình trọn nghĩa. Chúa Giêsu đã hết tình hết nghĩa với chúng ta đến chết trên thập gía. Ngay cả lúc chết treo trên Thánh Gía Chúa vẫn chỉ nghĩ đến gia đình của Ngài. Gia đình đó là Đức Mẹ Maria, Thánh Gioan và mọi người chúng ta. Đây cũng là tâm tình và nghĩa cử Chúa Giêsu muốn thấy nơi mỗi người chúng ta dành cho nhau. Ngài muốn qui tụ tất cả chúng ta trong mái ấm gia đình cùng với Đức Mẹ Maria.

Hôm nay là ngày Hiền Mẫu. Các bà mẹ là những tấm gương phản chiếu tinh thần tận tình tận nghĩa dành cho con và cho gia đình mà Chúa Giêsu muốn thấy được tiếp tục chiếu tỏa trong các gia đình và xã hội ở mọi thế hệ.

Xin gởi tâm tình trân trọng biết ơn đến tất cả những người làm mẹ và nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn hồng ân và trọng thưởng cho tất cả những hy sinh vất vả và tấm lòng yêu thương vô bờ của các bà mẹ.

Lm John Kha Tran

114.864864865135.135135135250