18/03/2017 -

Cầu nguyện

847
Vâng lời và cậu bé ở đền thờ

Vâng lời và cậu bé ở đền thờ

Mời bấm vào đây để nghe
 

Ngày lễ Vượt Qua khi cậu bé Giêsu vừa được mười hai tuổi, cha mẹ của cậu đưa cậu lên Giê-ru-sa-lem cùng với những người ở Nazareth. Luật buộc tất cả những người đàn ông Do Thái phải tham dự ba ngày lễ lớn: Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuẩn, và Lễ Lều Tạm. Khi người Con Thánh này đi lên đền thờ, có lẽ cũng giống như mọi người, cậu đã làm theo tất cả những tập tục theo luật Do Thái giáo. Lúc ba giờ cậu được trao cho chiếc áo choàng; đến năm giờ cậu được mẹ hướng dẫn đọc những chỉ dạy trong sách luật; đến mười hai giờ thì cậu đeo cái Phy-lac-te-ry, mà người Do Thái đeo mỗi khi cầu nguyện. Họ phải đi chừng bảy ngày trên những con đường nhỏ từ Nazaréth đến Thành Thánh. Như mọi khách hành hương, Gia Đình Thánh này cùng ca hát những bài thánh ca trên đường đi, Thánh vịnh 121 được ca lên khi những bức tường của đền thánh từ từ hiện ra trước mắt họ.

Giuse có lẽ phải lên đền thờ để giết chiên vượt qua. Vì Cậu bé đã đủ tuổi cho các nghi thức ở đền thờ, Cậu phải chứng kiến máu con chiên tuôn đổ ra từ viết thương, được vảy xống chân bàn thờ theo bốn hướng của địa cầu. Cây Thập Gía lại một lần nữa hiện ra trước mắt cậu. Cậu cũng có thể đã thấy những miếng thịt chiên được dùng để nấu ăn cho bữa tối. Đây là việc làm theo lề luật, hai khúc cây được dùng để xiên qua xác con chiên, một cây xiên chọc qua ngực và một cây xiên chọc qua hai chân trước, để con chiên như  được treo theo hình thập gía.

Sau khi đã hoàn tất nghi lễ, các ông ra về theo đoàn với qúi ông và quí bà ra về theo đoàn với qúi bà đễ rồi sẽ gặp lại nhau vào buổi chiều tối. Nhưng cậu bé Giê-su đã ở lại Giê-ru-sa-lem mà cha mẹ cậu không hề hay biết. Họ cứ nghĩ là cậu cùng đi về theo đoàn người, sau một ngày đàng mới biết là bị lạc mất con (một ngày đàng có nghĩa là 24 tiếng hành trình). Như thế có nghĩa là cậu Giê-su đã vắng mặt 3 ngày. Qua những ngày thơ ấu đã có những lời về: dấu chống đối, lưỡi gươm, không có chỗ trọ, lưu vong, tàn sát, và bây giờ thì lạc vắng bóng. Trong ba ngày ấy Maria đã cảm nghiệm được một trong những ảnh hưởng của tội lỗi, đó là sự lạc mất hay vắng bóng Thiên Chúa. Cho dù Đức Mẹ không có tội, nhưng Đức Mẹ biết nỗi khủng khiếp và cô đơn, cái tối tăm và cách ly mà mọi tội nhân cảm thấy khi họ lạc mất Thiên Chúa. Nó giống như cái vui thích của trò chơi ú tim, đi trốn và tìm kiếm. Ngài thuộc về Mẹ; đó là lý do Mẹ đi tìm kiếm Ngài. Ngài lo việc cứu chuộc; đó là lý do Ngài bỏ Mẹ để vào đền thờ. Ngày di cư, Đức mẹ đã trải qua đêm tăm tối thể lý ở Ai-cập; và bây giờ Đức mẹ có đêm tăm tối của linh hồn tại Giê-ru-sa-lem. Các bà mẹ phải được rèn luyện để vác thánh gía. Không phải chỉ nơi thể xác, nhưng cả trong linh hồn cũng phải trả gía thấm thía để được vinh dự làm Mẹ của Ngài. Đức mẹ sau này cũng đau khổ ba ngày mất con từ chiều Thứ Sáu cho đến Chúa Nhật Phục Sinh. Lạc mất con lần thứ nhất là sự chuẩn bị cho Đức Mẹ trong giờ Chúa chịu nạn.

Đức Kitô luôn được tìm thấy ở những nơi không ngờ; Ba vua lại tìm thấy Ngài ở máng cỏ, các môn đệ tìm thấy ngài trong khu phố nhỏ tầm thường, Cha mẹ của Ngài không ngờ tìm thấy Ngài trong đền thờ. Sau ba ngày họ mới tìm thấy Ngài, giống như đến ngày thứ ba thì Maia mới tìm thấy Ngài ở Can-va-ri-ô. Đền thờ đã là nơi lôi cuốn Ngài, vì đó là hình ảnh hay mẫu hình của trời cao. Nhà của Chúa Cha là nhà của Ngài và ở đó Ngài cảm thấy thoải mái như ở nhà.

Ở đền thờ có trường học, nơi đó các nhà thông giáo giảng dạy; Ngài Hillel có thể lúc đó vẫn còn sống và đã có mặt để tham gia buổi bàn luận về Con Thiên Chúa. Con của Hillel là Si-me-on và người cháu là Gamaliel, tương lai là quân sư của Phao-lô, rất có thể là một người trong nhóm, tuy nhiên lúc đó cậu Gamaliel cũng mới cùng trạc tuổi với Con Thiên Chúa mà thôi. Annas vừa mới được chỉ định làm thầy cả thượng phẩm, và chắc chắn ông đã từng nghe về người Con của Thiên Chúa, nếu ông không có mặt ở đó.

Chính ở trong trường huấn luyện tư tế này mà Maria và Giuse đã tìm thấy Ngài.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy thông giáo, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. (Lc 2:47-48).

Việc Ngài ngồi giữa các nhà tiến sĩ cho thấy rằng họ tiếp nhận Ngài không phải chỉ như một người hiểu biết, nhưng như một giảng sư. Có một sự kiềm chế trong Tin Mừng  liên quan đến bối cảnh này mà nó được đối chiếu với những gì được viết trong một số tài liệu ngụy tác. Tin Mừng theo Tô-ma, được xếp vào thời ở thế kỷ thứ hai và đã không được coi là Tin Mừng có uy tín, trình bày Chúa Giêsu trong trường hợp này như là một giảng sư. Cuốn tin mừng tiếng Arabic ở giai đoạn sau nữa làm ra những giáo huấn liên quan đến khoa siêu hình học và thiên văn học. Những Tin Mừng chính thức được công nhận thì luôn tỏ ra sự kiềm chế mạnh đến nỗi như làm nhẹ đi trong cách miêu tả về cuộc đời của Chúa.

“Khi thấy Con ở đền thờ, cha mẹ của Ngài đã sửng sốt.” (2:48).

Các ngài đã sửng sốt có lẽ vì sự hiểu biết mà Ngài đã không tỏ lộ ra trước đó. Tác giả Thánh vịnh đã trình bày là Ngài có nhiều hiểu biết hơn các bậc thầy bởi vì các lời chứng của Ngài về Thiên Chúa là kiến thức học hỏi của chính Ngài. Sự sửng sốt cũng có thể là từ sự việc một người con lớn qúa nhanh trở thành như một người đàn ông và tự quyết cho mục đích của đời mình.

Ở một xã hội mà người cha có quyền tối cao, thế mà không phải là Giuse nhưng là Maria đã nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Cha và mẹ thật lo lắng tìm con!” (Lc 2:48).

Việc đồng trinh sinh con đã được ám chỉ trong câu hỏi của Mẹ. Câu hỏi lúc ấy của Đức Mẹ ngụ ý với điểm nhấn mạnh ở chân lý Ngài là con của Mẹ hơn là việc Ngài cũng là con của Thiên Chúa. Sự phân biệt này được tô đậm hơn bởi sự thật Đức mẹ nói thêm về tình nghĩa phụ, “Cha con và mẹ tìm con.”

Con Thiên Chúa trả lời bằng việc phân biệt giữa việc Ngài tôn kính người cha dưới đất và người Cha Muôn thuở muôn đời. Câu trả lời này xác nhận một sự lên đường; nó không phá bỏ bổn phận hiếu thảo phải có đối với Maria và Giuse, bởi vì Ngài mau mắn trở về và vâng phục hai đấng, nhưng nó xác quyết để hai vị vào hàng thứ hai.

Đây là những lời đầu tiên của Chúa Giêsu đã được ghi chép lại trong Tin Mừng, và dưới hình thức một câu hỏi: Tại sao lại phải tìm con? Cha và mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con hay sao? (Lc 2:49).

Đây là dấu chứng cho lời của Đức Maria, “Cha con và Mẹ.” Khi Ngài nói là Mẹ của Ngài cần phải biết là Ngài có bổn phận ở nhà của Cha Ngài, có nghĩa là Ngài nói đến điều mà Maria đã biết lúc Thiên Thần Truyền Tin nói với Mẹ:

“Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1:35).

Tình liên hệ của Ngài đối với Mẹ được Ngài bày tỏ ra thêm ở lần khác là nơi tiệc cưới Cana; ở đây Ngài lập định căn tính liên hệ của Ngài với người cha nuôi. Ngài bỏ qua liên hệ thể lý, bằng việc công bố liên hệ với Thiên Phụ, Cha của Ngài ở trên trời. Ở Cana, Ngài nói với Mẹ: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?" (Gio 2:4).

Ngài đã ám chỉ đến tình mẫu tử khác hơn là tình mẫu tử trong thể lý, giống như Ngài nói đến tình phụ tử khác với tình phụ tử của Giuse. Từ lúc đó, Giuse không bao giờ xuất hiện trong Tin Mừng nữa.

Tại đền thờ, Chúa của chúng ta đã tự tách ra khỏi xác quyết của tình cha nuôi, giống như sau này ở Cana Ngài đã tách biệt chính mình khỏi những lời xác quyết của mẹ Ngài. Trách vụ cao cả hơn hết của Ngài là Đấng Cứu Chuộc, nhưng ở giờ phút đó bao gồm sự tùng phục đối với những vị hướng dẫn của Ngài ở trần gian.

Người Con đã ám chỉ cho thấy có điều gì đó trong lịch sử mà Mẹ và cha nuôi của Ngài cần phải được biết, điều gì đó có lý do chính đáng để Ngài ở nơi Ngài ở, và họ không phải lo lắng về Ngài. Chính vì thế mà Ngài hỏi, “Lý do gì mà cha mẹ phải tìm con?” và nói thêm, “Cha mẹ không biết là con cần phải ở nơi thuộc về Cha của con hay sao?” Ngài nói là Ngài phải ở trong đền thờ của Cha Ngài. Đây là lần đầu tiên của nhiều cái “phải” mà Chúa nói ra trong cuộc đời của Ngài để  nói cho thấy Ngài đang thi hành trách nhiệm, trong sự vâng lời làm con tin trao đổi. Việc Ngài dùng chữ “phải” đối với Cha trên trời của Ngài có hàm ý  nghĩa vụ của người Con là sự vâng lời. Lúc mười hai tuổi, Ngài đã như bóc mở ra nơi chính mình điều gì đó không dễ chịu trong nhân tính, nhưng toàn thể căn tính của Ngài được hướng về việc hoàn tất theo cái tiếng “phải” do Thiên Chúa thúc bách.

Nếu có điều gì đó để đánh tan cái giả thuyết cho rằng sự ý thức trong liên kết với Chúa Cha được từ từ phát triển, thì chính trong đoạn văn này, lúc Ngài mới 12 tuổi , đã cho thấy về nguồn gốc bí ẩn của Ngài và có cái nét tính cá biệt cùng với Cha của Ngài, cũng như về cảm thức hoàn toàn liên kết với Chúa Cha; Sự kiềm chế Thiên Tính đã đưa đẩy cuộc đời Ngài và được Ngài nhận ra cách rất rõ. Ngài thường hay dùng lời nói “PHẢI”:

Ta phải rao giảng Nước Thiên Chúa
Ta phải ở Nhà của Cha.
Ta phải làm việc của Đấng đã sai Ta.
Con Người phải chịu nhiều đau khổ.
Con Người phải được treo lên.
Con Người phải chịu đau khổ trước khi bước vào vinh quang.
Con Người phải sống lại.

Ngài luôn nói như là Ngài đang phải thi hành mệnh lệnh. Không bị ràng buộc bởi việc nối giòng giống, hay các hoàn cảnh hay gia đình, cậu nhỏ mười hai tuổi này đã nói là Cậu phải lo việc của Cha trên trời. Do đó Ngài đã hỏi tại sao họ lại phải đi tìm Ngài. Ngài đã ngỡ ngàng với bất cứ lời giải thích nào khác họ nghĩ về Ngài hơn là việc Ngài vâng lời làm theo ý của Cha Ngài. Lệnh truyền của Tình Yêu Thiên Chúa được thể hiện trong lời “PHẢI” của Ngài. Không có sự khác biệt căn bản nào giữa cậu bé ở trong đền thờ và người nói, “Ngài phải bị treo lên” cây thập gía. Ngài sẽ phải chết bởi vì Ngài muốn cứu. Sự hiếu thảo vâng lời của Ngài với Chúa Cha cùng nhịp đập với lòng thương của Ngài dành cho nhân loại. Nó không phải là một thảm cảnh, vì “Con Người phải sống lại sau ba ngày.” Chương trình của Ngài được từ từ hé mở đối với trí hiểu của con người, nhưng với hiểu biết của Ngài thì không có sự từ từ, không có hiểu biết mới lạ, hay tại sao Ngài đã đến.

Việc của Cha Ngài sau ba ngày trong đền thờ cũng không khác gì việc của Cha Ngài sau ba ngày nằm trong mồ đá. Giống như tất cả những điều đã xảy ra thời thơ ấu của Ngài, lần này cũng mang dấu chứng cho sứ vụ của Thập gía. Tất cả mọi người được sinh ra để sống; còn Ngài được sinh ra để chu toàn công việc của Cha, đó là chịu chết để cứu chuộc. Những lời đầu được ghi chép lại giống như những chiếc nụ của bông hoa thương khó (Passion-flower: lạc-tiên). Ngày lễ Phục Sinh, Mẹ Maria có thể tìm lại Ngài trong đền thờ - đền thờ của chính Thân Thể Ngài.

Lưỡm gươm đã đến với Mẹ Maria trước cả khi Thánh Gía đến với Con của Mẹ, vì Mẹ đã cảm thấy nỗi đau chia cắt. Trên Thánh gía, trong tính nhân loại, Ngài đã kêu lên tiếng kêu của nỗi đau đớn nhất, “Lạy Chúa, Lạy Chúa, Nhân sao Chúa bỏ con?” Nhưng Mẹ Maria đã phải kêu lên lời thảm sầu đó ngay khi Ngài còn là một cậu bé, lạc mất trong đền thờ. Nỗi thống khổ sâu đậm nhất của một linh hồn là những nỗi khổ được chính Thiên Chúa gây ra, như Chúa Giêsu đã gây ra cho Mẹ của Ngài. Các vật thụ tạo có thể gây khổ đau cho nhau ở bề ngoài, nhưng ngọn lửa thanh luyện của Thiên Chúa có thể vào trong linh hồn giống như gươm hai lưỡi. Cả hai bản tính của Ngài đã dạy Mẹ chuẩn bị cho cuộc đời thống khổ của Ngài. Tính nhân loại của Ngài dấu đi không cho mẹ thấy sự dễ thương của dung nhan Ngài trong ba ngày đó, đúng hơn được gọi là ba đêm Thiên Tính của Ngài bởi việc công bố rằng Chúa Cha đã sai Ngài đến trần gian để làm công việc của Ngài, đó là mở ra cho nhân loại bằng việc trả gía cho tội lỗi của nhân loại.

Na-za-ret

Đây là trường hợp duy nhất thời niên thiếu của Ngài được kể lại trong Thánh Kinh. Mười tám năm sau này Ngài tiếp tục sống ở Na-za-ret.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.(Lc 2:51-52).

Nếu có người con nào đã từng muốn đòi tự lập (nhất là sau khi đã xác định mạnh mẽ ở đền thờ) thì phải là Ngài. Và tuy vậy, để thánh hóa và làm gương cho tinh thần vâng lời, và để đền bù cho sự bất tuân phục của con người, Ngài đã sống dưới mái nhà khiêm tốn, vâng lời cha mẹ của Ngài. Suốt mười tám năm Ngài đã sửa những mái nhà của các căn nhà tại Na-za-ret, và tu sửa những chiếc xe kéo của các nhà nông trong xóm. Sự phát triển nơi chiều kích Chúa làm người được mở ra trong ngôi làng cách thản nhiên đến nỗi những người trong xóm cũng không ai nhận ra sự cao cả của Đấng đang ở giữa họ. Thực ra đó là môt việc giảm sút nói theo cách từ bỏ mình và tự hạ thấp bản thân để tùng phục thụ tạo của chính Ngài. Dĩ nhiên là Ngài đã theo đuổi nghề thợ mộc, vì mười tám năm sau, những người trong xóm đã hỏi nhau: “Không phải ông ta là bác thợ mộc con bà Maria sao?” (Mc 6:3).

Thánh Justin tử đạo, dựa theo truyền thống, nói là trong thời gian này, Chúa Giêsu đóng cầy bừa và ách kéo xe và dạy sống tốt lành qua các sản phẩm của công việc làm trong hòa thuận an bình.

Sự tăng triển thêm khôn ngoan được nói về Con Thiên Chúa không phải là việc tăng triển trong ý thức về thần tính của Ngài. Như là một con người, Ngài lệ thuộc theo tất cả luật lệ tăng triển của con người; có trí thông minh và có ý chí, nên lẽ tự nhiên là để cho những tài năng này được tỏ ra theo chiều kích tăng triển của con người. Trong việc phát triển kiến thức cảm nghiệm của Ngài, ảnh hưởng của môi trường sống chung quanh đáng được để ý. Rất nhiều những sánh ví được Ngài dùng trong các dụ ngôn đã lấy từ thế giới chung quanh nơi Ngài sinh sống. Chính nhờ ảnh hưởng của cha mẹ mà Ngài đã học biết ngôn ngữ Do Thái của người bản xứ. Rất có thể, Ngài đã học tiếng Hy-lạp vì ngôn ngữ này được nói trong vùng Ga-li-lê và cũng là ngôn ngữ mà hai người bà con của Ngài là Gia-cô-bê và Giu-đa sau này dùng để viết hai Thư Tông Đồ.

Ngài cũng học nghề buôn bán đồ mộc, một nghề nghiệp đòi hỏi việc phát triển thêm kiến thức con người. Sau này Ngài lại được coi như một Thầy Thông Giáo của Do Thái do bởi kiến thức sâu rộng Ngài có về Kinh Thánh và Lề Luật. Ngài thường bắt đầu những cuộc đàm luận bằng những lời, “Các ông đã chẳng đọc,” để chứng tỏ cho thấy Ngài thông hiểu Kinh Thánh. Gia đình của Ngài, Hội Đường, những cảnh sống chung quanh Ngài, chính cả thiên nhiên, tất cả đều đóng góp vào kho kiến thức và ý chí thuộc tính nhân loại nơi Ngài. Ngài có cả kiến thức và ý chí theo chiều kích nhân loại. Không có kiến thức ấy thì Ngài không thể phát triển khả năng cảm nghiệm; không có ý chí theo chiều kích nhân loại thì ngài không thể vâng lời ý cao hơn. Hơn nữa, cả hai đều quan trọng đối với Ngài là một con người. Là một con người, Ngài có kiến thức của một con người được tạo dựng; là Thiên Chúa, Ngài vượt xa kiến thức của con người. Đây chính là điều mà Gioan diễn tả như “Ngôi Lời” có nghĩa là sự Khôn Ngoan hay Tư Tưởng hoặc sự Thông Biết của Thiên Chúa.

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,và Ngôi Lời là Thiên Chúa. . . Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành, Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Gioan 1:1,3,14).

Tình liên kết thân mật của Ngài với Cha trên trời không phải là do cầu nguyện hay suy gẫm. Những cái này con người có thể làm được. Tình thân của Ngài với Cha trên trời là do sự hiệp nhất trong cùng căn  tính Chủ thể Thiên Chúa.

Nói đến cái tội thông dụng nơi con người như tội kiêu căng hay tự mãn, điều xứng hợp là để đền bù cho tội kiêu căng, Đức Kitô phải thực hành sự vâng phục. Ngài không giống như một người vâng lời để được phần thưởng, hay để xây đắp nhân cách cho tương lai, hơn thế, là Con, Ngài đã no đầy vui hưởng tình yêu của Chúa Cha. Qua cái vui hưởng no đầy này trào ra cái hạnh phục phó thác như con trẻ đối với ý của Chúa Cha. Đây là lý do Ngài tỏ ra khi hàng phục trước cây Thập Gía. Trong khoảng khắc hơn kém một giờ đồng hồ của khổ đau trong vườn Cây Dầu, Ngài muốn nói:

 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy.31 Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây! " (Gioan 14:30-31).

Những việc làm thời thơ ấu của đức Kitô được ghi chép lại là những việc của sự vâng phục, vâng phục theo ý Cha trên trời và theo ý cha mẹ ở trần gian. Ngài dạy rằng nền tảng của sự vâng lời đối với con người cũng là việc vâng lời đối với Thiên Chúa. Những người lớn không vâng lời Thiên Chúa thì cũng đừng trông những người trẻ vâng nghe họ. Tất cả đời sống của Ngài là tùng phục Thiên Chúa. Ngài đã chấp nhận phép rửa bởi Gioan dù Ngài không cần phải làm thế. Ngài chấp nhận vâng lời đóng thuế đền thờ, cho dù Ngài là Con Chúa Cha nên được miễn trừ; và Ngài yêu cầu các môn đệ của Ngài phải thần phục quyền của Vua Caesar. Can-vê phủ bóng ngả trên Bê-lem; bởi đó lúc này nó làm lu mờ những năm vâng lời ở Na-za-ret. Bằng việc vâng phục các thụ tạo, cho dù Ngài là Thiên Chúa, Ngài đã chuẩn bị cho mình sự vâng phục cuối cùng, vâng phục trước cái nhục của Thập Gía.

Mười tám năm tiếp theo, kể từ sau khi lạc mất ở đền thờ, Đấng đã tạo dựng nên trời đất lại đóng vai làm người thợ mộc trong làng, người làm đồ gỗ. Những cây đinh quen thuộc và những khúc gỗ trong xưởng thợ sau này trở nên những dụng cụ của khổ hình cho chính Ngài; và chính Ngài sẽ bị đóng đinh vào một khúc cây. Người ta tự hỏi tại sao lại có một sự chuẩn bị lâu dài cho một sứ vụ vỏn vẹn ngắn gọn có ba năm. Lý do có thể là Ngài chờ đợi cho đến khi bản tính nhân loại mà Ngài đã nhận lấy được phát triển đến mức hoàn hảo, nhờ đó Ngài có thể hiến dâng một hy lễ hoàn hảo lên Chúa Cha trên trời. Bác nông dân chờ đợi cho hạt lúa chín trước khi gặt và cho vào cối xay. Do đó Ngài cũng chờ cho đến khi tính nhân loại nơi Ngài được trưởng thành tới đỉnh cao của yêu thương, trước khi hàng phục những nhát búa giáng do những người đóng đinh Ngài giáng xuống và lưỡi hái của những người muốn cắt chiếc Bánh Hằng Sống bởi trời. Con Chiên mới chào đời chẳng bao giờ dùng để dâng lễ hy tế, nụ hồng cũng không được cắt để tặng cho bạn. Mỗi thứ đều có đúng thời gian hoàn hảo của nó. Bởi Ngài là Con Chiên có thể xếp đặt giờ hiến tế của mình, bởi Ngài là nụ hồng có thể chọn thời điểm để cắt, Ngài đã nhẫn nại chờ đợi, khiêm tốn và vâng lời, trong khi Ngài lớn lên theo thời gian và ân sủng cùng sự khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và con người. Sau đó Ngài tuyên bố: “Giờ đã đến.” Do đó bông lúa mì ngon nhất và rượu đỏ tươi nhất trở nên những yếu tố xứng đáng nhất làm lễ hy tế.

 

Lm. John Kha Tran

 

114.864864865135.135135135250