01/07/2017 -

Cầu nguyện

794
Người bị mất đầu

Người bị mất đầu

Mời bấm vào đây để nghe

Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được

(Mt 10:39)

Mục đích Thiên Chúa đến trần gian để cứu chuộc đã được tỏ bày dưới nhiều biểu tượng và hình thức; một trong những hình thức nổi bật nhất được tiên báo nơi những gì xẩy ra cho Gioan Tẩy Gỉa. Dù Gioan không tìm kiếm trọng vọng trần thế, ông vẫn được điều đó; ông được chính vua Herod Antipas tìm gặp, một người con trai của vua Herod cha khát máu, cũng là người đã quyết mưu sát Chúa khi Ngài mới chưa đầy hai tuổi đời. “Herod đã sợ Gioan,”vì biết Gioan là người công chính và thánh thiện.” Kẻ xấu sợ người tốt, vì người tốt luôn là một trách mắng cho lương tâm của họ. Kẻ không kính sợ Thiên Chúa thích thấy tôn giáo giống như thấy loài sư tử, một là giết cho chết hai là giam giữ trong cũi; họ sợ khi tôn giáo được tự do và bắt đầu thách thức lương tâm của họ.

Herod thuộc loại người tiêu biểu của thế gian muốn tìm gặp những người mà họ gọi là “có khoác áo trí thức” (như Felix muốn gặp Phaolô); họ thích sự thông thái của những người đó, thích văn chương hoa mỹ của họ, thích sự khôn ngoan trừu tượng; nhưng khi những người này bắt đầu áp dụng các giáo huấn của Chúa Kitô cách cụ thể vào cuộc sống, thì họ liền bị xua đuổi với những lời cho là “qúa khắt khe,” “không nhân nhượng” hoặc mỉa mai nói, “Bạn biết không, hắn thực sự là có ý muốn thuyết phục tôi thay đổi?” Herod là con người luôn tìm những thú vui và kích thích mới, đã mời cả cung triều nghe vị giảng thuyết nổi tiếng nhất thời đó. Bản văn nào Gioan đã dùng để giảng? Có phải ông sẽ giảng về tình yêu huynh đệ? (không nói đến tình Cha Con của Thiên Chúa), hay về việc cần phải cắt giảm vũ trang quân đội, hoặc về nhu cầu lớn trong cải cách kinh tế ở Galilê? Gioan biết tất cả những cái đó là cần thiết, nhưng ông cũng biết có cái khác vẫn cần thiết hơn; do đó ông đã quyết định nói với lương tâm của họ.

Có thể Herod đã nhìn ông với nụ cười khỉnh nửa miệng; Herodias, vợ của ông, đã phải trợn mắt lườm xéo; những người khác tỏ ra tò mò, nhưng chẳng mấy quan tâm. Herod và Herodias cả hai đã có hôn phối trước với người khác rồi, bà là vợ người anh của Herod. Đó là sự khởi đầu của những bê bối thông thường xẩy ra ở một quốc gia đang bắt đầu thối nát. Herod trước đó cũng đã lấy con gái của Aretas, người đã bỏ ông khi ông bắt đầu gian díu với Herodias, vợ của người anh là Philip. Herodias đã có một người con gái với Philip là Salomê.

Nếu theo quan điểm khôn ngoan chính trị của thế gian, Gioan không nên đề cập đến trong triều đình. Nhưng Gioan muốn đẹp lòng Thiên Chúa chứ không phải lấy lòng con người; ông quyết tâm nói chống bác lối sống buông thả theo dục vọng. Ông đã qúa tốt để không thể làm thinh trước tội lỗi của Herod, qúa quan tâm đến sự tôn trọng lành mạnh luân lý, Gioan không thể bỏ qua vết thương không được chữa trị, qúa yêu thương để không có ý nghĩ nào khác ngoài việc cứu linh hồn của Herod.

Gioan đã làm theo giáo huấn của Thiên Chúa trong ý nghĩa hôn nhân là thánh thiện và bất khả phân ly: “Điều gì Thiên Chúa ràng buộc kết nối thì không ai được phân ly.” Ông đã nói thẳng thắn rõ ràng, quyết đoán và không ngại ngùng. Thẳng tay chỉ vào Herod và vợ của ông đang ngồi trên ngai và nói:

Vua không được lấy vợ của anh mình (Mc 6:18).

Nghe vậy, Herodias đã nhăn mặt cau mày. Bà biết Gioan đang nhắc đến điều bà đã làm là quyến dũ Herod, người bị lọt vào tròng của bà. Chỉ một cái nhìn của Herodias đã đủ cho Herod hiểu.Trước khi Gioan dứt lời thì xích sắt được đưa ra để còng tay Gioan, và quân hầu đã kéo ông ra khỏi triều, đem tống giam trong ngục. Người giảng dạy đã bị tống giam, nhưng những lời của ông thì không – chúng vẫn vang vọng trong lương tâm rất lâu dài sau khi tiếng nói bị cấm cản.

Nhiều tháng ngày Gioan bị giam cầm trong ngục tù ở Machaerus. Có phải vì bị cưỡng bách không được tiếp tục rao giảng khiến cho Gioan trở nên nghi nan về Đấng Thiên Sai và Con Chiên Thiên Chúa, Người mà ông đã công bố? Có phải đức tin của ông đã bị lung lay trong khi bị giam trong ngục tối? Có lẽ ông đã thiếu nhẫn nại vì mong Thiên Chúa giáng phạt những người từ chối đón nhận thông điệp của Ngài. Với bất cứ lý do gì:

Gioan gọi hai đồ đệ đến và sai họ đến với Chúa để tham khảo: Có phải  Ngài là Người được sai đến hay chúng tôi còn phải chờ đợi một vị khác? (Lc 7:19).

Cách Gioan đặt câu hỏi cho thấy ông có lòng tin ở lời hứa cứu chuộc và ở nơi Người mà ông muốn tham khảo.  Khi câu hỏi được nêu lên, Chúa đã không đáp lại với lời hứa hẹn là Gioan sẽ được ra khỏi tù, hay là chính Ngài sẽ đích thân tiêu diệt kẻ thù. Ngài chỉ trả lời bằng cách chỉ ra cho thấy những việc chữa lành, xoa dịu và giáo huấn của Ngài:

Người trả lời hai người ấy rằng: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi." (Lc 7:22,23).

Thiên Chúa và các đường lối của ngài luôn là sự xôn xao chấn động đối với con người. Tính đơn nghèo của Đấng Cứu Thế đã là sự phản đối tiên khởi về Tin Mừng của Ngài. Sự thiên vị này đã nổi lên từ quan niệm rất sai lầm về sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa, như thể thành qủa đạt được nơi các mục tiêu của Ngài bị tùy thuộc ở những phương tiện mà thế gian gắn liền với sự thành công. Đức Kitô đã cho các môn đệ của Gioan một câu trả lời hai nghĩa, hướng chỉ đến những việc làm và lời nói, các phép lạ và giáo huấn của Ngài. Các phép lạ của Ngài không phải chỉ là những cái để cho sửng sốt ngỡ ngàng; hơn thế đó là những dấu chỉ về Nước Thiên Chúa công chính và đầy tình thương; quyền phép Ngài làm là quyền phép vượt ra ngoài lãnh vực tự nhiên, có thể điều khiển những gì là tự nhiên. Cách riêng, giáo huấn của Ngài là một chứng từ khác về Thiên Tính: Người nghèo sẽ có Tin Mừng được rao giảng cho họ.

 Đây là một điểm nổi bật đặc biệt, vì nghèo khó chỉ là một từ ngữ khác nói về tính bất toàn và yếu đuối nơi con người. Thân xác cường tráng và trí tuệ thông minh cùng những người có nhiều dư giả ở đời đã lãnh nhận được phần thưởng của họ ở thế gian này; nhưng người nghèo và yếu đuối thường đói rách và đau khổ. Đức Kitô đã nói, trong Nước Trời có Tin Mừng cho người nghèo. Thiên Chúa có một thế giới khác để Ngài đối xử lại với những bất công ở đời này.Trong khi người giầu có được cho biết rằng nếu anh muốn vào nước trời thì anh phải từ bỏ những của cải ở đời vì danh Đức Kitô, người nghèo được cho biết là những khổ cực và lao nhọc của họ, sự vất vả và những chán ngán thất vọng, được kết hiệp với Thánh Gía, sẽ đem lại cho họ phần thưởng và sự bình an trong tâm hồn.

Khi những người đưa tin đã đi khỏi, Chúa khen Gioan. Gioan đã là làm chứng về Ngài. Bây giờ Ngài làm chứng về Gioan. Ngài trả lời những người có thể đã xét đoán Gioan bởi thông điệp được gởi ra trong giờ thử thách. Ngài đã so chiếu ngược lại với đám đông quần chúng, những người vẫn tiếp tục níu kéo gán lời của các sứ giả với chính Gioan - sự thay đổi bất định của đám đông là nét ổn định của một tiên tri. Không phải là Gioan yếu nhược, mà là chính ở nơi lòng của quần chúng. Không phải do hoài nghi mà Gioan đã sai người đi hỏi dò, cũng chẳng phải vì lo sợ bị hành hung. Chúa đã dùng ba hình ảnh để  bênh vực cho Gioan. Hình ảnh thứ nhất là cây sậy được uốn ngả theo chiều gió cạnh giòng nước chảy mạnh bên sông Jordan, nơi người ta nghe Gioan rao giảng. Hình ảnh thứ hai là những chiếc áo lụa là của những người sống nơi lâu đài của nhà Herod. Hình ảnh thứ ba là dấu chỉ từ trời và một ám chỉ về những người đã được sinh ra bởi những người phụ nữ.

Chúa đã hỏi ba lần, “Các ngươi đi tìm gì?” Đây là cái sai lầm của họ; nói là muốn biết ý của Thiên Chúa, thực ra họ đã bị lôi cuốn bởi những cái họ thấy và những điều kỳ lạ, thích những phép lạ và tiếng tăm của sứ gỉa. Họ đến để tò mò tìm xem người nào đó chứ không phải là để nghe họ, để thỏa mãn con mắt tò mò chứ không phải là để học tập sống theo gương và sự từ bỏ mình của Gioan Tẩy Gỉa. Chúa nói với đám đông là Gioan đã không đặt câu hỏi từ trong ngục tù chỉ vì ông là một cây sậy bị rung trước gío của dư luận quần chúng, hoặc vì ông qúa lo cho sự bảo toàn thân xác giống như những người ở trong đền vua của nhà Herod. Gioan không phải là cây sậy yếu ớt bị lung lay bởi làn hơi từ tiếng tung hô của đại chúng. Ông cũng đã chẳng khiếp sợ khi rao giảng. Không những ông đã khắt khe với người ta, ông còn khắt khe với chinh bản thân ông. Ông có thể sống nơi cung điện, nhưng ông đã chọn sống ở nơi hoang địa. Trong liên hệ với Thiên Chúa, ông là một vị tiên tri - người đưa tin và dọn đường của Đấng Thiên Sai và Con Thiên Chúa.

Sự vĩ đại có hai loại: ở thế gian và trên thiên quốc. Nếu sự vĩ đại của Gioan là ở thế gian, thì ông đã sống trong các đền vua chúa, áo quần của ông đã rực rỡ sang trọng, và các ý kiến của ông đã thay đổi giống như cây sậy uốn theo chiều gió, nịnh hót triết lý thịnh hành của đại chúng thay đổi từng ngày. Nhưng sự vĩ đại của ông thuộc trật tự của Thiên Chúa, và tính cao cả của ông không phải chỉ ở nơi bản thân, nhưng ở sứ vụ và công việc bất biến, đó là công bố về Con Chiên của Thiên Chúa!

Vài tháng sau, ngày mừng tiệc sinh nhật của Herod đến. Bữa yến tiệc linh đình được tổ chức, mời các quan văn bá tước, các tướng lãnh trong quân đội, và nhiều thượng khách trong vùng Ga-li-lê. Chiều tối hôm đó, toàn khu cung điện được thắp sáng. Các khuôn mặt được trang điểm rạng rỡ trong ánh đèn lóng lánh. Tiếng nhạc và tiếng kèn vang lên cùng tiếng ồn ào của các khách dự tiệc truyền lan trong toàn khu dinh thự của Machaerus, bao quanh bởi tường đá, được nghe thấy cả ở phòng ngục giam ẩm tối phía dưới, nơi Gioan Tẩy Giả đã bị giam cầm gần mười tháng trong lo âu. Tuy vậy, các thực khách tỏ ra buồn chán chẳng màng để ý; ly do vì chẳng có gì chán hơn là cái mệt mỏi của một cuộc mua vui  có hoạch định.

Tiếng của Herod vang lên trong đêm liên hoan đầu tiên của thời đại Kitô giáo, yêu cầu cuộc khiêu vũ gợi cảm để kích động tinh thần cho thực khách. Người khiêu vũ là cô Salomê, người con gái riêng xinh đẹp của vợ vua với người chồng trước. Cô gái này, là một người thuộc giòng dõi quí tộc Macabees nhưng đã bị giáng cấp và hủ hóa do sự thông đồng của bà mẹ hư đốn, đã khiêu vũ nhẩy múa khêu gợi trên sân. Các thực khách  say sưa hâm mộ, và Herod, đã theo dõi từng bước điệu nhảy nhót uyển chuyển duyên dáng lôi cuốn của cô, chẳng mấy chốc bị say sưa với điệu nhảy như say rượu. Khi đến vũ điệu cuối cùng, Salomê đã gợi cảm sà mình vào lòng của Herod, ông liền thốt ra câu nói đầy cảm xúc đam mê:

"Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con." Vua lại còn thề: "Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được."     

Salomê không biết phải xin gì, do đó cô đã quay qua hỏi mẹ. Herod chẳng còn nhớ gì về bài giảng bất hạnh kia của Gioan Tẩy Gỉa; nhưng người đàn bà này lại không dễ gì quên nó. Suốt mười tháng trời khi Gioan bị giam cầm trong ngục tù, ông cũng vẫn quanh quẩn trong tâm hồn của Herodias, nỗi cắn rứt và khuấy động làm cho bà khó ăn khó ngủ, dày vò lương tâm của bà, và nhiều lần khiển trách bà trong các giấc mơ. Bây giờ bà quyết tâm dứt khoát thanh toán ông, nghĩ rằng nếu bà có thể thủ tiêu con người đại diện đạo đức luân lý của Thiên Chúa này, thì suốt đời bà tha hồ phạm tội mà không còn bị cản ngăn. Chỉ với một lời của Salomê, bà có thể vĩnh viễn bịt tiếng lương tâm của bà và của chồng. Bà nói thầm vào tai của cô con gái Salomê đang đến gần về phía Herod. Tiếng ca hát ngừng lại; bầu khí im lặng bao trùm toàn cử tọa; các món ăn trở nên mất ngon, và ngay cả lòng họ cũng cảm thấy tan rã như ốm đau khi nghe cô gái nói với Herod:

Cho con xin đầu của Gioan Tẩy Giả để trên đĩa này (Mt 14:8).

Herod chợt bàng hoàng bối rối vì lời thề hứa của ông. Ông đã nhớ lại sự kính trọng của ông đối với vị tiên tri; nhưng đồng thời ông cũng sợ tiếng xôn xao thì thầm của các thực khách sợ bị họ cho ông là người không giữ lời hứa. Bất trung với Thiên Chúa, với lương tâm, với chính mình, và không hổ thẹn về tội lỗi nhưng hổ thiện trước công luận, ông đã quyết giữ lời thề hứa trong lúc đầy men rượu. Trên hết, ông đã run khiếp trước lời đe dọa của người vợ thứ hai của ông.

Herod đã ra lệnh cho vài người đầy tớ. Cầm đuốc sáng trong tay. Không ai nói gì khi tiếng chân cất bước của các đầy tới đi xuống ngục tối mờ nhạt dần; họ nghe tiếng khóa lách kách mở cửa ngục. Vài giây phút chìm trong im lặng, bị phá vỡ bởi tiếng động mạnh “uỵch! uỵch!; và tiếng nhịp chân bước lại vang lên càng ngày càng to hoà với tiếng của nhịp tim đập. Những người đầy tớ đi đến phía bà Herođia với món qùa đẫm máu. Bà đến gần Salomê, và Salomê cầm đi vòng quanh sân nhẩy và trao cho Herod trên chiếc đĩa vàng, chiếc đầu với chùm râu tóc của vị tiên tri có cái lưỡi như lửa.

Trong đêm đó, với lời thỉnh nguyện bởi con của một người nữ ngoại tình, Herod đã giết người dọn đường cho Đức Kitô.

Sau đó Herod đã sống trong ám ảnh sợ hãi, như Nero bị ám ảnh bởi vong hồn của người mẹ mà chính ông đã giết. Đế vương Caligula đã không thể ngủ yên cũng vì bị ám ảnh bởi những khuôn mặt của những nạn nhân ông đã giết; Sử gia Suetonius nói là ‘ông đã ngồi nhỏm dạy trên giường,” hoặc đã đi vòng quanh trong hành lang của triều đình, thấp thỏm mong mỏi chờ trời sáng.

Herod, nghe biết về Chúa Giêsu ít thời gian sau, đã nghĩ Ngài là Gioan Tẩy Gỉa, sống lại từ cõi chết. Herod đã không tin có sự sống đời sau; người sống theo cảm xúc chẳng tin như thế. Niềm tin vào sự bất tử dễ dàng bị bóp chết nơi những người sống theo lối sống mà họ không thể đối diện với sự phán xét. Cuộc sống tương lai đời sau bị chối bỏ không phải do cách họ suy nghĩ mà là do bởi cách họ sống. Herod đã tự thuyết phục cho là cánh cửa cuộc đời được đóng lại ngay lúc chết; nhưng lúc này khi nghe biết Chúa đang rao giảng, ông bắt đầu suy nghĩ cho là Gioan đã sống lại từ cõi chết. Chủ thuyết hoài nghi chẳng bao giờ chắc chắn, chỉ là thiếu vững chắc hơn trong suy nghĩ về hiện tình để bào chữa cho hành vi sai trái của họ. Như người Sad-du-cê, Herod chối không tin có sự sống đời sau; nhưng ông lại sợ tiếng lương tâm. Và khi nghe nói về những việc kỳ diệu và các phép lạ của Chúa, “ông đã tìm cách để gặp Ngài.” Và ông đã thấy Ngài. Chưa đầy hai năm, Phi-la-tô đã gởi Ngài đến cho ông:

Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. (Lc 23:8).

Herod chưa bao giờ nhìn thấy Chúa Giêsu cho đến giờ phút cuối; ông cũng chưa bao giờ nghe tiếng nói của Ngài. Khi đến lúc gặp Ngài thì Chúa lại từ chối nói chuyện với ông.

Sau cuộc biến hình, các Tông Đồ, những người đã chứng kiến Mai-sen và Eli-a nói chuyện với Chúa, đã nêu lên những thắc mắc về E-li-a. Chúa nói với họ là E-li-a đã đến với họ trong tinh thần; họ đã thấy ông từ vùng hoang địa, một con người mặc áo lông lạc đà và sống khổ hạnh. Rồi Ngài kéo cây Thập Gía đến trước mắt họ. Ngài cho họ nhìn thấy cái chết của Gioan Tẩy Gỉa đã là hình bóng báo trước về cái chết của Ngài. Như người ta đã chứng kiến cái chết của Gioan mà không tin vào ông, thì họ của chẳng tin vào Chúa Giêsu:

Thầy nói cho anh em biết: “ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế." (Mt 17:12).

Qua lời bình luận về cái chết của Gioan Tẩy Gỉa, Chúa Giêsu đã báo trước về cuộc khổ nạn và cái chết của riêng Ngài. Ngài chịu đau khổ để các Tông Đồ làm quen với ý tưởng về Đấng Thiên Sai chịu chết và khải hoàn. Như dân chúng đã bị mù quáng không đón nhận Gioan Tẩy Giả khi ông đến trong thần khí của E-li-a, thì họ cũng không nhận ra Đấng Thiên Sai khi Ngài đến ở giữa họ như Đấng Gánh lấy tội lỗi của họ, để chuộc tội cho họ trên cây Thánh Gía. Các Tông Đồ đã được nói cho biết trước là số phận đó đã được báo trước về Con Người:

Con Người sẽ phải chịu đau khổ và khinh chê (Mc 9:12).

Thánh Vịnh và các Tiên Tri đã nói về cuộc khổ nạn của Ngài như Con Người. Như Chúa Giêsu đã không cứu Gioan Tẩy Gỉa khỏi bàn tay tàn bạo của Herod, cũng đã chẳng tự cứu chính Mình khỏi con người Herod đó. Người loan tin bị đau khổ vì số phận của Người được loan báo; người đưa tin đã nhận sự hành hạ bạo tàn vì ông đã loan báo Thông Điệp. Và một lần nữa trên Núi Can-vê nhìn xuống, lần này nhìn qua những thung lũng chạy xuống chân núi Biến Hình. Mọi sự trong cuộc đời của Ngài nói về Thánh Gía của Ngài, gồm cả cái chết của Gioan.     

 LM John Kha Tran

114.864864865135.135135135250