05/12/2021 -

Sư phạm giáo dục

843
115 vị thánh giữa đời vui (12)

115 VỊ THÁNH GIỮA ĐỜI VUI
115 Saintly Fun Facts

Bernadette McCarver Snyder
Liguori Publications, 1993

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
chuyển ngữ

 
ISIDORE THÀNH SEVILLE


Có bao giờ em giở cuốn bách khoa tự điển ra để tìm một vài sự kiện hay một nhân vật lịch sử không? Vâng, em có biết ai đã gom tất cả mọi sự vào cuốn bách khoa tự điển không? Một vị thánh đã làm điều đó!

Isidore nổi tiếng là người thông thái nhất vào thời đại mình, và cùng với việc xây trường học, viết nhiều sách học thuật, sống thánh thiện, làm giám mục thành Seville, ông đã gom mọi sự vào trong cuốn bách khoa tự điển.

Cuốn bách khoa của Isidore gồm tất cả những kiến thức vào thời ngài và được sử dụng hàng trăm năm như là cuốn sách giáo khoa ở trường. Nhưng thời của ngài là thế kỷ VI – cách chúng ta mười lăm thế kỷ - vì thế nên cuốn bách khoa của ngài rất khác với những cuốn có trong các trường học ngày nay. Sách của Isidore không có những thông tin về điện thoại, truyền hình, máy bay, phi thuyền không gian, đèn điện, lò vi sóng, hoặc nhiều thứ thông dụng khác. Vị thánh này ắt phải ngạc nhiên khi thấy được cuốn bách khoa tự điển ngày nay!

Em có thường dùng cuốn bách khoa để tìm kiếm thông tin hay “những sự kiện nực cười” không? Em nên cố gắng dùng thường xuyên! Tại sao em không ngồi xuống với một cuốn bách khoa tự điển để tìm một vài chủ đề mà em đặc biệt quan tâm. Khi ngón tay em rà trên từng trang giấy, có thể em sẽ gặp thấy tên của Isidore thành Seville.

ISODORE NÔNG DÂN


Vị thánh này trùng tên với Isidore thông thái, người viết bách khoa tự điển – nhưng họ sống khác nhau.

Isidore này sinh ra trong một gia đình nghèo tại Tây Ban Nha, chẳng bao lâu sau thì ông đủ lớn để đi làm việc, ông làm công nhân nông trại, làm việc cho một ông chủ giàu có sở hữu nhiều đất đai bên ngoài thành phố. Ông làm ở nông trại đó suốt cả đời mình, thức dậy sớm mỗi buổi sáng để dự lễ và rồi suốt ngày ở trên cánh đồng.

Isidore cưới một cô gái cũng nghèo như ông, và họ cùng nhau sống một đời sống Kitô giáo thánh thiện. Người ta nói rằng Isidore cầu nguyện cả ngày khi ông cày bừa trên cánh đồng, và ông cũng rộng rãi với những người nghèo khác, rộng tay với những người nghèo hơn ông. Nếu không có gì để cho, ông chia sẻ bữa ăn của mình.

Hai vị thánh này khác nhau về lối sống – nhưng giống nhau trong sự thánh thiện.

Em có thích làm nông dân không? Em trồng cây gì – dây bầu cây bí, củ cải củ khoai, cà rốt dưa leo? Thật tiếc là không có cây trồng nào cho ra bánh chocolate-pie hay kẹo! Em có thể chọn một đời sống rất khác với Isidore nông dân hay Isidore người làm bách khoa tự điển – nhưng em có thể nhớ đến họ như là những gương mẫu khi chọn bất cứ đời sống nào mà vẫn “thánh thiện”!

GIACÔBÊ LỚN

 
Ngài là một tông đồ và là một vị thánh, là anh của một tông đồ và cũng là một vị thánh. Ngài là vị tông đồ đầu tiên tử đạo. Vì thế ngài được gọi là Giacôbê “Lớn” hay “Cả” (còn gọi là Giacôbê Tiền).

Có hai vị tông đồ đều mang tên Giacôbê và đây là người lớn hơn – nên được gọi là Giacôbê Lớn. Nhưng ngài cũng thật sự là một người vĩ đại.

Thật vậy, Chúa Giêsu rất yêu quý Giacôbê nên đã cho ông một “nickname” thật buồn cười! Chúa Giêsu gọi Giacôbê và Gioan em ông là “Những đứa con của sấm sét”! Em có đoán được rằng cái tên đó là do họ có cá tính ồn ào, to tiếng hay nóng tính không?

Em có biết ai có thể gọi được là con của sấm sét không? Một bản tính nóng nảy có thể khiến em gặp nhiều phiền phức! Nhưng có thể một tông đồ phải la lối như sấm sét để dân chúng lắng nghe sứ điệp quan trọng của họ về Chúa Giêsu và tôn giáo mới của Ngài. Nếu em gặp phiền phức với bản tính nóng nảy, hãy cầu xin Thánh Giacôbê giúp đỡ để ăn nói nhỏ nhẹ, hành động dịu dàng và kiềm hãm tính nóng nảy khi nói một điều gì đó thật quan trọng!

GIACÔBÊ NHỎ


Em có thích được mang tên “Nhỏ” không? Vâng, như em có thể đoán được khi đọc về Giacôbê Lớn, “Nhỏ” ở đây có nghĩa là “trẻ hơn” – và trẻ hơn chứ không phải là kém hơn!

Vị thánh Giacôbê trẻ hơn này (còn được gọi là Giacôbê Hậu) cũng là một người đi theo Đức Giêsu. Ngài là giám mục thành Giêrusalem và được cho là tác giả Thư Giacôbê trong Tân Ước. Thật là quá tốt đẹp cho ai đó được gọi là “Nhỏ”!

Em có từng thấy mình “kém hơn” – ít thông minh hơn các bạn, ít mạnh hơn các bạn cùng lớp, ít giàu hơn bạn láng giềng, hay ít nghị lực hơn những người khác trong gia đình? Cảm giác này có làm cho em thấy mình kém cỏi hơn không? Đừng để cho cảm giác kém cỏi ấy quật ngã em! Hầu như hết thảy mọi người đều có một lúc nào đó hay những ngày nào đó thấy mình kém cỏi, nhưng hãy nhớ rằng Thiên Chúa nghĩ em là “nhất hạng”! tại sao? Bởi vì em là một trong những thụ tạo của Ngài, một trong những con cái Ngài, một trong những bạn hữu đặc biệt của Ngài. Vì thế, em hãy ngẩng đầu lên, hãy nâng tâm hồn lên, và nói, “Tôi sẽ trở nên tốt hơn, không kém cỏi đâu. Tôi biết ơn vì tất cả những gì Chúa đã ban cho tôi, tôi sẽ dùng tất cả những ân huệ này để trở nên tốt hơn. Dù cho bất kỳ điều gì xảy ra hay bất cứ ai nói gì với tôi, tôi sẽ nhớ rằng Thiên Chúa yêu thương tôi và nghĩ rằng tôi là nhất hạng!”

JEANNE JUGAN


Em có muốn làm người giúp việc, nấu ăn trong một gia đình giàu có không? Vâng, đó là công việc mà Jeanne đã làm lúc cô 16 tuổi.

Jeanne là một trong tám người con thuộc một đình nghèo sống ở làng chài nhỏ ở nước Pháp. Khi cô lên ba thì người cha hành nghề đánh cá đã chết trong một trận bão trên biển và mẹ cô đã phải chật vật để nuôi sống gia đình.

Jeanne đi làm việc cho một bà quý tộc giàu có, một người rất rộng lượng và thường dẫn Jeanne đi theo khi bà phát thức ăn và thuốc thang cho người nghèo, những người đau ốm trong làng. Sau vài năm, khi Jeanne được 25 tuổi, cô làm việc trong một bệnh viện, chăm sóc người bệnh và dùng thời gian rảnh rỗi để giúp những người vô gia cư đói khát sống trên đường phố. Sau đó, cô lại làm người giúp việc cho một bà quý tộc, và quý bà này cũng giúp Jeanne nuôi những người đói khát sống lang thang đường trên phố.

Cuối cùng thì Jeanne đến ở với một bà cụ 70 tuổi và một cô gái 17 tuổi, cả ba dẫn về nhà những người già neo đơn nghèo khổ từ các đường phố, cho họ chiếc giường riêng và đi xin lương thực về nuôi họ. Chẳng bao lâu sau, các phụ nữ khác đến cũng phụ giúp trong công việc này, và các tình nguyện viên đã đi quyên tiền để họ có thể chuyển đến một tu viện bỏ hoang, sửa chữa nó và sử dụng như một nơi giúp đỡ những người không nơi nương tựa trong số những người nghèo.

Vào năm 1842, nhóm phụ nữ này lập một cộng đoàn tu mới gọi là Dòng Tiểu Muội Người Nghèo (Little Sisters of the Poor) và bầu Jeanne làm bề trên. Bà lấy tên dòng là Chị Maria Thánh Giá (Sister Mary of the Cross). Ngày càng có nhiều phụ nữ nhập dòng, và khi chị Jeanne qua đời ở tuổi 87 thì có hàng trăm nữ tu Tiểu Muội Người Nghèo phục vụ tại nhiều thành phố trên thế giới.

Những năm sau này, chị Maria không còn là bề trên nhưng phụ trách các nữ tu trẻ, họ làm việc tay chân trong tu viện, và nhiều chị trẻ thậm chí không biết chị nữ tu già này là người sáng lập dòng của mình.

Jeanne chưa là thánh, nhưng chị được phong chân phước vào năm 1982 và bây giờ được gọi Chân phước Maria Thánh Giá.

Có thật là điều kỳ diệu không khi mà một cô gái nghèo 16 tuổi bắt đầu làm việc như là người giúp việc lại có thể giúp những người vô gia cư và rồi lại tập hợp một nhóm người phát triển lớn mạnh để giúp đỡ hàng ngàn người trên khắp thế giới? Em đừng bao giờ nghĩ rằng mình quá nghèo, quá trẻ hay quá khờ khạo để làm một công việc quan trọng nào đó! Em cũng đừng chỉ mơ về nó, ao ước nó hay nghĩ về nó – nhưng nếu em thật sự muốn làm một điều gì đó và đang muốn làm việc ấy cũng như cầu xin để làm được việc đó, thì chắc chắn em sẽ làm được bất kỳ điều gì dù quan trọng đến đâu!   
 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn: https://gpquinhon.org/

114.864864865135.135135135250