12/04/2020 -

Cầu nguyện

445
Phục Sinh 2020 trở lại bình thường hay không bình thường (Lm.Trần Khả)
Phục Sinh 2020
Trở Lại Bình Thường hay Không Bình Thường

Rất nhiều người đang đặt câu hỏi: “Khi nào thì cuộc sống sinh hoạt hàng ngày trở lại bình thường?”

Qua biến cố Chúa Giê-su bị bắt, bị xét xử, bị kết án, rồi bị đóng đinh chết. Chết coi như là hết và không còn gì để mong đợi. Các môn đệ lo sợ, di tản và bỏ trốn. Họ cũng hoang mang đặt câu hỏi “Rồi cuộc sống sẽ ra sao? Khi nào mới ổn định lại được cuộc sống?”

Mấy người phụ nữ tảng sáng đi ra thăm mộ cũng hỏi, “Làm sao chúng ta có thể vào trong mộ được. Cửa mộ bị một tảng đá to đóng niêm ấn lại. Ai sẽ lăn tảng đá đóng cửa mồ ra để chúng ta có thể vào xức xác cho Chúa đây?”


Covid 19 đến với chúng ta giống như tảng đá đóng cánh cửa sinh hoạt của mọi người trên thế giới. Trường học, nhà thờ vẫn còn đóng cửa và tất cả những cuộc hội họp đông người vẫn còn bị giới hạn và ngăn cấm. Bác sĩ Anthony Fauci chuyên gia về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và cố vấn của Tòa Bạch Ốc trong ủy ban chống dịch nhận định rằng việc trở lại cuộc sống bình thường giống như trước khi có đại dịch corona có thể sẽ không bao giờ xẩy ra cho đến khi chúng ta hoàn toàn kiểm soát được con dịch và có thuốc chích ngừa chống dịch bảo đảm được sự an toàn cho mọi người. Các bác sĩ và các chuyên gia nghiên cứu thuốc trị liệu vẫn còn đang lay hoay thử nghiệm. Chúng ta cũng hỏi, “Khi nào thì cuộc sống sinh hoạt hàng ngày trở lại bình thường?”

Các môn đệ và những người thân của Chúa không thể hình dung ra cuộc sống của họ sẽ như thế nào sau khi Chúa bị chết đau thương nhục nhã trên Thập Giá. Cuộc sống của các môn đệ và của những người tin theo Chúa Giê-su sẽ không bao giờ trở lại bình thường.

Plasma

Anh Jason Garcia, một kỹ sư không gian làm việc ở California đã bị nhiễm virut Covid 19. Anh chia sẻ trên chương trình truyền hình America Newsroom là "Khi bị nhiễm virut, tôi bàng hoàng sửng sốt. Tôi đã bị khó thở trong một thời gian ngắn, nhưng tôi không bị đau đớn lắm. Cái đau đớn nhất của tôi là tình trạng bị cô lập. Cách riêng là với con gái 11 tháng tuổi của tôi. Con tôi muốn bò vào phòng để thăm bố. Người ta phải kéo cháu ra khỏi cửa. Đó là phần khó nhất khi tôi nhìn thấy con mà không được bồng ẵm cháu.” Anh rất may mắn đã không bị virut Covid 19 đánh gục, trái lại anh đã chiến thắng con virut này và được bình phục. Nhiều chuyên gia y khoa cho rằng anh được bình phục là nhờ chất huyết tương gọi là plasma trong máu có sức chống lại con dịch này. Huyết tương plasma là phần lớn nhất của máu. Nó, chiếm hơn một nửa (khoảng 55%) dung tích tổng thể của máu. Plasma là một chất lỏng màu vàng nhạt hòa chứa trong máu. Vai trò chính của plasma là chuyển chất dinh dưỡng, kích thích tố, và protein đến các bộ phận của cơ thể cần nó. Các tế bào cũng đưa các sản phẩm chất thải vào trong máu. Plasma giúp loại bỏ chất thải này khỏi cơ thể. Plasma là một phần quan trọng của việc điều trị cho nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đây là lý do tại sao các ngân hàng máu yêu cầu người dân tặng huyết tương plasma.

Anh Jason Garcia chia sẻ “Bây giờ anh có cơ hội hiến chất Plasma để các bác sĩ thử nghiệm cứu chữa cho những người mang virut Covid 19. Anh nói, “Thật là một cảm nghiệm tuyệt vời khi tôi nghe biết rằng tôi có thể tặng plasma và nó có khả năng cứu sống người khác. Đặc biệt là khi tôi được chẩn bệnh là mình bị nhiễm virut, tất cả các ước mơ như bị tan biến và đủ mọi ý nghĩ tiêu cực bi quan liên quan đến con virut chết người này xuất hiện trong tâm trí tôi, nhưng bây giờ tôi được quay ngược lại và có cơ hội cứu người khác. Thật là cơ hội tuyệt vời để cống hiến lại sau khi tôi đã được nhiều người giúp trong lúc bị nhiễm virut.

Bệnh viện Methodist và Đại Học Y Khoa Baylor ở thành phố Houston, TX đang dẫn đầu trong việc thử nghiệm giúp các bệnh nhân nhiễm virut Covid 19 được phục hồi bằng phương pháp dùng huyết tương plasma để điều trị. Các bác sĩ cho biết liệu pháp thực nghiệm này cho thấy có kết quả tích cực ở bệnh nhân bị nhiễm virut. Chìa khóa cho phương pháp điều trị được gọi là COVID-19 Convalescent plasma. Các bác sĩ rút huyết tương ra từ bệnh nhân đã hồi phục từ COVID-19 có kháng thể trong máu của họ chống lại virut Covid 19 rồi truyền chuyển huyết tương của những người hiến tặng sang bệnh nhân đang bị nhiễm COVID-19. Phần huyết tương của người đã phục hồi sẽ giúp người đang bị nhiễm virut có khả năng kháng cự chống lại virut.

Hôm nay chúng ta mừng Lễ Chúa Phục Sinh. Chúa Giê-su xuống thế làm người và nhận mang lấy dịch tội lỗi của con người vì con người không thể tự cứu mình khỏi dịch tội lỗi. Chúa Giê-su có khả năng chống tội lỗi và cứu con người vì quyền năng của Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi. Ngài bị chết vì tội lỗi của loài người nhưng Ngài đã sống lại khải hoàn. Không tội lỗi nào có thể thống trị Ngài. Nhưng Ngài thống trị tội lỗi. Tất cả những ai tin vào Ngài cũng sẽ không phải chết nhưng được sống lại giống như Ngài. Như tương huyết plasma có thể truyền vào thân thể người bị nhiễm virut covid 19 để cho họ chất kháng chống lại và được chữa lành thì Chúa Giê-su phục sinh cũng là nguồn mạch sự sống chống lại tội lỗi và làm cho chúng ta được sống mãi mãi với Đức Ki-tô. Tin vào Chúa Ki-tô là huyết tương tinh thần cứu chúng ta khỏi chết bởi tội lỗi.

Trong bài Tin Mừng Phục Sinh hôm nay, thánh Mat-thêu kể lại cho chúng ta một chi tiết đáng chú ý. Những người phụ nữ lo ngại tảng đá to và nặng lấp cửa mồ và họ không thể lăn nó ra để bước vào trong mồ thăm viếng xác của Chúa Giê-su. Tảng đá to lớn đó là nguyên cớ cho họ không đến được với Chúa. Tảng đá đó cũng là biểu tượng chắn không cho họ thấy được sự phục sinh của Chúa. Tảng đá đó cũng là cái ngãng trở bước tiến tiếp theo để họ trở nên môn đệ của Chúa. Nhưng rồi họ thấy tảng đá đó đã được lăn khỏi cửa mồ. Họ bước vào và lòng trí họ cũng được mở ra để cảm nghiệm Chúa Phục Sinh. Thiên thần của Chúa trấn an họ, “Các bà đừng sợ.”

Cuộc sống của các môn đệ và của những người tin theo Chúa Giê-su từ đây sẽ không bao giờ trở lại bình thường như trước. Họ sẽ trở nên những con người mới với sứ vụ mới.

Khi tảng đá đó được lăn khỏi cửa mồ, họ bước vào được bên trong mộ và cảm nghiệm Chúa Sống Lại, đó cũng là dấu biểu hiệu cho phép rửa nơi mỗi người chúng ta. Tất cả những ai tin vào Chúa Ki-tô và lãnh nhận phép rửa đều là những người có phước. Có phước vì tảng đá đóng cửa lòng trí đã được mở ra. Chúng ta không còn bước đi trong tối tăm, nhưng chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ki-tô Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Sức mạnh phục sinh của Chúa đã lăn tảng đá mà Philato cho dùng để niêm ấn cửa mồ, để chôn vùi thông điệp Tin Mừng của Chúa, đã bị đẩy ra. Suy tư về hiện tượng tảng đá lấp cửa mồ bị đẩy ra khiến chúng ta nghĩ đến những cái đang cản trở con người ngày nay. Trong thế giới còn rất nhiều người đang bị tảng đá đó lấp không cho họ nhìn thấy và tin theo Chúa Ki-tô phục sinh.

Tảng Đá Đóng Kín

Một trong những hiện tượng đang lớn mạnh trên thế giới là chủ thuyết toàn cầu hóa. Nhiều nước đang say sưa chạy đua tham gia vào chương trinh toàn cầu hóa trong nhiều lãnh vực. Họ muốn toàn cầu hóa thị trường kinh tế, thương mại, buôn bán, trao đổi văn hóa, xóa bỏ biên giới, tự do đi lại và thống trị sinh hoạt của nhân loại. Trung Quốc đặt ra tham vọng “Một vành đai một con đường” như huyết mạnh giao thương toàn cầu. Liên Hiệp Âu Châu mở cửa biên giới các quốc gia và thống nhất hệ thống tiền tệ. Chiến dịch toàn cầu hóa và bãi bỏ biên giới quốc gia chưa đủ. Mạng lưới vi tính, truyền thông phát triển nhanh nhiều người không theo kịp. Các chương trình Google search, facebook, tweeter, youtube, messenger tiếp tục lan rộng. Hơn thế nữa, con người ngày nay cũng muốn toàn cầu hóa bằng cách bãi bỏ ranh giới đạo đức luân lý. Nhiều người, nhiều lãnh đạo các quốc gia cho tôn giáo và niềm tin vào Thượng Đế là cuồng tín. Nhiều người không còn đặt con người ở vị trí là thụ tạo, nhưng đặt con người là trung tâm. Thiên Chúa, Thượng Đế hay Ông Trời không còn là Đấng mà họ tôn kính, không phải là Đấng có thẩm quyền cai quản trên họ hay kiểm soát các sinh hoạt và các hành vi của họ. Chính vì thế mà nhiều người, nhiều nhóm, nhiều đảng phái, nhiều lãnh tụ đã chủ trương cho phá thai, cho đổi phái tính, nam thành nữ hay nữ thành nam. Bởi vì họ cảm thấy muốn như thế. Không Chúa, không Thượng Đế, không Ông Trời nào có thể ngăn cấm họ.

Hiện tượng toàn cầu hóa về kinh tế, về văn hóa nhân quyền, về đạo đức luân lý theo chủ trương của con người chứ không theo truyền thống niềm tin liên hệ giữa Thượng Đế và con người là dấu loài người đang trở nên kiêu ngạo quên Thiên Chúa hay loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ. Họ chủ trương nhân quyền là nguyên lý cao nhất và loại bỏ Thiên Quyền ra khỏi cuộc sống và các chính sách xã hội. Họ muốn quyền làm người, quyền sống không bị giới hạn bởi tôn giáo. Hiện tượng này không phải là mới. Nó đã xảy ra trong Cựu ước với tháp Babel. Họ muốn thực hiện một cái Tháp Babel hoàn toàn là công trình của con người. Họ đặt nhân quyền là đỉnh cao ngất trời không bị giới hạn bởi Thiên Quyền. Làm như thế là con người đang thách đố Thiên Chúa Tối Cao.

Lời Sách Sáng Thế thuật lại, "Thuở ấy, mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau. Trong khi di chuyển ở phía đông, họ tìm thấy một đồng bằng ở đất Sin-a và định cư tại đó. Họ bảo nhau: 'Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất'" (Sáng Thế 11:1-4).

Thiên Chúa trông thấy loài người đang xây dựng liền phán: 'Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa'. Thế là ĐỨC CHÚA phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa. Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Ba-ben, vì tại đó, ĐỨC CHÚA đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, ĐỨC CHÚA đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất". (Khởi Nguyên 11:5-8)

Thiên Chúa làm như thế không phải Ngài ghét con người, nhưng đúng hơn là thương con người. Vì Ngài biết con người không thể sống không có Ngài. Con người không thể sống ngoài liên hiệp hợp thông với Thiên Chúa. Có thể cũng vì thế mà trong khi thế giới ngày nay đang say sưa trong chiến dịch toàn cầu hóa, đặt nhân quyền trên cả Thiên Quyền cho nên Thiên Chúa để cho con Virut Corona xẩy ra để kéo con người trở về sống trong tình liên hệ với Ngài.

Đổi Mới Khác Thường

Ngày mồng 7 tháng Tư vừa qua, một giáo sư bên Âu Châu đã nhận ra có hiện tượng trong suốt tháng 3 rất nhiều người đã vào mạng lưới để tra tìm về chủ đề “Cầu Nguyện” và những từ ngữ mang chủ đề tôn giáo như “Thiên Chúa” trong tương quan với Virut Corona. Trong lúc khủng hoảng người ta chạy đến với việc Cầu Nguyện. Bà Bentzen nhận định, “theo lịch sử thì con người thường chạy đến với Thiên Chúa lúc hoạn nạn, nhưng cơn dịch Corona này cho thấy người ta tìm đến kêu cầu với Thiên Chúa ở một cấp độ nhiều hơn chưa từng thấy trong nhiều năm. Càng nhiều người phải chứng kiến cái chết của những người thân thì nhu cầu đến với niềm tin tôn giáo càng tăng lên cao. Số Ki-tô hữu chạy đến với Thiên Chúa trong cầu nguyện đã tăng nhảy vọt ở nhiều quốc gia bên Âu Châu cũng như Bắc Mỹ và Úc Đại Lợi khi con virut Corona xẩy đến.

Ở Hoa Kỳ trong khi một số thống đốc và thị trưởng vẫn không nhắc gì đến Thiên Chúa hay kêu gọi dân chúng cầu nguyện thì Tổng Thống Donald Trump và phó tổng thống Mike Pence đã mạnh dạn cầu nguyện và kêu gọi dân chúng Hoa Kỳ hiệp ý cầu nguyện. Tổng thống Trump cũng kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho các bác sỹ, các y tá, các nhân viên làm việc ở các bệnh viện, những người lái xe vận tải chở hàng hóa và những người làm việc trong các tiệm bán thực phẩm và tất cả những người đang chiến đấu với con dịch corona này. Họ là những anh hùng của đất nước không sợ gian nan nguy hiểm, nhưng sẵn sàng xả thân xông vào trận chiến chống dịch trong các bệnh viện. Tổng Thống Trump cũng phát biểu, “Các Ki-tô hữu ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới cử hành Lễ Lá bắt đầu Tuần Thánh. Ngày Thứ Sáu họ tưởng nhớ cái chết của Chúa Giê-su trên Thập Giá và Chúa Nhật họ cử hành biến cố Phục Sinh của Chúa. Ông kêu gọi các Ki-tô hữu cầu nguyện và suy tư về tình liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Với đức tin của các gia đình và tinh thần của người dân Mỹ cùng với ơn thánh của Chúa, chúng ta sẽ chịu đựng và vượt qua được con dịch corona này. Chúng ta sẽ thoát khỏi nó.

Nhiều người hỏi bao giờ chúng ta mới có cuộc sống bình thường trở lại? Chúng ta hy vọng cuộc sống của xã hội sẽ thay đổi tốt hơn sau cơn dịch Corona này. Cái hy vọng thay đổi tốt hơn ấy là con người biết quay trở về trong tình liên hệ tôn kính đối với Thiên Chúa. Biết nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và chúng ta là thụ tạo của Ngài.

Hôm thứ Năm Tuần Thánh giáo xứ chúng tôi cử hành thánh lễ kỉ niệm Chúa Giê-su lập Phép Thánh Thể nhưng không có nghi thức rửa chân. Một gia đình giáo dân chia sẻ với tôi sau khi cả nhà gồm hai vợ chồng và ba người con tham dự Thánh Lễ Livestream trên mạng, thì mọi người trong gia đình thay phiên cử hành nghi thức rửa chân cho nhau. Họ đã cảm thấy thật hạnh phúc và gần gũi linh thiêng với nhau và với Thiên Chúa. Đây là cảm nghiệm Phục Sinh của gia đình mà tất cả mọi người chúng ta mong có được. Thiên Chúa cũng muốn chúng ta được phục hồi trong tình liên hệ với Ngài.

Xin kính chúc mọi người cảm nghiệm được tinh thần của lời ca thánh vịnh:
“Hôm nay là ngày Thiên Chúa đã lập ra,
chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.
Lm. JJ Trần Đình Khả                            


 
114.864864865135.135135135250