27/02/2022 -

Sư phạm giáo dục

1009
115 vị thánh giữa đời vui (22)

115 VỊ THÁNH GIỮA ĐỜI VUI
115 Saintly Fun Facts

Bernadette McCarver Snyder
Liguori Publications, 1993

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
chuyển ngữ

SCHOLASTICA

Nếu em đã đọc về Thánh Bênêđictô trong cuốn sách này thì hẳn đã biết rằng Thánh Scholastica có một người anh nổi tiếng. Nhưng Thánh Bênêđictô cũng có một cô em nổi tiếng nữa!

Như Thánh Bênêđictô thành lập một dòng nam thì Scholastica cũng thành lập một dòng nữ. Nhà dòng của bà là một trong những dòng tu đầu tiên được thành lập cho các phụ nữ ở Âu châu, và nó tạo nên sự khác biệt trong cách sống của nhiều phụ nữ.

Các phụ nữ thời ấy không có nhiều lựa chọn trong cuộc sống. Nếu một cô gái sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cô trở thành tôi tớ và cưới một anh thanh niên nghèo, chật vật nuôi sống gia đình, chẳng mấy “triển vọng” gì tốt hơn cho đời sống của chính cô và con cái. Nếu được sinh ra trong gia đình hoàng tộc, cô sống đời vương giả mà thường là được quy định với những luật lệ phải tuân theo trong triều đình hay lâu đài. Nhiều cô phải kết hôn với những người thậm chí không quen biết vì hôn nhân sẽ tạo nên “sự liên kết hoàng tộc” cho hai gia đình.

Chỉ một ít phụ nữ biết đọc biết viết, và rất ít cơ hội cho các phụ nữ sống một đời hữu ích ở bên ngoài lâu đài, triều đình hay ở nhà. Tu viện của Scholastica – và những tu viện được mở trong thời gian sau này – đã hiến tặng cho các phụ nữ một nơi chốn để được giáo dục, có bầu bạn, một đời sống cầu nguyện và làm việc, một thay thế đáng quý so với đời sống hôn nhân (đặc biệt là hôn nhân “được sắp đặt” với người xa lạ!).

Em có từng quen biết ai đi tu không? Em có từng có giáo viên là một nữ tu? Suốt thời gian qua, từ những ngày đầu tiên của Giáo Hội, nhiều phụ nữ đã gia nhập các dòng tu. Một vài người trong họ đã trở nên nổi tiếng là người đứng đầu các bệnh viện, trường học, cô nhi viện, các học viện và những công việc quan trọng khác. Nhiều người không nổi tiếng nhưng đã sống một cuộc đời vui tươi và hữu ích. Giáo Hội nợ lòng tri ân đối với những phụ nữ thánh thiện này đã hiến đời sống mình để phục vụ Giáo Hội. Ngày nay, Giáo Hội cần nhiều phụ nữ trẻ giống như thế. Hôm nay, em hãy đọc một kinh để có được nhiều cô gái trẻ trong thế hệ của em lựa chọn phục vụ Thiên Chúa bằng cách đi tu hay thậm chí thành lập một dòng tu mới như Thánh Scholastica!

SENNEN VÀ ABDON

Cái gì vậy? Em chưa bao giờ nghe tên các vị thánh này phải không – những cái tên nghe như nước súc miệng! Vâng hai vị thánh này là những quý tộc người Ba Tư đã bị bắt vì “tội ác” khủng khiếp là làm người Kitô hữu! Họ bị mang gông và dẫn đến Rôma, nơi họ được truyền là hãy từ bỏ cái Kitô giáo “ngu xuẩn” và tôn thờ những thần thánh của người Rôma. Điều ấy thật quá dễ.

Vì là những quý tộc nên Sennen và Abdon có lẽ có nhiều tiền của để sống cuộc đời tốt đẹp – và muốn duy trì đời sống ấy. Thế nên tất cả những gì họ phải làm là đồng tình với người Rôma và nói rằng Kitô giáo là một tôn giáo không tốt và họ không muốn làm Kitô hữu nữa. Đó là điều khôn ngoan phải làm, đúng hay sai?

Sennen và Abdon hết lòng tin vào Đức Giêsu Kitô và tôn giáo của Ngài. Họ không thể phản bội đức tin của mình. Vì thế những người Rôma đã làm gì? Họ nổi điên lên và sai binh lính đem hai nhà quý tộc can trường này giết đi. Sennen và Abdon thà chịu chết hơn là từ bỏ đức tin Kitô giáo của mình. Em có nghĩ đến bất kỳ một người bạn Kitô giáo nào can trường như thế không? Còn em thì sao?

Có lẽ em không bao giờ bị “mang gông” nhưng có rất nhiều lúc người ta nói với em rằng Kitô giáo là một tôn giáo “ngu xuẩn” và em nên từ bỏ nó. Thậm chí họ còn bảo rằng Thiên Chúa không yêu em (đây mới là điều ngu xuẩn bởi vì Thiên Chúa luôn yêu em). Họ bảo rằng em nên làm công việc của mình hơn là công việc của tôn giáo đó. Em sẽ nói với họ như thế nào?

SEVERINUS BOETHIUS

 Có lẽ em chưa từng nghe đến Boethius, nhưng thời xưa ở Rôma đã có rất nhiều người nghe biết và thán phục ngài.

Boethius sinh ra trong một gia đình danh giá vào một thời gian sôi động và nguy hiểm trong lịch sử. Cha ngài là một quan chức và trong nhà lúc nào cũng có khách đến nói chuyện về những gì đang xảy ra trên thế giới vào thời ấy – thời suy sụp của đế quốc Rôma, bắt đầu những quốc gia mới, những tin tức và nhãn quan về thành phố của mình. Boethius thích đọc, nghiên cứu và nghe tất cả những cuộc bàn luận này.

Boethius muốn chia sẻ tất cả những kiến thức của mình với người khác, nhưng vào thời ấy thì ít người biết đọc, và con số ít người biết đọc ấy thì chỉ có thể đọc được tiếng Latinh. Boethius học tiếng Hy Lạp để có thể đọc tất cả những ý tưởng của các triết gia Hy Lạp như Aristốt và Platon. Rồi thì Boethius dịch sang tiếng Latinh tất cả gì mình biết để người dân Rôma có thể biết như mình. Họ mê say tất cả những ý tưởng mới về chính trị, âm nhạc, khoa học, toán học, triết học và thần học. Và họ biết ơn Boethius vì công việc của ông.

Trong hàng trăm năm, không có bản dịch Latinh nào từ tiếng Hy Lạp ngoại trừ các tác phẩm của Boethius! Boethius đặc biệt thích học biết về Thiên Chúa, và ông đã viết một cuốn sách về Chúa Ba Ngôi mà ngày nay vẫn còn một số người đọc. Một cuốn sách khác của ông là “sách bán chạy nhất” trong hàng ngàn năm và được hầu hết những người trí thức ở Âu châu đọc trong rất nhiều năm. Boethius chỉ mới 44 tuổi khi qua đời, nhưng trong một thời gian ngắn như vậy ông đã có những thành tựu vĩ đại. Đời sống tốt đẹp và sách của ông đã gây cảm hứng cho hàng ngàn người trong hàng trăm năm, và ông vẫn còn là nguồn cảm hứng cho ngày nay, hơn 1.500 năm sau cái chết của ông.    

 Ngày nay, máy tính, truyền hình và truyền thông trực tuyến giúp ta dễ dàng biết được mọi người đang làm gì và nghĩ gì trên khắp thế giới. Tuy nhiên, thường là chúng ta chỉ nghe những tin xấu thay vì nghe những điều mà Boethius đã viết – những ý tưởng mới trong giáo dục, triết học và tôn giáo. Hãy nhìn vào báo chí hiện nay để xem có mấy câu chuyện tốt mà em có thể tìm thấy. Rồi thì em hãy tìm xem có bao nhiêu chuyện nói về Thiên Chúa!

STANISLAÔ KOSTKA
 
Em có một người anh hay nhạo và chọc em không? Hay có em có người bạn nào có người anh như thế? Vâng, đó là kiểu người anh của Thánh Stanislaô!

Stanislaô và người anh Phaolô của mình là con của một nghị viên nước Ba Lan, có gia sư riêng để dạy hai anh em ở nhà cho đến khi Phaolô được 16 tuổi và Stanislaô 14 tuổi. Người cha gởi họ sang học một trường ở Vienna.

Phaolô chỉ muốn sống hưởng thụ còn Stanislaô thì nghiêm túc và cần mẫn, muốn trở thành một linh mục. Phaolô không hiểu nên chế giễu và đùa cợt Stanislaô trong hai năm. Stanislaô không thể xin cha mình giúp đỡ bởi vì ông cũng không muốn cho mình làm linh mục.

Cuối cùng, Stanislaô quyết định đi bộ đến Rôma – một hành trình dài 350 dặm (khoảng hơn 560 cây số) – và xin gia nhập vào một chủng viện dòng Tên ở đấy. Chẳng bao lâu sau, Phaolô thấy em mình biến mất và tìm kiếm để đưa em trở về, song anh không tìm thấy. Stanislaô tìm đến một ngôi trường nơi một linh mục nhận anh vào và giúp anh tiếp tục hành trình đi đến Rôma.

Stanislaô được các cha dòng Tên chấp nhận ở Rôma và anh rất vui khi ở đó, nhưng cái nóng mùa hè ở Rôma hành hạ anh, khiến anh luôn bị ngất và bệnh. Khi cha anh nghe tin Stanislaô đã vào dòng Tên thay vì nghe lời khuyên của ông, ông nổi giận và sai Phaolô đem em mình trở về nhà. Nhưng những chuyến du hành rất chậm vào thời đó, khi Phaolô đến Rôma, tức giận và sẵn sàng chế nhạo em mình nhiều hơn nữa cũng như buộc em phải về nhà thì đã quá trễ. Người em đã qua đời. Cú sốc quá kinh khủng, Phaolô bắt đầu suy nghĩ lại cách hành động của mình. Anh hối hận vì cách mình cư xử với Stanislaô, vì tất cả những chế nhạo đối với em. Phaolô không bao giờ vượt qua cú sốc. Anh đã trải qua phần đời còn lại với mong muốn sống tử tế hơn với người em của mình.

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, khi Phaolô được 60 tuổi, ông quyết định gia nhập dòng Tên – y như người em của mình đã làm từ nhiều năm trước đó.

Em từng có hành động ác ý nào với ai đó trong gia đình không? Vâng, đừng cảm thấy quá tệ - ngay cả các thánh cũng có người thân chế giễu họ. Nhưng điều ấy không có nghĩa là em cứ tiếp tục làm điều ấy! Thật quá dễ khi đùa nhạo người khác nhưng không mấy vui khi người khác nhạo mình! Vì thế, lần tới khi em bắt đầu nói những điều ác ý với người khác thì hãy nghĩ mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu người khác nói những điều ấy với mình. Hãy nghĩ về Thánh Stanislaô và rồi đừng chế nhạo nữa – làm ơn đi!

TARASIUS
 
 Vị thánh này là thư ký cho một cậu bé 10 tuổi! Và cậu bé 10 tuổi đó là một hoàng đế!

Tarasius làm việc cho hoàng đế Constantinô VI, khi bà mẹ ông là hoàng hậu Irene mới là nhà cai trị thật sự. Sau này, bà bổ nhiệm Tarasius làm Thượng phụ giáo chủ thành Constantinople. Đây là một vị trí rất cao trong Giáo Hội, nhưng vào thời ấy thì Giáo Hội ở Constantinople bị “tách biệt” ra khỏi giáo hoàng vì những cuộc chiến giữa các hoàng đế.

Tarasius chấp nhận vị trí mới chỉ với điều kiện là ngài được phép triệu tập công đồng và ổn định những khác biệt để phần lãnh thổ này có thể ‘hòa giải” lại với giáo hoàng.  

Sau khi tổ chức công đồng thành công, Tarasius tiếp tục làm việc hăng say và cầu nguuyện rất nhiều để cải cách hàng giáo sĩ và người dân. Ngài rất bác ái và thăm viếng từng “gia đình nghèo” và bệnh viện trong thành để chắc chắn rằng không người nghèo nào bị bỏ sót.

Tarasius đi từ chức vụ thư ký cho người đứng đầu một quốc gia đến lãnh đạo Giáo Hội của quốc gia ấy! Và ngài đã làm tốt cả hai công việc.

Em có biết thư ký là loại công việc gì không? Các thư ký có những công việc quan trọng. Họ ghi chú những cuộc họp, sắp xếp những bổ nhiệm, đánh máy những bức thư do “ông chủ” đọc, điều hành những công việc lớn nhỏ để văn phòng hoạt động trơn tru. Em có thích làm thư ký không? Tại sao em không làm thư ký cho nhà mình trong một ngày và đảm đương nhiều công việc hết sức có thể để nó hoạt động trơn tru!

 
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Nguồn: https://gpquinhon.org/

114.864864865135.135135135250