23/01/2022 -

Sư phạm giáo dục

741
115 vị thánh giữa đời vui (19)

115 VỊ THÁNH GIỮA ĐỜI VUI
115 Saintly Fun Facts

Bernadette McCarver Snyder
Liguori Publications, 1993

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
chuyển ngữ

 
PEREGRINE LAZIOSI

Vị thánh này không ở yên một chỗ được! Truyền thuyết nói rằng trong ba mươi năm ông không bao giờ ngồi xuống! Em có tưởng tượng ra điều đó không?

Khi còn trẻ, Peregrine tranh cãi với một linh mục đại diện cho giáo hoàng, và Peregrine đã đấm vào mặt ông ấy. Vị linh mục giơ má bên kia – như Đức Giêsu đã nói trong Kinh Thánh. Điều này khiến Peregrine ngạc nhiên đến nỗi ông quyết định thay đổi tính nóng nảy của mình.

Sau đó, Peregrine cũng trở thành linh mục và quyết định tiến đến sự hoàn thiện và không bao giờ ngồi! Ông nổi tiếng thánh thiện, về cách rao giảng và giúp đỡ những ai có nhu cầu. Peregrine sống đến tám mươi tuổi và như thế rõ ràng cứ đi đi luôn mãi thì thật là tốt cho ông!

Ngày hôm nay em hãy ngồi xuống! Hãy nhắm mắt lại và cứ xem như có tấm thảm bay đưa em đi khắp mọi nơi em muốn. (Em đã có tấm thảm bay rồi đó, nó là trí tưởng tượng của em!) Nào! Bây giờ thì em sẽ đi đâu – đến Rôma, Thánh Địa hay Sao Hỏa? Bất cứ nơi nào em đến thì đó cũng là nơi mà Thiên Chúa đã tạo dựng! Em không phải du hành một mình vì Thiên Chúa cùng đi với em. Đó là một ý tưởng vui phải không? Bất cứ là em đi bao xa hay đi cách nào thì Thiên Chúa luôn đồng hành với em – vì thế em sẽ không bao giờ cô đơn hay cô độc!

PHÊRÔ CLAVER

Đây là vị thánh được gọi là “nô lệ của các nô lệ”! Ông sinh ra ở Tây Ban Nha và tốt nghiệp Đại học Barcelona trước khi trở thành linh mục dòng Tên, đi làm việc tại Cartagena (bây giờ là Colombia), lúc bấy giờ là cảng trung tâm, hay “nhà phân phối” cho dịch vụ buôn bán nô lệ.

Điều kiện sống ở đấy thật khủng khiếp nhưng Phêrô luôn ở cùng với các nô lệ, cho họ ăn uống và thuốc thang, nỗ lực làm cho các cấp chính quyền đối xử với họ tử tế hơn. Một khi trở thành bạn của họ, ông dẫn theo một đoàn thông dịch viên có thể nói các thổ ngữ châu Phi và nói với các nô lệ về Kitô giáo. Mặc dù tình trạng tuyệt vọng của họ, ông cũng cố nói với họ rằng Thiên Chúa đã chết cho họ và yêu thương họ như con cái.

Người ta nói rằng trong suốt bốn mươi năm làm việc với các nô lệ, Phêrô đã rửa tội cho ba trăm ngàn người! Ông đã trở nên nguồn cảm hứng cho những người Công giáo Mỹ Phi.

Em có biết ai là nguồn cảm hứng không – một thầy cô giáo, một người bà con hay một người bạn? Ai là nguồn cảm hứng lớn nhất trong đời em? Có thể đó là một người mà em gặp mỗi ngày, hay có thể đó là người mà em chưa từng nói chuyện mà chỉ đọc về người ấy. Bất kỳ là ai, tại sao em không kể về người ấy! Nếu thấy bối rối khi tự mình đi nói lời cảm ơn thì tại sao em không viết thư nặc danh gởi cho “người gây cảm hứng” đặc biệt của riêng mình. Đó sẽ là bí mật của em – nhưng là lời cám ơn của em có thể gây “cảm hứng” cho người là nguồn cảm hứng cho em!   

PHÊRÔ MARIA CHANEL

Có thể gọi vị thánh này là “học trò cưng” vì ông rất được thầy cô yêu mến ở trường. Nhưng ông cũng được bạn bè yêu quý nữa!
Phêrô là cậu bé chăn chiên lúc bảy tuổi, nhưng cha sở thấy cậu thông minh nên xin cha mẹ cậu cho cậu vào học trường giáo xứ. Phêrô là “học trò gương mẫu” ở đó và cả sau này khi ở chủng viện cũng thế!

Sau khi thụ phong linh mục, Phêrô xin đi truyền giáo và được sai đi cùng một nhóm nhỏ các nhà truyền giáo đến hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. Dân bản địa chào đón họ và chẳng bao lâu sau các linh mục học tiếng địa phương và bắt đầu rao giảng, nhiều dân bản xứ xin chịu phép rửa tội.

Điều này làm cho vị tù trưởng ghen tức và nghi ngờ các nhà truyền giáo. Nhưng khi đứa con trai của vị tù trưởng quyết định trở thành người Công giáo, sự ghen tức biến thành căm ghét, và vị tù trưởng sai một đoàn chiến binh đến tấn công các linh mục. Phêrô bị giết và trở thành tử đạo (một người chết vì đức tin), nhưng cái chết của ngài đã trở thành chiến thắng! Khi người dân nghe biết chuyện đã xảy ra, càng có nhiều người hơn nữa đến xin chịu phép rửa tội, và trong một vài tháng, cả đảo quốc đều theo Công giáo!

Trong lịch sử Giáo Hội – thậm chí những năm gần đây – nhiều người đã hiến dâng mạng sống mình để loan truyền lời Chúa. Một ít người đã có những hy sinh vĩ đại, thế nhưng các tử đạo là những tấm gương sáng cho em và tất cả các Kitô hữu, họ chỉ được đòi hỏi những hy sinh nho nhỏ thôi!

PHÊRÔ NOLASCO

Khi Phêrô được 15 tuổi, cậu đã thừa hưởng một gia tài! Ôi trời! Một cậu bé tuổi teen với một gia tài. Em đoán xem cậu ta làm gì với nó?

Vâng, vào thời đại của Phêrô – nước Pháp thế kỷ XIII – không có xe ôtô thể thao hay quần Jeans được thiết kế riêng – nhưng có nhiều đồ đẳng cấp mà cậu ta có thể mua bằng tiền của mình. Nhưng Phêrô đã quyết định dùng tiền để chuộc nô lệ – nghĩa là để mua lại những con người.

Có lẽ em từng nghe về những kẻ bắt cóc, họ bắt lấy ai đó làm con tin và đòi tiền chuộc – rất nhiều tiền – để trả tự do cho người bị bắt cóc. Vâng, vào thời Phêrô, phần lớn Tây Ban Nha bị người Moors cai trị, và em có thể gọi họ là những kẻ bắt cóc. Họ ghét các Kitô hữu nên bắt các Kitô hữu làm việc như các nô lệ!

Phêrô đã nghe điều này và thấy xót xa cho những nô lệ nên ông nảy sinh ý tưởng rằng có lẽ người Moors sẽ lấy tiền chuộc để đổi nô lệ. Phêrô đi từ nước Pháp đến Barcelona, nước Tây Ban Nha, và “thương lượng” với người Moors để chuộc các nô lệ Kitô hữu! Khi những người khác nghe biết điều này, nhiều người cũng đã quyết định giúp Phêrô, và họ gọi nhóm của mình là “Dòng Đức Bà Cứu Chuộc” (The Order of Our Lady of Ransom). Họ gây quỹ để chuộc lại các nô lệ Kitô hữu!

Nếu em đánh cá ngựa, trúng số hay bổng nhiên hưởng một gia tài, em sẽ làm gì với nó? Dù em chỉ có một số tiền trợ cấp nhỏ song dường như đó là cả một gia tài đối với những người nghèo trong những phần đất khác trên thế giới. Em có biết rằng một số người đã cho một phần của cải mình có để giúp đỡ người khác không? Mỗi lần có một số tiền nào đó, em hãy cho một ít cho Giáo Hội hay làm việc bác ái. Xem như đóng thuế thập phân như trong Kinh Thánh có nói đến. Em nghĩ sao về điều này?

PHILIP THÀNH ZELL

Ông Trời có mắt! Ăn cắp của ai đó thật là điều không mấy tốt, nhưng tệ hơn hết là ăn cắp của một vị thánh! Có vài kẻ cắp đã thử làm điều đó và Thánh Philip đã bắt được họ!

Philip sống ẩn tu trong rừng, canh tác vườn tược và cầu nguyện suốt ngày. Dân làng quanh đấy biết ông là người thánh thiện nên thường đến thăm ông để xin giúp đỡ và lời khuyên. Ngay cả nhà vua cũng đến thăm và nói chuyện với Philip về sự thánh thiện. Nhưng một đêm kia, Philip có một loại khách khác đến thăm.

Mấy tên ăn cắp đến và lấy đi hai con bò mà Philip dùng để cày mảnh vườn. Suốt đêm ấy, bọn cắp đi lang thang với hai con bò, tìm lối ra khỏi khu rừng – nhưng vì một lý do nào đó, chúng không tìm thấy lối ra! Đến sáng, chúng thấy mình lại quay trở lại nơi chúng đến ban đầu – trước ngôi nhà nhỏ của Philip!

Mấy kẻ cắp kinh ngạc đến nỗi quỳ xuống và cầu xin thánh nhân tha thứ. Hẳn nhiên, chẳng những Philip tha thứ nhưng còn mời bọn chúng vào nhà, cho ăn uống và đối xử như những vị khách, rồi cho chúng đi về.

Chắc em đoán rằng những kẻ cắp này đã học được một bài học và không bao giờ ăn cắp của ai nữa?

Có ai ăn cắp vật gì của em chưa? Thật kinh khủng khi ăn cắp thứ gì của ai đó. Hôm nay, thật tốt để em “ăn cắp” một ít thời gian thinh lặng để ở một mình. Đừng nghe nhạc, xem truyền hình, nghe radio hoặc tiếng nói của một ai đó. Chỉ thinh lặng, ở một mình nơi nào đó và lắng nghe. Có thể em nghe tiếng gió thổi hay chim hót. Em có thể tưởng tượng mình giống như Philip sống trong khu rừng, lánh xa mọi tiếng ồn ào của ngôi làng gần nhất, một mình với gió, chim và Thiên Chúa. Có lẽ em sẽ nghe được tiếng Chúa nói khẽ, trong đầu và tâm hồn em, Ngài nói với chính em.  
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Nguồn: https://gpquinhon.org/

114.864864865135.135135135250