17/01/2022 -

Sư phạm giáo dục

557
115 vị thánh giữa đời vui (17)

115 VỊ THÁNH GIỮA ĐỜI VUI
115 Saintly Fun Facts

Bernadette McCarver Snyder
Liguori Publications, 1993

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
chuyển ngữ

 
MARGARET BOURGEOYS

Em có muốn đi học trong một chuồng gia súc không? Vâng, đó là nơi mà Thánh Margaret đã dạy học!

Cô sinh ở Pháp trong một vùng đất “văn hóa”, nhưng đã rời nơi ấy để làm nhà truyền giáo ở vùng hoang dã Canada. Cuộc sống nơi này rất khó khăn, nhưng Margaret đã dạy các phụ nữ nấu nướng, khâu vá và chăm sóc gia đình trong miền đất hoang vu như thế này. Thế rồi cô xin ông thống đốc cái chuồng gia súc của ông. Cô dọn dẹp và biến nó thành trường học! Margaret dạy trẻ em thổ dân và con cái của những người định cư Pháp biết đọc, viết và làm toán. Cô cũng dạy các em về Thiên Chúa và nói Thiên Chúa đã yêu thương chúng như thế nào.

Hầu hết các trường học đều là những tòa nhà đẹp đẽ, sạch sẽ và hiện đại; nhưng trong suốt lịch sử, trẻ em đã phải đi học trong những nơi rất kỳ lạ - giống như chuồng gia súc của Margaret. Em có muốn làm thầy cô giáo một ngày nào đó không? Em có muốn đi đến một nơi xa lạ - có thể là vùng hoang dã nào đấy – để làm nhà truyền giáo không? Em muốn trải qua phần còn lại của đời mình như thế nào? Ngày hôm nay, em hãy nghĩ về điều ấy, và bắt đầu lên kế hoạch cũng như học tập để một ngày nào đó em sẽ có đủ “trang bị” – kiến thức và giáo dục – để làm bất cứ công việc nào em muốn!

MARIA GORETTI

Em có tin rằng người giết Maria đã đến để tham dự lễ nghi phong thánh của chị? Thật đó!

Maria sinh ra trong một nông trại nhỏ ở Ý. Mẹ chị nói rằng chị là một đứa trẻ vui vẻ, quảng đại, cởi mở, luôn vâng lời. Khi Maria được 9 tuổi, cha chị qua đời, và sau đó chị phải giúp chăm sóc sáu anh chị em, làm công việc nhà để mẹ chị đi làm ngoài nông trại.

Khi Maria được 11 tuổi – gần 12 – có anh thanh niên tên Alexandre láng giềng đã để ý chị và bắt đầu có những hành động tán tỉnh đối với chị. Chị chống cự lại nhưng không nói với ai vì anh ta nói rằng sẽ giết chị và mẹ nếu chị nói ra. Cuối cùng, một ngày kia, Alexandre không dừng lại và tấn công Maria. Maria cự lại và la lên: “Không, không, đó là điều tội lỗi. Thiên Chúa không muốn điều đó!”.

Alexandre điên cuồng cùng với sợ hãi và giận dữ, đã mù quáng chém chị, đâm chị nhiều nhát dao. Khi có người đến cứu giúp và đưa Maria đi bệnh viện thì quá trễ. Trước khi chết, chị đã tha thứ cho Alexandre và sẽ cầu nguyện cho anh.

Alexandre đi tù và 8 năm sau lời cầu nguyện của Maria mới được nhậm lời. Alexandre đã thay đổi tâm hồn và cải thiện lối sống. Cuối cùng anh được ra tù vì cải tạo tốt, 27 năm sau khi giết người. Nơi đầu tiên mà anh đi đến là nhà mẹ của Maria để xin tha thứ. Rồi anh trở thành trợ sĩ (lay brother), sống cuộc đời tốt đẹp và đáng phục. Nhiều năm sau đó, Alexandre đã đi đến Rôma – cùng với mẹ và các anh chị em của Maria – khi cô gái nhỏ mà anh đã giết được phong thánh.

Nhiều chương trình trên truyền hình hiện nay chiếu những câu chuyện về những người có đời sống vô đạo lý mà không ai la lên “Không, không, đó là điều tội lỗi. Thiên Chúa không muốn điều đó!” Nếu em xem những chương trình truyền hình như thế này thì hãy đổi sang chương trình khác hay hơn, tốt đẹp hơn. Rồi hãy viết thư cho những người phụ trách chương trình và nói với họ rằng: “Không, ông không nên bảo trợ cho những chương trình như thế này. Thiên Chúa không muốn điều đó!”

MARTIN DE PORRES

Vị thánh này cố gắng giúp đỡ tất cả những người nghèo của Thiên Chúa – những trẻ mồ côi, người nghèo và đau ốm, thậm chí chó mèo đi lạc.

Martin sinh ở Lima, nước Pêru. Cha ông là hiệp sĩ Tây Ban Nha, mẹ ông là một phụ nữ da đen đến từ Panama. Khi Martin được 12 tuổi, ông học làm thợ hớt tóc – phẩu thuật (vào thời ấy, thợ hớt tóc không chỉ cạo râu hớt tóc! Họ còn chữa bệnh và phát thuốc).

Ba năm sau, Martin rời bỏ công việc để gia nhập dòng Đaminh – không phải để làm linh mục mà làm tu huynh. Ông tiếp tục phát thuốc cho người nghèo và chịu trách nhiệm phân phát phần ăn hằng ngày của tu viện cho người nghèo. Chẳng bao lâu sau, ông mở một cô nhi viện và bệnh viện cho trẻ bị bỏ rơi (những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi). Ông cũng chăm lo các nô lệ châu Phi bị đưa đến Pêru – đi thăm họ trên bến tàu và an ủi cũng như cho họ lương thực và thuốc thang.

Người ta nói rằng Martin giúp đỡ bất cứ ai cần mền, quần áo, nến thắp, phép lạ hay cả lời cầu! Thậm chí ông còn giúp cả những con vật bằng cách cho những chú chó mèo hoang cư trú nơi nhà của chị mình!

Martin là thánh bổn mạng của sự công bình giữa các chủng tộc. 

Em có biết ai giống Thánh Martin không – những người bất cứ khi nào cũng sẵn sàng chìa tay ra để giúp đỡ bất cứ ai cần đến? Có thể em sẽ là một người giống như thế. Hãy nghĩ về điều đó!

MARIA MẸ ĐỨC GIÊSU

Vị “thánh” đặc biệt này chắc chắn là Kitô hữu đầu tiên. Maria là người đầu tiên đón chào Đức Giêsu đến thế gian khi nói lời “xin vâng” để làm mẹ Đức Giêsu.

Maria là người chăm sóc Đức Giêsu khi còn bé, nhìn thấy Ngài bước những bước đi đầu tiên, nghe Ngài nói những tiếng nói đầu tiên. Mẹ nấu cho Ngài những bữa ăn, giặt áo quần và có lẽ đã “hôn’” khi Ngài té ngã, trầy đầu gối, vấp ngón chân hay sưng tấy.

Maria hẳn đã cười với Giêsu và ta cũng biết mẹ đã khóc khi Ngài bị chế giễu, bắt bớ và đóng đinh.

Maria đã vui mừng khi Con mình sống lại từ cõi chết, và rồi mẹ đã ở với bạn bè của Ngài, các môn đệ, và có lẽ cũng đã chăm sóc họ nữa khi họ bắt đầu rao giảng tin mừng Kitô giáo, bắt đầu một giáo hội mới. Maria có lẽ cũng đã an ủi họ khi dân chúng chế nhạo họ y như dân chúng chế nhạo Người Con của mình.  

Nhưng Maria còn hơn là một người an ủi. Mẹ là một thủ lãnh. Mẹ là người đầu tiên nói tiếng “vâng”. Mẹ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhưng dịu dàng trong Giáo Hội sơ thời cũng như trong Giáo Hội ngày nay. Mẹ là mẫu gương cho mọi thời đại.

Bất cứ khi nào em cần một mẫu gương, một ai đó gợi lên trong em sự mạnh mẽ nhưng dịu dàng, khiêm tốn nhưng anh dũng, thì hãy nhìn vào Đức Maria. Hãy đọc “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc – xin hãy giúp con làm một người Công giáo tốt. Thiên Chúa ở cùng Mẹ và cùng con; xin hãy giúp con nhớ điều đó. Khi Thiên Chúa xin Mẹ hiến dâng đời sống mình cho Đức Giêsu, Mẹ đã nói “vâng” – xin hãy giúp con cũng nói tiếng “xin vâng” nữa”

MATILDA

Vị thánh này có người chồng tên là Henry “Người bẫy chim” vì ông rất thích săn chim ưng. Bà có ba con trai – một người là hoàng đế, một người là công tước và một người là tổng giám mục!

Matilda, đôi khi được gọi là Maud, là con gái của một công tước và kết hôn với một công tước, người sau này làm vua nước Đức. Khi bà làm hoàng hậu, cả Matilda và chồng mình đều là những nhà cai trị tử tế - giúp đỡ người nghèo và các tù nhân, dạy dỗ về Thiên Chúa và góp tiền cho nhiều tổ chức bác ái.

Sau khi Henry qua đời, hai trong số các con trai đã chỉ trích bà vì đã “phung phí” cho việc bác ái. Vì thế, Matilda đã giao cho họ hết phần thừa kế của mình và rời cung điện. Nhưng một ít năm sau, bà quay trở lại và một lần nữa nắm phần tích cực trong việc cai trị vương quốc và lại trở nên “phung phí” trong việc giúp đỡ người nghèo.

Em có bao giờ “phung phí” và tiêu pha nhiều hơn người khác không? Em có chi tiêu nhiều tiền vào những gì em muốn hay cho nó đi giống như Matilda không? Nhiều người tiêu nhiều tiền của vào những mốt thời trang điên khùng và “quá trớn” cho chính họ nhưng lại dè sẻn để giúp đỡ người nghèo và kẻ đói khát. Có lẽ sẽ có ít người nghèo và kẻ đói khát hơn nếu người ta chịu “phung phí” một ít khi giúp đỡ người khác. Em nghĩ thế nào?      

 
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Nguồn: https://gpquinhon.org/

114.864864865135.135135135250